Tích tụ ruộng đất – Bài 2: Hợp tác xã vào cuộc, liên kết sản xuất theo chuỗi

Sản xuất vụ đông của Nghệ An chủ yếu là các loại rau, củ, quả… tập trung nhiều ở các địa phương ven biển, vùng đất màu pha cát và có nhiều mùa vụ năng suất, sản lượng đạt cao. Tuy nhiên, có những thời điểm, một số loại nông sản rơi vào tình thế “cung vượt cầu”, phải kêu gọi “giải cứu” và kết quả là lãng phí đầu tư sản xuất, thậm chí thua lỗ trong “được mùa”.

Thực tế đó đặt ra một vấn đề trọng yếu là tiêu thụ nông sản. Tìm giải pháp cho vấn đề đó, sau 2 lần chuyển đổi ruộng đất, một số HTX trên địa bàn huyện Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai… đã xác định vai trò “bà đỡ” cho bà con nông dân, chủ động liên kết sản xuất với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân…

Liên kết sản xuất với doanh nghiệp để trồng khoai tây vụ đông trên địa bàn xã Diễn Phong (Diễn Châu). Ảnh: Xuân Hoàng
Liên kết sản xuất với doanh nghiệp để trồng khoai tây vụ đông trên địa bàn xã Diễn Phong (Diễn Châu). Ảnh: Xuân Hoàng

Một ngày vào vụ thu hoạch khoai tây trên cánh đồng của xã Diễn Phong (Diễn Châu) chúng tôi chứng kiến không khí sản xuất hết sức sôi động của bà con nông dân. Những bao tải bằng lưới đựng đầy khoai tây được xếp gọn thành từng đống lớn hai bên các trục đường nội đồng. Cuối giờ, những chuyến xe ô tô trọng tải lớn ùn ùn ra đồng vận chuyển toàn bộ khoai tây về nhà máy. Chỉ trong vài ngày, cả cánh đồng khoai tây hàng chục ha đã được thu hoạch gọn, bà con nông dân phấn khởi vì nông sản không chỉ cho năng suất cao mà còn được doanh nghiệp thu mua toàn bộ, nhiều gia đình phấn khởi khi cầm trên tay cả trăm triệu đồng.

Ông Hồ Quế Sơn – một nông dân ở xóm Đông Hồ, xã Diễn Phong chia sẻ: “Sản xuất trên cánh đồng rộng lớn, màu mỡ, phì nhiêu như thế này, có thêm doanh nghiệp đồng hành nên nông dân thực sự có lợi. Thu hoạch xong, toàn bộ sản phẩm được thu mua ngay tại ruộng, bà con được nhận một lần tiền. Trong khi đó, trồng các loại rau màu tự phát, hàng ngày phải lo thu hoạch, tiêu thụ, đồng tiền thu về vụn vặt, năm nào được giá thì chớ, không thì ế ẩm thoát lỗ là may, khó khi tiêu thụ, trông chờ vào kêu gọi “giải cứu”… thực là khổ trăm đường!. Bà con nay đã nhận thấy được, để sản xuất nông nghiệp bền vững, là phải có ruộng lớn, có hợp tác xã năng động làm tốt vai trò trung gian liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ”.

Bà con nông dân xã Diễn Phong (Diễn Châu) thu hoạch khoai tây; Doanh nghiệp thu mua khoai tây tại ruộng cho nông dân xã Diễn Phong. Ảnh: X.H
Bà con nông dân xã Diễn Phong (Diễn Châu) thu hoạch khoai tây; Doanh nghiệp thu mua khoai tây tại ruộng cho nông dân xã Diễn Phong. Ảnh: X.H

Cũng đang lấm lem bùn đất hối hả trên đồng khoai tây, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Diễn Phong – ông Quế Văn Duyên cho hay: “Địa phương có 160 ha đất màu, thì HTX hàng năm liên kết sản xuất với doanh nghiệp 100 ha, gồm khoai tây, ớt xuất khẩu, ngô ngọt. Trong đó, riêng khoai tây liên kết 30 ha theo chuỗi sản xuất với Tập đoàn Orion. Theo đó, hàng năm, phía doanh nghiệp cung ứng giống khoai tây, kỹ thuật trồng và chăm sóc; phía HTX cung ứng phân bón và làm trung gian trong khâu tiêu thụ. Đến ngày thu hoạch, 100% khoai tây được doanh nghiệp thu mua với giá đã hợp đồng ngay từ đầu vụ. Như năm nay, doanh nghiệp thu mua khoai tây với giá 8.000 đồng/kg. Tính toán cho thấy, 1 ha khoai tây cho năng suất khoảng 24 tấn củ, thu về gần 200 triệu đồng/vụ, trừ mọi chi phí, bà con còn lãi ròng trên dưới 100 triệu đồng. Ruộng đất đã được chuyển đổi thành ô thửa lớn, nên khâu làm đất gần như 100% bằng cơ giới hóa, cùng đó, giao thông nội đồng đã được mở rộng, từng bước cứng hóa, nên xe vận tải vào tận ruộng thu mua nông sản, bà con nông dân rất phấn khởi”.

Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu cho biết: “Liên kết sản xuất với doanh nghiệp là vấn đề đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Xác định được điều đó, những năm qua, huyện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các địa phương tìm hiểu các doanh nghiệp có uy tín để liên kết sản xuất. Do vậy, một số HTX Dịch vụ nông nghiệp đã nhạy bén liên kết sản xuất với doanh nghiệp, điển hình như ở các xã Diễn Phong, Diễn Trung, Diễn Mỹ, Diễn Kỷ… hàng năm bao tiêu sản phẩm cho hơn 200 ha khoai tây trên địa bàn huyện. Ngoài ra, một số cây trồng khác như: cải bắp, ngô ngọt, ngô sinh khối… cũng được doanh nghiệp thu mua. Và cây lúa cũng được một số HTX Dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện liên kết sản xuất với doanh nghiệp…”.

Sau tích tụ ruộng đất, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: HTX nông nghiệp ở Anh Sơn liên kết thu mua mía cho nông dân. Ảnh: Thu Huyền
Sau tích tụ ruộng đất, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: HTX nông nghiệp ở Anh Sơn liên kết thu mua mía cho nông dân. Ảnh: Thu Huyền

Nghệ An là địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, với trên 130.000 ha sản xuất lúa và rau màu các loại. Sau thực hiện chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng lớn, đã thúc đẩy tiến trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao được hiệu quả phát huy tiềm năng đất đai, tăng năng suất lao động và cuối cùng là lợi ích kinh tế cho bà con nông dân.

Thực tế ở huyện miền núi Thanh Chương, bà con nông dân cần cù, siêng năng, nhưng nếu không hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp thì hiệu quả lao động sẽ thấp, đặc biệt là gặp khó khăn khi nhân lực lao động nông nghiệp ở địa phương này ngày càng già hóa. Huyện trung du nhưng có diện tích trồng lúa lớn, để tăng năng lực canh tác, nhiều HTX Dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn Thanh Chương đã đầu tư áp dụng công nghệ cấy mạ khay bằng máy, giải quyết khâu gieo cấy cho bà con – vốn là một trong những thời điểm vất vả nhất đối với sản xuất lúa.

Gieo mạ khay để cấy máy tại huyện Thanh Chương. Ảnh: X.H - Q.A
Gieo mạ khay để cấy máy tại huyện Thanh Chương. Ảnh: X.H - Q.A

Ông Nguyễn Xuân Đắc – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Liên (Thanh Chương) cho biết: Trước đây, mỗi khi bước vào vụ gieo cấy, bà con nông dân vô cùng vất vả, bởi từ khâu làm đất đến gieo cấy, thu hoạch… đều bằng sức người, sức trâu, hiệu quả lao động mang lại rất thấp. Chính vì thế, chủ trương chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn theo Chỉ thị số 08 – CT/TU ngày 08/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là một bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp. Sau dồn đổi, những thửa ruộng rộng tới hàng trăm, hàng nghìn m2 được hình thành, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa vào sản xuất, trong đó có gieo cấy bằng máy.

“Với dịch vụ cấy mạ khay theo công nghệ Nhật Bản cho thấy, không những tiết kiệm thời gian, công sức, tiết kiệm nước, mà cây lúa phát triển tốt hơn hẳn so với cấy bằng tay. Cấy máy thì cây cao, đẻ nhánh khoẻ, mật độ đều, bộ lá sáng, nên giảm được sâu bệnh hại và bông lúa to, hạt lúa chắc, sáng… Trong 5 năm qua, mỗi vụ HTX nhận cấy mạ khay bằng máy trên diện tích 100 ha/tổng diện tích 385 ha của địa phương. Từ đó, góp phần đẩy nhanh việc cải tạo đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa, thúc đẩy hình thành các tổ dịch vụ, nhằm tạo sự liên kết trong sản xuất, từng bước tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ trong nông nghiệp, mang lại lợi ích cho cộng đồng”, ông Nguyễn Xuân Đắc chia sẻ.

