Tích tụ ruộng đất – Bài cuối: Tổ chức lại sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp xanh

Sau thực hiện chuyển đổi theo tinh thần Chỉ thị 08, thời gian qua, nhiều địa phương tiếp tục kế thừa kết quả đạt được, tiếp tục triển khai dồn đổi nhằm đáp ứng yêu cầu mới thực tiễn đang đặt ra. Tại xã Tường Sơn (Anh Sơn), nói về những hiệu quả và các “bước đi” sau 2 lần thực hiện dồn điền đổi thửa theo các chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tường Sơn cho biết, từ năm 2021 đến nay xã vẫn tiếp tục làm “cách mạng ruộng đất”. Cụ thể, nâng tầm dồn điền đổi thửa lên một “nấc mới” khi đã tích tụ, sắp xếp lại thành công 171,15ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 157,2ha đất màu bãi, 13,95ha đất màu vệ. Trên vùng đất màu bãi đã thực hiện dồn đổi được từ 1.441 thửa xuống còn 1.042 thửa; đất màu vệ chuyển từ 89 thửa xuống còn 48 thửa.

Cũng theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Tường Sơn: “Về cách làm, sau khi UBND huyện Anh Sơn ban hành đề án “Dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất” giai đoạn 2021 – 2025 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 02- NQ/HU ngày 12/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXI về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng ủy xã Tường Sơn đã 3 lần ban hành bản dự thảo để nhân dân và cán bộ, đảng viên thảo luận, góp ý vào kế hoạch, chương trình hành động về tiếp tục dồn đổi ruộng đất. Sau đó, Đảng ủy tổ chức hàng chục cuộc họp tại các cấp xã, thôn, bản để thảo luận, triển khai. Kết quả, đến nay đã chuyển được 13ha đất 5% từ trồng ngô sang trồng mía cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ tiếp tục dồn điền đổi thửa lần thứ 3 mới có thể giúp địa phương tập trung được đất do tập thể quản lý, xây dựng được quỹ đất lớn để thâm canh, xây dựng cánh đồng lớn”…

Trồng chè ở huyện Anh Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng
Trồng chè ở huyện Anh Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng

Lãnh đạo UBND huyện Anh Sơn khẳng định, qua hai lần thực hiện dồn đổi trên địa bàn huyện Anh Sơn đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên, thực trạng ruộng đất sau hai lần chuyển đổi thì đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; quỹ đất nông nghiệp do UBND xã, thị trấn quản lý vẫn còn manh mún, phân tán nhiều vùng, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung chuyên canh gắn với bao tiêu sản phẩm, nên việc áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích vẫn còn thấp.

Hơn nữa, sau khi thực hiện công tác “dồn điền, đổi thửa” lần 2 ở Anh Sơn không thực hiện đo đạc lại bản đồ, nên hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp hiện nay vẫn đang bị sai lệch so với bản đồ địa chính. Dẫn đến, đất nông nghiệp tại 11 xã (Đỉnh Sơn, Đức Sơn, Hội Sơn, Hoa Sơn, Thạch Sơn, Long Sơn, Khai Sơn, Cao Sơn, Tào Sơn, Vĩnh Sơn, Lĩnh Sơn) không đủ điều kiện kê khai cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Công tác đo đạc bản đồ địa chính đã thực hiện không đúng hiện trạng sử dụng đất tại một số vùng của 7 xã (Bình Sơn, Thành Sơn, Tam Sơn, Cẩm Sơn, Hùng Sơn, Tường Sơn, Phúc Sơn) dẫn đến số thửa đất tăng lên. Vì vậy huyện Anh Sơn đã quyết tâm tiếp tục thực hiện “cách mạng ruộng đất” bằng việc xây dựng, ban hành đề án “Dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất” giai đoạn 2021 – 2025.

