Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên – Bài cuối: Tuyên truyền, giáo dục gắn với quản lý, xử lý nghiêm vi phạm

Từ thực trạng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây bức xúc cho người tham gia giao thông như điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm; dàn hàng ba, hàng tư; bốc đầu, lạng lách, đánh võng… gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT) tái diễn trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết cái “gốc” của vấn đề là phải tạo được sự chuyển biến từ nhận thức đến hành vi, hình thành văn hóa giao thông trong giới trẻ. Muốn vậy công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu và triển khai thường xuyên, chứ không riêng tháng ATGT hay các đợt cao điểm. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0, công tác này cần được đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, tránh sự khô khan, nhàm chán.

Phòng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh tại các trường học.
Phòng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh tại các trường học.

Theo ông Phan Huy Chương – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh: Hàng năm, Ban ATGT tỉnh đều chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã tổ chức chương trình Ngày hội thanh, thiếu nhi với văn hóa giao thông. Đây là chương trình thường niên, nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, qua đó nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến rõ nét về hành vi trong quá trình tham gia giao thông của thanh, thiếu niên. Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ số để tuyên truyền pháp luật về ATGT. “Ngoài việc đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như xây dựng các tiểu phẩm sân khấu hóa, tổ chức thi đi sa hình, thi tìm hiểu trực tuyến về ATGT, Ban ATGT tỉnh còn phối hợp với các cơ quan báo, đài để thực hiện các phóng sự phát trên các kênh chính thống, các trang Fanpage của các cấp ngành và các nền tảng mạng xã hội nói chung” – ông Chương cho hay.

Về vấn đề này, ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Nội dung tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh ở các cấp học luôn được sở quan tâm. Đơn cử như vào dịp khai giảng, là tháng cao điểm ATGT cho học sinh tới trường, sở đều chỉ đạo các trường tổ chức cho học sinh ký cam kết về việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, nhà trường cũng vận động cha mẹ học sinh ký cam kết không giao xe máy cho con khi chưa đủ tuổi, tăng cường nhắc nhở con em về ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, ông Đào Công Lợi cũng nhấn mạnh: “Tuyên truyền gần như mới chỉ tác động về mặt ý thức tại thời điểm tuyên truyền; quan trọng nhất vẫn là tác động được đến hành vi khi tham gia giao thông”. Vì vậy, phát biểu tại Hội nghị quán triệt Chỉ thị số10 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự ATGT, ông Lợi đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông ở các huyện, thành, thị tăng cường tuần tra, nhắc nhở, xử phạt học sinh vi phạm ATGT, nhất là vào giờ cao điểm để tăng tính răn đe, giáo dục, hướng học sinh tới hành vi tham gia giao thông văn minh.

Ban ATGT tỉnh tổ chức chương trình tuyên truyền ATGT cho học sinh đến trường tại Trường THPT Lê Viết Thuật.
Ban ATGT tỉnh tổ chức chương trình tuyên truyền ATGT cho học sinh đến trường tại Trường THPT Lê Viết Thuật.

Thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương và ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và người bị thương). Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao ý thức “thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, cho đối tượng thanh, thiếu niên.

Tại Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 3/2/2023, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các trường học, các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT và văn hóa giao thông cho học sinh. Kiểm tra, rà soát việc ký cam kết không vi phạm pháp luật về ATGT đối với các trường học, cơ sở giáo dục, đặc biệt là cam kết không sử dụng (hoặc thuê) các phương tiện không đảm bảo về ATGT đưa đón học sinh. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; tăng cường tuyên truyền các quy định về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đặc biệt là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả giáo dục qua tài liệu giảng dạy và các hoạt động ngoại khóa về an toàn giao thông.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Tỉnh đoàn triển khai rộng rãi các hoạt động tham gia đảm bảo ATGT, cuộc vận động Thanh niên với văn hóa giao thông; xây dựng kế hoạch dài hạn thực hiện xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên, văn minh, hiện đại, phù hợp với tình hình mới. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở đoàn tổ chức các hoạt động truyền thông về trật tự ATGT trên mạng xã hội Facebook, Zalo… trong đoàn viên, thanh, thiếu niên.

Hướng dẫn cho học sinh điều khiển phương tiện theo sa hình; Công an TP. Vinh tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, tặng mũ bảo hiểm cho các em học sinh.
Hướng dẫn cho học sinh điều khiển phương tiện theo sa hình; Công an TP. Vinh tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, tặng mũ bảo hiểm cho các em học sinh.

Tiếp đó, tại Văn bản số 326/KH-UBND ngày 15/5/2023, UBND tỉnh tiếp tục đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục, tổ chức đoàn trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các diễn đàn, đối thoại trong nhà trường về chủ đề, giải pháp cải thiện an toàn giao thông đường bộ thông qua hành động tham gia giao thông xanh – sạch – an toàn; vận động học sinh, sinh viên tự giác chấp hành quy định về pháp luật ATGT.

