Các mô hình xứ, họ đạo bình yên được triển khai ở các địa phương đã có những đóng góp quan trọng trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn tỉnh, tạo không khí cởi mở, đoàn kết, từng bước xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới, đô thị ngày một văn minh. Tuy nhiên, để mô hình tăng sức lan tỏa và đi vào chiều sâu thì cần có giải pháp hiệu quả hơn nữa.
Kinh nghiệm triển khai các mô hình giáo xứ, giáo họ bình yên tại các địa phương cho thấy, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Nhờ làm tốt công tác này, tại nhiều giáo xứ, giáo họ, bà con giáo dân đã không ngừng bồi đắp đức tin trong cuộc sống theo lời răn dạy của Đức giáo Hoàng Bênêđictô XVI: “Người công giáo tốt đồng thời là người công dân tốt”; “Người công giáo không xa lánh xã hội trần gian, không trốn tránh các nghĩa vụ công dân”. Thể hiện qua việc chấp hành nghiêm các chính sách, pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương, cùng nhau xây dựng xứ, họ đạo, khu dân cư an toàn làm chủ, tích cực phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, thực hiện tốt quy ước, hương ước đề ra.
Giáo xứ Bén Đén (xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) trước đây toàn xứ có 8 bàn bi-da, là nơi tụ tập của giới trẻ gây mất an ninh trật tự của thôn xóm và làm ảnh hưởng đến việc học hành của các em học sinh. Trước thực tế đó, Hội đồng mục vụ (HĐMV) giáo xứ đã họp và mời ban cán sự thôn tham dự để tìm cách tháo gỡ. Với sự vận động, tuyên truyền thường xuyên, 100% gia đình có bàn bi-da đã nạp lại cho HĐMV. Bên cạnh đó, nhận được sự tố giác của bà con giáo dân về việc trong giáo xứ có một số học sinh sử dụng súng tự chế, trong vòng một tuần HĐMV giáo xứ đã phối hợp với an ninh xã tuyên truyền vận động các cháu học sinh giao nộp toàn bộ 12 súng tự chế.
Đến nay, ngoài xã Diễn Kỷ, toàn huyện Diễn Châu đã thành lập được các mô hình giáo họ bình yên tại các xã Diễn Liên, Diễn Quảng, Diễn Hạnh, Diễn Mỹ, Diễn Đoài. Từ mô hình, các địa phương đã trực tiếp hòa giải trên 50 vụ việc mâu thuẫn như cố ý gây thương tích, tranh chấp đất đai, môi trường, gây mất trật tự xóm làng góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở.
Trên địa bàn huyện Đô Lương có 1.856 hộ đồng bào theo đạo công giáo với 9.735 khẩu, chiếm 4,86% dân số toàn huyện, sinh sống tại 61 khối xóm của 14 xã, thị trấn. Nhờ công tác tuyên truyền được thực hiện hiệu quả, tình hình an ninh trật tự tại các xứ, họ đạo cơ bản ổn định. Các giáo xứ, giáo họ đã thành lập được 44 tổ tự quản về an ninh trật tự, những năm qua đã cung cấp 178 nguồn tin giúp ngành công an gọi hỏi 20 đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý theo quy định. Các tổ hòa giải, tổ dân cư tự quản đi vào hoạt động hiệu quả. HĐMV các xứ, họ đạo đã cùng với chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các ngành kịp thời giải quyết các vụ việc xảy ra một cách có lý, có tình, làm giảm mâu thuẫn, bất hòa giúp đỡ người lầm lỗi, hòa nhập cộng đồng, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, giúp nhau cùng tiến bộ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại một số địa phương, ở một số thời điểm vẫn có những trường hợp chức sắc, chức việc và bà con giáo dân chưa hiểu đầy đủ về mục tiêu mà các mô hình giáo xứ, giáo họ bình yên muốn hướng tới. Tại một số địa bàn do linh mục, HĐMV thiếu hợp tác nên mô hình không phát huy được hiệu quả. Do vậy, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền giúp người dân cũng như tầng lớp chức sắc, chức việc hiểu rõ mục tiêu hướng tới của mô hình là: Đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện “sống tốt đời đẹp đạo”, đoàn kết lương – giáo chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, quá trình gặp gỡ những con người sống “tốt đời đẹp đạo” gánh trọn hai vai “giáo hội – xã hội” ở các xứ, họ đạo, thực tế cho thấy rằng để mô hình thực sự đi vào cuộc sống rất cần những nhân tố nòng cốt, đóng vai trò cầu nối đạo và đời để khơi dậy phong trào. Đó là những giáo dân “kính Chúa yêu nước” nhiều năm làm xóm trưởng gương mẫu như ông Nguyễn Khắc Thế – Xóm trưởng xóm 7 thuộc giáo họ Thượng Nguyên, giáo xứ Hội Nguyên, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu).
