Về việc giải thể tự nguyện của Hợp tác xã CP Trường Sơn, được khẳng định là tuân thủ theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003. Hồ sơ giải thể của Hợp tác xã thể hiện các thủ tục giải thể đã hoàn tất. Hợp tác xã CP Trường Sơn đã chính thức giải thể kể từ ngày 16/5/2012 khi UBND TP. Vinh ban hành Thông báo giải thể số 136/TB.UBND. Nhưng sau khi được giải thể tự nguyện, Hợp tác xã CP Trường Sơn chỉ mới nộp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà chưa làm thủ tục trả lại đất cho Nhà nước quản lý, không nộp con dấu cho cơ quan chức năng theo quy định.
Về việc xử lý tài sản của Hợp tác xã CP Trường Sơn, là do Công ty cổ phần Tiến Lực thỏa thuận và hoàn toàn tự nguyện (tự nguyện cam kết bồi thường, tự nguyện trả tiền). Việc thỏa thuận này xảy ra trước khi các thủ tục của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tài sản trên đất của Hợp tác xã đã được Công ty CP Tiến Lực trả tiền và hạch toán theo dõi tài sản cố định trên sổ sách kế toán của Công ty từ tháng 12/2012.
Trách nhiệm để xảy ra sai phạm, được xác định thuộc về nguyên cán bộ Ban Quản lý Hợp tác xã CP Trường Sơn (không làm thủ tục trả lại đất cho Nhà nước); UBND thành phố Vinh (không làm thủ tục thu hồi đất do Hợp tác xã giải thể tự nguyện); dẫn đến những sai phạm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thực hiện Dự án Cụm dân cư Trường Sơn.
Về việc thu hồi đất của Hợp tác xã CP Trường Sơn, UBND TP. Vinh không kịp thời tiến hành các thủ tục thu hồi đất và tiến hành đền bù giá trị còn lại của tài sản cố định trên đất để quản lý sau khi Hợp tác xã này tự nguyện giải thể. Do đó, không đủ điều kiện để đấu giá tài sản của Nhà nước khi thực hiện dự án.
Thời điểm tháng 6/2014, khi UBND TP. Vinh lập Tờ trình số 2792/TTr-UBND đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất của Hợp tác xã CP Trường Sơn để thực hiện dự án Cụm dân cư Trường Sơn là không đúng với nguồn gốc thu hồi đất. Theo quy định của Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã thì khi Hợp tác xã CP Trường Sơn tự nguyện giải thể năm 2012, phải làm thủ tục thu hồi đất theo khoản 2 Điều 38 Luật Đất đai 2003: “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất”; chứ không phải là thu hồi đất để thực hiện dự án theo khoản 1 Điều 38 Luật Đất đai 2003: “Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”. Hồ sơ gửi Sở TN&MT không thể hiện Hợp tác xã CP Trường Sơn đã giải thể nên Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất theo khoản 1 Điều 38 Luật Đất Đai năm 2003; từ đó dẫn đến việc xác định phương án bồi thường đối với tài sản trên đất cho Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn là không đúng với quy định.
Trách nhiệm này thuộc về Hợp tác xã CP Trường Sơn đã giải thể tự nguyện từ tháng 5/2012 nhưng không làm các thủ tục trả lại đất cho Nhà nước theo quy định; UBND phường Cửa Nam xác nhận không đúng tình hình thực tế sử dụng đất. Thực tế Hợp tác xã CP Trường Sơn đã giải thể xong từ năm 2012 nhưng đến năm 2014 vẫn xác nhận Hợp tác xã CP Trường Sơn đang sử dụng và quản lý đất. UBND TP. Vinh là cơ quan quản lý nhà nước và sử dụng đất đối với Hợp tác xã CP Trường Sơn, là cơ quan ban hành văn bản chấp thuận việc giải thể tự nguyện Hợp tác xã nhưng không đôn đốc việc bàn giao đất lại cho Nhà nước quản lý, không làm thủ tục thu hồi đất của Hợp tác xã do giải thể, mà tham mưu Văn bản đề nghị Sở TN&MT làm thủ tục thu hồi đất của Hợp tác xã CP Trường Sơn để thực hiện dự án, từ đó dẫn đến việc xác định phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng không đúng với quy định của pháp luật.
