Có thể ví von rằng, OCOP đang là một dạng “công nghiệp hóa” ở làng quê. Hàng trăm năm lịch sử đã qua cho thấy, những người nông dân chân lấm tay bùn ở nông thôn chúng ta thường chọn ly nông, ly hương ra thành phố mưu sinh, tìm đến các nhà máy, khu công nghiệp, thậm chí ra nước ngoài để tìm việc làm.
Thời kỳ đổi mới của đất nước, đã có nhiều con em nông dân dù có học hành, cơ hội việc làm ở đô thị, đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Như bây giờ, phong trào “Mỗi xã một sản phẩm” ra đời, để sản phẩm nông lâm thổ sản của địa phương được chế biến tinh hơn, sâu hơn có xuất xứ, có chất lượng ngay chính trên quê hương, từ đó ở làng quê đã tạo những mô hình sản xuất hàng hóa hướng “công nghiệp” hợp vệ sinh, an toàn cho sức khỏe.
Bò giàng Kỳ Sơn, gừng Kỳ Sơn, trám đen, nhút Thanh Chương, lươn đồng, trứng gà thảo dược, cam bù Sen, tảo xoắn Quỳnh Lưu, bột sắn dây Nam Đàn, trà xanh Minh Sáng, tôm nõn Diễn Châu, bánh cà, bánh gai, mật mía, trà sen Nam Đàn, miến dong… vốn từ bàn tay của các mẹ, các chị ở thôn quê làm ra hàng trăm năm nay, bây giờ được chính quyền tiếp sức, hỗ trợ tập huấn, đầu tư công nghệ, khoa học để có các sản phẩm đạt chuẩn hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao thị trường.
Với tiềm năng đất đai rộng nhất cả nước, thế mạnh nông nghiệp hàng đầu đã hấp dẫn các nhà đầu tư và lôi cuốn phong trào khởi nghiệp, Nghệ An là địa phương có nhiều nhà máy nông lâm sản được chế biến thành công và có thương hiệu như sữa TH, đường kính Tate&Lyle (vốn FDI), chè shan tuyết, bột sắn, dăm gỗ… nhưng với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, sau 4 năm đã xuất hiện thêm nhiều thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường, tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Đất đai nông thôn được đánh thức với việc trồng thêm các diện tích sắn dây, mía tím, sâm thổ hào, rau hữu cơ, chè hữu cơ, gạo thảo dược, tre mét, lùng, nứa, cam, bưởi, hoa hồng, dược liệu dưới tán rừng… Đó là những giá trị của chương trình OCOP đã tạo ra ở làng quê Nghệ An nói riêng.
Từ bỏ công việc lương cao tại một công ty của Hàn Quốc, anh Nguyễn Sơn Tin (SN 1992, ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) về quê khởi nghiệp bằng sản phẩm hoa quả sấy. Năm 2021, anh Tin đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, trang bị dây chuyền máy móc và đi vào vận hành. Những hoa quả thế mạnh của địa phương như: Chuối, mít, dứa, cam tươi… trước thường lâm vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” do hạn chế về khâu bảo quản sau thu hoạch. Hiện nay, với dây chuyền sấy hiện đại, mỗi năm Công ty cổ phần HASAFOOD của anh Nguyễn Sơn Tin đã bao tiêu khoảng 100 tấn cam tươi, chế biến thành sản phẩm cam lát sấy khô, sấy lạnh; 50-70 tấn mít tươi thành sản phẩm mít sấy giòn; 80 tấn chuối thành sản phẩm chuối sấy giòn, chuối sấy lạnh; hàng chục tấn dứa và hàng chục tấn chè búp tươi thành sản phẩm bột trà xanh matcha… tạo việc làm và thu nhập cho gần 30 lao động địa phương. Anh Tin cho biết: “Cam, chuối, mít, chè xanh… đều là các loại cây trồng chủ lực tại địa phương. Chương trình OCOP đã góp phần giúp những người mới khởi nghiệp như chúng tôi phát huy trí tuệ, làm giàu chính đáng trên quê hương mình”.