Là xóm dân “góp” có cả giáo xen lương, trong đó giáo dân chiếm hơn 70%, nhưng các phong trào chung của xóm 7 đều phát triển đồng đều, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. Trao đổi về kinh nghiệm qua 20 năm làm xóm trưởng, ông Thế cho biết, thông qua việc thành lập ban xây dựng nông thôn mới, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” và sự phối hợp nhịp nhàng với HĐMV giáo xứ, giáo họ, xóm 7 xã Quỳnh Hồng đã huy động được người dân hiến 2.189m2 đất, trong đó đất ở 1.120m2, đất 64 là 978m2; tháo dỡ 42 ki ối và nhà, 39 cổng, 1.120m tường bao. Đến nay, xóm 7 đã làm được 1.520m đường liên thôn, 2.680m đường nội thôn (có đường rộng 6m, có đường rộng 4,5m).
Hoặc như ở xóm 7 xã Tường Sơn (Anh Sơn), ông Phạm Trọng Thanh – Chủ tịch HĐMV giáo họ Đức Thịnh (giáo xứ Quan Lãng), thành viên Ban phát triển xóm 7 cũng là người đã nhiều năm nhiệt huyết với công tác thôn xóm. Ông đã cùng với các thành viên Ban phát triển xóm luôn gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, vận động người dân xây dựng sự đoàn kết, đóng góp, ủng hộ các công tác của xóm. Ban phát triển thôn gồm cả tổ trưởng tổ tự quản, trưởng các đoàn thể. Những việc của tập thể, của xóm hoặc của giáo họ đều có sự tham gia của các thành viên ban, kết nối giữa hai bên để cùng chấp hành các chủ trương chung, tạo tinh thần đoàn kết, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới. Ông Thanh và các hộ dân xóm 7 xã Tường Sơn đã đồng lòng hiến đất mở đường, đóng góp ngày công, tháo dỡ một số công trình để hoàn thành con đường bê tông sạch sẽ, rộng rãi, đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ vậy, hiện nay, các phong trào tập thể, đặc biệt là làm đường giao thông, xóm 7 luôn ở tốp đầu của xã Tường Sơn.
Trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều xóm cùng với bí thư chi bộ, những xóm trưởng là người theo đạo Công giáo đều là những nhân tố nòng cốt, tận tụy với việc chung. Nhờ vậy chi bộ và ban cán sự xóm đoàn kết, đồng thuận một lòng góp sức đưa phong trào của xóm đi lên về mọi mặt. Tại một số địa phương đã gây dựng được đội ngũ xóm trưởng là giáo dân làm nhân tố nòng cốt để đưa phong trào chung đi lên. Bên cạnh đó còn có những cán bộ cốt cán vùng giáo, cán bộ đoàn thể, trưởng ban công tác Mặt trận thôn xóm gắn bó, tận tụy với công việc, khẳng định vai trò “cầu nối” giữa đạo và đời, tôn giáo với dân tộc.
Nghệ An có 302 xóm có giáo dân đảm nhận vai trò xóm trưởng, trong đó huyện Nghi Lộc có 70 người, Yên Thành 40 người, Quỳnh Lưu 38 người, Nam Đàn 19 người… Nhiều địa phương khác có ít nhất 5 xóm trưởng là giáo dân. Bên cạnh đó, theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh, nhiệm kỳ 2014 – 2019 toàn tỉnh có 182 giáo dân làm trưởng ban công tác Mặt trận.
