Du lịch là một trong những lĩnh vực bị tác động lớn từ dịch Covid-19 gồm có Nghệ An nói riêng. Từ đầu năm 2020 đến nay, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát lần thứ nhất, đúng vào thời điểm sau Tết Nguyên đán khiến cho mọi hoạt động du Xuân bị gián đoạn. Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa du lịch nhưng các lệnh cấm bay, hạn chế đi lại và sự e ngại của du khách do lo sợ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch trở nên vắng khách, doanh thu ngành Du lịch sụt giảm mạnh.
Qua 4 lần bùng phát dịch Covid-19, người hoạt động trong lĩnh vực du lịch gặp muôn vàn khó khăn. Trong đó, đợt dịch bùng phát lần thứ 2 vào tháng 7/2020 khi ngành Du lịch mới hồi phục được sau 2 tháng khiến cho nhiều tua, tuyến cho mùa du lịch hè đã phải tạm dừng, trả lại đơn hàng. Sang năm 2021, dịch kéo dài từ trước Tết và bùng phát từ tháng 4 và kéo dài cho đến thời điểm này càng khiến cho ngành Du lịch lao đao. Thực tế, tại Nghệ An, từ năm 2020, lượng khách và doanh thu du lịch bị suy giảm mạnh, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và của cả giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, trong 12 tháng của năm 2020, lượng khách du lịch đạt 3.525.500 lượt, bằng 53% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, khách lưu trú đạt 2.684.000 lượt, bằng 57% so với cùng kỳ năm 2019; khách quốc tế đạt 19.320 lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 4.720 tỷ đồng, trong đó, doanh thu du lịch ước đạt 2.570 tỷ đồng, bằng 56% so với cùng kỳ năm 2019.
Suốt 6 tháng đầu năm 2021, việc dịch Covid-19 tái bùng phát trong những giai đoạn cao điểm du lịch (Tết Nguyên đán và nghỉ lễ 30/4, 1/5) tiếp tục làm cho nhiều hoạt động du lịch phải hoãn, hủy; lượng khách và doanh thu bị suy giảm mạnh, mức chi tiêu bị thu hẹp. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng và cơ sở dịch vụ khác phải tạm ngừng hoạt động, nhất là khu vực ven biển; số lượng lao động phải nghỉ việc hoặc nghỉ việc luân phiên ngày càng tăng. Theo báo cáo của Sở Du lịch Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách lưu trú toàn tỉnh ước đạt 1.185.000 lượt, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 59% so với kịch bản đề ra và đạt 30% KH năm 2021. Doanh thu du lịch ước đạt 1.017 tỷ đồng, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 57% kịch bản đề ra và đạt 29% KH năm 2021.
Từ khi dịch bùng phát đến nay, Công ty cổ phần Lữ hành quốc tế Thái Sơn đã cho hơn 80% nhân viên nghỉ việc và chỉ để lại 3 lao động để duy trì hoạt động. Hoạt động của công ty gần như bị đình trệ hoàn toàn, dù trước đó doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để duy trì hoạt động trong mùa dịch như tính đến khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện hoặc du lịch nội tỉnh. Ông Võ Hồng Sáng – Giám đốc công ty cho biết: Hai năm nay, công ty của chúng tôi không có nguồn thu vì thị trường du lịch đã đóng băng và người dân thì không còn mặn mà di đi du lịch vì lo ngại dịch bệnh. Trong khó khăn, chúng tôi cũng cố gắng chuyển đổi ngành nghề nhưng dịch tác động đến toàn bộ lĩch vực, các ngành dịch vụ khác cũng rất khó khăn.
Không chỉ du lịch, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là các trường tư thục hoặc các trung tâm dạy ngoại ngữ, kỹ năng sống. Chủ một trung tâm Anh ngữ trên đường Lê Hồng Phong (TP. Vinh) cho biết: Từ giữa tháng 5 trung tâm chúng tôi tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo. Tuy vậy, để đảm bảo đời sống cho hơn 20 nhân viên, trong đó có 4 giáo viên nước ngoài, chúng tôi vẫn phải hỗ trợ một phần chi phí để người lao động yên tâm ở lại gắn bó với doanh nghiệp. Việc phải bù lỗ trong nhiều tháng khiến đơn vị gặp rất nhiều khó khăn và chúng tôi đang phải tính tới giải pháp vay vốn hoặc xem xét các gói hỗ trợ của Chính phủ. Trước đó, trong năm 2020, theo thống kê của công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 5.000 lao động thuộc các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và con số này cũng tương đương với năm 2021.