Rõ ràng, chứng chỉ OCOP như tấm giấy thông hành giúp các chủ thể tiếp cận tốt hơn với thị trường, tiếp cận những đối tác mới, tạo niềm tin ban đầu cho sản phẩm khi đứng trên các kệ của các chuỗi siêu thị, các hội chợ… Tuy nhiên, để vươn ra thị trường thế giới thì bản thân các chủ thể sản xuất phải có chiến lược, chấp nhận đầu tư, rủi ro, nâng tầm sản phẩm và hơn hết là phải có đam mê, quyết tâm theo đuổi.
Một trong những tiêu chí bắt buộc để nâng hạng sao OCOP là việc tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử, có website quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là mua sắm trực tuyến, do đó, thời gian qua, các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đã chủ động bằng nhiều cách đưa các sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh thị trường qua kênh online…
Giao dịch qua mạng đang là kênh giao dịch sống còn đối với hàng hóa và các chủ thể OCOP cũng không ngoại lệ… Sở hữu đến 7 sản phẩm 3 sao OCOP, Hợp tác xã Dược liệu Phủ Quỳ (xóm 4, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa) có doanh thu tạo việc làm cho gần 20 lao động. Đặc biệt, các sản phẩm của HTX Dược liệu Phủ Quỳ luôn có đầu ra ổn định, sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó nhờ bán hàng qua mạng. Những người điều hành HTX đã xác định rõ lợi thế của kinh doanh online, bán hàng qua kênh thương mại điện tử nên đã sớm đầu tư vào mảng này.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy – Giám đốc HTX Dược liệu Phủ Quỳ cho biết: “Chúng tôi vận dụng tối đa việc quảng cáo, bán sản phẩm qua các Website, Fanpage, Zalo và các kênh thương mại điện tử như: Shopee, Tiki, Lazada… Mỗi Facebook, Zalo cá nhân trong hệ thống phân phối trở thành “kênh” bán hàng online từ đó, tạo nên sự lan tỏa rộng khắp. Dược liệu Pù Mát, trà sen Nam Đàn, nấm, trà ATC… cũng tiêu thụ mạnh nhờ bán qua mạng. Việc bán hàng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu lên sàn giao dịch điện tử làm tăng mức độ nhận diện thương hiệu và tăng doanh thu cho các chủ thể. Bán hàng qua kênh thương mại điện tử thì cần đầu tư về nhân lực, phải có người chăm sóc khách hàng đúng chuẩn, nắm bắt tâm lý khách và biết cách tư vấn cho khách, tạo niềm tin cho khách; phải biết cách xây dựng hình ảnh sinh động, hấp dẫn…”.
Việc ứng dụng công nghệ, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ cho nhiều sản phẩm OCOP, nhất là vươn ra thị trường nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Học – chủ thể sở hữu 15 sản phẩm OCOP, cho biết: “Ngay từ khi mới thành lập, chúng tôi rất chú trọng đến việc đưa các sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, 15 sản phẩm được gắn sao OCOP được xem như “tấm vé” mở ra cơ hội để chúng tôi dễ dàng lên các kệ hàng của sàn thương mại điện tử nổi tiếng như: Shopee, Lazada, Facebook”. Ông Trần Đình Toàn, chủ thương hiệu nấm ATC ở thành phố Vinh thì chia sẻ: “Dù biết đưa sản phẩm vào siêu thị khó khăn, nhưng đó là cuộc đua sòng phẳng, chúng tôi thường xuyên làm việc để sản phẩm được tiếp cận ở các kênh tiêu thụ có giá nhất”. Ông Phạm Ngọc Thắng, Công ty Xuất nhập khẩu chế biến nông lâm thủy sản Sỹ Thắng thừa nhận: Bây giờ để bán được hàng từ lãnh đạo đến nhân viên phải tương tác mở rộng quan hệ trên mạng xã hội và công ty chúng tôi cũng thường xuyên bán hàng cho các đối tác trên thế giới qua Zalo, Facebook…
Hiện, UBND tỉnh Nghệ An đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất và tăng cường hỗ trợ để đưa tất cả những sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như: Postmart.vn, Lazada, Shopee, Tiki… để mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực kinh tế, con người nên nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn đứng bên ngoài sàn thương mại điện tử. Do đó, mong ước hỗ trợ về truyền thông vẫn là mong ước của rất nhiều chủ thể nhất là trong bối cảnh Facebook, Zalo… hạn chế tương tác.
