Miền Tây Nghệ An có hệ thống cây, con đặc sản phong phú về chủng loại và tốt về chất lượng, thế nhưng, những việc sản xuất, canh tác, nuôi, trồng những cây, con này vẫn đang dừng lại ở phong tục, tập quán, đậm tính tự cung, tự cấp, chưa thành hàng hóa lớn để vươn ra thị trường. Do vậy, vấn đề căn cơ ở đây là cần có cú hích quan trọng nhằm khai thác tiềm năng, tạo hướng đi bền vững cho mỗi sản phẩm.
Như đã phản ánh ở kỳ trước, nhiều cây, con ở vùng miền Tây Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và nhân rộng. Cây chè hoa vàng, dù đã tạo được thương hiệu, được nhiều người ưa chuộng nhưng việc nhân rộng vùng trồng đang bế tắc vì thiếu giống, nhiều người dân không mặn mà vì trên cùng diện tích người dân có thể trồng được mấy lứa sắn, một lứa keo cho thu nhập cao gấp mấy lần cây chè hoa vàng phải chờ 4-5 năm mới cho hoa.
Với cá mát, ông Nguyễn Anh Minh, người có sáng kiến bảo tồn và phát triển cá mát trên địa bàn xã Tam Hợp (Tương Dương) cho biết, để giữ được đàn cá trong mùa mưa, cần phải xây dựng những phai thủy lợi trên các khe, suối, nhằm hạn chế đàn cá bị trôi đi vào mùa mưa. Nhưng để làm được như vậy, cần rất nhiều vốn, phải có sự vào cuộc của nhiều ngành.
Với xoài Tương Dương, dù đã được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng hạn chế ở chỗ, sản lượng quả hàng năm ít, chưa xây dựng được thương hiệu để vươn ra thị trường rộng lớn hơn; chưa có hệ thống vườn ươm để cung ứng giống thuần chủng…
Theo ông Nguyễn Quang Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở Khoa học và Công nghệ), mặc dù năm 2017 UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, nhưng việc thực hiện quy hoạch cho từng địa phương, đặc biệt trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An, nơi được cho là có nhiều lợi thế để phát triển dược liệu còn hạn chế.
Bên cạnh đó, kinh phí chi công tác bảo tồn và phát triển còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách Nhà nước, chưa huy động được nhiều sự tham gia của các thành phần kinh tế khác. Đồng thời chưa tạo ra được nguồn kinh phí từ chính các hoạt động bảo tồn và khai thác nguồn gen dược liệu.
Tại một số địa phương trên cả nước, nhiều cây, con đặc sản nức tiếng đến người tiêu dùng trong nước, mỗi khi nhắc đến là người ta muốn đặt chân đến để thưởng thức: lợn mán (Hòa Bình); vịt Vân Đình (Hà Nội); xoài Mai Châu (Sơn La); gạo Điện Biên… chưa kể nhiều sản phẩm được chế xuất từ các loại cây dược liệu, được người tiêu dùng tin dùng.
Vậy tại sao các sản phẩm đặc sản của miền Tây xứ Nghệ mặc dù chất lượng tốt, nhưng phần lớn các sản phẩm đang bó hẹp trong vùng nội tỉnh, chưa vươn ra thị trường rộng hơn? Phải chăng là thiếu khâu xây dựng thương hiệu, chưa có doanh nghiệp đứng ra làm “bà đỡ”.
Trao đổi vấn đề này, ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho rằng: Cây, con đặc sản thực tế là bệ đỡ cho kinh tế của người dân miền núi. Nó là nguồn giá trị trước mắt mà người dân có thể trông chờ vào để có tiền chăm lo cho con em học hành, mua sắm nhu yếu phẩm chi dùng cần thiết cho gia đình.
