Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên – Bài 3: Nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay

Cho đến bây giờ, anh Nguyễn Đình Thế – Bí thư Đoàn xã Thanh Thuỷ (Thanh Chương) kiêm Đội trưởng Đội thanh niên xung kích tham gia sơ, cấp cứu tai nạn giao thông (TNGT), tai nạn thương tích của địa phương, vẫn nhớ như in đêm mưa tháng 7 cách đây 5 năm. Đó là vào khoảng 22h30’ đêm 16/7/2018, trên địa bàn xã Thanh Thuỷ có mưa to, anh Nguyễn Quang Sơn, trú tại xã Thanh Xuân (Thanh Chương) đang trên đường điều khiển xe máy về nhà, do đường trơn, tầm nhìn hạn chế, nên bị TNGT.

Rất may, lúc này có người dân địa phương phát hiện được và báo ngay cho Đội thanh niên xung kích vừa mới thành lập chưa lâu. Thời điểm đó, dù trời mưa to, gió lớn và giữa đêm khuya nhưng các đoàn viên thanh niên trong Đội đã rất nhanh chóng có mặt để giúp đỡ nạn nhân. Tại hiện trường, anh Nguyễn Quang Sơn nằm bất tỉnh dưới cơn mưa tầm tã. Đội thanh niên xung kích đã phối hợp, hỗ trợ vận chuyển nạn nhân về Trạm Y tế xã Thanh Thủy sơ, cấp cứu. Sau đó, nạn nhân được chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để điều trị do chấn thương nặng, vỡ quai hàm.

Đội thanh niên xung kích cấp cứu tai nạn giao thông, tai nạn thương tích Đoàn xã Thanh Thủy phối hợp vận chuyển, sơ, cấp cứu nạn nhân. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Đội thanh niên xung kích cấp cứu tai nạn giao thông, tai nạn thương tích Đoàn xã Thanh Thủy phối hợp vận chuyển, sơ, cấp cứu nạn nhân. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Mới đây nhất là ngày 10/3/2023 vào khoảng 17h45’, cũng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, một du khách người Australia đang trên đường đạp xe xuyên Việt thì không may bị TNGT. Nhận được tin báo của người dân, Đội thanh niên xung kích đã nhanh chóng đến hiện trường, giúp đỡ vận chuyển vị khách du lịch này đến Trạm Y tế xã Thanh Thuỷ để sơ cứu, băng bó, sau đó trực tiếp đưa nạn nhân xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương cấp cứu.

Nói về sự ra đời của mô hình, Bí thư Đoàn xã Thanh Thuỷ – anh Nguyễn Đình Thế chia sẻ: Là địa phương có nhiều tuyến đường lớn đi qua, trong đó có 24km đường Quốc lộ 46; 10km đường Hồ Chí Minh cùng hơn 30km đường liên thôn, liên xã, vì vậy trên địa bàn xã Thanh Thuỷ thường xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Vào ngày 22/5/2018, Ban Chấp hành Đoàn xã quyết định thành lập Đội thanh niên xung kích tham gia sơ, cấp cứu TNGT, tai nạn thương tích với 13 đội viên. Nhiệm vụ cụ thể của đội là tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên và quần chúng nhân dân ý thức chấp hành ATGT; trực tiếp tham gia sơ, cấp cứu TNGT, phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trên địa bàn. Đội còn phối hợp với Ban Công an xã tham gia bảo vệ hiện trường khi có tai nạn giao thông xảy ra.

Kể từ khi thành lập đến nay, Đội thanh niên xung kích xã Thanh Thuỷ đã tham gia sơ cứu và vận chuyển cấp cứu kịp thời cho nạn nhân của 30 vụ TNGT. Trong đó phần lớn là người địa phương khác. Nhờ được sơ, cấp cứu kịp thời mà nhiều người đã thoát nguy cơ tử vong. Điều đáng quý là phương tiện vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu chủ yếu là xe cá nhân của Đội trưởng Nguyễn Đình Thế. Chúng tôi hỏi: “Nhiều người kiêng kỵ khi chở nạn nhân đi cấp cứu trên xe của mình, sợ nạn nhân tử vong khi đi trên đường. Thế không ngại sao?”. Nguyễn Đình Thế đáp ngay: “Chỉ cần cứu sống được nạn nhân là mừng rồi! Mình làm điều tốt, điều thiện thì sao lại ngại!”.

