Trong cái se lạnh của mùa Đông xứ Nghệ, bên bát nước chè xanh om đặc, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông Trịnh Xuân Giáo – người được xem là thành công nhất với cây cam Vinh khi sở hữu hệ thống trang trại cam gần 80 ha tại Đồng Thành (Yên Thành), Môn Sơn (Con Cuông) và chính trên mảnh đất xã Đoài, xã Nghi Diên (Nghi Lộc).
Ông Giáo say sưa kể về nguồn gốc cây cam Xã Đoài mà ông đã thuộc nằm lòng kể từ khi dấn thân vào lĩnh vực này. Ông bảo, ngày xưa, khi người Pháp đến xã Nghi Diên, tại vùng đất này có 4 vùng được họ lựa chọn để trồng cam. Vì thế, khi xác định đầu tư để bảo tồn giống cam quý này, ông Giáo đã quyết tâm thuê lại 10 ha đất trên cánh đồng Phượng Sơn, là vùng đất thuộc trại cam đầu tiên trong 4 trại cam ngày xưa đó.
Để thành công với cây cam Vinh thì theo ông Giáo đơn giản phải thực sự yêu, quý nó vô điều kiện thì mới có thể bảo tồn, phát triển được một diện tích lớn loài cam tiến vua này đến như vậy. “Khi xây dựng vườn cam ở Xã Đoài, do hơn 100 năm nay người dân đã chuyển sang trồng lúa, nên trong đất có rất nhiều phèn do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Tôi đã phải lấy đất ở tất cả các tầng cao thấp, đưa ra Viện Nông dưỡng kiểm nghiệm. Có đất rồi, còn phải tập trung tẩy rửa, đẩy hết chất phèn, xung quanh còn phải đào 2.000m hào có chiều rộng 3,5m, đáy sâu 2m để tiêu thoát nước cho cam” – ông Giáo kể.
Sự kỳ công để đảm bảo quả cam Xã Đoài chính gốc, còn được ông Giáo thể hiện qua việc đem 5.000 giống cam Xã Đoài F1 ra Viện Cây ăn quả có múi để cấy lại mô nhằm tẩy sạch bệnh; lấy 500m3 phân từ trại bò Nghi Lâm, xử lý bằng chế phẩm để diệt hết mầm bệnh, mua mật mía Tân Kỳ về ủ cùng lân, đạm trong thời gian 3 tháng, rồi mới đưa về bón trồng cam. Phân bón được sử dụng trong quá trình chăm sóc là đạm cá hồi, vốn được sản xuất từ các phụ phẩm sau khi chế biến món cá hồi ướp lạnh từ nhà máy của Canada, vừa đầy đủ dưỡng chất, vừa rất an toàn cho cả sản phẩm và môi trường, chất đất; bởi vậy, dù chi phí đắt gấp đôi so với sử dụng phân bón thông thường nhưng ông vẫn chọn sử dụng.
“Vượt bao khó khăn có lúc tưởng chừng bỏ cuộc, tôi đầu tư trồng lại gần 10 ha cam Xã Đoài ở ngay tại trại cam đầu tiên do người Pháp chọn, với hy vọng góp một phần công sức vào phục tráng, giữ gìn một loại sản phẩm tiến vua nức tiếng của quê hương”, ông Trịnh Xuân Giáo chia sẻ.
Ông Phan Duy Hải – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, không cần phải nói thêm về giá trị của cam Vinh, điều cần làm lúc này là phải nâng cao chất lượng để tăng tính cạnh tranh, đồng thời đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, để hướng đến nhiều đối tượng người dùng khác nhau. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn cần chú trọng việc truyền thông, quảng bá, tiếp thị sản phẩm để dần thay đổi thị hiếu, thói quen người tiêu dùng. Thay vì cung cấp cho thị trường quả cam tươi thì có thể chế biến thành nước cam ép, cam sấy, mứt cam… để có thể tiêu thụ cam một cách triệt để khi bước vào chính vụ.
