PV: Ngày 14/12/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Sau 5 năm thực hiện, nghị quyết này đã đi vào cuộc sống và tạo nên những chuyển biến nào, thưa ông?
Ông Trần Quốc Thành: Sau khi Nghị quyết 06 ra đời, cái được lớn nhất ở Nghệ An đó là sự thay đổi về mặt nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là ở cấp huyện về KHCN. Cụ thể, đã có sự nhìn nhận rõ về vai trò của KHCN; phương pháp, cách thức tiếp cận KHCN đã hướng về cơ sở, hướng về doanh nghiệp, hướng về những sản phẩm cụ thể.
Hàm lượng KHCN đã được tập trung về cấp huyện, cơ sở nhiều hơn và ngược lại cấp huyện cũng đã chủ động đón nhận KHCN có nhiều hơn những đề xuất, kiến nghị được hỗ trợ rõ chủ đích. Tỉnh Nghệ An, ngành KHCN đã định hướng cho các huyện đẩy mạnh phát triển KHCN trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản có trên địa bàn. Vậy nên, sau khi Nghị quyết 06 ra đời thì UBND tỉnh phê duyệt ngay chương trình 100 sản phẩm có tác động khoa học công nghệ nhằm tạo nên giá trợ hàng hoá lớn hơn.
Tiếp đó là có sự chuyển biến mới trong nhận thức về chuỗi. KHCN không còn tác động vào sản phẩm theo kiểu cắt khúc, từng khâu mà trên cơ sở sản phẩm cụ thể rồi phân tích tổng thể chuỗi giá trị của nó rồi tác động vào những khâu yếu kém, cần thiết nhất. Đơn cử là với cây mía – cây chủ lực của Nghệ An. Mấy năm trước, năng suất mía ngày càng giảm, nhiều diện tích trồng mía được chuyển đổi sang trồng loại cây khác. KHCN đã tác động vào loại cây trồng này bằng việc phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai đề tài khoa học, du nhập giống mới, tìm cách nhân giống, thực hiện luân canh, xen canh… Nhờ sự thay đổi đó, năng suất mía ở Nghệ An đã tăng lên đáng kể.
Sự chuyển biến còn thể hiện ở việc lấy doanh nghiệp làm chủ thể trong quá trình tiếp nhận và chuyển giao KHCN; cũng như trong nhận thức, cách làm, tiếp cận. Càng ngày, số lượng doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHCN càng nhiều, xuất phát từ nhu cầu tự thân vậy nên các kết quả đều bền vững.
100% các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 06-NQ/TU đều đạt hoặc vượt. Nghị quyết 06 đề ra một số mục tiêu cụ thể như đến năm 2020 yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 48,59%, cao hơn cả chỉ số bình quân của cả nước, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Chỉ số đối tượng đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp Nghị quyết 06 đề ra 1.000 đối tượng thì đến nay Nghệ An đã đạt trên 1.338 đối tượng. Mục tiêu đổi mới KHCN thì Nghệ An cũng đạt ở mức trung bình khá so với các tỉnh phát triển mạnh về KHCN như Bắc Ninh, Bình Dương…
PV: Nghị quyết 06 đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Tổ chức các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KHCN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh đổi mới công nghệ; phát triển thị trường KHCN… Nghệ An đã đạt được những kết quả nổi bật nào trên từng mảng, lĩnh vực, sản phẩm cụ thể?
Ông Trần Quốc Thành: Thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ, Nghệ An đã có nhiều thành tựu nổi bật. Rõ nhất tạo nên những sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 2016, Nghệ An đã triển khai chương trình 100 sản phẩm. Đến năm 2018, khi đã có những sản phẩm đầu tiên được công nhận OCOP thì phong trào ứng dụng KHCN xây dựng sản phẩm mới diễn ra rất mạnh mẽ. Có những sản phẩm được tỉnh và ngành tác động bằng KHCN từ đầu cho đến khi ra thị trường, từ giống cho đến thương hiệu như hương trầm Quỳ Châu, trám Thanh Chương… Đến nay, Nghệ An đã xây dựng được một số hàng hóa có chất lượng cao, khối lượng lớn và thương hiệu mạnh, như: Sản xuất lúa gạo từ giống VTNA06 (được chứng nhận là sản phẩm quốc gia); cam Vinh, gừng Kỳ Sơn, tôm, các sản phẩm từ tảo xoắn, các sản phẩm từ dược liệu, sữa bò TH.
