Chúng tôi về xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu) vào một ngày đầu tháng 8/2023, những cánh đồng vẫn trơ gốc rạ, lên lúa chét và trở thành bãi chăn thả trâu bò của người dân. “Vụ này, hầu như bỏ hoang cả vì đầu vụ thì hạn, cuối vụ lại mưa lụt”, ông Nguyễn Ngọc Chương – Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn phân trần.
Thực hiện tích tụ ruộng đất theo các Chỉ thị 02 và 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động nông dân dồn điền đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, xã Ngọc Sơn đã ban hành chương trình, đề án và xem đó là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi xuyên suốt những nhiệm kỳ qua. “Thời kỳ đó, cán bộ xã, cán bộ thôn xóm và người dân hừng hực khí thế, quyết tâm vào cuộc tích cực. Ngày đo đạc, thực địa, cải tạo ruộng buổi tối đi từng nhà tuyên truyền, vận động. Ròng rã hàng tháng trời…”, ông Hồ Hữu Lộc, nguyên cán bộ xã, xóm thời kỳ 2000 – 2013 nhớ lại.
Kết quả của những ngày lăn lộn cùng công tác dồn điền đổi thửa đó là đến nay, thay vì ruộng mỗi hộ rải rác từ 5-7 vùng đồng thì nay dồn về 1-2 vùng đồng. Tuy nhiên, theo như ông Nguyễn Ngọc Chương thừa nhận thì, việc dồn điền đổi thửa vẫn đang mang nặng tính cơ học, nghĩa là ruộng các hộ đã đưa về tập trung ở 1-2 vùng đồng thay cho 5-6 vùng đồng như trước, nhưng cơ bản vẫn ô thửa nhỏ nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất còn hạn chế; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gặp nhiều khó khăn. Cơ bản vẫn trồng lúa 1 vụ, còn 1 vụ để hoang, để lúa chét. Do đó, giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích chưa cao.
Ông Nguyễn Ngọc Chương cho biết thêm: “Do đặc thù là vùng bán sơn địa, ruộng bậc thang, hốc chõ nhiều nên rất khó để tích tụ thành các cánh đồng lớn. Muốn tích tụ thì phải cải tạo nền ruộng, san bằng diện tích rất tốn kém. Bên cạnh đó, ở xã Ngọc Sơn phân chia thành các vùng đồng rõ rệt, đó là vùng thuận lợi về nguồn nước, đất đai màu mỡ và vùng xa nguồn nước tưới tiêu, đất đai kém phì nhiêu nên người dân vẫn nặng tâm lý “chia đều”, “ăn chắc”, chỗ này mất còn chỗ khác được. Do đó, việc chuyển đổi gặp không ít khó khăn dẫn đến việc đưa giống cây trồng mới vào sản xuất chưa thực hiện được; trên địa bàn xã vẫn chưa có sự liên kết trong sản xuất”.
Ở xã Bình Sơn – một trong những địa phương đi đầu của huyện Anh Sơn và của tỉnh về tích tụ ruộng đất, hiện cũng gặp không ít khó khăn. Ông Hoàng Văn Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: “Khó khăn nhất ở Bình Sơn là địa hình ruộng bậc thang. Muốn xây dựng ô thửa lớn thì người dân phải bỏ ra lượng kinh phí cao để san ủi ruộng, tạo cánh đồng bằng phẳng. Trung bình, mỗi sào đất tốn từ 3-5 triệu đồng để thuê máy móc cải tạo. Có những hộ phải chi gần 100 triệu đồng để cải tạo đất sau dồn điền đổi thửa; nhiều hộ sau khi ruộng đã được dồn về một vùng nhưng không có tiền để cải tạo nên vẫn phải giữ ô thửa nhỏ để canh tác”. Đó chính là khó khăn chung, là “nút thắt” lớn nhất trong quá trình chuyển đổi, tích tụ ruộng đất ở các địa phương miền núi trong tỉnh.