Thanh niên xung kích Đoàn xã Thanh Thủy tham gia hướng dẫn giao thông sau tai nạn. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Thanh niên xung kích Đoàn xã Thanh Thủy tham gia hướng dẫn giao thông sau tai nạn. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Tại một số địa phương dọc Quốc lộ 1A cũng đã thành lập và duy trì mô hình Đội thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh TNGT hoạt động khá hiệu quả như ở xã Diễn Kỷ (Diễn Châu), thị xã Hoàng Mai… Theo đánh giá của ngành chức năng, với tổng chiều dài đi qua Nghệ An là 73,8 km, Quốc lộ 1A là tuyến có tình hình giao thông phức tạp, hay xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Vì thế, việc duy trì các đội thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông là cần thiết, mang tính nhân văn cao, không chỉ giúp người bị nạn được sơ, cấp cứu kịp thời mà còn góp phần phân luồng giao thông, giữ hiện trường không bị xáo trộn, giúp cơ quan chức năng điều tra chính xác nguyên nhân vụ việc. Hiện nay mô hình này đã được nhân rộng ở nhiều địa phương như: Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, TX. Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Tương Dương, Yên Thành, Tân Kỳ…

Một mô hình khác cũng được đoàn thanh niên các cấp triển khai hiệu quả là việc xây dựng các tuyến đường bình yên, tuyến đường thanh niên tự quản. Tại huyện Yên Thành, TNGT xảy ra thường xuyên trên các tuyến đường giao thông nông thôn, nhất là khi các em học sinh vô tư chơi bóng đá, bóng chuyền giữa lòng đường; xe cơ giới chở vật liệu xây dựng làm rơi vãi cát, sỏi; cây cối hai bên đường không được phát quang, dẫn đến che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông… Ban Thường vụ Huyện đoàn Yên Thành đã chọn triển khai mô hình điểm “Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự” tại xã Nam Thành. Theo đó, vào các ngày cuối tuần, lực lượng đoàn viên thanh niên lại có mặt tại các tuyến đường để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm pháp luật giao thông, ứng xử văn hóa khi tham giao thông; phát quang cây cối; kiểm tra hệ thống cọc tiêu, biển báo để thông tin cho cơ quan chức năng duy tu, sửa chữa kịp thời khi có hư hỏng.

Tuổi trẻ xã Trung Thành (Yên Thành) dùng lốp xe làm biển cảnh báo giao thông.
Tuổi trẻ xã Trung Thành (Yên Thành) dùng lốp xe làm biển cảnh báo giao thông.

Từ thành công tại xã Nam Thành, đến nay mô hình “Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự” đã được nhân rộng trên khắp 39 xã, thị trấn trong toàn huyện Yên Thành. Chị Phạm Thị Huyền Trang – Bí thư Huyện đoàn Yên Thành chia sẻ: Sau khi mô hình “Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự” được triển khai, bằng sự sáng tạo của tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên các địa phương đã tiến hành thu gom lốp xe cũ về sửa sang, thiết kế thành các biển báo, biển chỉ dẫn an toàn giao thông cắm lên các tuyến đường. Qua đó góp phần giảm thiểu được TNGT và nâng cao ý thức của người dân, nhất là thanh thiếu niên khi tham gia giao thông.

Tại huyện Đô Lương, “tuyến đường thanh niên tự quản” cũng được triển khai với những tiêu chí cụ thể, trong đó được nhấn mạnh “5 không”: Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không có các hoạt động gây mất trật tự nơi công cộng; không vi phạm Luật Giao thông đường bộ; không vứt rác bừa bãi; không quảng cáo nhếch nhác. Để đảm bảo các tuyến đường được thông thoáng, an toàn, vào những ngày cuối tuần, các “chiến sĩ áo xanh tình nguyện” đã tổ chức phát quang cây cối 2 bên đường, san lấp ổ gà, khơi thông cống rãnh, tạo điều kiện để người dân đi lại thuận lợi. Ngoài ra, các cơ sở Đoàn cũng thành lập lực lượng xung kích đảm bảo an toàn với quy mô từ 10-15 đoàn viên thanh niên làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, tham gia phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý các tình huống về an toàn giao thông trên các tuyến đường; hỗ trợ nạn nhân trong trường hợp xảy ra tai nạn… Nhiều địa phương còn kết hợp xây dựng nhuần nhuyễn “Tuyến đường tự quản”, “Tuyến đường an toàn” gắn với “Cổng trường an toàn văn minh” hay “Đường cờ thanh niên” và “Thắp sáng đường quê” được ghi nhận, đánh giá cao.

Mô hình lốp xe quan sát của ĐVTV huyện Đô Lương.
Mô hình lốp xe quan sát của ĐVTV huyện Đô Lương.

Chị Nguyễn Thị Phương Thuý – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh 100% huyện, thị đã xây dựng được mô hình tuyến đường thanh niên tự quản, bình quân mỗi huyện có từ 10-15 tuyến đường do thanh niên đứng ra đảm nhận tự quản về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đoàn, tăng cường phối, kết hợp với các tổ chức đoàn thể nhân rộng các mô hình “Tuyến phố văn minh”, “Tuyến đường không có TNGT”. Đồng thời, triển khai ký cam kết thực hiện các quy tắc, chuẩn mực văn hóa giao thông đến 100% đoàn viên của địa phương, đơn vị, góp phần tạo chuyển biến về hành vi khi tham gia giao thông đến đông đảo đoàn viên thanh niên.

