Nếu như ở các huyện đồng bằng, ven biển dù được đầu tư nhiều dự án nước sạch tập trung, nhưng trong đó có những công trình không phát huy hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí rất lớn như chúng tôi đã phản ánh thì ở các huyện miền núi, người dân chủ yếu trông chờ vào các công trình cấp nước tự chảy.
Theo Báo cáo của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn thì đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã có 517 công trình cấp nước nông thôn với tổng công suất lên đến 60.000m3/ngày, đêm. Trong đó, chỉ có 40 nhà máy cấp nước tập trung với tổng công suất thiết kế là 28.211m3/ngày, đêm, còn lại là công trình tự chảy ở miền núi. Các công trình nước sạch tự chảy chủ yếu tập trung ở các huyện như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp… Tuy nhiên, chỉ có khoảng hơn 100 công trình được đánh giá hoạt động hiệu quả, hơn 170 công trình hoạt động trung bình, còn lại là hoạt động kém hiệu quả và đã hư hỏng ngừng hoạt động.
Các công trình nước sạch tự chảy ở các huyện miền núi được thực hiện thông qua nhiều chương trình khác nhau như: Chương trình 134, 135 của Chính phủ và các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ: OXFAM, UNICEF, JICA, DANIDA… Các công trình này đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, tuy nhiên, do hầu hết đã xây dựng từ lâu, cộng thêm khu vực miền núi thường xuyên xảy ra sạt lở, mưa lũ làm xói mòn nên nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp. Để có nước sạch sử dụng, người dân tại những khu vực này thậm chí phải đi hàng cây số xách từng can nước về dùng.
Có mặt tại xã Thọ Sơn, một xã vùng sâu của huyện Anh Sơn, chúng tôi được biết, cách đây 20 năm địa phương này đã được xây dựng 1 công trình cấp nước cho bản Đông Thọ và bản Khe Trằng từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia 135. Nước được lấy từ khe Giả Láp và dẫn nước về các thôn, bản bằng đường ống cấp nước. Do công trình đã sử dụng lâu năm, hàng năm không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nên đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Đặc biệt, tại vị trí lấy nước ở khe Giả Láp đã bị cạn kiệt nhiều năm qua, nên công trình không còn khả năng cung cấp đủ nước cho các thôn, bản của xã. Hiện công trình này chỉ còn cấp được một ít cho bản Đông Thọ, tuy nhiên, nước cũng chỉ chảy được khi mưa lớn, còn những dịp nắng nóng gay gắt, người dân lại phải mang theo từng can nhựa vào tận khe gạn nước đem về dùng.
Chị Vi Thị Lợi, trú tại bản Đông Thọ cho biết: Sau khi có hệ thống nước tự chảy, gia đình cũng làm ống đấu nối từ bể về dùng, thế nhưng, lâu nay đã bị cạn kiệt, có những hôm phải đem can nhựa vào tận khe để lấy. Nhà chị Lợi có 6 nhân khẩu, để đảm bảo đủ nước để nấu ăn và giặt giũ, có ngày phải vào tận khe lấy 10 can, mỗi can 20 lít mới có dùng.
Bà Vi Thị Hiền – Trưởng bản Đông Thọ nói rằng, đã có một số nhà thử khoan giếng nhưng mà bị vướng đá vôi, nước lấy lên dùng một thời gian là đóng cặn, làm đồ đạc và bình lọc bị hư hỏng.
Dẫn chúng tôi vào tận điểm lấy nước đặt trong khe Giả Láp, ông Vi Văn Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn cho biết: Từ điểm lấy nước đặt trong khe, nước sẽ được dẫn về 5 bể tại bản Đông Thọ (1 bể), Khe Trằng (1 bể) và Hồng Sơn (3 bể). Theo quan sát, tại điểm lấy nước có một con đập nhỏ bằng bê tông chắn qua suối, và một ô lọc nhanh đầu nguồn, sau đó đường ống được đặt vào đây để nước tự chảy về các bể. Tuy nhiên, lâu nay nước gần như không về được các bể vì điểm lấy nước đã bị hư hỏng. Dù đã từng dời vị trí lấy nước lên phía đầu nguồn nhưng nguồn nước cũng không đủ để chảy về cho người dân sử dụng.
Được biết, đã có đơn vị tư vấn về khảo sát, để khôi phục, nâng cấp lại hệ thống nước tự chảy này để cấp cho người dân xã Thọ Sơn. Tuy nhiên, do chi phí cao, khoảng 2 tỷ đồng, trong khi địa phương không có kinh phí để thực hiện nên chưa thể triển khai được. Nếu việc khôi phục, nâng cấp được thực hiện thì sẽ đảm bảo cung cấp đủ nước cho 868 hộ với 3.776 nhân khẩu của 6 thôn, bản trên địa bàn xã Thọ Sơn.
