Là chuyện tối kỵ, đáng buồn trong công tác phòng chống Covid-19, nhưng đã xảy ra tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành trong thời gian vừa qua. Vì lây nhiễm chéo, riêng trong ngày 9/8, xã Sơn Thành có đến 8 người mắc Covid-19 (tính từ ngày 20/7 đến ngày 9/8, có tổng số 23 ca dương tính, trong đó, có 3 ca là cán bộ làm việc trong khu cách ly).
Cũng vì phát hiện tình trạng lây nhiễm chéo ở Sơn Thành, ngày 9/8, UBND tỉnh đã phải có văn bản hỏa tốc chỉ đạo Sở Y tế kiểm tra quy trình, công tác tổ chức cách ly y tế, làm rõ sự lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện Yên Thành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến tổ chức, triển khai, kiểm tra, giám sát các khu cách ly y tế ở xã Sơn Thành.
Rồi như báo chí, mạng xã hội facebook đã “rầm rập” đưa tin, từ 18h ngày 9/8, xã Sơn Thành đã phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vì có khuyết điểm, vi phạm trong công tác tổ chức, triển khai, kiểm tra, giám sát việc cách ly tập trung công dân phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Hữu Sáu, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách; ông Nguyễn Hữu Tình, công chức, Chỉ huy trưởng Quân sự xã Sơn Thành bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly ở xã Sơn Thành? Nghi vấn đặt ra như đã được công bố là do công dân cách ly ở đây sử dụng chung một nhà vệ sinh và hành lang chung.
Người viết chưa từng vào khu cách ly y tế tập trung của xã Sơn Thành để có nhận xét về nơi này. Nhưng đã vào một vài khu cách ly y tế cấp huyện, cấp tỉnh để quan sát, ghi nhận các hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ, cũng như người thực hiện cách ly y tế. Từ những gì đã thấy, xác định dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly y tế gồm 3 nguyên nhân. Thứ nhất, do cơ sở hạ tầng của các khu cách ly không đảm bảo. Thứ 2, công tác kiểm tra, giám sát người cách ly tập trung của các lực lượng đôi lúc có lơi lỏng. Thứ ba, ý thức chấp hành quy định phòng chống dịch Covid-19 và các quy định sinh hoạt tại khu cách ly của người thực hiện cách ly chưa tốt.
Từ khi TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam bùng phát dữ dội dịch bệnh Covid-19, do mất việc làm lâm vào hoàn cảnh khốn khó, lại lo lắng mắc phải dịch bệnh, người các tỉnh miền Trung hồi hương về quê với số lượng vô cùng lớn. Lao động người Nghệ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cũng tương tự, đến nay đã trở về đến hàng chục nghìn người. Trước thực tế này, đã có sớm cảnh báo về tình trạng F0, F1, F2… lẫn lộn trong dòng người hồi hương, và đã có những giải pháp ngăn ngừa. Trong đó, giải pháp cơ bản bắt buộc người từ vùng dịch trở về phải thực hiện là cách ly tập trung, theo dõi y tế trong vòng 14 ngày; sau đó tiếp tục cách ly theo dõi y tế tại nhà thêm 7 ngày. Giải pháp này đã được triển khai thực hiện, xuyên suốt trên địa bàn tất cả các xã, huyện có liên quan.
Nhưng cũng phải khẳng định rằng, với số lượng người hồi hương nhiều, lại trở về cùng lúc trong một khoảng thời gian ngắn, thì chẳng thể nào có đủ cơ sở hạ tầng đảm bảo yêu cầu cách ly y tế tập trung. Hơn nữa, sức của con người không là vô hạn, giai đoạn này lại luôn trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, thời gian tập trung cho chống dịch bệnh Covid-19 của các lực lượng tham gia đã quá dài ngày, sức lực sút giảm, mức độ tập trung cho công việc có nơi, có chỗ đôi lúc cũng bị bê trễ. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát người cách ly tập trung có thể xảy ra sơ suất, mất tập trung. Cụ thể như đã xảy ra câu chuyện đáng buồn ở xã Sơn Thành. Thế nên, yếu tố để ngăn chặn tình trạng “lây nhiễm chéo” trong khu cách ly phần lớn, cơ bản sẽ phụ thuộc vào ý thức của những người trở về từ vùng dịch.
Nhìn những dòng người hồi hương trở về từ vùng dịch, không ai không cảm thấy xót thương. Điều này được thể hiện quá rõ ràng qua hằng hà những hành động, việc làm cụ thể. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ cùng các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh, của các huyện, thành, thị, và các xã, phường cũng dốc hết tâm sức vào cuộc. Từ việc chuẩn bị các khu cách ly, thành lập lực lượng quản lý khu cách ly để thăm khám y tế, chăm lo đồ ăn, nước uống hàng ngày… cho người người hồi hương trở về.
Nhưng điều duy nhất mong nhận lại được từ những người trở về, là ý thức chấp hành công tác phòng chống dịch, bệnh và chấp hành các quy định trong khu cách ly. Để không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo như tại Sơn Thành; để không “vô tình” lọt F0 ra ngoài cộng đồng như đã diễn ra ở phường Quỳnh Thiện, TX. Hoàng Mai…
Trong chiều ngày 12/8/2021, khi đề cập đến giải pháp phòng chống dịch Covid-19 tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ hai của HĐND tỉnh khóa XVIII, ông Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang còn phải trường kỳ kháng chiến”. Với tình hình dịch bệnh Covid-19 của tỉnh mình nói riêng, của cả nước nói chung trong thời gian vừa qua, phát biểu của ông Dương Đình Chỉnh là lời nói thẳng, nói thật, tự đáy lòng.
Bất kỳ ai trong chúng ta ở thời điểm hiện tại, đều khao khát được trở lại cuộc sống an toàn trước đây. Không ai muốn cứ phải “trường kỳ kháng chiến” với dịch bệnh. Nhưng để không phải “trường kỳ kháng chiến”, không chỉ khao khát mà có được. Để có được cuộc sống an toàn như trước, một yếu tố đặc biệt quan trọng là ở ý thức chấp hành công tác phòng chống dịch bệnh, của toàn xã hội, nhất là những người trở về từ vùng dịch!.