Với thế mạnh phát triển nuôi tôm mặn lợ, cùng với tiếp tục động viên, khuyến khích người nuôi tôm tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thì cần quan tâm đầu tư cải tạo hạ tầng cho các vùng nuôi tôm theo hướng bền vững. Bên cạnh đó là tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, hỗ trợ, phổ biến quy trình nuôi an toàn cho người dân.
Hiện nay, với diện tích nuôi tôm mặn lợ thâm canh tính cả 2 vụ/năm là 2.400 ha, mỗi năm sản lượng tôm thịt của Nghệ An dao động từ khoảng 7.000 tấn. Để con con tôm trở thành con nuôi trồng thủy sản chủ lực phục vụ xuất khẩu, từng bước tái cơ cấu giá trị hải sản (giảm tỷ lệ khai thác theo định hướng của Chính phủ), Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2025 và định hướng năm 2030, sản lượng thủy sản mặn lợ đạt 18.000 tấn, trong đó 12.000 tấn tôm thịt.
Hiện nay, sau khi ban hành Đề án hỗ trợ đối với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có các vùng nuôi tôm hữu cơ, VietGAP…, cuối năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2021 thay thế Nghị quyết 14/2017 về một số chính sách hỗ trợ phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, ngoài chính sách hiện có, tỉnh bổ sung chính sách hỗ trợ đối với nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình 3 giai đoạn.
Mặt khác, tỉnh cũng ưu tiên đưa sản xuất tôm giống là một trong những mũi nhọn khai thác hiệu quả hạ tầng hiện có. Thực tế 5 năm lại đây cho thấy, mặc dù ngân sách còn hạn hẹp nhưng hàng năm tỉnh cũng trích kinh phí hàng tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng các mô hình, tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyên về nuôi trồng thủy sản, cấp hóa chất xử lý ao đầm khi dịch bệnh xảy ra. 2 năm lại đây, sau khi bố trí được kinh phí 60 tỷ đồng để cải tạo hạ tầng gần 200 ha nuôi tôm công nghiệp tại xã Quỳnh Bảng, từ nay đến năm 2025, tỉnh đang rà soát và dự kiến bố trí khoảng 200 tỷ đồng để cải tạo lại toàn bộ các vùng nuôi tôm theo hướng an toàn VietGAP.
Ông Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho rằng: Với điều kiện hạ tầng và môi trường hiện nay thì việc một số hộ nuôi tôm Nghệ An nuôi thành công thực sự rất đáng khâm phục vì ý chí vượt khó, vươn lên của bà con. Tuy nhiên, về lâu dài, muốn nâng cao giá trị kinh tế của con tôm và để nghề nuôi tôm mặn lợ Nghệ An phát triển bền vững, tỉnh sẽ phải từng bước đầu tư lại hạ tầng nuôi theo yêu cầu mới.
Để làm được điều đó, một mặt, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực để từng bước chuyển đổi, cải tạo hạ tầng lại các vùng đầm nuôi theo hướng an toàn, bền vững của VietGAP hay mô hình sản xuất hữu cơ…; mặt khác, sẽ tích cực hỗ trợ, đồng hành với bà con trong việc hướng dẫn thay đổi quy trình nuôi tôm theo hướng bền vững hơn. Trước đây, hạ tầng ao đầm thiết kế theo yêu cầu nuôi tôm sú và nay chuyển sang nuôi tôm thẻ, thời gian nuôi mỗi vụ rút ngắn từ 5 tháng xuống còn 3 tháng và năng suất tăng gấp 5-7 lần, đồng nghĩa với áp lực nước thải, gây ô nhiễm môi trường cũng cao nên phải cải tạo lại hạ tầng tương ứng.
Ông Bùi Xuân Trúc – Phó phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: Là huyện trọng điểm nuôi tôm của tỉnh nên Quỳnh Lưu đang được Sở NN&PTNT ưu tiên khảo sát 4 vùng nuôi tập trung đạt quy mô trên 20 ha để lập dự án thiết kế cải tạo nâng cấp hạ tầng theo hướng VietGAP là vùng Hói Nồi giáp ranh 2 xã Quỳnh Đôi – Quỳnh Yên, vùng nuôi tôm xã Quỳnh Diện, vùng Bãi Eo, xã Quỳnh Thuận và Quỳnh Minh… Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 150 tỷ đồng nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới WB và nguồn trung hạn bố trí từ ngân sách, thì hạ tầng các vùng nuôi tôm thâm canh của Quỳnh Lưu nói riêng và Nghệ An nói chung sẽ được cải tạo, nâng cấp theo hướng bền vững hơn.
