Sống khổ trên vùng khoáng sản – Kỳ 3: Xe chở khoáng sản “băm nát” đường giao thông

Nhiều năm nay, các tuyến đường nhựa vốn đã xuống cấp nghiêm trọng ở xóm 6 (xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu) đã phải oằn mình gồng gánh thêm những đoàn xe tải nối đuôi nhau qua lại. Đặc biệt là con đường từ xóm 6 đi qua xã Ngọc Sơn cạnh đó. Những chiếc xe tải cỡ lớn này hầu hết xuất phát từ lèn Thung Buồng, chở đất đá để san lấp, xây dựng công trình.

Người dân xóm 6 xã Quỳnh Tân phải lập barie ngăn xe chở quá tải.
Người dân xóm 6 xã Quỳnh Tân phải lập barie ngăn xe chở quá tải.

Các đoàn xe tải rầm rộ ngày đêm suốt thời gian dài như thách thức sự kiên nhẫn của người dân. Vì quá bức xúc, người dân địa phương đã lập barie để hy vọng hạn chế được phần nào, nhưng vẫn bất lực. “Họ chạy không có giờ giấc cụ thể gì cả, bất kể ngày đêm. Đường thì đã xấu nhưng xe vẫn chạy tốc độ cao, rất nguy hiểm. Ngày nắng thì bụi bay mù mịt, mưa thì đường sá đầy rẫy hố sâu”, ông Nguyễn Văn Trung (72 tuổi) ở xóm 6 xã Quỳnh Tân, nói.

Theo ông Trung, vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép ở lèn Thung Buồng diễn ra từ nhiều năm nay. Hết khai thác đá chui lại khai thác đất. Những con đường ở xóm 6, trước đây từng được rải thảm nhựa đẹp đẽ, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chúng đã bị những đoàn xe tải cỡ lớn băm nát. Nhiều tuyến đường ở đây, bây giờ chẳng còn nổi khúc thảm nhựa nào. Thay vào đó là chi chít “ổ voi”, đất đá lởm chởm, nhão nhoét. Những ngày mưa xuống, ôtô cỡ nhỏ của người dân phải rất vất vả mới có thể trườn hết một đoạn đường ngắn dẫn vào làng.

“Chúng phá tan đường sá, trước đây xe tải chạy liên tục, mùa nắng bụi bay mù mịt. Khổ nhất là những nhà sống gần đường. Xe chạy ầm ầm cả đêm, vừa bụi lại vừa ồn”, ông Trung nói thêm. Để cứu đường, nhiều năm gần đây, người dân trong xóm của ông đã phải cùng nhau dựng nhiều barie, với hy vọng những chiếc xe tải sẽ chạy chậm hơn. Tuy nhiên, giải pháp đó của bà con vẫn không mang lại hiệu quả. Xe tải vẫn cứ hiên ngang chạy ra vào lèn Thung Buồng để chở khoáng sản. Đặc biệt là trên tuyến đường từ xóm 6 xã Quỳnh Tân đi xã Ngọc Sơn.

Tuyến đường ở xóm 6 tan nát sau nhiều năm bị xe tải chở khoáng sản trái phép lộng hành.
Tuyến đường ở xóm 6 tan nát sau nhiều năm bị xe tải chở khoáng sản trái phép lộng hành.

Không chỉ múc đất trái phép, ở lèn Thung Buồng còn có 1 mỏ đá được cấp phép nhưng đã bị UBND tỉnh Nghệ An thu hồi giấy phép, yêu cầu dừng hoạt động khai thác từ gần 3 năm nay. Nguyên nhân là trong quá trình hoạt động khai thác mỏ, công ty chấp hành không nghiêm túc theo quy hoạch, vị trí khai thác mỏ như thiết kế ban đầu. Khi khai thác hết phần đất, đá trong phạm vi mỏ thì công ty có các hành vi lợi dụng khai thác lấn chiếm qua đất rừng sản xuất lâm nghiệp của các hộ gia đình liền kề. Dù đã bị yêu cầu đóng cửa, tuy nhiên, công ty này sau đó vẫn lén lút khai thác khoáng sản chở đi bán. Lèn Thung Buồng giờ đây, chỉ còn lại những ngọn núi lở loét, nham nhở sau nhiều năm bị “khoáng tặc” đục khoét và đặc biệt là những con đường đã tan nát.