Lĩnh vực nổi trội thứ hai có nhiều thành tựu đó là y tế. Y tế Nghệ An đã tập trung vào việc ứng dụng những kỹ thuật hiện đại, tiên tiến chuyên ngành để nâng cao sức khỏe và giảm chi phí cho người dân, cho toàn xã hội. Rất nhiều công trình y học được ra đời; kỹ thuật mới tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị (tim mạch; đái tháo đường; thụ tinh trong ống nghiệm…). được ứng dụng mạnh mẽ. Có nhiều kỹ thuật ngang tầm và vượt tầm tuyến Trung ương. Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã được công nhận là bệnh viện tuyến cuối của khu vực và nhiều bệnh viện khác cũng đang trên đà này. Đến nay, có thể nói thành phố Vinh đang dần trở thành Trung tâm Y tế vùng Bắc Trung Bộ với các bệnh viện chuyên sâu, đội ngũ y, bác sĩ kỹ thuật cao.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Nghệ An cũng đạt được những thành tựu khá nổi bật. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn xã hội góp phần quan trọng trong việc từng bước thay đổi và tạo phong cách, phương thức làm việc mới, nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Về công nghệ sinh học, Nghệ An đang đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ với việc làm chủ trên 10 công nghệ, như công nghệ chế phẩm phục vụ môi trường, phân vi sinh, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, bảo quản nông sản không độc hại, chế phẩm trong lĩnh vực y tế… Công nghệ sinh học đã thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển sản phẩm hàng hóa (lúa gạo, có gạo chất lượng cao; mía đường, có đường glucose; sữa; tôm;…), sản phẩm đặc hữu, đặc sản (chè hoa vàng; gừng Kỳ Sơn; sâm Puxailaileng; bảy lá một hoa; bò Mông; gạo Japonica;…) của tỉnh.
Việc đổi mới công nghệ ở Nghệ An cũng đang diễn ra tương đối sôi động thông qua hỗ trợ KHCN cho doanh nghiệp. Cụ thể, tỉnh đã chuyển hướng hỗ trợ sau đầu tư theo chính sách (hỗ trợ 30%, không quá 1 tỷ đồng); khắc phục được tình trạng trước đây thường diễn ra là doanh nghiệp ngại làm đề tài nhiệm vụ (thời gian thực hiện dài, chi phí gián tiếp lớn…). Do đó, doanh nghiệp đã hào hứng nhập cuộc đổi mới công nghệ, làm sản phẩm mới.
Ngoài ra, hoạt động khoa học xã hội nhân văn thời gian gần đây ở Nghệ An cũng diễn ra rất sôi nổi. Lĩnh vực này đã hội tụ được các nhà khoa học khắp nơi về để thực hiện nhiều công trình lớn như Nghệ An Toàn Chí, Lịch sử Quân sự, Lịch sử Nghệ An, Dân ca ví giặm, miền Tây Nghệ An… Những công trình này đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các đột phá chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Việc nghiên cứu khoa học xã hội đã chuyển dần sang ứng dụng phục vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội…
PV: Được biết, thời gian qua, Nghệ An đã đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, có rất nhiều doanh nghiệp với sự đổi mới, sáng tạo về KHCN ra đời, phát triển và được đánh giá cao. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
Ông Trần Quốc Thành: Một thành quả đáng tự hào là Nghệ An đã xây dựng được 1 hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, thuộc tốp 5 của cả nước. Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2171/QĐ-UBND ngày 24/5/2017 về kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Trong 3 năm (2018 -2020) đã tổ chức 3 cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An, thu hút gần 223 dự án, ý tưởng tham gia, kết quả trao giải cho 30 dự án khởi nghiệp xuất sắc và 10 ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng.
Các dự án hầu hết đã đi vào ứng dụng thực tế, có những sản phẩm đã cho ra thị trường với tính thương mại hóa cao. Đến nay, đã có dự án khởi nghiệp kêu gọi được 1 triệu USD đầu tư của nước ngoài, được đánh giá có giá trị 10 triệu USD sau 2 năm phát triển, đó là Công ty Gostream. Nhiều công ty, dự án khởi nghiệp của Nghệ An đã được giải thưởng như đại diện Việt Nam đi thi quốc tế; đạt giải thưởng Sao Khuê khởi nghiệp; giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN&PTNT Việt Nam tổ chức …
Tại Nghệ An, đã có những đơn vị ở trong và ngoài nước như Singapore, Philippine, Đài Loan, TPHCM, Hà Nội cũng đăng ký tham gia về khởi nghiệp tại Nghệ An. Nghệ An đã kéo được các quỹ khởi nghiệp về địa phương đầu tư như VSVA, Quỹ Vina Capital, Quỹ ACA, Quỹ Hàn Quốc. Nghệ An cũng là đơn vị duy nhất của cả nước thành lập được 2 Quỹ thuần Việt; đang xúc tiến thành lập thêm 2 Quỹ thuần Việt nữa… Nhờ xây dựng được không gian khởi nghiệp tốt nên 2-3 năm nay phong trào khởi nghiệp ở Nghệ An khá rầm rộ. Thậm chí ở tuyến huyện như huyện Con Cuông đã thành lập nên Câu lạc bộ Khởi nghiệp huyện Con Cuông. Hiện nay, Câu lạc bộ Khởi nghiệp Nghệ An – khát vọng sông Lam cũng chuẩn bị được ra mắt.
