Bài 3: Nhiều sáng kiến từ gian khó

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch Covid-19 nói riêng, việc phát hiện nguồn lây để kịp thời ngăn chặn có vai trò đặc biệt quan trọng, tính chất sống còn. Tại Nghệ An, việc phát hiện nguồn lây gặp khó khăn khi có số lượng đông đảo người làm việc ở trong nước cũng như nước ngoài.

Năm 2020, toàn tỉnh có 91.838 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Và đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” khi còn có rất nhiều người đi lao động “chui” ở nước ngoài, không theo đường chính ngạch. Chưa kể, dịp Tết Nguyên đán, đã có gần 21.000 người về nước. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 340 người nước ngoài, trong đó có hơn 100 người Trung Quốc làm việc… Mỗi một người trở về từ nước ngoài rất có thể là một nguồn lây.

Yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An đặt ra là cần phải kiểm soát tất cả nguồn lây. “Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 là cuộc chiến của toàn xã hội. Tất cả mọi lực lượng, toàn bộ người dân cần tích cực vào cuộc và hợp tác, việc khai báo y tế, tố giác người về không khai báo hoặc không tuân thủ quy định cách ly. Về công tác phòng, chống dịch bệnh, không được bỏ sót, bỏ lọt bất cứ một trường hợp cần cách ly, giám sát. Các địa phương phải làm tốt công tác dự báo, kể cả dự báo số người diện cách ly, dự báo số người trong thời gian tới có nguy cơ cao”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long chỉ đạo.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Nghệ An, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để chủ động nắm bắt nguồn lây. Ở các xã, phường, thị trấn, y tế thôn bản và các chi hội, chi đoàn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, điều tra, lấy thông tin người về từ vùng dịch. Một trong những điển hình tốt là xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). Bác sĩ Võ Thị Chung – Trưởng Trạm Y tế xã Hưng Tân cho hay: Các ban, ngành, đoàn thể ở xóm đã cùng ban cán sự xóm về từng nhà dân để điều tra rà soát số lượng con em đang làm việc tại nước ngoài; thực hiện tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết “nếu có con em về nước thì cần phải khai báo, thông báo trước khi họ chuẩn bị về”. Với cách làm như vậy, xã đã nắm được tổng số con em đang lao động ở nước ngoài của xã là 166 người và những ai sắp về cũng đều được báo cáo. Khi nắm được thông tin, cán bộ xã đã xuống tận gia đình để xem xét các điều kiện cách ly, hướng dẫn cho người nhà thực hiện cách ly…

Với cách làm này, tất cả gia đình có người đi lao động ở nước ngoài và người đang lao động ở nước ngoài đều nắm rõ chủ trương phòng, chống dịch Covid-19 để chấp hành, thực hiện tốt. Người dân trong tỉnh được nâng cao tinh thần cảnh giác với các nguồn lây. Chính vì vậy, mỗi khi tỉnh Nghệ An phát thông báo “tìm” những người có liên quan đến bệnh nhân Covid-19 trên các chuyến bay, người về từ vùng dịch như Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)… thì tất cả đều được sớm tìm thấy, nhận diện, đưa vào cách ly phòng bệnh kịp thời.

Phòng, chống dịch Covid-19, ở tỉnh Nghệ An đã nổi lên nhiều phong trào, điển hình sáng tạo khác, tiêu biểu như phong trào làm mũ có tấm chắn giọt bắn. Phong trào này xuất phát từ các y, bác sĩ thuộc Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Nghệ An. Vật liệu làm mũ có tấm chắn giọt bắn rất đơn giản, bao gồm 1 tấm nhựa mica trong suốt, dây nhựa, dây chun được kết nối với nhau bằng keo hoặc ghim bấm. Giá thành tạo nên một chiếc mũ như vậy rơi vào khoảng 1.500 đồng. Mọi người khi đeo mũ này thì các giọt bắn từ miệng không thể bay ra môi trường, ảnh hưởng người xung quanh, tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho cộng đồng. Cách thức làm mũ có tấm chắn giọt bắn nhanh chóng được phổ biến trong ngành Y tế Nghệ An cũng như cộng đồng thông qua các kênh mạng xã hội.

Nhiều cán bộ, nhân viên y tế Nghệ An đã làm mũ tấm chắn phòng Covid-19 tặng người dân. Bác sĩ Nguyễn Tất Hồng – Trưởng phòng Y tế huyện Đô Lương là một trong số đó. Tranh thủ thời gian nghỉ, bác sĩ Hồng đã làm được trên 400 chiếc mũ tặng cho người dân buôn bán trong khu vực chợ gần nhà và lực lượng làm công tác phòng, chống dịch. Thấy lợi ích thiết thực của chiếc mũ, việc làm của bác sĩ Hồng đã được mọi người trong gia đình, làng xóm ủng hộ và thực hiện theo. Chị Thái Thị Anh, tiểu thương bán cá tại chợ Đình (Đô Lương) phấn khởi nói: “Tôi được bác sĩ Hồng phát cho mũ có tấm chắn này, sử dụng thấy yên tâm khi giao tiếp với khách hàng trong quá trình buôn bán. Mũ đeo rất thoải mái, nhẹ, dây chun nịt trên đầu rất êm”.

Liên quan đến công tác điều trị, những y, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc đã có sáng tạo nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở “chốt chặn cuối cùng” – khu điều trị tuyến tỉnh. Cụ thể: Phòng Vật tư -Thiết bị bệnh viện này đã sáng chế nên máy đo nhiệt độ từ xa, máy rửa tay dung dịch sát khuẩn tự động và robot vận chuyển đồ trong khu vực cách ly. Đặc biệt làm nên 3 máy này đều là vật liệu “tận dụng”, với giá thành rất rẻ.

