Đất có lề, quê có thói

Mỗi khi đi đến nơi nào mới lạ, muốn nhanh chóng làm quen, hòa đồng, chúng ta thường phải tìm hiểu xem phong tục, tập quán, lối sống nơi đó thế nào. Thành ngữ “đất có lề, quê có thói” muốn nhắc chúng ta về điều đó. Ví dụ: “Về làm dâu, con đừng giữ mãi thói quen như quê mình nhé. Đất có lề quê có thói, cái xứ đạo ấy bây giờ vẫn còn nhiều luật tục lắm đấy” (Gia Đình Việt Nam).

Lề trong tiếng Việt chính là những thói quen, quy tắc, thông lệ… của địa phương hay của cộng đồng người nào đó. Ta thường nghe nói tới lề lối, lề luật, lề phép… Lề ở đây, gần âm và trong một chừng mực nào đó gần với từ lệ, như lệ thường, thông lệ, lệ luật… (Phép vua thua lệ làng: Ở trong làng xã thì tập quán, lề thói vượt lên trên tất cả mọi phép tắc nhà nước). Còn thói có nghĩa là thói quen, thói tục, thói cách. Ta thường nghe nói “thói hư tật xấu” hàm chỉ những thói tật lạc hậu, không hay của ai đó, nên loại bỏ.

Tương truyền ngày xưa, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) quê ở Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Kiến An (nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) là một người tài cao, học rộng. Có lần, một học trò giỏi của ông là Phùng Khắc Khoan đến chơi, lại quên cứ đội nguyên cả mũ vào trong nhà. Nguyễn Bỉnh Khiêm nghiêm mặt quở trách: “Con phải bỏ guốc, bỏ mũ ở ngoài kia. Vào nhà, nhất là vào điện thờ phải tỏ ra cung kính. Đất lề quê thói. Đi đến đâu cũng phải học hỏi con ạ”.

Thành ngữ “đất có lề, quê có thói” cũng gần nghĩa với một thành ngữ Hán Việt khác là “nhập gia tùy tục” (vào một gia đình nào đó thì phải tuân thủ những thói quen, nếp sống của họ).

Đất lề quê thói em ơi
Nhập gia tùy tục ta thời chớ quên!


Bài: PGS.TS Phạm Văn Tình
Ảnh minh họa: Tư liệu