Bài 4: Những đêm trắng

Hơn 1 tháng nay, căn nhà nhỏ của vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Trung (34 tuổi) ở xã Nghi Phú, thành phố Vinh vắng bóng dáng đàn ông. Trung là cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An – đơn vị trên tuyến đầu chống dịch. Kể từ khi dịch xâm nhập Hà Tĩnh rồi Nghệ An, là những chuỗi ngày Trung vắng nhà biền biệt, mọi việc nhà, chăm sóc 2 người con đành phải dựa vào người vợ trẻ. “Cũng may vợ em thông cảm. Các con cũng đang nghỉ hè và vợ thu xếp được” – Trung cười nói.

Nguyễn Văn Trung là 1 trong 52 chiến sỹ y tế được cử sang Hà Tĩnh giúp địa phương này dập dịch, sau đó lại quay trở về Nghệ An làm nhiệm vụ suốt gần 1 tháng không được về nhà. Khi chúng tôi gặp Trung, anh đang chuẩn bị lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ thành phố này chống dịch. Cũng như lần trước, chuyến đi lần này anh không dám hứa hẹn ngày về. Chỉ có thể nói chung chung “khi nào hết dịch anh về”. Cũng như nhiều người khác, Trung mới chỉ được về ăn cơm với gia đình ít ngày gần đây, sau gần 1 tháng ăn cơm hộp trong hành trình đi dập dịch khắp mọi nẻo đường.

Hành trình của Trung cũng như nhóm 52 chiến sỹ y tế bắt đầu kể từ khi dịch xuất hiện ở Hà Tĩnh. Trước tình hình khó khăn của tỉnh bạn, UBND tỉnh Nghệ An quyết định không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất mà chi viện luôn 52 nhân viên y tế để đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm. Trong công tác chống dịch, có thể nói việc lấy mẫu xét nghiệm là yếu tố quyết định để chiến thắng được dịch. Yêu cầu phải lấy mẫu xét nghiệm nhanh nhằm sớm tìm ra F0, khoanh vùng dập dịch. Theo PGS.TS Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Nghệ An, thì đội ngũ 52 người này là đội tinh nhuệ nhất của lực lượng trên tuyến đầu chống dịch của Nghệ An. Trong đó, phần lớn nhân lực đến từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Ngày 9/6, khi đỉnh dịch bắt đầu ở Hà Tĩnh, nhóm bắt đầu lên đường. Ngay khi ô tô dừng bước ở tâm dịch TP Hà Tĩnh, nhóm không nghỉ ngơi, ai nấy bắt đầu công việc của mình. Trong ngày đầu tiên, đội ngũ này đã giúp tỉnh bạn lấy hơn 4.000 mẫu bệnh phẩm để gửi ra thành phố Vinh xét nghiệm Covid-19. Nguyễn Văn Trung kể rằng: Bắt đầu từ ngày đó, anh và những đồng nghiệp của mình dường như mất dần khái niệm ngày đêm, thứ ngày trong tuần. Chỉ biết được lệnh là đi, và về nghỉ ngơi khi đã hết việc. Do đặc thù các ca bệnh thường phát hiện vào chiều tối, để khoanh vùng kịp thời, việc lấy mẫu sẽ được tiến hành ngay trong đêm. Chính vì thế, phần lớn thời gian làm việc của đội ngũ này là vào ban đêm. “Cũng may là làm đêm nên còn đỡ vất vả hơn. Vì với bộ đồ bảo hộ trên người thì chỉ có thời tiết ban đêm mới chịu đựng được lâu. Còn ban ngày ở cái miền nắng cháy gió Lào này mặc bộ đồ đó vào chắc phải cởi ra liên tục. Không phải ai cũng chịu đựng được”, Trung nói.

8 ngày ở tỉnh bạn, đội ngũ 52 chiến sỹ y tế xông pha khắp các mặt trận. Từ tâm dịch Hà Tĩnh xong đến huyện Lộc Hà, Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh cho đến Nghi Xuân. Khi đang lấy mẫu xét nghiệm ở Nghi Xuân thì nhận được tin dịch bệnh ở Nghệ An đã lan diện rộng. “Thời điểm đó, có thể nói đội ngũ này cũng đã hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh bạn. Hà Tĩnh lúc đó cơ bản đã kiểm soát được dịch. Vì thế, chúng tôi quyết định rút nhóm này về, vì đây là đội quân tinh nhuệ nhất” – PGS.TS Dương Đình Chỉnh kể. 52 người lại bắt đầu một cuộc chiến mới, ngay trên mảnh đất quê hương.

Lúc đó, Nghệ An vừa ghi nhận một ca bệnh rất phức tạp. Người này là một cán bộ công an ở huyện Diễn Châu. Trong vòng ít ngày trước khi phát hiện mắc Covid-19, bệnh nhân có một lịch trình rất phức tạp, đặc biệt là tham gia làm thủ tục cấp Căn cước công dân tại hàng loạt xã với nhiệm vụ lăn tay cho người dân. Ban đầu cơ quan y tế xác định bệnh nhân có đến 6.000 F1. Một con số F1 kỷ lục trong tất cả các bệnh nhân Covid-19 từ trước đến nay. Nhận thấy diễn biến phức tạp này, 52 chiến sỹ được cử ngay ra huyện Diễn Châu để lấy mẫu toàn bộ F1 sớm nhất có thể để khoanh vùng dập dịch.