Ông Hiền lấy ví dụ, nếu như cần tiền mua sách, vở cho con, người dân có thể bắt 3-4 con vịt bầu ra chợ bán thì sẽ có xấp xỉ 1 triệu đồng, hay bán 1 con lợn đen, 1 cặp bò thì có thể lo được đám cưới cho con… tuy nhiên, như thế sẽ không bền vững. Cái quan trọng nhất là phải có doanh nghiệp tâm huyết, tiềm lực mạnh để có thể xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín từ người chăn nuôi đến doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Anh Lê Thế Thành ở bản Đồng Cọng, xã Châu Bình, đang xây dựng mô hình nuôi 150 con lợn đen bản địa thì cho rằng: Anh mua giống từ huyện Quế Phong, mua giống trong dân. Hiện tại đàn lợn của anh có 60 con lợn nái, còn lại là lợn thịt. Giá lợn đen hiện nay từ 90.000-100.000 đồng/kg hơi. Khó khăn lớn nhất, theo anh Thành là việc kiểm soát dịch bệnh và vươn rộng thị trường tiêu thụ ra ngoại tỉnh.
Trước những bế tắc đối với sản phẩm đặc sản vịt bầu Quỳ, UBND huyện Quỳ Châu đã có hướng phát triển mới.
Ông Lương Trí Dũng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳ Châu cho biết: Từ ngày 24/11/2020, Huyện ủy Quỳ Châu đã thông qua đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Quỳ Châu giai đoạn 2020-2025.
Trong giai đoạn này, huyện cũng xác định sẽ đẩy mạnh, đổi mới xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhiều địa phương khác trong tỉnh đã và đang xây dựng thương hiệu cây, con bản địa gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Có thể kể đến một số sản phẩm hiệu quả, được nhiều người tiêu dùng biết đến như: cà gai leo, dây thìa canh, trà dược liệu túi lọc đinh lăng (Con Cuông), tinh bột nghệ đỏ, bò giàng (Tương Dương), chè tuyết shan, gừng (Kỳ Sơn), dầu sở, ổi (Nghĩa Đàn), hương trầm (Quỳ Châu)…
Trăn trở với cây, con đặc sản miền Tây Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Miền Tây Nghệ An có điều kiện thuận lợi để phát triển cây, con đặc sản, bởi có diện tích tự nhiên rộng lớn, có sự chênh lệch khí hậu giữa 4 mùa, địa hình có độ cao lớn so với mặt nước biển, địa chất đa dạng, phong phú, tạo nên nền đa dạng về sinh học, có nhiều cây, con đặc sản có giá trị kinh tế lớn.
Đặc biệt, vùng miền Tây Nghệ An có dân số đa bản sắc dân tộc, trong quá trình phát triển sản xuất đã lựa chọn được nhiều loại cây, con đặc sản có giá trị, được người tiêu dùng lâu nay ưa chuộng. Trong khi đó, hệ thống giao thông kết nối giữa miền xuôi với các huyện miền Tây ngày càng phát triển, công tác vận chuyển thuận lợi hơn, từ đó có thể tạo dựng được hàng hóa lớn. Tuy nhiên, phần lớn cây, con đặc sản vùng miền Tây Nghệ An phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
“Hiện nay Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2355/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển miền Tây Nghệ An. Do vậy, sắp tới tỉnh sẽ nghiên cứu thêm một số chính sách để hỗ trợ các huyện miền núi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền cho người dân chuyển biến nhận thức về vấn đề này thì mới thực hiện được” – ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho hay.
Miền Tây Nghệ An đang đứng trước nhiều cơ hội để khai thác tiềm năng phát triển toàn diện. Ngày 15/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội về “Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”. Trước đó, ngày 12/1/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, nhằm phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh – quốc phòng giai đoạn 2017- 2020. Ngoài ra, các huyện miền núi Nghệ An còn được tiếp tục hưởng các chính sách hỗ trợ từ Chương trình 134/CP, 135/CP, Nghị quyết số 30a… của Chính phủ.