Cán bộ xã Bình Sơn (Anh Sơn) kiểm tra tiến độ dồn điền đổi thửa tại xóm Tân Thịnh. Clip: H.T

Xác định muốn xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa theo hướng sản xuất xanh, bền vững, cũng như huyện Anh Sơn, nhiều địa phương khác đang tiếp tục thực hiện “cách mạng ruộng đất”, ví như huyện Đô Lương, huyện Quỳnh Lưu… Ông Trần Văn Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết, đầu tháng 8/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương đã có cuộc họp, trong đó thống nhất sẽ ban hành chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất “4 nhà”, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư công nghiệp hóa nông nghiệp để nâng cao năng suất, giá trị nông sản trên đơn vị diện tích.

Trồng dâu tây nơi đất bãi Hưng Nguyên. Ảnh: Thanh Phúc
Trồng dâu tây nơi đất bãi Hưng Nguyên. Ảnh: Thanh Phúc

Còn ở huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện cũng khẳng định, huyện đang xây dựng kế hoạch về nâng cao hiệu quả tích tụ ruộng đất theo hướng xây dựng những “cánh đồng không dấu chân” thực sự lớn, bên cạnh đó đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp với mục tiêu khép kín chuỗi sản xuất từ trồng trọt đến sản phẩm bán ra thị trường.

“Muốn làm được vậy, trước hết Quỳnh Lưu sẽ nghiên cứu triển khai số hoá quản lý ruộng đất. Mọi dữ liệu về đo đạc, diện tích, ranh giới ruộng sản xuất nông nghiệp của người dân phải được tích hợp và quản lý trên máy. Có như vậy, người dân mới mạnh dạn phá bỏ bờ vùng bờ thửa để hình thành các cánh đồng lớn, đủ đáp ứng máy móc cơ giới hoá tối đa; đồng thời giúp người nông dân yên tâm cho thuê đất, đón doanh nghiệp đầu tư vào ruộng đồng” – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu nói.

Thu hoạch dứa ở xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Sách Nguyễn
Thu hoạch dứa ở xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Sách Nguyễn

Trong giai đoạn 2021-2025 định hướng đến 2030, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với tăng trưởng xanh, nông nghiệp thông minh và thân thiện với môi trường tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm, trong đó vấn đề tích tụ ruộng đất được xác định là tiền đề phát triển nông nghiệp quy mô lớn.

Việc tích tụ ruộng đất tạo thành các ô thửa lớn cho doanh nghiệp thuê lại, đầu tư nông nghiệp bài bản, ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu. Những năm qua, từ tiềm năng, lợi thế cũng như những nỗ lực, chính sách khuyến khích, tích tụ ruộng đất cũng kéo theo hoạt động thu hút đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng kể. Đáng chú ý, đã xuất hiện những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh, đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng nhà máy chế biến quy mô, đóng vai trò “đầu tàu” phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Với dự án chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao có quy mô đầu tư 1,2 tỷ USD, Tập đoàn TH là doanh nghiệp đi tiên phong, đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An, làm thay đổi cả diện mạo nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Một số địa phương cũng đã có những khởi sắc trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại trang trại TH (Nghĩa Đàn). Ảnh: P.V
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại trang trại TH (Nghĩa Đàn). Ảnh: P.V

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bà Võ Thị Nhung chia sẻ: Từ những nỗ lực của tỉnh, những dự án có số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD đã được triển khai, đem lại diện mạo mới, tư duy sản xuất mới, góp phần hình thành nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng với quy mô lớn, giá trị cao. Ngoài các dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Vinamilk, Tập đoàn TH sản xuất sữa, chế biến nước tinh khiết, nước hoa quả, trồng rau sạch, đã có thêm nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực lâm nghiệp, chè, dứa, trồng cam, dược liệu, chăn nuôi…

Tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp cũng là cách để sản xuất hàng hóa, quy mô lớn tập trung. Ông Nguyễn Văn Lập – nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người đã gắn bó lăn lộn với sản xuất nông nghiệp, với dồn điền đổi thửa từ những ngày đầu, cho rằng, để có quy mô lớn tập trung thì công tác tích tụ tập trung đất là điều khẩn thiết, đương nhiên. Tùy theo tình hình cụ thể để có phương thức, quy mô tích tụ phù hợp. Phải căn cứ vào quy mô dự án, loại cây con, năng lực của chủ thể sử dụng đất để lựa chọn hình thức, quy mô, thời gian thực hiện.