Ngoài lực lượng nòng cốt là đoàn thanh niên, kể từ năm 2018, Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An cũng đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh thực hiện cuộc vận động “Cựu chiến binh Việt Nam tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông”. Sau 5 năm phát động, các cấp Hội Cựu chiến binh đã xây dựng được 6.892 mô hình các loại. Trong đó, phải kể đến 925 “Cổng trường an toàn” do các cấp hội đảm nhận. Điển hình như ở thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc), trước đây do cổng trường tiểu học, THCS trên địa bàn đều nằm trên một trục đường và chỉ cách nhau 100m nên mỗi khi tan học số lượng học sinh, phụ huynh tập trung rất đông khiến cung đường thường xuyên ách tắc.

Hội CCB xã Nghi Trung (Nghi Lộc) triển khai mô hình cổng trường an toàn tại Trường Tiểu học Nghi Trung (ảnh trái); Mỗi buổi chiều, ông Vũ Thanh Quang - Chi hội phó Chi hội CCB tổ dân cư số 3 thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) đều có mặt để đảm bảo an ninh trật tự quanh cổng trường.
Hội CCB xã Nghi Trung (Nghi Lộc) triển khai mô hình cổng trường an toàn tại Trường Tiểu học Nghi Trung (ảnh trái); Mỗi buổi chiều, ông Vũ Thanh Quang - Chi hội phó Chi hội CCB tổ dân cư số 3 thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) đều có mặt để đảm bảo an ninh trật tự quanh cổng trường.

Trước thực trạng đó, Chi hội Cựu chiến binh Tổ dân cư số 3 thị trấn Quán Hành đã tham mưu chính quyền cách giải quyết “điểm đen” giao thông trên địa bàn. Theo đó, từ 4- 5h chiều các ngày trong tuần, lực lượng Cựu chiến binh của Tổ dân cư số 3 đều có mặt trước cổng trường tiểu học, THCS trên địa bàn để đảm bảo an ninh, trật tự. Ngoài kẻ vạch đường, in băng rôn, đặt các biển cấm đậu xe trên vỉa hè dành cho người đi bộ… các cựu chiến binh còn phân chia làn đường, trực tiếp hướng dẫn giao thông cho các phụ huynh, học sinh đi đúng phần đường. Nhờ vậy, tình trạng lộn xộn mỗi khi tan học đã gần như không còn. Ông Trần Đức Nhân – Tổ trưởng Tổ dân cư số 3, thị trấn Quán Hành cho biết: “3 năm nay, khối xóm ghi nhận đã không còn những vụ va chạm xảy ra trước cổng trường mỗi giờ cao điểm. Chúng tôi rất biểu dương mô hình cổng trường an toàn mà Chi hội Cựu chiến binh đang triển khai”.

Cùng với nỗ lực của các hội đoàn thể, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật về giao thông bằng các mô hình tự quản cũng được các ngành chức năng quan tâm. Riêng Công an Nghệ An đến nay đã chủ trì, phối hợp xây dựng được 61 mô hình đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có 39 mô hình tự quản về an toàn giao thông đường bộ – đường sắt. Thông qua các mô hình đã tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông, góp phần đấu tranh kìm giữ và làm giảm TNGT trên địa bàn.

Công an và ĐVTN các địa phương lắp đặt biển cảnh báo, hướng dẫn an toàn giao thông. Ảnh: CSCC
Công an và ĐVTN các địa phương lắp đặt biển cảnh báo, hướng dẫn an toàn giao thông. Ảnh: CSCC

Trong năm 2023, UBND tỉnh cũng giao Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và nhân rộng ít nhất 10 mô hình điểm thanh niên với an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Quỳnh – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn thì hiện nay có một số mô hình chưa thực sự hiệu quả, còn mang tính thời vụ, vì vậy cần chọn lọc, xây dựng các mô hình có chiều sâu và mang tính bền vững. Ngay cả với những mô hình đã được nhân rộng như các đội thanh niên tình nguyện sơ, ứng cứu nhanh TNGT cũng đang gặp phải một số khó khăn nhất định, nhất là vấn đề kinh phí để hoạt động. Vì thế, ngoài việc tập huấn, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng thì cần nghiên cứu phương án hỗ trợ kinh phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình hoạt động hiệu quả hơn.

Mặt khác, thực tế hiện nay tình hình tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn Nghệ An xảy ra 94 vụ tai nạn giao thông, làm chết 61 người, bị thương 67 người. Trong đó, phân loại về độ tuổi gây tai nạn, riêng độ tuổi từ dưới 18 và dưới 27 là 21 vụ, làm 15 người chết, 22 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện đi sai phần đường, làn đường, chuyển hướng không đúng quy định, không nhường đường, không làm chủ tốc độ; tránh, vượt xe sai quy định… Từ đầu năm 2023 đến nay riêng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cũng đã xử lý 463 trường hợp dưới 30 tuổi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Vì vậy đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn để tạo chuyển biến về hành vi khi tham gia giao thông của thanh thiếu niên…

Lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết giao thông trên đường Lê Hồng Phong. Ảnh tư liệu: Hải Vương
Lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết giao thông trên đường Lê Hồng Phong. Ảnh tư liệu: Hải Vương