Ngày đó, sau khi hoàn tất lấy mẫu xét nghiệm cho người dân xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) xong, đoàn trở về khách sạn ở thành phố Hà Tĩnh lấy đồ rồi không kịp nghỉ ngơi, chạy thẳng ra huyện Diễn Châu. “Khi xe chạy qua TP Vinh, nhiều người năn nỉ xin được gặp gia đình ít phút. Thời điểm đó chúng tôi cũng đã xa nhà 8 ngày rồi. Nhiều người rất nhớ con. Tuy nhiên, một phần vì phải sớm ra Diễn Châu, một phần vì tất cả chúng tôi lúc đó đang là F1, từ tâm dịch ra nên không thể gặp gia đình. Vì sợ lây nhiễm cho họ. Khi trưởng đoàn quyết định sẽ không dừng lại ở Vinh mà chạy thẳng ra Diễn Châu, nhiều người bật khóc”, 1 trong 52 chiến sỹ y tế kể lại. Khi tới huyện Diễn Châu, cả 52 người phải thức trắng đêm để lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả sau một đêm lấy được gần 6.000 mẫu để xét nghiệm Covid-19. Trong số các chiến sỹ y tế này, có một nữ điều dưỡng người nhỏ thó tên Nguyễn Diệu Hằng.

Khi ra Diễn Châu, cô xung phong về quê nhà ở xã Minh Châu để lấy mẫu cho bà con. Khi trời gần sáng, Hằng ngất xỉu ngay tại chỗ. Tuy nhiên, ngay sau khi được các đồng nghiệp tiếp nước, nghỉ ngơi một chút, cô lại tiếp tục công việc của mình. Nữ điều dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An này nói rằng, lý do cô ngất xỉu có lẽ mặc trên người bộ đồ bảo hộ quá nóng, kèm theo làm việc quá tải. Thời điểm đó, Hằng và các đồng nghiệp của mình đã phải làm việc liên tục 24 tiếng không ngủ kể từ khi đang lấy mẫu ở Hà Tĩnh vào buổi sáng hôm trước.

Sau khi lấy hết các mẫu nằm trong nhóm nguy cơ cao ở Diễn Châu, đội quân này lại quay trở về thành phố Vinh để bắt đầu lấy mẫu test nhanh diện rộng toàn thành phố. Mặc dù nhiều người đã rất gần nhà, nhưng vẫn không thể được gặp gia đình. Khi nhiệm vụ ở thành phố Vinh xong, nhóm lại chia quân. Một nửa đi huyện Nghi Lộc, một nửa đi huyện Quỳ Hợp. Rồi sau đó là 2 đợt điều động lên giúp huyện Nam Đàn… Có thể nói, dịch bệnh xuất hiện ở đâu thì ở đó có đội quân này. Mãi đến những ngày cuối tháng 6, khi dịch bệnh ở Nghệ An đã cơ bản được kiểm soát, ca bệnh ngoài cộng đồng ngày càng ít thì nhiều thành viên trong nhóm mới bắt đầu được nghỉ ngơi, về thăm gia đình sau hơn 20 ngày biền biệt đi chống dịch.

Tuy nhiên, khi mới chỉ được ở bên gia đình ít ngày thì nhiều thành viên trong đội quân tinh nhuệ đó bước vào một cuộc chiến mới nữa. Lần này là hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh – địa phương đang ghi nhận hàng nghìn ca bệnh mỗi ngày. Theo PGS. TS Dương Đình Chỉnh thì Nghệ An lần này huy động đến 200 nhân viên y tế để hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19. Đây đều là những bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế trên địa bàn. Trong đó, có 150 người sẽ phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm. 50 nhân viên y tế còn lại gồm 20 bác sỹ và 30 điều dưỡng, kỹ thuật viên sẽ tham gia công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Bác sỹ Phạm Đình Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Trưởng đội quân 52 người) tiếp tục làm trưởng đoàn chi viện. Trong 200 cán bộ chi viện đợt này, có 30 người thuộc quân số 52 người cũ… Trưa 12/7, nhóm cán bộ y tế tình nguyện đầu tiên từ quê hương Bác Hồ gồm 60 người đã bay vào thành phố mang tên Bác với quyết tâm “hết dịch mới về”.

“Đã có rất nhiều cán bộ y tế đã đăng ký tình nguyện vào Thành phố Hồ Chí Minh để chống dịch. Nhiều người đã tìm mọi cách vận động để được đi – đó là điều chúng tôi hết sức cảm động”, PGS.TS Dương Đình Chỉnh chia sẻ.

(Còn nữa)