Bên cạnh đó, trước mắt nhằm khắc phục nhưng bất cập trong hạ tầng vùng nuôi tôm, tỉnh đang hỗ trợ để xây dựng các mô hình trình diễn để hướng dẫn khuyến cáo bà con theo 3 mô hình nuôi tôm từ 2-3 giai đoạn, tương ứng với định mức vốn đầu tư cho ao đầm.
Theo đó, các chủ đầm nuôi có điều kiện kỹ thuật và năng lực đầu tư thì cải tạo đầm theo mô hình có định mức vốn 1,7 tỷ/ha ao đầm hoặc thấp hơn 1 chút là từ 1,2 đến 1,6 tỷ đồng/ha ao đầm, trong đó dành 52% diện tích làm lồng nuôi, 36% diện tích làm ao chứa nước và 12% diện tích để xử lý nước thải. Phần còn lại, để phù hợp với đa số người nuôi tôm trên địa bàn vốn còn eo hẹp về tài chính, trên cơ sở kiểm tra, tỉnh đang khuyến cáo mô hình nuôi ao ngoài trời theo quy trình 1 giai đoạn, có định mức từ 0,7 đến 1,3 tỷ đồng/ha ao đầm nhưng phải dành diện tích để xử lý nguồn nước vào, ao lắng và ao nuôi riêng.
Hiện nay toàn tỉnh có 7 vùng nuôi tôm VietGAP tại phường Quỳnh Lộc, Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị (Thị xã Hoàng Mai), xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu), xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu) và đã có 5 vùng được chứng nhận; 2 vùng nuôi đa dạng tại Nghi Hợp (Nghi Lộc), Diễn Vạn (Diễn Châu). Nhiều hộ nuôi áp dụng các quy trình và công nghệ tiên tiến như sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn, nuôi 2,3 giai đoạn, nuôi semie- biofloc… Bên cạnh đó, nhiều cơ sở đầu tư hạ tầng bài bản, xây dựng hệ thống nhà kín, mỗi năm nuôi luân canh từ 2-3 vụ an toàn nên bình quân năng suất đạt từ 15 – 20 tấn/ha.
Thực tế cho thấy, một số mô hình đã có hiệu quả. Trường hợp của ông Lê Tuấn Khoa – chủ đầm nuôi tôm ở xã Nghi Quang, Nghi Lộc là một ví dụ, chỉ với 1 ha ao đầm, ông Khoa đã chia thành 6 ao nhỏ, trong đó dành 2 ao nuôi, 4 ao còn lại để lắng và xử lý nước thải. Nhờ vậy, trong điều kiện nuôi ngoài trời và ao đầm còn chưa được đầu tư bài bản, môi trường nuôi còn nhiều hạn chế nhưng 2 vụ liên tiếp thành công, năng suất tôm đạt 6 tấn/ha/vụ.
Vấn đề đặt ra là, người nuôi tôm khi xác định đầu tư thâm canh cần phải hợp tác để cải tạo, nâng cấp lại hạ tầng, thay vì làm khó hoặc muốn được bồi thường hỗ trợ thì mới bàn giao mặt bằng để Nhà nước triển khai dự án hạ tầng vùng nuôi. Đây là thực tế đã gặp phải ở hạ tầng vùng nuôi tôm xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) trước đây, khi huyện bố trí được nguồn vốn để nâng cấp mương, kè cấp và tiêu thoát nước từ sông Thai vào nhưng một số hộ không đồng ý điều chỉnh lại thiết kế ao đầm để làm mương cấp thoát, khiến dự án nâng cấp hạ tầng vùng nuôi không được đầu tư đầy đủ và tiền thì phải trả về ngân sách.
Vì lý do đó nên chỉ sau vài năm hạ tầng vùng nuôi xuống cấp và nuôi không hiệu quả nên nhiều chủ đầm đã bỏ hoang ao. Mới đây, nhờ có ông Thái Bá Khang là chủ đầm có vốn và kinh nghiệm nuôi thủy sản từ xã Sơn Hải đã mua lại 5 ha và đầu tư bài bản thì tiềm năng vùng nuôi này mới được tái khởi động. Tuy nhiên, hiệu quả nuôi tôm theo quy trình mới thì phải chờ vì vụ nuôi tôm năm 2022 đến đầu tháng 4 mới bắt đầu xuống giống.