Theo ông Trần Quốc Hùng – Trưởng Công an xã Thanh Khê (Thanh Chương) thì để các mô hình giáo xứ, giáo họ bình yên đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả, bên cạnh sự ủng hộ của cộng đoàn giáo dân, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đảng – chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể với linh mục và HĐMV giáo xứ, giáo họ trên tinh thần tôn trọng, tin tưởng, đồng hành vì cuộc sống bình yên của mỗi người, mỗi nhà và toàn xã hội.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch MTTQ xã Nghi Văn cho hay: “Một trong những yếu tố đảm bảo sự vận hành hiệu quả của mô hình “Giáo họ bình yên không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” tại giáo họ Cổ Lãm trên địa bàn xã Nghi Văn là do cấp ủy, chính quyền đã gây dựng được mối quan hệ tốt, và nhận được sự ủng hộ của vị linh mục quản xứ, HĐMV giáo xứ, giáo họ trong tuyên truyền, vận động đồng bào giáo dân ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành luật lệ an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội…”.
Trên thực tế, tại nhiều địa phương, linh mục quản xứ cùng HĐMV giáo xứ, giáo họ đã tích cực vận động giáo dân chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định về sinh hoạt tôn giáo, thực hiện kính Chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo. Ở một số nơi, cùng với việc giảng đạo, linh mục quản xứ cũng thường xuyên răn dạy, nhắc nhở bà con thực hiện những điều đã cam kết về an ninh trật tự, không làm những điều trái với luân thường đạo lý và trái với quy định của pháp luật. Một số giáo xứ, giáo họ như giáo họ Việt Tiến xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) đã nhận Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh tặng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.
Trao đổi về việc xây dựng các mô hình “Giáo họ bình yên, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Giáo họ bình yên đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới”, cụ linh mục Nguyễn Đăng Điền – Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Nghệ An cho rằng: “Đó là những mô hình thiết thực, qua đó vận động đồng bào giáo dân, lương dân đoàn kết cùng xây dựng xã hội phát triển. Minh chứng là tại nhiều địa phương, bà con giáo dân đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới nhất là thông qua việc hiến đất, ủng hộ kinh phí, góp công xây dựng đường giao thông nông thôn, hăng hái thi đua lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng..”. Tính đến năm 2018, Nghệ An có 218 xã đạt chuẩn nông mới trong đó có 88 xã vùng giáo, đời sống của bà con giáo dân ngày càng phát triển, số hộ khá giàu đạt 54,5%, số hộ nghèo giảm xuống 9,8%.
Linh mục Nguyễn Đăng Điền cũng cho rằng cộng đoàn giáo dân phải làm theo lời răn thiết thực của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Người Công giáo tốt là người công dân tốt”, phải “yêu Chúa, yêu nhau cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp… đó là xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà cả cộng đồng đang hướng tới” .
Từ thực tế tìm hiểu tại các địa phương có mô hình giáo xứ, giáo họ bình yên, thấy rằng, ngoài những vấn đề đã nêu trên thì điều cốt yếu nhất để xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình là phải có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ các chi hội, chi Đoàn thanh niên đến các tổ tự quản khu dân cư, chứ không chỉ phụ thuộc vào lực lượng chức năng hay khối Mặt trận. Tại một số địa phương như xã Thanh Khê (Thanh Chương), xã Nghi Quang (Nghi Lộc)… cấp ủy đã chủ động xây dựng nghị quyết, chính quyền ban hành kế hoạch thực hiện, thành lập ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên từ xã đến xóm trong việc triển khai các mô hình xứ, họ đạo bình yên.
Một số nơi hàng quý, hàng năm Ban chỉ đạo mô hình đều tổ chức họp với HĐMV giáo xứ, giáo họ và Ban cán sự các khối xóm nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm, nắm bắt tình hình, điều chỉnh kịp thời những vướng mắc để mô hình phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Và điều quan trọng là phải làm cho đội ngũ chức sắc, chức việc và mỗi người dân đều hiểu rằng: việc xây dựng các mô hình xứ, họ đạo bình yên là nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội ở cơ sở, từ đó tạo điều kiện cho người dân yên tâm “sống đạo”, “hành đạo”, chung tay xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc “phần hồn thong dong, phần xác ấm no”./.