Để ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tại Văn bản số 3239/UBND-NC ngày 26/4/2023, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Công an tỉnh chủ động làm tốt công tác điều tra cơ bản về phương tiện và người tham gia giao thông, đặc biệt các trường hợp là học sinh, sinh viên có ý thức chưa tốt, thường xuyên vi phạm về trật tự an toàn giao thông để tuyên truyền, giáo dục. Đồng thời thông qua các kênh truyền thông, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống camera giám sát giao thông… để xác định được thời gian, khung giờ, phương thức, tuyến đường và địa bàn là nơi các đối tượng thanh thiếu niên thường tổ chức đua xe trái phép, đi xe dàn hàng ngang, đánh võng lạng lách; phát hiện kịp thời các dấu hiệu tụ tập, cổ vũ, kích động, đua xe và có biện pháp tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm ngay từ đầu, không để phát sinh các vụ việc phức tạp.

Rà soát phương tiện vi phạm tốc độ từ hệ thống camera phạt nguội trên Quốc lộ 1A.
Rà soát phương tiện vi phạm tốc độ từ hệ thống camera phạt nguội trên Quốc lộ 1A.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành chức năng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường các tổ công tác tiến hành tuần tra bí mật, hóa trang mật phục phối hợp cùng lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra công khai để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, bố trí lực lượng thâm nhập vào mạng xã hội theo dõi các hội, nhóm của giới trẻ để nắm bắt, ngăn chặn kịp thời những hoạt động rủ rê, lôi kéo, tụ tập nhau để thi thố đua xe, đánh võng, lạng lách… ngay từ lúc mới manh nha; sử dụng hình ảnh, clip do chính người dân cung cấp khi lưu thông trên đường để truy xét, xử lý những trường hợp thanh, thiếu niên có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện là thanh, thiếu niên vi phạm ATGT, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường hình thức xử lý đối với chủ phương tiện là người giao hoặc để cho đối tượng học sinh, sinh viên chưa đủ điều kiện nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo TS. Luật sư Nguyễn Trọng Hải – Giám đốc Công ty Luật Trọng Hải và cộng sự: Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy dưới 50 phân khối, người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe máy từ 50 phân khối trở lên. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Đội CSGT-TT  Công an huyện Anh Sơn lập biên bản vi phạm đối với 2 nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm, bốc đầu xe máy được đăng tải trên mạng xã hội.
Đội CSGT-TT Công an huyện Anh Sơn lập biên bản vi phạm đối với 2 nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm, bốc đầu xe máy được đăng tải trên mạng xã hội.

Trường hợp vi phạm không chỉ người điều khiển phương tiện bị xử phạt hành chính mà cả người giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển cũng sẽ bị xử phạt. Cụ thể Điểm đ, Khoản 5, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 800.000 đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô với các lỗi: Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng). Vì vậy, nếu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý sẽ góp phần hạn chế được tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở học sinh.

Thực tế cho thấy ngăn ngừa thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ cần sự kết hợp đồng bộ giữa giáo dục, quản lý, xử lý giữa nhà trường, gia đình và cơ quan chức năng. Trong đó yếu tố gia đình là quan trọng nhất, do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ phương tiện, không mua xe, giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa có giấy phép lái xe, nhắc nhở con em ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, uốn nắn ngăn chặn ngay từ ban đầu các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó chính các bậc phụ huynh cũng cần nêu gương trong chấp hành Luật Giao thông đường bộ, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông. Đặc biệt không can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm của lực lượng chức năng để bỏ qua lỗi vi phạm của con em mình. Bởi chủ trương “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý vi phạm ATGT đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An quán triệt qua nhiều công văn, chỉ thị.

Trạm CSGT Diễn Châu kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện.
Trạm CSGT Diễn Châu kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện.

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự ATGT trong tình hình mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ một lần nữa nhấn mạnh việc “nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm các lực lượng được giao nhiệm vụ có biểu hiện “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức”. Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; trong đó yêu cầu: Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hồng – Phó phòng CSGT Công an tỉnh cho hay: Phía lực lượng chức năng nhất quán quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bởi thực tế nếu xảy ra tình trạng bao che, bỏ qua lỗi vi phạm sẽ gây tình trạng “nhờn luật” và nguy hiểm hơn nữa là gây nguy cơ tai nạn giao thông.

Tăng cường kiểm tra, xử lý sẽ góp phần hạn chế được tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở học sinh. Ảnh minh họa: Thành Cường
Tăng cường kiểm tra, xử lý sẽ góp phần hạn chế được tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở học sinh. Ảnh minh họa: Thành Cường

Tin rằng, nếu có sự quản lý chặt chẽ, nêu gương tốt từ phía gia đình và sự chung tay của nhà trường, các tổ chức đoàn thể, ngành chức năng thì những hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông sẽ ngày càng được giảm thiểu, ý thức “thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên sẽ ngày càng được nâng lên.