Tháng 5, khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát, mỗi ngày ở tỉnh Bắc Giang có hàng chục ca nhiễm. Anh Nguyễn Hoàng Hà (sinh năm 1976) và bạn đồng hành Nguyễn Đình Quảng (sinh năm 1974) cùng ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành của Nghệ An đã tình nguyện lái chiếc xe cứu thương vào tâm dịch hỗ trợ tỉnh Bắc Giang. Chiếc xe cứu thương này là của giáo xứ Lâm Xuyên (Yên Thành), thường được sử dụng đưa đón người dân nghèo không may ốm đau phải đi viện. Anh Hà và anh Quảng là thành viên của tổ cấp cứu, phụ trách nhiệm vụ lái xe…
Hơn nửa tháng ở Bắc Giang, hai anh lái xe hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh này đưa đón cán bộ y tế, công an, quân đội đi làm nhiệm vụ chống dịch tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, chốt kiểm soát hoặc lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin cho công nhân, người lao động tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Khi dịch ở Bắc Giang đã được kiểm soát, anh Nguyễn Hoàng Hà và cùng bạn đồng hành trở về Yên Thành thực hiện cách ly 14 ngày. Cùng thời gian đó, Nghệ An xuất hiện ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng.
Kể từ đêm 13/6, thành phố Vinh xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Hơn 6000 nhân khẩu của 8 khối dân cư phường Hà Huy Tập phải thực hiện phỏng tỏa để phòng, chống dịch. Liên tiếp sau đó, những ca nhiễm mới xuất hiện với hàng nghìn người liên quan. Dịch bệnh diễn biến trở nên phức tạp, thành phố Vinh bắt buộc phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 19/6. Theo đó, 13 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 được thành lập ở các cửa ngõ vào thành phố. Toàn bộ thành phố Vinh nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Thực hiện cách ly phòng chống dịch, nhiều người dân trong các khu vực phong tỏa ở thành phố Vinh gặp phải không ít khó khăn, thiếu thốn. Nhất là những người lao động ở xa thuê trọ, không kịp chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự trữ. Đồng cảm với những khó khăn, thiếu thốn của những người đang ở trong tâm dịch, anh Nguyễn Hoàng Hà đã bàn cùng linh mục Giuse Nguyễn Xuân Phương – Quản xứ Giáo xứ Lâm Xuyên thành lập “cầu đường bộ”, sử dụng xe cứu thương tình nguyện chở hàng miễn phí cho người dân Yên Thành gửi vào thành phố Vinh.
Được sự đồng thuận của linh mục Nguyễn Xuân Phương, hết 14 ngày cách ly, anh Hà liền bắt tay vào triển khai. Hàng ngày, địa chỉ nhà anh sẽ nơi nhận hàng từ các nơi gửi về. Tùy lượng hàng nhiều hay ít, anh sẽ huy động thêm xe tải của tình nguyện viên chở miễn phí vào TP. Vinh cho bà con. “Tôi thấy việc này thực sự cần thiết, bởi vì, những người đang thực hiện cách ly xã hội mà còn phải ra ngoài đi mua thực phẩm thì sẽ ảnh hưởng về vấn đề chống dịch. Các bạn ở trong vùng cách ly, phong tỏa nhưng không hề cô đơn, rất nhiều người quan tâm đến các bạn, mong các bạn có một sức khỏe để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh” – linh mục Giuse Nguyễn Xuân Phương cho hay.
Hàng ngày, vào khoảng 18h, trước nhà anh Nguyễn Hoàng Hà trở nên nhộn nhịp. Quanh sân được chất đủ các thùng hàng lớn, nhỏ gồm các loại rau xanh, củ, quả, gạo, trứng,… và các loại nông sản khác. Đây là số lương thực, thực phẩm được người dân nhờ nhóm anh Hà chuyển vào cho người thân ở thành phố Vinh, nơi đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. “Ngay sau khi khởi động, “cầu đường bộ” đã nhận được sự ủng hộ rất tích cực của người dân không chỉ riêng huyện Yên Thành mà cả những huyện khác. Mỗi ngày, nhóm nhận được hàng tấn hàng hóa, vận chuyển miễn phí vào Vinh”, anh Nguyễn Hoàng Hà cho biết.
