…thì hãy nói với con rằng: Không sao đâu, cuộc đời này còn rất nhiều lựa chọn!
Bởi một kỳ thi không đủ để đánh giá con giỏi giang hay kém cỏi.
Bởi một kỳ thi cũng chỉ là… một kỳ thi mà thôi, nghĩa là sẽ luôn còn có những kỳ thi khác, những thang bậc đánh giá khác phù hợp với con hơn.
Cách đây 3 năm, tôi đã nói với con của người bạn thân như vậy, khi mẹ cháu khóc òa lên trong điện thoại vì cảm giác hụt hẫng, thất vọng bởi con thi trượt lớp 10. Tôi – người bạn của gia đình, cũng được xem là chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ được bọn trẻ tương đối tin cậy, nhận trách nhiệm đến nói chuyện với cháu. Phòng tắt đèn, rèm kéo kín, đứa trẻ 15 tuổi co mình trên giường lặng thinh. Tôi nói với con rằng, cô biết sự thật này quá khó chấp nhận, bởi nếu con học kém thì đã đành, còn đây, hàng chục tờ giấy khen lớn nhỏ qua từng năm học vẫn còn treo trên bức tường kia lại cho thấy điều ngược lại. Một đứa trẻ học khá, bố mẹ chăm chút từng ly từng tí, thầy cô bạn bè mến yêu, vậy thì tại sao thi vào lớp 10 lại trượt?
Vì cùng thi với con là gần 40.000 bạn khác, trong khi chỉ tiêu vào các trường công lập trên toàn tỉnh chỉ có hơn 31.000; nghĩa là sẽ có khoảng 77,5% đứa trẻ thành công vượt vũ môn, còn 22,5% – 9.000 đứa trẻ còn lại có thể bị xem là thất bại! 9.000 đứa trẻ ấy, thực tế, nhiều bạn có học lực khá, giỏi, nhưng cùng với số lượng thí sinh “khủng”, mức điểm chuẩn của các trường THPT công lập cũng có xu hướng điều chỉnh tăng. Mặt khác, cánh cổng hẹp hơn khi tất cả các trường đều không tuyển nguyện vọng 2, do vậy, có thể con bạn thừa điểm vào trường B, trường C nhưng lại thiếu điểm vào trường A theo nguyện vọng 1.
Việc trượt một kỳ thi khiến con có cảm giác như mình là đứa kém cỏi, thất bại nhất thế giới. Con có thể sẽ tự trách mình rằng đã không đủ cố gắng, không đủ nỗ lực, học không đủ nhiều; rằng con quả là đứa bất hiếu vì khiến bố mẹ thất vọng; rằng nỗi xấu hổ với thầy cô, bạn bè khi bao năm mang tiếng học khá mà nay lại trượt ê chề. Tôi đã ngồi cùng đứa trẻ ấy trong căn phòng nhỏ suốt buổi chiều, yên lặng cùng nó, lắng nghe nhiều hơn là khuyên nhủ, định hướng nhiều hơn là áp đặt, tìm giải pháp hơn là phân tích nguyên nhân. Tôi bảo, bây giờ sự đã rồi, theo cô, chúng ta có lựa chọn B, lựa chọn C, lựa chọn D… Con thấy không, con chỉ đánh mất 1 lựa chọn, nhưng còn 1.001 lựa chọn khác đang chờ con cân nhắc!
Cuối cùng, đứa trẻ ấy chọn học trường nghề, vừa học nghề vừa học văn hóa! Bạn biết không, hiện tại, sau 3 năm, mới hôm qua đây thôi, mẹ nó gọi điện cho tôi khoe: T. nó vừa được nhận làm thực tập sinh ở Huyndai, tháng 9 tới nó sẽ sang Hàn Quốc, vào làm việc tại tổng công ty. Sang đó, nó tiếp tục vừa học vừa làm, nếu kết quả thực tập đạt yêu cầu sẽ được hãng tiếp nhận chính thức với vị trí kỹ sư!
Tôi viết bài này bởi vừa nhận được email nó gửi:
“Cô ơi, cảm ơn cô vì sự đồng cảm 3 năm trước. Lúc đó, con chán ghét bản thân vô cùng, nhưng giờ đây lại thầm biết ơn vì đã thất bại. Kinh nghiệm từ thất bại chỉ cho con cách đứng lên vững vàng hơn. Khi đi thật xa để nhìn lại, con nhận ra rằng một kỳ thi ở tuổi 15, 18 chẳng là gì cả, vì bước ra cuộc đời rộng lớn ngoài kia, thậm chí mỗi ngày chúng ta phải đối mặt với biết bao kỳ – thi – vượt – lên – chính – mình!”.
Cuối cùng, tôi trích dẫn ra đây những người nổi tiếng đã thất bại thảm hại nhưng vẫn tiếp tục vươn lên mạnh mẽ cho đến khi họ thành công: Michael Jordan – người được mệnh danh là “ông vua” của môn bóng rổ, sau khi bị loại khỏi đội bóng rổ trường trung học, anh về nhà nhốt mình trong phòng và khóc, nhưng anh quyết tâm tập luyện lại và thành quả như chúng ta thấy bây giờ; Albert Einstein – nhà khoa học vĩ đại, người được vinh danh là “người thông minh nhất thế kỷ XX” đã từng không thể nói cho đến khi gần 4 tuổi và giáo viên của ông nói với ông ấy rằng sẽ “không bao giờ có nhiều tiền”; Oprah Winfrey – nữ hoàng truyền hình của Mỹ đã bị giáng chức từ công việc của cô ấy như một phát thanh viên vì cô ấy… “không phù hợp với ngành truyền hình”…
Vậy nên, bạn đã biết phải nói gì nếu một mai con thi trượt rồi đấy: Không sao đâu, cuộc đời này còn rất nhiều lựa chọn!
Bài: Phước Anh
Ảnh minh họa: Tư liệu