Theo thống kê, ở huyện Anh Sơn, ngoài 1 nhà máy cấp nước tập trung cung cấp cho thị trấn Anh Sơn và vùng lân cận, thì còn có 6 công trình cấp nước tự chảy được xây dựng rải rác trên địa bàn. Trong đó, tại xã Hoa Sơn 2 công trình, xã Tường Sơn 2 công trình, xã Thọ Sơn 1 công trình và xã Cẩm Sơn 1 công trình. Ngoài ra, còn có 1 công trình tại bản Cao Vều, xã Phúc Sơn chưa hoạt động. Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn, hầu hết các công trình cấp nước tự chảy đều đã hư hỏng, nếu sửa chữa thì mỗi công trình cũng phải tiêu tốn hơn 1 tỷ đồng.
Lên với huyện biên giới Kỳ Sơn, nơi có đông đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú sinh sống. Theo thống kê hiện nay toàn huyện có gần 190 công trình nước sạch, trong đó, có khoảng 140 công trình hoạt động tương đối bền vững, số còn lại hoạt động không bền vững và bị hư hỏng. Dù các công trình cấp nước tự chảy đã phát huy được hiệu quả sử dụng khi trở thành nguồn dự trữ nước sinh hoạt cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, do đã xây dựng từ lâu, cùng với việc thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên nhiều công trình đã bị hư hỏng.
Tại bản Phia Khăm 1, xã Bắc Lý có 1 công trình được xây dựng từ năm 2005, ban đầu cấp nước cho 64 hộ dân, tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm, cùng với sự phát triển dân số đã có 105 hộ dân sử dụng. Để đảm bảo cấp nước cho nhân dân sử dụng, một đường ống dẫn nước 3 km đã được lắp đặt cùng với 4 bể chứa kết hợp nhà tắm.
Cũng tại xã Bắc Lý, ở bản Kẻo Pha Tú, một công trình được xây dựng năm 2013, ban đầu có 38 hộ sử dụng, nay đã tăng lên 55 hộ, hệ thống này có tuyến đường ống dài 1,3 km và 4 bể chứa kết hợp nhà tắm. Hay như ở bản Huồi Bắc, công trình được xây dựng năm 2014 , ban đầu công trình cấp nước cho 43 hộ, đến nay đã có 56 hộ sử dụng. Công trình này có tuyến đường ống dài 2 km, gồm 3 bể chứa kết hợp nhà tắm.
Ông Cụt Văn Long – Chủ tịch UBND xã Bắc Lý cho biết: Hiện nay các công trình ở 3 bản này đã hư hỏng đập đầu nguồn, tuyến ống và các bể. Nguyên nhân chính là do công trình xây dựng đã nhiều năm, các vị trí đập đầu nguồn ở khe có độ dốc lớn và thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét; nguồn nước ở khu vực đầu nguồn dần bị cạn kiệt do biến đổi khí hậu; công tác bảo quản, duy tu, bảo dưỡng, ý thức bảo quản của người dân còn hạn chế.
Cũng theo ông Long, hiện nay riêng công trình cấp nước tự chảy tại bản Phia Khăm 1, xã đã đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng trong Dự án 4 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Còn 2 điểm tại bản Kẻo Pha Tú và Huồi Bắc xã cũng đã trình UBND huyện xem xét, để sớm có giải pháp sửa chữa, nâng cấp.
Hay như tại xã Phà Đánh, tại các bản Kẻo Lực 1, 2, 3 từ năm 1995 và năm 2017 đã được xây dựng 2 đập nhỏ trên khe, suối để dẫn nước vào 1 tuyến ống chính chạy về 3 bản này. Ngoài hệ thống đường ống dài 4 km, thì còn có 6 bể chứa, kết hợp nhà tắm. Hiện nay, đập đầu nguồn số 2 đã bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn, hệ thống tuyến ống bị trôi, gãy không sử dụng được. Cả 3 bản đang dùng tạm nguồn nước tại đập đầu nguồn cũ xây dựng từ năm 1995 (đập số 01). Tuy nhiên, do nguồn nước khe nhỏ, nhất là vào mùa khô nước hầu như không có, hơn nữa phải phục vụ cho cả 3 bản với hơn 201 hộ dân, và các trường học, trạm y tế, UBND xã Phà Đánh nên không đủ nước để sử dụng.
Ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Hầu hết các công trình cấp nước tự chảy trên địa bàn huyện đã xây dựng từ lâu nên xuống cấp nghiêm trọng. Hiện huyện cũng đã giao cho các xã tiến hành kiểm tra, rà soát những công trình hư hỏng lớn, còn khắc phục, sửa chữa được để đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các địa phương có giải pháp huy động nguồn vốn khác, của người dân hưởng lợi để khắc phục, sửa chữa những hư hỏng nhỏ và làm tốt công tác bảo trì, bảo quản, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên; không quy hoạch vùng sản xuất ở phía lưu vực đầu nguồn có công trình nước sinh hoạt để giữ nguồn nước. Nhất là phải kịp thời sửa chữa sau các mùa mưa bão, tránh để lâu càng bị hư hỏng nặng.
(Còn nữa)