Để ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm an toàn giao thông (ATGT), bên cạnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát công khai, công an các địa phương còn thực hiện các phương thức khác để phát hiện vi phạm, kịp thời xử lý. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả như mong muốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu trước đây các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm thường tập trung số lượng lớn, thì nay thường chia thành từng nhóm 5-6 người, sử dụng xe che giấu biển số hoặc tháo biển, thời gian hoạt động thường vào chiều tối. Bên cạnh đó, hầu hết các đối tượng vi phạm chủ yếu trong độ tuổi từ 16-18 tuổi, thậm chí có những trường hợp mới chỉ 14, 15 tuổi.
Điều hết sức đáng chú ý là một số nhóm đối tượng tham gia tụ tập lạng lách, đánh võng trái phép trên các tuyến đường rất manh động, liều lĩnh. Khi bị lực lượng chức năng tổ chức ngăn chặn, vây bắt, các đối tượng này tăng tốc phương tiện bỏ chạy hoặc chống trả để thoát thân, gây nguy hiểm cho chính bản thân đối tượng và lực lượng làm nhiệm vụ, người đi đường. Vì vậy, trong quá trình truy bắt, việc đảm bảo an toàn chung được lực lượng chức năng cân nhắc, tính toán kỹ.
Điển hình vào hồi 23h30’ ngày 1/4/2023, qua tuần tra, Công an xã Châu Thôn, huyện Quế Phong phát hiện một nhóm đối tượng điều khiển xe máy lạng lách, mang theo kiếm, phóng lợn… chạy hướng Cắm Muộn – Châu Thôn, tổ công tác đã tổ chức đón chặn, ra tín hiệu dừng xe. Tuy nhiên, các đối tượng đã tăng ga bỏ chạy bất chấp có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường. Ngay sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an xã Châu Thôn đã xác minh làm rõ 9 đối tượng tham gia, trong đó, 5 đối tượng mang theo vũ khí, thu giữ được 2 phóng lợn, 1 kiếm và 2 típ sắt…
Một khó khăn nữa, theo một số cán bộ Đội CSGT-TT công an các địa phương cho biết, các hành vi vi phạm như đi xe máy dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe… thường xảy ra trên tuyến quốc lộ, bởi mục đích của các đối tượng là để thể hiện, thi thố, nhưng thẩm quyền cấp huyện lại không được tuần tra, xử lý trên tuyến đó. Trong khi đó, với những đội, trạm CSGT phụ trách tuyến quốc lộ thì cho hay, phần lớn các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm khi không thấy lực lượng chức năng, trong khi lực lượng CSGT không thể đủ để bố trí tuần tra, kiểm soát 24/24h dọc tuyến.
Thiếu tá Hoàng Mạnh Hùng – Trạm trưởng Trạm CSGT Diễn Châu, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết thêm, nhiều trường hợp khi gặp CSGT ra hiệu lệnh dừng kiểm tra thì quay đầu xe bỏ chạy, trong khi Quốc lộ 1A là đường một chiều, mật độ người, phương tiện tham gia giao thông đông nên rất nguy hiểm. Ngoài ra, trong xác minh xử lý, đối với những trường hợp che biển số hoặc không gắn biển số là rất khó khăn. Một số trường hợp còn cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng, chống đối người thi hành công vụ với lời lẽ xúc phạm, lăng mạ, thậm chí liều lĩnh tăng ga sẵn sàng lao xe (có cả ô tô) vào cán bộ CSGT…
Điển hình vào lúc 9h45’ ngày 21/5/2023, tại Km11+100 Quốc lộ 48D, thuộc địa phận xã Quỳnh Lộc, tổ công tác Công an thị xã Hoàng Mai phát hiện ô tô tải mang BKS 37H-028.43, do Lô Văn Tuấn (SN 1998), trú tại xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn điều khiển lưu thông theo hướng Quốc lộ 1A – Nghi Sơn có dấu hiệu vi phạm chở hàng quá tải. Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra theo quy định, nhưng lái xe không chấp hành và tiếp tục di chuyển. Tổ công tác sử dụng xe tuần tra để bám sát và tiếp tục ra tín hiệu dừng xe. Đến Km 7+650 Quốc lộ 48D, Lô Văn Tuấn cố tình điều khiển xe đâm thẳng vào phía sau xe của Tổ công tác, sau đó, tiếp tục điều khiển xe chạy lùi 700m rồi quay đầu bỏ chạy rẽ vào Tỉnh lộ 538B.
Trên đường bỏ chạy, nam thanh niên này điều khiển xe vào sân bãi của một công ty đóng trên địa bàn xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, sau đó đóng cửa xe rồi bỏ trốn khỏi hiện trường. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an thị xã Hoàng Mai đã nhanh chóng báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Công an tỉnh; đồng thời, tiến hành xác minh, truy bắt đối tượng. Đến khoảng 14h cùng ngày, tại xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, Công an thị xã đã tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với đối tượng Lô Văn Tuấn và ngày 31/5, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Hoàng Mai đã khởi tố đối tượng này về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Để ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trên cơ sở chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học, cơ sở giáo dục đã có nhiều hình thức tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, sinh viên chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. Nhiều trường học đã ra thông báo cấm học sinh đi xe máy trên 50cm3 đến trường, đồng thời, phối hợp với CSGT tổ chức rà soát, kiểm tra, thu giữ phương tiện và xử phạt hành chính đối với học sinh đi xe máy trên 50cm3 khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật.
