Xuất phát điểm là huyện nghèo 30A, địa hình phức tạp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; khí hậu khắc nghiệt, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao... Do vậy, huyện Kỳ Sơn xác định công tác tuyên truyền nhằm xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, gây dựng ý chí, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định đến công tác giảm nghèo, xây dựng NTM.
Bước vào xây dựng nông thôn mới năm 2011, xã Hữu Kiệm gặp rất nhiều hạn chế do xuất phát điểm thấp: Cơ sở hạ tầng thiếu thốn; tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 72%). Khởi điểm xã mới chỉ đạt 1/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM).
Ông Nguyễn Hữu Lượng – nguyên Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm nhớ lại: Việc một số bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn còn tư tưởng trông chờ vào các chương trình hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cũng được xác định là một rào cản lớn. Đây cũng là “nút thắt khó mở nhất” vì đạt xã chuẩn NTM đồng nghĩa với việc không còn được hưởng các cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, xã nghèo. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền xã Hữu Kiệm xác định xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động, trong đó cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong đi trước.
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, đả thông tư tưởng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, xã gắn với trách nhiệm của các tổ chức Đảng, hội, đoàn thể, xã tập trung triển khai tốt các nguồn lực được hỗ trợ đầu tư cho cơ sở hạ tầng; Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo bền vững để tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước.
Bên cạnh đó, cán bộ xã Hữu Kiệm đã có nhiều chuyến khảo sát tại các bản, đến từng hộ nghèo để tìm hiểu tình hình thực tế, nhằm giúp họ xây dựng “kịch bản” thoát nghèo phù hợp. Sau đó, BCH Đảng bộ xã quyết định giao nhiệm vụ mỗi năm một chi bộ phải giúp đỡ 1 hộ thoát nghèo.
Lúc đó Hữu Kiệm có 13 chi bộ, trong đó 9 chi bộ thôn, bản. Sau khi thống nhất chủ trương, xác định đối tượng cần giúp đỡ, chi bộ sẽ giao ban cán sự các bản, các đảng viên được phân công phụ trách cơ sở đi tìm hiểu điều kiện, tâm tư, nguyện vọng từng hộ, từ đó lên kế hoạch giúp đỡ. Hộ có đất sản xuất, có nhân lực thì hỗ trợ giống, hướng dẫn thực hiện canh tác đúng kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất. Hộ không có đất sản xuất thì hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăn nuôi…
Việc đưa cán bộ xuống tận cơ sở từng bước hướng dẫn người dân thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, canh tác lạc hậu sang các loại giống cây trồng mới có chất lượng và năng suất cao, thích hợp với điều kiện môi trường sinh thái của địa phương đã mang lại chuyển biến tích cực.
Nhiều mô hình kinh tế ra đời như mô hình HTX trồng rau Khe Nhinh ở bản Na Lượng 1 cho thu nhập gấp 4-5 lần trồng lúa; Mô hình cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn quả (thanh long, dưa hấu) ở bản Khe Tỳ; Nghề dệt thổ cẩm ở bản Na Chảo; Mô hình nuôi bò lai sind tại các bản Na Lượng 2, bản Hòm, bản Bà, Đỉnh Sơn 1… Nhờ vậy, tổng số hộ, nghèo của xã giảm xuống còn 48 hộ, chiếm 4,47%.
Ông Vi Văn Minh – Trưởng bản Hòm, xã Hữu Kiệm cho hay: “Mới đầu người dân họ còn mơ hồ về NTM, thấy mục tiêu đặt ra còn xa vời. Nhưng sau khi được cán bộ kiên trì, tuyên truyền, giải thích và cầm tay chỉ việc, người dân đã hiểu ra mình là chủ thể xây dựng NTM, dần cởi bỏ được tâm lý trông chờ, ỷ lại, quyết tâm phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, trực tiếp tham gia xây dựng NTM ở thôn, bản. Nhà nào có tiền thì góp tiền; không có tiền thì góp ngày công, góp vật liệu; hiến đất, giải phóng mặt bằng làm đường giao thông…”.
Với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và người dân cùng phương châm “Việc dễ làm trước, việc khó làm sau”, sau 10 năm kiên trì, bền bỉ, xã Hữu Kiệm đã về đích một cách thần kỳ vào giữa năm 2020 – trở thành xã NTM đầu tiên của huyện 30A Kỳ Sơn. Ở thời điểm hiện tại, xã Hữu Kiệm đã có sự đổi thay toàn diện và đang hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới giai đoạn 2022-2024, đối diện với nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền xã Nậm Cắn xác định: Khó cũng phải làm bởi “không thể mãi ở lại phía sau”. Trong đó, bài toán khó giải nhất vẫn là sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã. Muốn làm được điều ấy thì buộc phải thay đổi nếp nghĩ, nếp làm trong toàn bộ hệ thống chính trị. Ấy thế nhưng đối với một xã có 23,099 km đường biên giáp với nước bạn Lào, có 4 dân tộc sinh sống (trong đó dân tộc Mông chiếm 70,8%, Khơ mú chiếm 14,8%, Thái chiếm 13,1%), phương thức canh tác còn lạc hậu, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên thì đó quả là một hành trình không hề đơn giản.