Cho thuê đất sản xuất giống cây ở xã Thanh Thủy (Thanh Chương). Ảnh: Thu Huyền
Cho thuê đất sản xuất giống cây ở xã Thanh Thủy (Thanh Chương). Ảnh: Thu Huyền

“Muốn tích tụ, tập trung đất đai thành công và sử dụng hiệu quả đất sau khi tích tụ cần lựa chọn được chủ thể cần đất để sản xuất có năng lực, có dự án hoặc kế hoạch có tính khả thi cao. Công tác tuyên truyền, vận động, tư tưởng cho những người không có nhu cầu sử dụng đất trong vùng dự án. Sự vào cuộc của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng và có thể nói quyết định thành công; Căn cứ vào các quy định của Pháp luật để hướng dẫn, định hướng cho các bên thực hiện, tránh sai sót liên quan đến quy định pháp luật nhất là về đất đai, đầu tư. Và lợi ích của các bên phải được quan tâm rõ ràng, minh bạch, nhất là quyền lợi của người dân nhất trí nhượng lại đất”- ông Lập nhấn mạnh.

Về góc độ cơ chế chính sách, chuyên gia nông nghiệp Doãn Trí Tuệ cho rằng, khó khăn lớn nhất là tư tưởng của người nông dân, tuy không mặn mà với sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn không muốn chuyển đổi đất cho người khác. Vì thế, quy mô đất đai ở Nghệ An vẫn là nhỏ lẻ, manh mún, muốn tích tụ tập trung được vài chục héc ta thì phải làm việc với hàng trăm hộ dân. “Do đó, cần có quỹ cho người lao động khi rút ra khỏi sản xuất nông nghiệp để khuyến khích họ khi gặp khó khăn; phát triển bảo hiểm xã hội cho nông dân để khi họ rút khỏi nông nghiệp, tham gia sản xuất phi nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý đất đai điện tử để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, số hoá trong công tác quản lý đất đai. Những vấn đề này không phải ngày một ngày hai là giải quyết được, nhưng cần hết sức lưu ý trong câu chuyện tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu nông nghiệp” – ông Doãn Trí Tuệ nói.

Nông dân Nghệ An thu hoạch lúa bằng cơ giới trên cánh đồng lớn. Ảnh: Nhật Thanh
Nông dân Nghệ An thu hoạch lúa bằng cơ giới trên cánh đồng lớn. Ảnh: Nhật Thanh

Để phát huy hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa sau khi đã kết thúc việc dồn điền đổi thửa tại thực địa, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc “cứng hóa” hệ thống giao thông nội đồng để đưa nhanh cơ giới vào sản xuất; củng cố các công trình phúc lợi phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân; có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; quy hoạch phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp; tiếp tục khuyến khích tích tụ ruộng đất, xây dựng thêm nhiều cánh đồng lớn, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích.

Hiện nay, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội, các bộ ngành rà soát, lấy ý kiến; cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan sẽ hoàn thiện, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới đây. Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị Luật đất đai sửa đổi cần tạo thuận lợi cho tích tụ đất nông nghiệp, cho phép các doanh nghiệp, các đơn vị công lập, các công ty nông lâm nghiệp… được tự chủ cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng đất nông nghiệp để liên doanh liên kết sản xuất; chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, thuê đất, nâng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp… Luật Đất đai (sửa đổi) một lần nữa thể hiện các chiến lược, chiến sách của Đảng, Nhà nước với ngành nông nghiệp, cũng như vai trò công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Với sự quyết tâm của chính quyền và đồng thuận của nhân dân, kỳ vọng vấn đề đặt ra sau công tác tích tụ ruộng đất sẽ được giải quyết hài hòa, ngành nông nghiệp từng bước tái cơ cấu, chuyển dịch hiệu quả…