Trong thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên toàn tỉnh nói chung và tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 48, tuyến N5 nói riêng. Trong tháng 5 năm 2021, đích thân đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh đã đi kiểm tra một số điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) trên một số tuyến đường, địa bàn trọng điểm. Qua đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho rằng: Hầu hết các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT đều có tầm nhìn hạn chế, bị che khuất, nhất là tại vị trí các góc ngã ba, ngã tư; góc cua hẹp; không có hệ thống đèn tín hiệu giao thông hoặc khai thác hệ thống tín hiệu chưa hiệu quả…
Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu Ban An toàn giao thông tỉnh tham mưu những giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, trên tuyến Quốc lộ 1A, tại nút giao QL7C và QL1 (Km446+700 QL1); đề nghị Cục QLĐB II trước mắt bổ sung biển báo trên giá long môn để phân làn phương tiện rẽ trái hoặc đi thẳng trên tuyến QL1, đồng thời lập dự án xử lý “điểm đen” tại nút giao giữa QL1 và QL7C (Km446+370 QL1), trong đó, mở thêm làn rẽ phải trên tuyến QL1 theo hướng từ Bắc vào Nam cho phương tiện rẽ phải vào QL7C; bố trí làn chờ rẽ trái cho các phương tiện lưu thông trên QL1 theo hướng từ Nam – Bắc để rẽ sang QL7C. UBND huyện Nghi Lộc phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông điều chỉnh lại tín hiện đèn điều khiển giao thông theo hướng tăng thời lượng cho phương tiện rẽ trái; nghiên cứu điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông bảo đảm phân luồng, phân làn khoa học, hợp lý tránh xung đột giao thông.
Cùng đó, đóng lối đi dân sinh tại phía Đông QL1, mở lối đi nhập vào đường N5 nhánh phía Đông QL1 trước đèn tín hiệu cho người và phương tiện lưu thông an toàn. Công an tỉnh tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý người và phương tiện tham gia giao thông vi phạm tín hiệu đèn, vi phạm vạch kẻ đường theo quy định của pháp luật, đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đề xuất Cục Cảnh sát giao thông lắp đặt hệ thống camera giám sát tại nút giao này để giám sát và xử lý vi phạm của người tham gia giao thông.
Tại nút giao Cầu Bùng (Km 422+800 QL1), giao UBND huyện Diễn Châu kiểm tra, rà soát, thống kê, lên kế hoạch giải phóng mặt bằng khu vực nút giao, cam kết tiến độ thực hiện kèm theo hồ sơ chi tiết gửi Cục QLĐB II để cục có cơ sở lập dự án cải tạo nút giao. Đồng thời sớm cung cấp mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công khi có yêu cầu của Cục QLĐB II; tháo dỡ cổng chào trên tuyến vào chợ Cầu Bùng không để ảnh hưởng đến an toàn giao thông; tổ chức lực lượng thường xuyên giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, nhất là các chợ phiên bày bán hàng hóa trên phần đường xe chạy, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đề nghị Cục QLĐB II lập dự án cải tạo lại nút giao này (sau khi UBND huyện hoàn thiện hồ sơ và bàn giao mặt bằng) đồng thời bố trí sửa chữa, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu tại khu vực nút giao nhằm đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực.
Tại nút giao cầu vượt Yên Lý (Km412+200 QL1), trước mắt bổ sung biển cảnh báo nguy hiểm, sơn gờ giảm tốc độ.
Đối với tuyến Quốc lộ 48: Tại cầu Hiếu (Km 35+800 QL48 thuộc thị xã Thái Hòa) đề nghị Sở Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo sớm việc triển khai thực hiện dự án xử lý điểm đen theo hồ sơ được trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt, yêu cầu triển khai xong trước quý III năm 2021. Còn tại Km 40+350 nghiên cứu sơn gờ giảm tốc; cắm bổ sung biển báo giao nhau với đường ưu tiên, lắp đặt gờ giảm tốc độ từ đường phụ ra đường chính. Tại Km43+100 đến Km43+900 (thuộc địa bàn huyện Nghĩa Đàn) giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông để xác định vị trí cắm bổ sung biển báo “khu vực đông dân cư”, sơn gờ giảm tốc độ và biển cảnh báo nguy hiểm khi đi qua khu vực này.
Tại điểm cầu Dinh (Km53+00 đến Km53+300 thuộc địa bàn Quỳ Hợp): Giao UBND huyện Quỳ Hợp rà soát, kiểm tra hồ sơ đất đai từ đoạn đầu cầu đến ngã ba gần nhất hướng đi Quỳ Hợp và tổ chức giải tỏa bàn giao mặt bằng cho Sở Giao thông Vận tải để xử lý mở rộng nền mặt đường bung cua theo dự án xử lý điểm đen. Trước mắt, Sở GTVT phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông để xác định vị trí di dời biển báo “khu vực đông dân cư” qua cầu Dinh theo hướng kéo dài ra phía Tây tuyến.