Bà Nguyễn Thị Lan (xã Đồng Thành) vượt hơn 10km bằng xe đạp để gửi 3 bó rau muống và 5kg gạo vào Vinh cho con chia sẻ: “Cháu nó đi làm thuê ở trong Vinh, bị mất việc do thành phố thực hiện cách ly xã hội, cùng với tâm lý sợ dịch bệnh nên không dám ra khỏi nhà trọ, mấy ngày liền chỉ ăn mì tôm. Xe khách ngừng chạy, không biết làm thế nào để gửi đồ vào cho cháu. Nay nhờ có nhóm thiện nguyện đây, tôi mừng lắm”.
Đúng 19h, anh Nguyễn Hoàng Hà và linh mục Giuse Nguyễn Xuân Phương chuyển hộp cơm đã chuẩn bị sẵn, bước lên chiếc xe cứu thương của giáo xứ, cùng đoàn 3 chiếc xe tải khác vận chuyển hàng vào điểm chốt đầu thành phố Vinh. Tại đây, nhóm sẽ được tiếp ứng của các thành viên khác trong thành phố. Trung bình, mỗi đêm, nhóm chuyển trên 5 tấn hàng. Cá biệt có những chuyến hàng lên đến trên 10 tấn. Tất cả được các thành viên trong nhóm tự tay bốc xếp, chuyển tải đến một điểm thông báo trước trong thành phố Vinh để người dân đến nhận.
Sau khi chuyển tải hết hàng qua chốt, phun một đợt hóa chất khử khuẩn, đoàn xe “cầu đường bộ” lại quay trở về Yên Thành để sẵn sàng cho hành trình ngày hôm sau.
Hỗ trợ các khu vực phong tỏa ở thành phố Vinh còn có anh Nguyễn Hữu Kiên. Đội anh Kiên có 8 người với 4 xe ô tô, tất cả đều ở thành phố Vinh, phụ trách tiếp nhận và vận chuyển hàng đi phân phát cho người dân trong khu vực phong tỏa. “Khi thấy tình hình dịch bệnh căng thẳng tôi rất lo lắng, cũng rất thông cảm với người lao động khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tham gia chở hàng miễn phí cho bà con, bản thân tôi cảm thấy rất vui khi được góp chút sức nhỏ mọn giúp đỡ mọi người vượt qua những khó khăn trước mắt. Đồng thời, qua đây tôi cũng muốn dạy con cái về lòng nhân ái và sự sẻ chia” – anh Nguyễn Hữu Kiên chia sẻ.
Những ngày đầu thực hiện “cầu đường bộ”, hàng hóa được đội của anh Kiên tiếp nhận từ chốt kiểm soát và tập kết tại một điểm cố định ở đường Lê Viết Thuật. Mọi người sẽ đến đây để nhận hàng. Mặc dù cố gắng thực hiện giãn cách, phân phát hàng hóa theo thứ tự nhưng không tránh khỏi tụ tập đông người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây nhiễm dịch bệnh. Khi dịch diễn biến càng ngày càng phức tạp, khâu tiếp cận gặp nhiều khó khăn. Mỗi khi phát hàng tại chỗ thì tập trung quá số người quy định. Anh Kiên quyết định đến phát tận nhà, hoặc đến các điểm chốt để báo người dân ra lấy.