Từ thực tế tại địa phương, ông Hồ Sỹ Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết: Khi có thông tin huyện và tỉnh về khảo sát để lập kế hoạch cải tạo, nâng cấp hạ tầng vùng nuôi cùng với Quỳnh Yên, xã rất mừng và phối hợp ngay với đoàn công tác để lập hồ sơ khảo sát; dự kiến mức đầu tư khoảng 24 tỷ đồng.
Về phía chính quyền địa phương phải làm tốt vai trò tham mưu để cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch vùng nuôi phù hợp, từng bước đầu tư cải tạo hạ tầng; xử lý tình trạng vì lợi nhuận phá vỡ quy hoạch, mở rộng vùng nuôi tôm tự phát, không xử lý nước thải sau nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường hoặc tự ý chuyển diện tích lúa sang nuôi tôm làm nhiễm mặn một số vùng sản xuất lúa.
Bên cạnh đó, khi có phương án lấy nước từ biển vào như vùng nuôi Quỳnh Bảng, các địa phương cần tích cực hỗ trợ với Ban quản lý dự án giải tỏa mặt bằng thi công đường ống cũng như thu hồi, chuyển đổi diện tích để ao hồ lắng chung…
Đại diện Chi cục Thủy sản cũng cho rằng: Dù biết hạ tầng bất cập nhưng đầu tư nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi cần nguồn lực rất lớn, khó giải quyết trong ngày một, ngày hai. Vì vậy, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, thì người nuôi tôm cần chủ động áp dụng mô hình theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, từng bước đưa nghề nuôi tôm mặn lợ thực sự hiệu quả và bền vững.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh nhấn mạnh: Nếu có doanh nghiệp làm xuất khẩu trực tiếp và con tôm Nghệ An xây dựng được thương hiệu và truy xuất nguồn gốc bằng những vùng nuôi theo mô hình VietGAP thì giá trị xuất khẩu thủy sản hàng năm không chỉ dừng lại ở con số 30 triệu USD như nhiều năm nay mà chắc chắn sẽ lớn hơn, thậm chí tăng gấp đôi. Hiện chưa có doanh nghiệp đầu mối nào trên địa bàn đủ mạnh và đầu ra bị động khiến nghề nuôi tôm mặn lợ Nghệ An chưa phát triển bứt phá được, khi tôm được giá thì các thương lái xuống tận ao đầm tranh mua để bán tiểu ngạch hoặc tiêu thụ nội địa khiến doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu gặp khó. Ở chiều ngược lại, mức sản lượng 8.000 tấn/năm và thời vụ, ao đầm thu hoạch không cùng thời điểm khiến các doanh nghiệp thu mua ngại khó vì nếu đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thì phải có vùng nguyên liệu đủ lớn và đảm bảo nguồn hàng thường xuyên.
Câu chuyện Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu 38B tại thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) là ví dụ, mỗi năm thu mua trên 1.000 tấn tôm thịt nhưng thường xuyên đối mặt với việc “đói” nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và thường phải tìm mua ở thị trường ngoại tỉnh. Nguyên nhân là tôm sản xuất trên địa bàn bị các đại lý thu mua gom để xuất bán theo đường tiểu ngạch. Ngược lại, khi giá tôm đi xuống thì người nuôi tôm bị o ép và khó thỏa thuận được giá có lợi nhất. Tóm lại, người nuôi tôm chưa có doanh nghiệp uy tín sát cánh để tiêu thụ, mà phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tự do.
Vì vậy, về lâu dài, cùng với xây dựng các vùng nuôi tôm sạch, công nghệ cao để hướng vào thị trường xuất khẩu trực tiếp, mang lại giá trị cao, thiết nghĩ tỉnh cần tính đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ hoặc đặt cơ sở sản xuất giống, sản xuất thức ăn tôm hoặc các công ty thu mua, chế biến tôm xuất khẩu ngay tại vùng nguyên liệu tôm nuôi; hàng năm thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ người nuôi tôm ổn định thị trường tiêu thụ. Có như vậy thì người nuôi mới yên tâm, đầu tư chiều sâu cho sản xuất, nuôi tôm theo quy trình công nghệ cao, vừa an toàn, sạch bệnh lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Năm 2021, thị trường tiêu thụ tôm nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là thời điểm từ tháng 4 đến 9, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm do các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, chuỗi nhà hàng, khách sạn và các điểm du lịch phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc phải đóng cửa.