Thực sự thì những khó khăn trong công tác trồng rừng thay thế đã được các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh nhận diện, báo cáo đến các cơ quan cấp trên. Dẫn chứng, vào ngày 18/9/2023, UBND tỉnh có Báo cáo số 686/BC-UBND kết quả thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, tổng diện tích đất rừng được phép chuyển mục đích sử dụng ở Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là 1.131,22ha (rừng phòng hộ đầu nguồn 312,95ha; rừng sản xuất 661,08ha; rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp 157,19ha) trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Riêng với Nghệ An là 544,77ha, trong đó có 130,25ha rừng tự nhiên (39,07ha rừng phòng hộ, 86,25ha rừng sản xuất, 4,93ha rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp). Đến nay, tỉnh Nghệ An đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 360,12ha; phần còn lại là 184,65ha đang chờ Bộ Nông nghiệp và PTNT bố trí nguồn kinh phí trồng rừng thay thế. Đồng thời, đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán và đang triển khai trồng với diện tích 233,36ha (Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn 47,06ha; Công ty TNHH TNXP4 – Sông Con 15ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An 42,9ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương 100ha; Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống 21,7ha; Hạt Kiểm lâm Tương Dương 6,7ha).
Báo cáo số 686/BC-UBND cũng nêu rõ, chủ đầu tư Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đã nộp 20 tỷ/36,23715 tỷ đồng theo phương án đã được phê duyệt, phần còn lại là 16,23715 tỷ đồng. Việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế theo phương án đã được phê duyệt dẫn đến việc phải tăng vốn cho hạng mục này trong thời gian tới, do giá cả vật tư, nhân công để thực hiện công tác trồng rừng ngày càng tăng cao.
Đồng thời phân tích, theo quy định tại Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT, việc xác định hiện trường trồng rừng thay thế tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Lý do, quy định phải trồng trên đất chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất do Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng quản lý; trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng đặc dụng, rừng trồng phòng hộ không thành rừng đã hoàn thành việc thanh lý rừng trồng theo quy định của pháp luật. Trong khi trên địa bàn tỉnh diện tích đủ điều kiện nêu trên chủ yếu là diện tích manh mún, độ dốc lớn, địa hình chia cắt, xa khu dân cư, đường giao thông… nên thi công trồng rừng rất khó khăn. Do vậy mà các chủ rừng không đăng ký trồng rừng thay thế do sợ trồng rừng nhưng không thành rừng.
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT thì đơn giá trồng rừng được xác định tại thời điểm mà các chủ dự án đề xuất phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, trên cơ sở đó các đơn vị được giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế lập hồ sơ, dự toán trồng rừng thay thế trình UBND tỉnh phê duyệt. Tại thời điểm hiện nay, đơn giá trồng rừng được dự toán lớn hơn rất nhiều so với đơn giá được thu của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là 45 triệu đồng/ha (đơn giá trồng rừng phòng hộ, đặc dụng bình quân trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng trên 90 triệu đồng/ha), do đó việc phân bổ và thực hiện trồng rừng theo đơn giá thu của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là 45 triệu đồng/ha hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 19/12/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có Báo cáo 679/BC-SNN.KL gửi Cục Lâm nghiệp và Bộ NN&PTNT. Tại đây, những tồn tại, hạn chế trong công tác trồng rừng thay thế được chỉ ra là: “Đối tượng đủ điều kiện để được trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 là rất hạn chế (chỉ được trồng mới rừng mà không được trồng lại rừng ngoại trừ trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng đặc dụng, rừng trồng phòng hộ không thành rừng đã hoàn thành việc thanh lý rừng trồng). Do vậy, khó bố trí quỹ đất để trồng rừng thay thế. Hiện trường phục vụ trồng rừng thay thế ngày càng khó khăn, do đó, tiền trồng rừng thay thế tồn ngân tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng vẫn còn lớn chưa phân bổ cho các chủ rừng để tổ chức trồng rừng thay thế được”; “Tại Điều 6, Thông tư số 25 quy định về xử lý rủi ro đối với rừng trồng thay thế: “Diện tích rừng trồng từ kinh phí trồng rừng thay thế bị thiệt hại do các nguyên nhân bất khả kháng, dẫn đến không thành rừng, mất rừng được thực hiện thanh lý theo quy định của pháp luật về thanh lý rừng trồng”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng”.