Về việc bồi thường tài sản cho Hợp tác xã CP Trường Sơn và việc ghi thu, ghi chi ngân sách Nhà nước bằng hình thức khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất phải nộp cho Công ty cổ phần Tiến Lực, được cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ như sau:
Tại thời điểm tháng 5/2012, Hợp tác xã CP Trường Sơn giải thể tự nguyện nhưng UBND TP Vinh không làm các thủ tục thu hồi đất theo khoản 2 Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 và xử lý giá trị còn lại tài sản trên đất theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ nên khi tiến hành thực hiện dự án không đủ điều kiện để đấu giá đất và tài sản trên đất do Nhà nước quản lý. Trong trường hợp này, việc bồi thường giá trị còn lại tài sản trên đất cho Hợp tác xã CP Trường Sơn được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 35 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ: “Trường hợp đất bị thu hồi được Nhà nước giao cho người khác hoặc cho người khác thuê thì người được giao đất, thuê đất có trách nhiệm trả cho người bị thu hồi đất”. Thực tế, việc giao đất cho Công ty CP Tiến Lực đã thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 35 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ (Công ty CP Tiến Lực đã chi trả tiền đền bù giá trị tài sản còn lại trên đất cho Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn vào tháng 12/2012 với số tiền là: 8.212.818.000 đồng). Do đó, Nhà nước không phải chi trả tiền đền bù giá trị còn lại tài sản cố định của Hợp tác xã CP Trường Sơn.
Như vậy, Công ty CP Tiến Lực, Hợp tác xã CP Trường Sơn, UBND phường Cửa Nam đã làm sai hồ sơ tài sản, đất đai. UBND TP. Vinh đã trình Văn bản số 4972/UBND-PTQĐ ngày 11/12/2014 không đúng nội dung, bản chất của việc thu hồi đất. Sở TN&MT căn cứ hồ sơ UBND TP. Vinh trình, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường tài sản trên đất cho Hợp tác xã CP Trường Sơn và đã khấu trừ giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Công ty CP Tiến Lực bằng hình thức ghi thu, ghi chi không đúng quy định với số tiền 7.775.276.169 đồng.
Quy trình khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất phải nộp của dự án đã thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Tuy nhiên, do phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được cấp có thẩm quyền phê duyệt là không đúng quy định nên việc khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bằng hình thức ghi thu, ghi chi là không đúng quy định.
Cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận, trách nhiệm đối với những sai phạm trong bồi thường GPMB thuộc về: Hợp tác xã CP Trường Sơn đã giải thể tự nguyện nhưng vẫn làm văn bản đang còn tài sản trên đất để được nhận bồi thường. Hợp tác xã đã giải thể, đã nộp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng sử dụng Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh photocopy công chứng (năm 2012), sử dụng con dấu không còn hiệu lực để đóng dấu văn bản làm thủ tục bồi thường tài sản.
UBND phường Cửa Nam xác nhận không đúng tình hình thực tế sử dụng đất: thực tế Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn đã giải thể xong từ năm 2012 nhưng vẫn xác nhận để Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn được nhận tiền bồi thường tài sản.
UBND TP. Vinh (bao gồm Trung tâm Phát triển quỹ đất; phòng Kinh tế; phòng Tài chính – Kế hoạch; lãnh đạo UBND TP. Vinh) là cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước và việc sử dụng đất đối với Hợp tác xã CP Trường Sơn, là cơ quan ban hành văn bản chấp thuận việc giải thể tự nguyện Hợp tác xã nhưng không đôn đốc việc bàn giao đất lại cho Nhà nước quản lý.
Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường tài sản trên đất khi Nhà nước thu hồi đất của Hợp tác xã CP Trường Sơn không đúng quy định.