Điều này luôn đúng với các chủ trương, chính sách khi triển khai xuống cơ sở nói chung và chương trình OCOP nói riêng ở Nghệ An. Nơi nào chính quyền quan tâm, hỗ trợ, sát sao nơi đó có nhiều sản phẩm OCOP với nhiều sản phẩm chất lượng. Huyện Nam Đàn là một ví dụ, từ một huyện thuần nông, sau 4 năm thực hiện OCOP gắn với chủ trương xây dựng Nam Đàn trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu về “Văn hóa gắn với du lịch”, Nam Đàn đã có 70 sản phẩm OCOP, trong đó nhiều sản phẩm 4 sao, trở thành địa phương nhiều sản phẩm OCOP nhất ở Nghệ An.
Gắn với du lịch, Nam Đàn xuất hiện một số mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn, hơn lúc nào hết, các sản phẩm thân thuộc đặc sản của Nam Đàn như: Tương, bột sắn dây, chanh, trà sen… được chắp cánh từ cơ chế chính sách của tỉnh, huyện. Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Nam Đàn có nhiều sản vật nông thôn, nghề truyền thống, có làng sen, hoa sen, có nghề tương lâu đời, nhiều xã trồng sắn dây, làng nghề giò me, hồng, chanh… OCOP là cơ hội để nông dân nắm bắt khoa học, nghiên cứu học hỏi và làm giàu. Huyện thường xuyên tổ chức các hội chợ, khuyến khích các chủ thể tham gia triển lãm, giới thiệu, xây dựng các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền giúp các chủ thể”.
Anh Trần Đình Sơn – HTX xanh Đại Huệ với sản phẩm bột sắn dây Nam Anh rất phấn khởi khi luôn được huyện chọn các sản phẩm để giới thiệu trong các sự kiện và do nắng nóng nên sản phẩm tiêu thụ mạnh giúp anh khôi phục được cây trồng sắn dây ở địa phương. Nam Đàn còn phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản để hướng dẫn nông dân sản xuất sạch. Ở các huyện Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, với vai trò của lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của địa phương, các sản vật địa phương nổi tiếng như du lịch cộng đồng (Con Cuông), nhung hươu, chuối Nam Mỹ xuất khẩu, mật ong, lạc sen, chè trà, rượu mú từn, dược liệu, tinh dầu, bò giàng… có cơ hội được tỏa sáng, đến với bạn bè muôn phương.
Nghệ An đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ cơ chế chính sách cho OCOP do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành đến triển khai ở cơ sở. Việc đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện bài bản, có sự tham dự của nhiều cơ quan chức năng, với số lượng sản phẩm đứng thứ 2 toàn quốc (sau Hà Nội) và nhiều sản phẩm xuất khẩu, hiện có hơn 65% sản phẩm được giới thiệu và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, 11 sản phẩm đã ký kết và đưa vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn. Tỉnh cũng đã tổ chức và tham gia hơn 100 hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đây là thành công đáng ghi nhận của Nghệ An, thể hiện sự quan tâm và chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền.
Bà Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Đạt được những kết quả OCOP nêu trên là cả một quá trình phấn đấu nỗ lực với quyết tâm cao nhất của ngành nông nghiệp Nghệ An cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, trong đó có vai trò lớn nhất của người đứng đầu địa phương. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP được phát huy dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu gắn với văn hóa, truyền thống của từng địa phương; Vai trò và tính sáng tạo của các chủ thể, sự chủ động của người dân và cộng đồng là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm OCOP.
Tuy vậy, OCOP Nghệ An cần hạn chế hiện tượng “trăm hoa đua nở”, “sớm nở tối tàn”, phấn đấu dành nguồn lực ưu tiên phát triển các sản phẩm vốn là “báu vật của làng”, các sản phẩm du lịch, chế biến tinh, sâu các nông sản có số lượng lớn như gạo, ngô, các thực phẩm có chất lượng cao, dược liệu dưới tán rừng, các sản phẩm từ chăn nuôi… Các chủ thể cần thường xuyên ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, điều hành, tiêu thụ, phát triển bền vững những sản phẩm có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển nông thôn bền vững, nông thôn xanh, nông thôn thông minh tại các địa phương.