Tuyến tỉnh lộ 532 đi qua địa bàn các xã Châu Quang, Châu Cường, Châu Hồng, Châu Tiến của huyện Qùy Hợp (Nghệ An) có chiều dài gần 35 km. Là tuyến đường huyết mạch của hàng trăm ngàn hộ dân nơi đây trong việc giao thương, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tuyến đường này bị băm nát, khiến việc lưu thông hết sức khó khăn.

Tỉnh lộ 532 đoạn qua xã Châu Hồng tan nát vì hàng ngày phải oằn mình gồng gánh hàng ngìn xe tải chở khoáng sản.
Tỉnh lộ 532 đoạn qua xã Châu Hồng tan nát vì hàng ngày phải oằn mình gồng gánh hàng ngìn xe tải chở khoáng sản.

Đặc biệt là đoạn từ ngã ba xã Châu Thành vào đến xã Châu Hồng với chiều dài khoảng hơn 9 km, đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường biến dạng, chi chít ổ trâu, ổ gà và cả ổ voi. Đây cũng là tuyến đường đi vào vùng được xem như “thủ phủ khoáng sản” với hàng chục mỏ các loại, đặc biệt là đá trắng. Mùa nắng, những ngôi nhà dọc 2 bên đường bị phủ kín bởi những lớp bụi dày. Còn mùa mưa, đất đá nhão nhoét, các phương tiện phải gồng mình bì bõm vượt qua những “ao nước” ngay giữa đường. Theo người dân địa phương, xe tải chở khoáng sản từ các mỏ đá, mỏ quặng là nguyên nhân chính làm hỏng đường.

 

Tỉnh lộ 532 được đầu tư xây dựng từ khoảng 40 năm trước. Nhiều năm nay, con đường vốn đã tan nát phải “gồng gánh” hàng nghìn lượt xe tải chở đá mỗi ngày. “Sống trên vùng khoáng sản, thứ chúng tôi thấy trước mắt chỉ là sự ô nhiễm môi trường, đường sá xuống cấp trầm trọng. Xe tải chở khoáng sản qua lại gây bụi bặm không dám mở cửa, nhưng không biết kêu ai, nhiều lần thấy tu sửa nhưng không thấm vào đâu, một thời gian sau lại hỏng nhiều hơn”, một người dân xã Châu Hồng có nhà cạnh tỉnh lộ 532 nói.

Theo lãnh đạo xã Châu Hồng, tuyến đường xuống cấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại cũng như giao thương của bà con trong vùng. Xã đã nhiều lần có văn bản kiến nghị lên huyện, tỉnh, trong các cuộc tiếp xúc cử tri vấn đề này được nhiều lần nhắc đến nhưng thực trạng “đâu vẫn còn đó”. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do đường đã xây dựng từ lâu không được nâng cấp sửa chữa, ngoài ra trên tuyến này có rất nhiều mỏ đá nên lưu lượng xe trọng tải lớn chở khoáng sản lưu thông rất nhiều.

Nhà cửa ở bên tỉnh lộ 532 phải bịt kín để tránh bụi.
Nhà cửa ở bên tỉnh lộ 532 phải bịt kín để tránh bụi.

“Vài năm trước, cũng có dự án định đầu tư đường này. Tuy nhiên, sau khi đoàn công tác của họ về xã Châu Hồng kiểm tra thì đã từ chối đầu tư xây dựng tỉnh lộ 532 vì ở đây có quá nhiều mỏ khoáng sản, có quá nhiều xe tải trọng lớn thường xuyên qua lại. Và họ phải chuyển dự án làm đường kia lên cho huyện Quế Phong”, vị lãnh đạo xã Châu Hồng kể.

Hiện nay, để ứng phó, lãnh đạo xã Châu Hồng thường phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp để sửa chữa đường. “Chúng tôi phải xin đá dăm từ các doanh nghiệp trên địa bàn để lấp vào các hố sâu trên đường. Nếu không làm như vậy thường xuyên, ô tô sẽ không qua lại được đường này vì cạt gầm. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời”, ông Trương Văn Hóa – Chủ tịch UBND xã Châu Hồng nói.