Anh Nguyễn Hoài Thanh – Phó Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc cho biết: Cấu thành của máy đo nhiệt độ gồm các thiết bị là 1 máy đo nhiệt độ cơ thể mini, 1 camera, 1 hệ thống nâng lên hạ xuống, 1 biến thế, 1 rơ le điện và nguồn điện đóng mở để điều khiển, 1 màn hình máy tính. Nguyên tắc hoạt động là người cần đo thân nhiệt đứng trên hệ thống nâng lên, hạ xuống để đảm bảo bộ phận trán đúng với vị trí của máy đo nhiệt độ cơ thể mini. Lúc này nhân viên y tế ngồi từ xa sẽ bấm kích hoạt máy đo nhiệt độ cơ thể mini. Kết quả đo nhiệt độ cơ thể sẽ được camera ghi lại và truyền về màn hình máy tính cho nhân viên y tế được biết.

Tương tự, cấu thành máy rửa tay tự động gồm 1 mắt cảm biến, 1 bộ vi mạch, 1 van điện đóng mở, 1 cái bơm mini, dây điện và 1 bình nước rửa tay khử khuẩn. Nguyên tắc hoạt động là khi đưa tay vào vòi, mắt cảm biến nhận tuyền tính hiệu cho máy chạy bơm và đồng thời mở van điện từ cho nước khử khuẩn chảy ra. Khi đưa tay ra khỏi vị trí vòi nước thì cả bơm lẫn van điện từ cùng tắt một lúc nên không xảy ra hiện tượng nước nhỏ đầu vòi, tiết kiệm dung dịch rửa tay… Cả 2 máy đo nhiệt độ và máy rửa tay tự động được đặt ngay trước cổng bệnh viện để  y, bác sĩ, người bệnh và người nhà bệnh nhân đi qua sử dụng. Còn robot vận chuyển đồ thì được sử dụng trong khu cách ly. Y, bác sĩ có thể ngồi từ xa điều khiển bằng sóng RF để robot chạy. Khả năng vận chuyển của robot là 10 kg trong phạm vi 70m.

Trong hoạt động xét nghiệm virus SARS-CoV-2, Nghệ An đã gặp nhiều khó khăn: Từ bắt đầu mùa dịch cho đến ngày 29/3/2020, do không có các máy móc trang thiết bị cần thiết, hoạt động xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ở Nghệ An hoàn toàn phụ thuộc vào Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2. Mỗi khi lấy mẫu bệnh phẩm xong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An lại cử xe chuyên chở ra Hà Nội để nhờ 2 đơn vị nói trên thực hiện giúp. Trung bình sau 3 ngày, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 mới trả kết quả xét nghiệm. Trong giai đoạn sau, các phòng xét nghiệm tuyến Trung ương quá tải và không tiếp nhận mẫu gửi xét nghiệm nữa. Điều này rất bất tiện, không đảm bảo cho công tác chống dịch của tỉnh nhà.

Quyết tâm khắc phục khó khăn này, tỉnh Nghệ An, ngành Y tế đã có cách làm hay là nhờ Bộ Y tế giúp đỡ và huy động máy móc ở các bệnh viện trên địa bàn tỉnh để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm SARS – CoV-2 ngay tại địa phương. Bắt đầu từ ngày 29/3/2020, Nghệ An đã có máy xét nghiệm Covid-19 đầu tiên do Tập đoàn Vingroup tài trợ, được Bộ Y tế chuyển giao. Tiếp sau đó, Nghệ An có thêm các máy xét nghiệm từ Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông. Từ chỗ phụ thuộc vào các phòng xét nghiệm tuyến Trung ương, Nghệ An đã đảm bảo được việc tự xét nghiệm Covid-19 với công suất tối đa 500 mẫu/ngày…

Hỗ trợ cho người bệnh, người dân yếu thế, người dân gặp khó khăn về kinh tế do dịch Covid-19, nhiều địa phương trong cả nước đã xuất hiện mô hình ATM gạo, mỳ. Còn tại Nghệ An, có một mô hình tương tự cũng ra đời, đó là mô hình gian hàng “0 đồng” của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An hỗ trợ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân gặp khó khăn. Gian hàng “0 đồng” bắt đầu mở từ ngày 13/4, hoạt động từ 16 giờ đến 18 giờ các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần.

Với thông điệp “Ai thiếu đến lấy – Ai dư đến cho”, mỗi bệnh nhân được lấy 3 mặt hàng bất kỳ mà không phải trả tiền. Các mặt hàng bao gồm sữa, mỳ tôm, bánh kẹo, nước, khẩu trang… Nguồn kinh phí để mở gian hàng đều từ sự đóng góp của các y, bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và các nhà hảo tâm. Bác sĩ Hồ Giang Nam – Bí thư Đoàn Bệnh viện Sản Nhi cho biết: “ Sau 1 tuần phát động, gian hàng đã vận động được số lượng hàng hóa, tiền mặt ủng hộ trị giá gần 80 triệu đồng. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp tục chung tay đóng góp cùng Bệnh viện để gian hàng tiếp tục duy trì, không chỉ thứ Hai, Tư, Sáu và mở tất cả các ngày trong tuần và duy trì mãi mãi”.

Nhờ những cách làm sáng tạo của cả hệ thống chính trị và người dân các địa phương, Nghệ An vượt qua khó khăn, chủ động trước cuộc chiến gian khó với giặc Covid-19…