Theo Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn Lầu Bá Chày: Do tập quán canh tác của bà con còn giản đơn, lại thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm làm ăn, cái đói, cái nghèo quanh năm cứ đeo bám. Do vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai: Trồng gừng, khoai sọ, bí đỏ, bí xanh, trồng cỏ voi, phát triển chăn nuôi trâu bò, gà đen, lợn đen… Tính đến tháng 9 năm 2021, tổng đàn gia súc, gia cầm ước đạt 23.866/14.375 con, đạt 60,23% so với kế hoạch. Khi dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp, địa phương cũng tận dụng lợi thế có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, chợ biên Nậm Cắn để đẩy mạnh giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Chính quyền xã Nậm Cắn cũng chỉ đạo các thôn, bản tập trung vận động nhân dân hiến đất, góp công bê tông hóa các đường giao thông nội bản. 9 tháng đầu năm 2021, toàn xã vận động được 655 ngày công, cứng hóa 1,3km đường nội bản, triển khai ra quân làm 31,9km giao thông nông thôn, làm mới 8km đường trục chính nội đồng, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm tại bản Huồi Pốc. Hiện tại, xã Nậm Cắn đã đạt 13/ 19 tiêu chí nông thôn mới. Dẫu còn nhiều khó khăn phía trước nhưng đồng bào các dân tộc nơi đây đã dần thông tỏ người dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới trong từng thôn, bản.
Trong hành trình giảm nghèo, hướng tới xây dựng nông thôn mới ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn, nhiều tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm “đi trước cho làng nước theo sau” nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Điển hình như đảng viên Moong Phò Ngọc, dân tộc Khơ mú – Chi bộ bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp nuôi bò, dê, lợn gà… thu nhập bình quân từ 135 – 150 triệu đồng/năm. Với suy nghĩ “là cán bộ, đảng viên không thể cam chịu đói khổ, không thể đi sau trong phát triển kinh tế”. Ông Moong Phò Ngọc đã tìm tòi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của nhiều người, mạnh dạn vay vốn đầu tư làm mô hình trang trại tổng hợp và trở thành một trong những điển hình được tuyên dương trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2015 – 2020.
Hay đảng viên trẻ Lầu Bá Lếnh – Bí thư Đoàn xã Na Ngoi cũng là tấm gương dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế hộ. Gắn bó nhiều năm với công tác Đoàn, Lầu Bá Lếnh hiểu “muốn phát huy sức trẻ trong xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng thì bản thân mình phải gương mẫu đi trước”. Nhận thấy, chăn nuôi là thế mạnh ở địa phương, Lếnh quyết tâm vay vốn, khoanh nuôi thả trâu, bò. Từ vài con ban đầu đến nay, mô hình của Lầu Bá Lếnh đã có 20 con bò, 7 con trâu. Bên cạnh đó, Lếnh còn trồng 2ha gừng, thu nhập bình quân 1 năm từ 100 – 150 triệu đồng.
Tại xã Mường Lống, bản Trung Tâm được chọn để xây dựng bản nông thôn mới đầu tiên của xã. Để hiện thực hóa các chí tiêu, nhất là vấn đề giao thông, thu nhập, hộ nghèo, chi bộ đã vận động nhân dân học cách làm ăn mới thông qua việc thành lập mô hình nuôi gà đen địa phương, trồng mận Tam Hoa… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chi bộ bản Trung Tâm, xã Mường Lống còn vận động nhân dân mở đường vào khu sản xuất được 2 km, xây dựng được 840m đường bê tông nông thôn xung quanh bản, xây dựng được 1 bể nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường… “Trong mọi hoạt động của thôn, bản đều có sự gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên nên người dân tin tưởng và thuận theo thôi”, Bí thư Và Bá Lầu bày tỏ. Đến nay bản Trung Tâm, xã Mường Lống đã đạt 13/19 tiêu chí NTM.
Còn tại bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ nhiều người dân bày tỏ chỉ cần học theo sự chăm chỉ, cách phát triển kinh tế bền vững của Bí thư Chi bộ Vừ Vả Chống là có cơ hội thoát nghèo. Hiện tại, trang trại rộng lớn của Vừ Vả Chống đã trồng được hơn 7.000 cây pơ mu, sa mu tươi tốt. Ngoài ra, còn trồng chè shan tuyết, nuôi gà đen, bò Mông. Thậm chí, vị bí thư chi bộ này đang ấp ủ triển khai kế hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng ngay tại khu gia trại, dưới tán cây pơ mu, sa mu.
Và theo Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ – Vừ Bá Lỳ thì: Nhờ “nói đi đôi với làm”, ông Vừ Vả Chống đã tạo được uy tín đối với đảng viên và người dân, việc triển khai các nghị quyết cũng vì thế mà nhanh chóng có hiệu quả, nhiều hộ dân nhờ đó cũng khấm khá theo. Hiện đã có hơn 100 hộ học theo cách làm của ông Vừ Vả Chống, trong đó bản Trung Tâm có hơn 30 hộ làm theo.
Có thể nhận thấy, với vai trò đầu tàu gương mẫu, nhiều cán bộ, đảng viên ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn như Vừ Vả Chống, Moong Phò Ngọc, Lầu Bá Lếnh… đã thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, trở thành những tuyên truyền viên “người thật, việc thật” trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM tại địa phương…