Nhiều địa phương đã chuyển đổi ruộng đất; bờ vùng, bờ thửa, giao thông nội đồng đã được mở rộng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; phần lớn thủy lợi nội đồng chưa được kiên cố hóa, khiến việc tưới tiêu không hiệu quả và còn lãng phí nguồn nước. Nhiều nơi, giao thông nội đồng đang là đường đất, rất khó khăn cho xe ô tô vào thu mua sản phẩm, nhất là vào những ngày mưa. Thực tế đã có những vụ tai nạn xảy ra khi đưa máy móc vào sản xuất. Đến nay nhiều người còn chưa hết bàng hoàng trước vụ tai nạn vào tháng 5/2023 vừa qua tại thôn Thủy Hòa, xã Thanh Thủy (Thanh Chương), ông Nguyễn Duy K. trú ở xóm Chi Thịnh, xã Thanh Chi trong quá trình di chuyển máy gặt trên bờ ruộng để chuẩn bị gặt lúa, máy gặt đã bị lật và đè lên khiến ông tử vong tại chỗ…
Tại nhiều địa phương, hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau chuyển đổi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc xử lý phương án diện tích dôi dư sau phá bờ, đối tượng thừa kế đất nông nghiệp… Ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, cho biết: “Dồn điền đổi thửa trên đất lúa dễ thực hiện hơn, còn ở đất màu rất khó khăn. Vì thế đối với huyện Quỳnh Lưu, các xã vùng bãi ngang chuyên canh cây rau màu thì rất khó thực hiện tích tụ đất. Gia đình nào cũng muốn giữ đất màu canh tác vì đó là thu nhập chính của gia đình, giá trị kinh tế trên đất màu cao gấp nhiều lần so với đất lúa… Bên cạnh đó, việc tranh chấp quyền thừa kế nên hồ sơ cấp đổi gặp không ít khó khăn”.
Tương tự, ở huyện Anh Sơn, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường cho hay, sau 2 lần dồn đổi, diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân cơ bản đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Nhà nước đang công nhận quyền sử dụng hợp pháp. Nguyên tắc chuyển đổi là ổn định cơ bản diện tích đất đang sử dụng hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân đã giao theo Nghị định 64/1993/NĐ-CP, chứ không chia lại ruộng đất, nên các nhân khẩu sinh sau năm 1993 không được chia. Đối với số đã được giao đất thì có tâm lý sợ bị cắt một phần diện tích đất được giao qua chuyển đổi, nên có tư tưởng “cố thủ, an toàn”. Vì vậy một bộ phận nhân dân thiếu mặn mà, thậm chí có tư tưởng chống đối công tác chuyển đổi. Bên cạnh đó, việc xây dựng cánh đồng lớn, mô hình tích tụ ruộng đất theo hướng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp còn hạn chế, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu đất để xây dựng vùng nguyên liệu, khu chế biến.
Trong quyết định phê duyệt của tỉnh, Công ty CP Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An được quy hoạch 8.700ha đất để trồng cao su; thế nhưng, đến nay, sau 13 năm triển khai dự án, doanh nghiệp chỉ mới trồng được 4.500ha cao su, nguyên nhân do không có đất. Kéo theo đó, là sự lỡ dở về tiến độ dự án, về kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu, gây ra nhiều khó khăn và thiệt hại cho doanh nghiệp.
Xung quanh vấn đề thuê đất, anh Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh – người mạnh dạn đầu tư nhà màng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trên diện tích đất 2.500m2 tại xã Hưng Thành (Hưng Nguyên) cho biết: Khu nhà màng và diện tích đất xung quanh của HTX đều được trồng các loại rau, quả có giá trị. Chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện thuê thêm đất để mở rộng quy mô sản xuất. Trước mắt, mong được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê thêm 1,5 – 2ha đất 5% hiện bà con đang sản xuất lạc, mục đích vừa sản xuất nông nghiệp, vừa “đón” xu hướng phát triển loại hình du lịch canh nông.
Những hạn chế đó cũng là nguyên nhân khiến Nghệ An chưa tạo ra nhiều nông sản có chất lượng cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp, đa số các loại nông sản ở dạng thô hoặc sơ chế giá trị gia tăng thấp. Dẫn ví dụ từ sản phẩm ngô hạt của Nghệ An, chuyên gia nông nghiệp, kỹ sư Doãn Trí Tuệ đánh giá: Mặc dù đất bãi của ta rộng lớn, nhưng sản lượng không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ chế biến, mỗi năm nhập từ 1,2 – 2 triệu tấn ngô làm thức ăn gia súc. Những năm trước, giá ngô nhập về tại cảng Cửa Lò (từ Mỹ, Canada, Mexico…) chỉ 5.000 đồng/kg, trong khi giá trong tỉnh đã trên 6.000 đồng/kg. “Giá họ thấp hơn, cạnh tranh tốt vì đưa cơ giới vào sản xuất từ A đến Z, 1 lao động của họ làm được 100ha. Những bất cập trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đặt ra vấn đề tích tụ, thu hút đầu tư, đưa cơ giới vào sản xuất… là xu thế tất yếu” – kỹ sư Doãn Trí Tuệ nhấn mạnh.