Một ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nữa là ngành giải trí, mà các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là các nghệ sỹ trong các đoàn chuyên nghiệp. Đến nay, đã tròn 7 tháng các nghệ sỹ không có một buổi biểu diễn hay một buổi tập nào. “Đa số các nghệ sỹ là các diễn viên hạng IV, chỉ được hưởng lương với hệ số từ 1,68 – 2,06 tức là chỉ vào khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Thu nhập chủ yếu của họ nhờ vào việc đi biểu diễn. Một buổi tập hoặc 1 buổi diễn các diễn viên chỉ được hưởng từ 80.000 – 100.000 đồng, NSND cũng chỉ được 240.000 đồng, cộng với thực hiện các hợp đồng ngoài, góp gió thành bão thì cũng sống được. Thế nhưng, dịch bệnh hoành hành hơn 7 tháng nay nên hầu như họ chẳng có đồng thu nhập nào”, ông Trần Văn Sánh – Trưởng phòng Pháp chế Sở Văn hóa, Thể thao cho hay.
Đại dịch cũng khiến nhiều ngành nghề khác như vận tải, kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kéo theo đó là nhiều hệ lụy khác và người lao động là đối tượng bị tác động trực tiếp và đầu tiên.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23 được ban hành vào đầu tháng 7 với mục tiêu góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động, duy trì mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế của Chính phủ.
Đặc biệt, so với gói hỗ trợ lần thứ I/2020, gói hỗ trợ lần này theo quan điểm của Nghị quyết 68, Quyết định 23 đã được mở rộng trên phạm vi, hình thức và đối tượng được hỗ trợ. Lần đầu tiên nhiều đối tượng lao động được nhận hỗ trợ từ Nhà nước, đó là hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sỹ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Việc mở rộng phạm vi, hình thức, đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 đã là minh chứng cụ thể nhất cho quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước, đó là “Không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ trong đại dịch mà còn trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Anh Lê Văn Tuấn ở Công ty cổ phần Đông Dương Travel là một hướng dẫn viên du lịch đã có 10 năm công tác và tham gia rất nhiều tua, tuyến ở trong và ngoài nước. Mặc dù đã có kinh nghiệm trong nghề nhưng 2 năm trở lại đây anh buộc phải nghỉ việc vì tất cả các hợp đồng du lịch đều bị tạm hoãn do dịch Covid – 19 bùng phát. Nghỉ việc, vì điều kiện khó khăn nên công ty không trả lương và anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác phải xoay xở mọi công việc để kiếm sống. Chia sẻ thêm về điều này, anh Tuấn cho biết: “Vợ chồng tôi đều ở quê lên thành phố Vinh, xoay xở nhiều năm mới mua được một mảnh đất và xây ngôi nhà nhỏ ở ngoại thành, đến giờ cũng chưa trả hết nợ. Gần 2 năm nay, để duy trì cuộc sống và nuôi 2 con nhỏ, tôi làm đủ nghề; nay đang làm cộng tác tuyển sinh học viên cho một trung tâm đào tạo lái xe, thu nhập bấp bênh”. Hiện anh Lê Văn Tuấn cũng là một trong những hướng dẫn viên đầu tiên của Nghệ An nộp đơn lên Sở Du lịch để xin được hưởng gói trợ cấp theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Ông Nguyễn Huỳnh Sương – Giám đốc Công ty cổ phần Đông Dương Travel cũng cho biết thêm: Vì dịch nên tất cả các hoạt động thuộc lĩnh vực du lịch của công ty chúng tôi đều phải tạm dừng và nhân viên đều phải nghỉ việc. Trước đó, khi dịch mới bùng phát chúng tôi có hỗ trợ một phần lương cho người lao động nhưng do dịch kéo dài nên để duy trì là rất khó khăn. Tất cả nhân viên du lịch đều phải chuyển nghề và cuộc sống vất vả hơn rất nhiều so với trước kia.
Chủ tịch Chi hội Hướng dẫn viên tỉnh Nghệ An – ông Võ Hồng Sáng chia sẻ: Toàn tỉnh Nghệ An có 211 hướng dẫn viên được cấp thẻ hướng dẫn viên tại điểm lưu động và 45 hướng dẫn viên được cấp thẻ tại điểm cố định. Trong 2 năm nay, hầu hết hướng dẫn viên đều phải nghỉ việc và làm đủ nghề để “kiếm cái chi đó để sống, có người chuyển sang làm shipper, người đi bán bảo hiểm, người đi bán hàng”. Vì thế, khi nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ, tất cả anh em đều phấn khởi. Điều đó không chỉ hỗ trợ phần nào cho anh em một phần về kinh tế mà còn kịp thời động viên để anh em làm du lịch cố gắng vượt qua đại dịch và tin tưởng vào sự điều hành, quan tâm của Chính phủ.