Cô bạn tôi nói đùa, sở dĩ facebook có sức mạnh là vì biết quan tâm người khác. Mỗi lần mở trang cá nhân ra, bạn lại thấy “anh” Face hỏi: “Lê ơi, bạn đang nghĩ gì?…”. Chỉ là câu hỏi thật ngắn mà đầy quan tâm, âu yếm. Và có lần, bạn nói nửa thật, nửa đùa, đám con cái dành thời gian cho facebook hơn cho mẹ, trách con nhưng cũng trách mình, có bao giờ biết hỏi: “Con đang nghĩ gì thế?” đâu. Thậm chí, vì chẳng lúc nào hỏi nên có khi mở lời hỏi, con cứ nhìn mẹ như vật thể lạ.
Một trong những cuốn sách mà tôi đọc lại nhiều lần suốt thời tuổi thơ là Tôt Tô Chan cô bé bên cửa sổ. Và bạn thấy buồn cười không, khi tôi thấy một trong những ấn tượng của mình về cuốn sách là dáng vẻ sốt sắng của cô bé Tôt Tô Chan khi cô rất hay hỏi xem người khác đang nghĩ gì, đang làm gì… Thậm chí có khi, không ai cả, cô quan tâm luôn tới một chú chim vừa dừng chân bên cửa sổ.
Sau nhiều năm, nhiều kỷ niệm về bạn trai đầu tiên của tôi đã nhạt nhòa thì tôi vẫn nhớ như in ánh mắt dịu dàng của mẹ bạn, khi bác hỏi “Con đang nghĩ gì thế?” – Khi đó, tôi đang ngồi im lặng. Và tôi cũng nhớ như in cái hôn lên trán bác dành cho tôi lúc ra về, kèm câu nói thật ngọt: “Tạm biệt con gái”. Câu hỏi ấy, cái hôn ấy chưa một người lớn nào dành cho tôi. Bất thần, trong giây phút ấy, tôi ngạc nhiên thấy tim mình đầy ắp những giai điệu rộn rã hát ca.
Tôi hay hỏi con gái mình “Con đang nghĩ gì thế?”. Và con cũng thường dành cho tôi câu hỏi ngược lại như vậy. Có khi, con hỏi cụ thể hơn là: “Mẹ đang nghĩ gì mà mẹ cười vậy? Mẹ đang nghĩ gì mà mẹ buồn vậy?”. Ngày kia, khi tôi gặp một nỗi thất vọng lớn tới mức nước mắt chảy dài, vô tình con nhìn thấy, hỏi, mẹ ơi, sao mẹ khóc? Mẹ đang nghĩ gì, nói con nghe đi.
Dù rằng, nếu giải thích về một nỗi thất vọng khiến mình buồn phát khóc với một cô bé 4 tuổi thì chắc rằng cô ấy sẽ chẳng hiểu gì nhiều. Nhưng quả thực, khi đang buồn, có một người đến bên hỏi mình đang nghĩ gì, đã thấy nỗi buồn nhẹ đi một nửa.
Anh bạn họa sĩ chia sẻ về mẹ anh, điều duy nhất anh làm cho mẹ, nếu đáng kể, là việc giấu kỹ những nỗi buồn. Vì nỗi buồn của anh, mẹ biết sẽ buồn hơn gấp đôi, gấp ba lần. Và anh giấu kỹ nó như thể chưa từng diễn ra trong cuộc đời mình. Tôi cũng từng là cô bé giấu kỹ nỗi buồn như anh. Tôi giấu kỹ tới mức khi mẹ tôi biết chuyện, thì nỗi buồn ấy đã trôi qua rồi, và bà chấp nhận chuyện ấy với những niềm vui trong ánh mắt vì con gái mình đã bản lĩnh vượt qua.
Tôi vẫn luôn đặt ra giả thiết, nếu mẹ thường hỏi tôi, con nghĩ gì? Thì có lẽ tôi chẳng gồng mình giấu chi những nỗi buồn. Giấu nỗi buồn với mẹ, không phải là dối trá, cũng không hề là bản lĩnh hay hiếu thảo gì. Đó là hoàn cảnh buộc mình như thế.
Một anh bạn là doanh nhân, kể, ba mẹ anh cũng là doanh nhân, đương nhiên rất bận. Và chẳng bao giờ họ quan tâm xem con cái mình đang nghĩ gì. Để cuộc sống của anh phát triển tốt nhất (theo họ), anh được gửi vào trường nội trú, các sơ sẽ bảo ban, dạy dỗ cả tuần. Cuối tuần chỉ về với ba mẹ ngày Chủ nhật. Và họ hài lòng khi thấy con ngày một khôn lớn, trưởng thành, mạnh khỏe. Ngoan, giỏi cả học tập lẫn thể dục, thể thao.
Rồi ngày kia, anh xây dựng những sân chơi học đường miễn phí ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, chỉ với mong muốn để ba mẹ cùng ngồi với con, xem con mình đang chơi gì, hỏi con đang nghĩ gì. Con đang nghĩ gì – đơn giản thế thôi nhưng không phải đứa trẻ nào cũng được quan tâm. Tuổi thơ anh không có điều ấy, và vì thế anh biết, trẻ con rất khát thèm điều đó. Những món đồ chơi chỉ là cái cớ để ba mẹ ngồi lại bên con mà hỏi han, chia sẻ mà thôi.
Sáng nay, “cô gái” nhỏ tuổi của tôi vừa nói sau khi thức dậy, rằng: “Đêm qua con mơ thấy mẹ. Con nghĩ là vì con nhớ mẹ nên con mơ thấy mẹ đó mà”. Và tôi cảm thấy những điều ấy ngọt ngào, thơm phức hơn cả một ly cà phê passio buổi sáng.
Hình ảnh minh họa: Tư liệu