Nông dân Nam Đàn cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hải Vương
Nông dân Nam Đàn cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hải Vương

Về xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu giữa kỳ lúa hè thu đang làm đòng, cũng là dịp HTX Dịch vụ nông nghiệp Diễn Liên tổ chức phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái. Có mặt tại “sự kiện” này, lão nông Tô Văn Tuân bộc bạch: “Đã từng xem trên ti vi thấy nhiều nơi phun thuốc trừ sâu bằng máy bay cứ ngỡ ở nước ngoài; nay được tận mắt nhìn thấy máy bay phun thuốc trên đồng ruộng của quê mình mới tin là thật”. Bà con xã viên thì phấn khởi thấy rõ, vì sẽ hết cái cảnh lưng cõng cái bình thủ công để phun thuốc trừ sâu cho lúa, vất vả, hiệu quả không cao, lại còn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông Võ Văn Giáp - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Diễn Liên (Diễn Châu) trao đổi về vấn đề liên kết sản xuất lúa với doanh nghiệp. Clip: X.H

Tìm hiểu thêm về vấn đề liên kết sản xuất lúa với doanh nghiệp, ông Võ Văn Giáp – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Diễn Liên cho hay, đã 5 năm nay, HTX liên kết với doanh nghiệp ở tỉnh Nam Định tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, hàng năm trên diện tích 235 ha này, doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm 100% lúa tươi cho bà con. Vào vụ thu hoạch, toàn bộ diện tích lúa được thu hoạch bằng máy, lúa tươi được doanh nghiệp thu mua tại chỗ theo giá đã ký kết từ đầu vụ. “Do doanh nghiệp hợp đồng với mức giá thu mua ngay từ đầu vụ, cùng đó, có sự vào cuộc của HTX, nên mọi chi phí đầu vào như phân bón, phòng trừ sâu bệnh, chi phí làm đất, thu hoạch… đều giảm; cùng đó, đầu ra được bao tiêu sản phẩm, nên bà con nông dân có lãi cao”, ông Võ Văn Giáp chia sẻ thêm.

Bà con nông dân xã Diễn Liên (Diễn Châu) chăm sóc trên cánh đồng lúa liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Ảnh: X.H
Bà con nông dân xã Diễn Liên (Diễn Châu) chăm sóc trên cánh đồng lúa liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Ảnh: X.H

Để có sự liên kết sản xuất với doanh nghiệp, theo ông Giáp, khâu đầu tiên là xây dựng các cánh đồng lớn, thì địa phương đã hoàn thành chuyển đổi ruộng đất lần thứ 2 theo Chỉ thị số 08 – CT/TU ngày 08/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó, đến năm 2013, mỗi hộ nông dân có từ 4 – 5 thửa, rút xuống còn 2 – 3 thửa. Giao thông, thủy lợi, bờ vùng, bờ thửa được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất và điều tiết nước tưới tiêu. Đây cũng là “chìa khóa” để mở “nút thắt” cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn…

Được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” trên huyện lúa Yên Thành, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thọ Thành đã tạo được niềm tin đối với người nông dân. Ông Hồ Sỹ Quảng – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thọ Thành cho biết: Vụ hè thu này, HTX liên kết sản xuất 100 ha lúa, với vụ xuân sẽ có thể liên kết sản xuất 200 ha. Theo đó, HTX cung ứng toàn bộ từ khâu làm đất, mạ khay, cấy máy, cho đến phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch. Bà con nông dân chỉ làm những công việc nhẹ nhàng như bón phân, làm cỏ, thăm ruộng… đến ngày thu hoạch, toàn bộ sản phẩm lúa tươi được phía doanh nghiệp thu mua với một mức giá đã ký kết ngay từ đầu vụ. “Người nông dân bây giờ không chú trọng làm nông như trước, vì lao động trẻ tìm kiếm việc làm tại các công ty, nhà máy…; chỉ còn người già ở nhà làm nông, nên việc đồng áng không kham nổi. Do đó, HTX phải vào cuộc, liên kết với doanh nghiệp, nhằm giải quyết tình trạng ruộng đồng bỏ hoang. Làm tốt khâu liên kết với doanh nghiệp, không những HTX có việc làm, có thu nhập, mà còn giúp các hộ nông dân bám ruộng và cải thiện đời sống kinh tế”, ông Hồ Sỹ Quảng cho hay.

Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu trên đồng lúa Yên Thành. Clip: XH

Có thể thấy, việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập và giá trị nông sản, mà còn tiết kiệm được thời gian, giải quyết hiệu quả khâu thiếu lao động. Chính việc đồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất là tiền đề để từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất giải quyết các vấn đề trên. Đây cũng chính là lộ trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa khép kín từ đầu vào đến bao tiêu sản phẩm, từ đó, nâng cao năng suất, thu nhập cho người nông dân.