Phải “an cư” mới ổn định công tác

Rõ ràng, trong thời điểm hiện nay, việc điều động giáo viên biệt phái là cần thiết và giải được bài toán thiếu hụt trầm trọng cán bộ ở các phòng Giáo dục & Đào tạo. Nhưng, để các giáo viên yên tâm thì cần một chính sách lâu dài. Hoặc, nếu không cũng cần có những giải pháp để các phòng sớm ổn định tổ chức, ổn định công tác.

Theo quy định của Nhà nước, phòng Giáo dục & Đào tạo các huyện thành thị trực thuộc UBND huyện và biên chế của phòng nằm chung trong biên chế của các UBND huyện. Thực tế, trong 10 năm qua, biên chế giao cho cơ quan HĐND&UBND cấp huyện được tăng thêm nhiều, điển hình như năm 2018, UBND thị xã Cửa Lò giao 67 biên chế và UBND thành phố Vinh giao 158 biên chế. Tuy nhiên, ngoài thành phố Vinh thì tất cả các huyện (thị xã) còn lại đều không bố trí đủ số biên chế công chức tối thiểu 9 người cho phòng Giáo dục theo hướng dẫn tại Công văn số 6612/UBND-TH của UBND tỉnh, dẫn đến bố trí số viên chức biệt phái nhiều hơn số lượng thông báo của Sở Nội vụ.

Cụ thể, theo Công văn 6612, 21 phòng Giáo dục & Đào tạo sẽ có 189 công chức và được giao thêm 120 viên chức. Nhưng, hiện nay, các phòng chỉ có 89 công chức (thiếu 100 công chức), viên chức có 219 người (vượt 99 người). Trong đó, một số huyện bố trí công chức quá ít như Quế Phong (2 người), Tân Kỳ, Hưng Nguyên, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn (3 người); hoặc bố trí viên chức biệt phái thấp hơn của tỉnh giao như Tương Dương chỉ bố trí 4 người, khiến áp lực công việc của phòng lên các vị trí chuyên viên quá nhiều.

Trong thời gian qua, việc điều động viên chức biệt phái thực hiện theo Điều 36 của Luật Viên chức năm 2010 và khoản 2, Điều 26 của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước cũng quy định: “Thời hạn biệt phái viên chức không quá 03 năm. Trường hợp một số ngành, lĩnh vực đặc thù yêu cầu phải có thời hạn biệt phái dài hơn thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành”. Tuy vậy, do không có văn bản pháp luật riêng của ngành Giáo dục & Đào tạo để quy định thời gian biệt phái dài hơn 3 năm. Vì vậy, để đảm bảo được yêu cầu công việc, nên các đơn vị đều bố trí viên chức biệt phái theo hình thức đối phó: khi hết thời hạn 3 năm, điều động về đơn vị cũ, sau đó lại điều động biệt phái trở lại phòng Giáo dục & Đào tạo. Điều này, vô tình cũng khiến không ít giáo viên biệt phái vướng vào việc làm sai và hưởng sai các chính sách biệt phái theo tinh thần Công văn 6621. “Việc quy định 3 năm khiến chúng tôi không thể giữ được viên chức đã có thâm niên công tác lâu năm theo đúng quy định.

Trong khi đó, công việc ở phòng Giáo dục & Đào tạo lại đòi hỏi những người có công tác chuyên môn, có kinh nghiệm” – ông Kha Văn Lập – Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Tương Dương cho hay. Hiện Tương Dương cũng là phòng có số lượng cán bộ ít nhất tỉnh, trong đó có 4  công chức và 4 viên chức biệt phái. Trong năm nay, đã có 3 viên chức ở phòng Giáo dục Tương Dương xin chuyển về trường. Nhưng phòng lại không điều được, thậm chí “không dám điều” giáo viên ở trường về phòng. Vì thiếu nhân viên, thỉnh thoảng phòng lại nhờ một cô giáo tiểu học lên làm văn thư.  Qua 6 năm triển khai, cũng bộc lộ những bất cập trong các văn bản. Ngay như Công văn 6612/UBND – TH của UBND tỉnh chỉ mang tính chất hướng dẫn, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng: Việc viên chức biệt phái phòng Giáo dục & Đào tạo hưởng các chế độ phụ cấp như đối với nhà giáo là chưa phù hợp.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trước khi được điều động về phòng Giáo dục & Đào tạo, các giáo viên biệt phái đều là những cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn ở các trường (hầu hết là hiệu trưởng, hiệu phó). Vì vậy, theo ông Chu Văn Long – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ – Sở Giáo dục & Đào tạo: Nếu họ không có bất cứ một chế độ phụ cấp nào thì tạo nên sự bất bình đẳng trong đội ngũ công chức, viên chức ở phòng Giáo dục & Đào tạo. Hơn thế, các huyện gặp khó khăn trong việc điều động cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về công tác tại phòng Giáo dục & Đào tạo, ảnh hưởng trong việc quản lý chuyên môn theo yêu cầu.