Hiện tại, với vùng nguyên liệu cam đã được xây dựng trên diện rộng, chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh” cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận từ năm 2007 đến năm 2019 với các giống Xã Đoài, Vân Du, Sông Con, V2, việc xây dựng thương hiệu cũng đã được nhiều nhà vườn, địa phương quan tâm. Các nhà vườn còn tiến hành đăng ký mã số QR cho sản phẩm nhằm thuận tiện cho công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc. Thiết kế Website, Facebook hoạt động hiệu quả để quảng bá thương hiệu cam Vinh một cách rộng rãi…
Bà Võ Thị Thanh Huyền – Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho rằng: Để cam Vinh không chỉ dừng lại ở “cây một mùa”, thì các cấp, ngành và các địa phương cũng đã tăng cường các hình thức liên doanh, liên kết, mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức xây dựng, liên kết chặt chẽ các nông hộ, hợp tác xã sản xuất cam với các đơn vị tiêu thụ nhằm ổn định giá cả để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời, thường xuyên có sản phẩm cung cấp cho thị trường, để thị trường biết và sử dụng được sản phẩm một cách liên tục trong năm mà không bị đứt quãng.
Để sản phẩm cam Vinh tiếp cận và chiếm lĩnh được thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu sang nước ngoài thì cần phải có lộ trình và những bước đi bài bản. Vốn đã đưa được quả cam đi sang các nước châu Âu, nhưng ông Trịnh Xuân Giáo cũng phải thừa nhận thực tế rằng, hiện nay cam sản xuất ra đang được bán tự do thông qua các đầu nậu, tư thương mà có rất ít tổ chức, doanh nghiệp liên kết thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Điều này dẫn đến giá trị thương hiệu của quả cam bị giảm sút, đồng thời việc tiêu thụ cũng không thành được một chuỗi đồng bộ.
Bản thân ông Giáo cũng phải thông qua các mối quan hệ cá nhân mới đưa được quả cam Vinh sang các nước châu Âu. Tuy nhiên, để quả cam xuất khẩu được sang nhiều nước thì cần phải có những tác động từ tầm vĩ mô, phải thông qua các chính sách, hiệp định được ký kết giữa nước ta với các nước khác trên thế giới thì mới đưa quả cam đến với thị trường nước họ được. Ông Giáo lấy ví dụ, hiện nay thông qua con đường tiểu ngạch, người tiêu dùng cũng như bà con Việt kiều ở Australia đã biết đến quả cam Vinh. Thế nhưng, để quả cam Vinh xuất khẩu sang nước họ thì chưa được vì giữa 2 nước chưa ký kết các hiệp định liên quan đến xuất, nhập khẩu quả cam…
Bà Trần Thị Mỹ Hà – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương thì cho rằng, để quả cam Vinh được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường thì trước hết phải có chất lượng sản phẩm đồng đều. Người nông dân cũng phải xây dựng được một chuỗi sản xuất khép kín, phải đổi mới trong việc đóng gói bao bì, giảm thời gian vận chuyển để đến được tay khách hàng nhanh hơn. Có như vậy thì mới cạnh tranh được với các khu vực chuyên canh trồng cam ở tỉnh khác.
Liên quan đến việc nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm cam Vinh nói riêng và các nông sản đặc sản Nghệ An nói chung, vào ngày 6/7/2021, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch về việc đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch này được ban hành góp phần định hướng cho các chủ thể sản xuất nông sản chủ động nghiên cứu nhu cầu thị trường, từng bước hiện đại hóa công tác sản xuất, ứng dụng công nghệ để quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Đảm bảo nông sản đáp ứng được tiêu chuẩn trong nước và các nước nhập khẩu.
Tuy nhiên, để giữ vững thị trường một cách ổn định, lâu dài thì điều quan trọng là người nông dân trồng cam cần phải chú trọng đến quy trình canh tác, đảm bảo chất lượng quả cam một cách đồng đều. Cần phải cam kết chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng để khi sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử là nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Ngoài ra, người dân trồng cam cũng cần phải cam kết lâu dài với các nhà phân phối, các kênh bán hàng, tránh tình trạng phá bỏ hợp đồng, gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu chung của quả cam Vinh.