Riêng tuyến Quốc lộ 48C (tại Km 9+00 địa bàn huyện Quỳ Hợp), đề nghị Cục QLĐB II tổ chức sơn kẻ gờ giảm tốc độ ở hai đầu đoạn cong cua, gắn đinh phản quang trên vạch sơn tim đường để phân làn phương tiện, cắm biển hạn chế tốc độ phương tiện khi đi qua điểm cong cua. UBND huyện Quỳ Hợp tổ chức giải phóng mặt bằng, giải tỏa tầm nhìn cho người và phương tiện khi đi qua điểm cong cua, hạn chế tai nạn giao thông.
Để xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, cần sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ từ các ngành chức năng. Công an tỉnh tập trung chỉ đạo mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chở hàng hóa quá tải trọng phương tiện. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm khác có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai phần đường, làn đường; xây dựng phương án xử lý nghiêm các trường hợp thanh niên tụ tập phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép…
Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý gắn với truyền thông, nhất là tại các khu vực, “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông để giáo dục, răn đe nâng cao ý thức của người tham giao giao thông. Đề xuất Cục Cảnh sát giao thông lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát xử lý vi phạm giao thông trên một số đoạn, tuyến trọng điểm nhằm hạn chế vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chuẩn đồng bộ về đèn tín hiệu giao thông (thống nhất về mẫu thiết kế, tiêu chuẩn chất lượng, chủng loại đảm bảo thống nhất, đồng bộ); khi lắp đặt đèn tín hiệu giao thông phải bổ sung hạng mục camera giám sát giao thông với hệ thống đèn giao thông. Chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan lập hồ sơ xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông tại các vị trí trên các tuyến đường quản lý. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở GTVT đã tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông tại Km46, Km47+486 (QL7C); Km285+176, Km308+600 (QL15); Km35 (QL48)… Bên cạnh đó, trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận chủ trương đầu tư 3 vị trí xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông gồm: nút giao Km21+1225 (QL7C); nút giao Km9+00 (QL48D); nút giao Km32+00, Km37+450 (QL7C)…
Ngoài sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị cần tích cực phối hợp với các đơn vị quản lý giao thông tổ chức rà soát, đề xuất các phương án xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, bổ sung biển cảnh báo, hướng dẫn lái xe trong điều kiện đường đèo dốc dài, nhiều đường cong trên các tuyến đường bộ trên địa bàn. Riêng UBND thành phố Vinh, cần chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công tại vị trí nút giao Quán Bàu (Km459+950) nhằm tổ chức lại giao thông, bổ sung, chỉnh sửa lại hệ thống vạch sơn hợp lý với đảo giao thông và hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao Quán Bàu (điểm giao giữa đường Mai Hắc Đế, đường Hà Huy Tập và đường 72m).
Đối với Cục QLĐB II, ông Nguyễn Thanh Hoài – Phó Cục trưởng cho biết: Hiện tại, cục đã lập các dự án xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông kèm theo hồ sơ “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT ngày 20/7/2012 của Bộ GTVT quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác để đề nghị xử lý theo quy định. Tổng số dự án đã lập là 8 dự án để xử lý 8 đoạn tuyến là “điểm đen”, tiềm ẩn tai nạn giao thông trên 6 tuyến quốc lộ. Tổng kinh phí để thực hiện xử lý các dự án này là 58,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý các vị trí bất cập về an toàn giao thông trên tuyến, có những vị trí cần phải đền bù, GPMB để giải phóng tầm nhìn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến, mặc dù đã được hỗ trợ về kinh phí cho công tác đền bù trong dự án, nhưng việc thực hiện phải được địa phương chủ trì và cùng chung tay phối hợp để giải tỏa. Vì vậy, Cục đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp huyện, xã phối hợp với Cục QLĐB II sớm thực hiện hoàn thành việc xử lý các điểm bất cập về an toàn giao thông trên tuyến khi có liên quan tới việc đền bù, GPMB.
Theo ông Phan Huy Chương – Phó Ban chuyên trách, Ban ATGT tỉnh: Để tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương tăng cường rà soát, kiểm tra trực tiếp trên các tuyến đường để kịp thời phát hiện các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Qua đó, đề xuất các phương án xử lý nhằm hạn chế tai nạn giao thông; phối hợp với ngành Công an để cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan nhằm xác lập hồ sơ “điểm đen” đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo khắc phục, xử lý. Yêu cầu các đơn vị quản lý giao thông báo cáo cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí nguồn vốn để kịp thời xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông theo quy định.
Việc tập trung xóa “điểm đen” là cấp thiết, song phân tích những vụ tai nạn xảy ra gần đây cho thấy lỗi phần nhiều do người điều khiển phương tiện. Do đó, việc xóa “điểm đen” chỉ là hỗ trợ, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, trong 76 vụ tai nạn giao thông xảy ra 6 tháng đầu năm 2021 (làm chết 60 người, bị thương 47 người) thì nguyên nhân dẫn đến tai nạn chiếm đến 80% là do ý thức người tham gia giao thông. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: Không làm chủ tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, không chú ý quan sát, sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện… Thực tế trên cho thấy, để góp phần “xóa điểm đen” giao thông, bản thân mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức tuân thủ luật lệ giao thông, tránh “nhanh một phút, chậm cả đời”!.