19h30 phút hàng ngày, tổ xuất phát ra chốt kiểm soát chống dịch để tiếp nhận hàng từ Yên Thành do nhóm anh Hà chuyển vào. Sau khi phân loại, sắp xếp theo từng khu vực, rồi chia nhau đi phân phát. 3, 4 xe ô tô chia nhau đi các phường, khối để trả hàng. Mỗi lần phát hàng tại mỗi chốt phong tỏa, anh Kiên gọi điện thông báo không quá 2 người ra nhận hàng để tránh tập trung đông người. Do đi phát từng địa chỉ nên kéo dài thời gian hơn, có hôm đi đến 4h sáng hôm sau mới về nghỉ. Những hôm muộn quá, rau, củ chưa phát hết anh cùng vợ lại dỡ ra, xếp gọn gàng ở sân rồi tưới nước để bảo quản, làm sao bó rau không bị hư thối, dập nát. Sáng hôm sau lại tất tả dậy sớm để đi phát cho kịp bữa cơm của người dân.
“Qua mạng xã hội, qua các kênh thông tin nhiều người biết đến nhóm. Có người gọi đến xin hỗ trợ, cũng có người gọi đến đề nghị tham gia chung sức. Người cần cứu trợ thì nhiều nhưng sức lực có hạn, hàng hóa thì không đủ nên có những thời điểm mang luôn đồ trong nhà đi cho” – Anh Kiên chia sẻ thêm.
Gần nửa tháng trời lăn lộn chở hàng từ chốt kiểm soát rồi đi phân phát cho các bếp từ thiện, các khu cách ly,… anh Kiên cùng nhóm của mình đối diện với nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Cứ 3 ngày một lần, nhóm lại tự bỏ tiền túi ra đi làm xét nghiệm PCR hoặc test nhanh. Tất cả đều âm tính, nhưng về nhà vẫn không ai dám gặp con. “Sau mỗi chuyến hàng trở về nhà, tôi tự nhốt mình ở một phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình. Nhiều lúc con gái cứ đứng cửa phòng đòi vào chơi với bố mà rơi nước mắt. Nhưng biết làm sao được, mình cố gắng thêm một chút, dịch bệnh sớm bị đẩy lùi thì sẽ được chơi với con nhiều hơn” – anh Kiên cho hay.
Từ ngày 21/6 đến ngày 3/7, nhóm “cầu đường bộ” đã vận chuyển được hơn 60 tấn lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho người dân thành phố Vinh. Ngoài những chuyến hàng của bà con Yên Thành gửi người thân, nhóm “cầu đường bộ” đã phối hợp MTTQ Việt Nam tỉnh kêu gọi thêm hàng chục tấn rau, củ, quả gửi tặng người dân và lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ chống dịch tại thành phố Vinh. Những chuyến hàng này được lực lượng đoàn viên, thanh niên vận chuyển tới tận nơi các phường và phát đến tận tay người dân.
Bà Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết: “Từ khi thực hiện lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và của tỉnh Nghệ An, MTTQ các cấp của tỉnh đã tiếp nhận gần 130 tỷ đồng từ những tấm lòng thơm thảo của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện, các cá nhân. Riêng trong đợt cao điểm vừa rồi, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận trên 56 tỷ đồng, trong đó chưa kể đến những chuyến hàng thiện nguyện. Những chuyến hàng này xuất phát từ những tấm lòng yêu thương, san sẻ mà chưa hề được thống kê. Họ đã phối hợp cùng Mặt trận để đi đến các điểm chốt, các nơi phong tỏa, các khu cách ly, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân nơi đây. Họ miệt mài suốt ngày đêm, không quản ngại hiểm nguy, rủi ro khi lao vào tâm dịch để chung lưng, đấu cật, cùng nhau chia sẻ khó khăn, chiến đấu với dịch bệnh”.
Với sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, trong đó có sự đoàn kết, tương trợ của mỗi người dân đã, đang và sẽ góp phần giúp cuộc chiến chống dịch Covid-19 bớt gian nan vất vả, tình người và tinh thần, đạo lý đoàn kết vượt khó khăn, thử thách của dân tộc thêm sáng đẹp.
(Còn nữa)
Nguyễn Bá Tân
Không biết nói gì hơn ngoài: Khâm phục và trân trọng!