Theo thầy Hồ Văn Hoàn – giáo viên phụ trách an ninh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Vinh): Với những trường hợp vi phạm, trường đều thông báo đến giáo viên chủ nhiệm để kiểm điểm tại lớp, trên cơ sở đó phối hợp Ban Giám hiệu xem xét để có hình thức xử lý theo tháng, học kỳ, năm học, tùy theo mức độ, số lần vi phạm. Nhà trường cũng phối hợp với cảnh sát giao thông tuyên truyền, vận động các hộ dân xung quanh khu vực trường học không nhận giữ xe, đặc biệt xe máy trên 50cm3 do các em gửi. Nhưng thực tế, không thể bố trí lực lượng để giám sát việc có hay không tình trạng các hộ dân vẫn tiếp tục nhận giữ xe để có nguồn thu.
Về phía Đội Cảnh sát giao thông – trật tự Công an TP. Vinh cho hay, để ngăn chặn, hạn chế vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong thanh, thiếu niên, học sinh như điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, điều khiển xe máy trên 50cm3 khi chưa đủ tuổi…, ngoài tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý, đội cũng phối hợp với nhà trường và phụ huynh để nhắc nhở, giáo dục, răn đe, không để các em tái phạm. Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh được mời đến phối hợp xử lý đã có những lời lẽ thiếu kiềm chế, xúc phạm đến lực lượng chức năng, cho rằng, con họ ở nhà ngoan và giữ xe lấy gì để làm phương tiện kịp đến trường học… Bên cạnh đó, một số bậc phụ huynh lại biện minh cho việc con mình đi xe máy trên 50cm3 là do nhà xa, do đã trễ giờ… Nói về việc giao xe máy cho con tới trường, chị T.T.L, có con học tại một trường THPT trên địa bàn TP. Vinh nói rằng, do nhà xa trường quá, mà cháu đi xe đạp điện nhiều hôm hết điện giữa chừng phải dắt bộ, thấy thương nên thi thoảng chị mới cho con đi học bằng xe máy, dù biết đó là vi phạm nội quy của nhà trường, cũng như quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, theo một số giáo viên, cán bộ quản lý tại các trường có học sinh vi phạm cũng cho biết, mặc dù nhà trường nghiêm cấm học sinh đi xe máy trên 50cm3, nhưng trên thực tế vẫn còn một bộ phận các em sử dụng phương tiện xe máy ngoài trường học và kể cả khi đến lớp. Các em thường gửi xe ở các hàng quán, nhà dân quanh trường, có những thời điểm nhà trường theo dõi xử lý, nhưng rất khó để làm thường xuyên. Việc học sinh không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ… cũng rất khó kiểm soát, bởi có những em ra, vào cổng trường vẫn đội mũ bảo hiểm, nhưng sau đó lại tháo ra và vi phạm của các em thường diễn ra khi lưu thông trên đường, nên chỉ khi nào lực lượng chức năng gửi thông báo thì nhà trường mới nắm được.
Không ít giáo viên còn cho hay, về quy định xử phạt học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, việc hạ hạnh kiểm, buộc viết kiểm điểm, hay đình chỉ học chỉ có tác dụng với các em học sinh ngoan, chăm học, còn với các em cá biệt, ham chơi thì đâu lại vào đấy. Chưa kể, bên cạnh những phụ huynh đồng tình xử lý con em vi phạm, vẫn còn nhiều ý kiến phản ứng cho rằng, vi phạm luật nào thì bị xử lý theo luật đó, không thể vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà liên đới đến kết quả học tập, rèn luyện…
Ông Phạm Viết Tỏa – cán bộ Phòng Công tác tư tưởng – GDTX, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đều ban hành các kế hoạch về tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT gửi các trường. Ngoài ra, trong nội dung giao ban an ninh trường học trên địa bàn tỉnh, với 4 cụm thi đua, nội dung ATGT luôn là một trong những vấn đề được quan tâm. Qua giao ban an ninh trường học năm 2022 của 4 cụm trên địa bàn tỉnh, theo số liệu thống kê có đến 786 trường hợp vi phạm (trong đó, thành phố Vinh 121 trường hợp, Kỳ Sơn 118 trường hợp, Diễn Châu 114 trường hợp, Quỳnh Lưu 102 trường hợp)…; 6 tháng đầu năm 2023, phát hiện 412 trường hợp.
Theo ý kiến một số giáo viên, trước đây với những trường hợp nhận được thông báo học sinh vi phạm từ CSGT, nhà trường đều thông báo đến giáo viên chủ nhiệm để kiểm điểm tại lớp, trên cơ sở đó, gửi hồ sơ lên ban an ninh trường học để ban giám hiệu xét hạ hạnh kiểm theo tháng, học kỳ, năm học, tùy theo mức độ, số lần vi phạm. Thế nhưng hiện nay, do có nhiều ý kiến phản đối hình thức này nên không thực hiện nữa, bởi vậy, rất khó cho nhà trường trong xử lý học sinh vi phạm ATGT. Thầy giáo Nguyễn Văn Nam – Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Diễn Châu) cho biết: Vì không nhận được thông báo như trước, nên việc xử lý không thể triệt để. Nhà trường chỉ phát hiện được số em không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy trên 50cm3 đến trường, với mức xử lý từ nhắc nhở đến cảnh cáo, nếu trong 1 kỳ vi phạm 3 lần thì hạnh kiểm xếp từ trung bình trở xuống… Còn ngoài phạm vi nhà trường, với một số trường hợp các em vi phạm đã được lực lượng chức năng xử lý, nhưng nhà trường không nhận được thông báo để có biện pháp phối hợp nên tính răn đe giáo dục chưa thực sự hiệu quả.
Bên cạnh những thực tế như trên, hiện nay, chất lượng giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh, sinh viên trong nhà trường chưa cao, nhận thức của một bộ phận đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên về việc chấp hành pháp luật còn yếu, dẫn đến tỷ lệ thanh, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn nhiều.