PV: 5 năm trước, hoạt động KHCN ở Nghệ An được đánh giá còn nhiều hạn chế, hiệu quả còn thấp so với tiềm năng và yêu cầu của sản xuất và đời sống; tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội còn ít. Liệu sau 5 năm, những hạn chế yếu kém nói trên đã được khắc phục hay chưa?
Ông Trần Quốc Thành: Vẫn phải nhìn nhận rằng, Nghệ An vẫn đang còn 2 hạn chế, tồn tại từ trước đây mà chưa khắc phục được nhiều.
Thứ nhất, tiến bộ, trình độ công nghệ chưa đạt được như mong muốn dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao. Điều này liên quan tới số lượng và trình độ doanh nghiệp. Nghệ An có thu hút đầu tư mạnh, doanh nghiệp mới nhiều thì trình độ công nghệ mới tăng. Với những doanh nghiệp cũ, bản địa có sẵn thì việc đổi mới công nghệ đang rất chậm (trừ những doanh nghiệp đã được cổ phần hoá). Lượng doanh nghiệp nhỏ, cũ chậm đổi mới này ảnh hưởng đến tiến bộ chung. Tiềm lực của doanh nghiệp Nghệ An còn yếu dẫn đến nhu cầu nội tại về đổi mới công nghệ chưa cao. Mức độ đổi mới công nghệ của Nghệ An đạt được đến thời điểm này chính là do thu hút đầu tư mà có.
Thứ hai, tác động của KHCN đối với các sản phẩm có sản lượng lớn, tạo ra giá trị hàng hoá lớn là chưa được nhiều. Tỉnh cũng đã theo sát tác động thêm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp như xây dựng thương hiệu, hoàn thiện tiêu chuẩn đánh giá, song nhìn chung các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có giá trị hàng hoá lớn ở Nghệ An cũng chưa nhiều.
Một tồn tại, bất cập nữa đó là tình trạng các đề án, chương trình, mô hình KHCN sau thử nghiệm thành công lại không lan toả được. Nguyên nhân là nhiều quy định không cho phép nhân rộng mô hình, không có chính sách hỗ trợ nhân rộng. Vấn đề tổ chức thị trường cũng đang có vấn đề khi thiếu doanh nghiệp đóng vai trò “lõi”…
PV: Theo ông, Nghệ An cần phải tiếp tục cố gắng tập trung vào những điểm nào để Nghệ An để thực sự trở thành trung tâm KHCN của vùng, có nhiều đóng góp quan trọng hơn trong phát triển đời sống?
Ông Trần Quốc Thành: Trước hết, Nghệ An cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển KHCN với phương châm Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh; Gắn quy hoạch khoa học và công nghệ trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, do cơ chế thống nhất điều phối các nguồn kinh phí có tính chất khoa học công nghệ nhằm tập trung nguồn lực thực hiện nghiên cứu – ứng dụng và hỗ trợ nhân rộng kết quả nghiên cứu gặp khó khăn nên Nghệ An cần có sự điều phối chung, thống nhất về khoản kinh phí mang tính KHCN để tập trung nguồn lực. Ví như mấy huyện/thành/thị trong 1 năm cần thực hiện chung một đối tượng là giống cây, giống con… thì giá trị hàng hoá, tính lan toả cao hơn.
Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển hướng KHCN phải gắn với đổi mới sáng tạo; lấy doanh nghiệp làm nền tảng; ứng dụng để có sản phẩm thực tiễn. Như vậy là cần phải có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tối đa; khơi dậy quỹ hỗ trợ phát triển KHCN của các doanh nghiệp; thúc đẩy kinh tế số gắn với xã hội số; đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, tạo ra những “cánh én” dẫn dắt…
PV: Xin cảm ơn ông!