Trước nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, chính sách biệt phái đến thời điểm này đã không còn tạo được sức hấp dẫn cho các giáo viên khi về phòng Giáo dục & Đào tạo, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Qua tìm hiểu nhiều giáo viên thuộc diện biệt phái cũng chia sẻ rằng: Không chỉ bất cập về chế độ, giáo viên biệt phái khi về phòng cũng không có nhiều cơ hội phát triển. Bởi lẽ muốn làm cán bộ quản lý ở phòng Giáo dục thì điều đương nhiên, địa phương chỉ quy hoạch những đối tượng là công chức, trực thuộc biên chế của UBND các huyện, thành, thị.

Trước thực tế này, hiện Sở Giáo dục & Đào tạo cũng đã xin ý kiến các sở, ban, ngành để xây dựng nghị quyết về việc bố trí công chức, viên chức và chế độ hỗ trợ đối với viên chức phòng Giáo dục & Đào tạo. Theo đó, Sở Giáo dục & Đào tạo cũng đã đề xuất ba giải pháp: giải pháp thứ nhất là giữ nguyên hiện trạng (thực hiện theo CV 6612); giải pháp thứ 2 là căn cứ đề án vị trí việc làm UBND huyện sẽ bố trí tối thiểu 10% công chức làm việc tại phòng Giáo dục & Đào tạo trong tổng số công chức được giao hàng năm của UBND cấp huyện (hiện chỉ mới được 5 – 7%) và bố trí viên chức làm việc trong tổng viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, bảo đảm tổng số công chức, viên chức mỗi phòng từ 13 đến 15 người (cụ thể theo quy mô giáo dục từng huyện). Ngoài ra, viên chức làm việc ở phòng Giáo dục & Đào tạo được hưởng chế độ hỗ trợ 25% mức lương hiện hưởng (tương đương phụ cấp công vụ và được điều chỉnh theo mức phụ cấp công vụ thay đổi). Giải pháp cuối cùng sẽ căn cứ Đề án vị trí việc làm, UBND cấp huyện chỉ bố trí công chức làm việc tại phòng Giáo dục & Đào tạo theo hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (cần 18 người/1 phòng x 21 phòng = 378 người).

Qua thời gian lấy ý kiến, hiện phương án 1 và phương án 3 đều không phù hợp với thực tiễn vì không đúng theo tinh thần tinh giản biên chế hiện nay và không đúng theo các văn bản hướng dẫn. Các ý kiến còn lại, nghiêng về việc hỗ trợ 25% mức lương hiện hưởng cho giáo viên biệt phái (tương đương phụ cấp công vụ). Tuy vậy, giải pháp này hiện nay, không được các giáo viên đồng tình vì nếu làm một cán cân so sánh thì thu nhập giáo viên biệt phái ở phòng vẫn thấp hơn nhiều so với giáo viên đang công tác tại các trường (có thêm phụ cấp thâm niêm, phụ cấp ưu đãi). Đấy là chưa kể sau khi về hưu họ sẽ bị “thiệt đơn, thiệt kép” vì không được tính các khoản phụ cấp để hưởng bảo hiểm.

Bên cạnh đó, “theo quy định tại Điều 36 Luật Công chức chỉ có công chức mới được hưởng 25% mức lương hiện hưởng. Nếu ngành đề xuất mức hỗ trợ này sẽ không phù hợp với các quy định hiện hành. Và, viên chức biệt phái lại “bị hưởng sai”- thầy Lê Hải Hà – viên chức biệt phái tại phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quỳ Châu bày tỏ. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu các giáo viên ở trường không chịu về phòng vì thu nhập chênh lệch thì có thể tuyển những sinh viên mới ra trường. Nhưng điều này liệu có đảm bảo chất lượng, đảm bảo yêu cầu công việc khi mà cán bộ phụ trách chuyên môn ở phòng phải là những người có kinh nghiệm, có năng lực. Trong các văn bản hướng dẫn cũng đã chỉ rõ “mỗi bậc học đều phải có một chuyên viên riêng có trình độ năng lực đủ để tổng hợp và chỉ đạo tập huấn cho bậc học của mình”.

Với những vướng mắc này, để tìm giải pháp bố trí cán bộ cho các phòng Giáo dục & Đào tạo sẽ còn rất nhiều khó khăn. Và một khi, quyền lợi không thỏa đáng, một khi chính sách chưa hợp lý thì việc các địa phương “lách luật” nhằm đảm bảo lợi ích cho giáo viên là điều không tránh khỏi. Xa hơn, nếu bố trí giáo viên ở các phòng không phù hợp, thiếu chuyên môn, thiếu tâm huyết sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngành, của trường và đến cả học sinh. Đây cũng chính là vấn đề đòi hỏi cần phải được quan tâm nhất trong thời điểm hiện nay, đặc biệt trước yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện theo tinh thần của Nghị quyết số 29 – NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục & Đào tạo.