Về nguyên nhân chủ quan: “Hiện nay đất trống quy hoạch cho rừng phòng hộ, đặc dụng chủ yếu tập trung các huyện vùng núi cao (Kỳ Sơn hơn 63%; Tương Dương 17%, Quế Phong 14%), diện tích này nằm xa đường giao thông, nằm sâu trong khu vực xung quanh là rừng tự nhiên, nằm ở những nơi có độ dốc lớn, địa hình chia cắt bởi sông, núi, khe suối; diện tích nhỏ lẻ, manh mún… một số diện tích là đồi núi đá, một số diện tích nằm ở vùng có khí hậu khắc nghiệt như huyện Kỳ Sơn, Tương Dương rất khó có khả năng trồng rừng thành công nên các chủ rừng không đăng ký thực hiện”; “Việc quy định đối với trồng rừng phòng hộ, đặc dụng cần ưu tiên trồng cây bản địa khả năng thành rừng thấp do đó các chủ rừng không dám đăng ký thực hiện trồng rừng phòng hộ, đặc dụng thực hiện trồng rừng thay thế”…
Trong Báo cáo số 679/BC-SNN.KL của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Cục Lâm nghiệp và Bộ NN&PTNT có nhắc “tiền trồng rừng thay thế tồn ngân tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng vẫn còn lớn chưa phân bổ cho các chủ rừng để tổ chức trồng rừng thay thế được”, chúng tôi đã đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh thông tin chi tiết.
Tại Báo cáo số 16 /BC-NAFF.KHNV ngày 17/1/2024 về việc triển khai thực hiện công tác trồng rừng thay thế của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An nêu rõ: Tổng số tiền các dự án đã nộp để trồng rừng thay thế tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng luỹ kế đến nay là 167.097.094 nghìn đồng; tổng số tiền đã giải ngân lũy kế đến nay là 50.403.976 nghìn đồng. Số tiền trồng rừng thay thế đã thu tại Quỹ nhưng chưa có kế hoạch phân bổ là 93.972.978 nghìn đồng (bao gồm số tiền chưa được phân bổ và đã phân bổ nhưng không thực hiện và thực hiện không hết khối lượng). Đồng thời, cũng đề cập việc đã có báo cáo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đề nghị hướng dẫn hồ sơ, thủ tục để chuyển nguồn kinh phí đã thu quá 12 tháng chuyển về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam theo quy định (Báo cáo số 274/BC-NAFF ngày 25/11/2022; Báo cáo gần nhất số 381/BC-NAFF ngày 17/11/2023).
Cán bộ có trách nhiệm của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An trao đổi, theo quy định thì nguồn kinh phí trồng rừng thay thế đã thu quá 12 tháng mà không có kế hoạch sử dụng thì phải chuyển về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để chuyển đến địa phương khác có nhu cầu trồng rừng thay thế. Nguồn kinh phí trồng rừng thay thế tồn dư tại Quỹ của tỉnh đến hơn 93 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, tuy nhiên, đã mấy lần đề nghị nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam về cách thức nộp trả. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị Quỹ Trung ương hướng dẫn cụ thể để thực hiện trong thời gian tới. Hỏi rằng, như vậy có phải là công tác trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác ở các địa phương trong cả nước cũng gặp khó khăn hay không? Được trả lời: Chúng tôi không đánh giá được chính xác công tác trồng rừng thay thế ở các tỉnh bạn, nhưng cũng có thể hiểu là như vậy…
Ngày 15/11/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh Văn bản số 9775/UBND-NN đề nghị nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để trồng rừng thay thế tại địa phương khác đối với diện tích hơn 33,7ha của 3 dự án: Dự án khai thác mỏ đá sét làm nguyên liệu xi măng tại xã Long Sơn (Anh Sơn); Dự án xây dựng Đồn Biên phòng Quỳnh Phương tại xã Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai); Dự án khai thác mỏ đất san lấp tại xã Nghi Kiều và xã Nghi Lâm (Nghi Lộc).