Tạo “thế trận lòng dân” vững chắc – Bài 1: Lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Tính đến nay, toàn tỉnh đã và đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho 68.455 đối tượng chính sách và người có công với cách mạng với số tiền chi trả trên 130 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, tỉnh đã giải quyết trợ cấp mai táng phí đối với người hoạt động kháng chiến và người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến đã từ trần: 3.037 trường hợp, với số tiền 42.482.000.000 đồng; giải quyết trợ cấp 1 lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp đối với người có công hưởng hàng tháng nay từ trần: 1.867 trường hợp với số tiền: 11.062.129.000 đồng; giải quyết trợ cấp mai táng phí cho người có công với cách mạng hưởng hàng tháng nay từ trần 1.349 trường hợp với số tiền hơn 19.3 tỷ đồng; giải quyết trợ cấp mai táng phí từ ngân sách tỉnh cho cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và người hưởng trợ cấp một lần cho 3.607 trường hợp, với số tiền hơn 53 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các chế độ hỗ trợ cho người có công thuộc hộ nghèo theo Nghị quyết 32/NQ-HĐND cũng được triển khai từ cuối năm 2021 cho hơn 2.700 đối tượng với tổng kinh phí lên tới 18 tỷ đồng; Tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về hỗ trợ cho thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Dù nguồn hỗ trợ cho mỗi đối tượng không nhiều nhưng đủ làm ấm lòng những gia đình có cháu bị di chứng do nhiễm chất độc hóa học từ ông, bà mình.

Tuy công tác giải quyết chế độ chính sách cho người có công được chăm lo nhưng vẫn còn nhiều thương bệnh binh chưa được tiếp cận với chế độ chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước do thiếu các giấy tờ cần thiết. Theo đại diện Phòng Người có công, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thì sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện chế độ trợ cấp mới cho 931 trường hợp hưởng trợ cấp thường xuyên, trong đó: Tăng mới thương binh, người hưởng chính sách như thương binh là 265 người; điều chỉnh trợ cấp bệnh binh cho 30 người; chất độc hóa học cho 140 người… Theo ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Sở vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương và các ngành chức năng khác để tiếp tục giúp những người có công chưa được công nhận thương, bệnh binh vì chưa đủ hồ sơ giấy tờ.

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi về ở khối 3, phường Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò), ghé thăm bà Trương Thị Vinh (SN 1946), là vợ liệt sỹ Nguyễn Trọng Vinh. Chồng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lúc con gái nhỏ vừa mới sinh, một mình bà Vinh tảo tần nuôi con khôn lớn, nay bà đã bước qua tuổi 76, con gái đã có gia đình và cuộc sống riêng. Một mình đối diện với tuổi già, sức yếu và bệnh tật hành hạ, chi tiêu hàng ngày chủ yếu dựa vào khoản tiền trợ cấp vợ liệt sỹ nên cuộc sống hết sức khó khăn. Ngôi nhà cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có tiền tu sửa, bà Vinh phải chịu cảnh mưa dột tứ bề. Mong ước lớn nhất của bà Vinh là có căn nhà dù nhỏ nhưng vững chãi trước nắng mưa, và có chỗ thờ chồng tươm tất.

Chị Nguyễn Thị Bình – Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Nghi Hòa cho biết: “Nắm bắt được những khó khăn của bà Trương Thị Vinh, phường đã đề nghị thị xã vận động các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Thị xã trích Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 40 triệu đồng, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng và một số tổ chức, cá nhân đã tham gia ủng hộ. Ngôi nhà đang trong quá trình hoàn thiện, vài tuần tới bà Vinh sẽ có ngôi nhà vững chãi và ấm áp…”.

Còn với gia đình ông Phan Quốc Tính (SN 1957) ở xóm 4, xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn. Từng chiến đấu và bị thương ở chiến trường Campuchia, di chứng của chiến tranh tác động nhiều đến sức khỏe, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Vợ chồng ông Tính đều sức khỏe yếu, có lúc đau ốm liên miên, không còn đủ sức cày, cuốc nên gần như không có nguồn thu nhập. Các con đã ở riêng nhưng hoàn cảnh đều khó khăn, không giúp đỡ được gì nhiều cho bố mẹ. Ngôi nhà làm đã nhiều năm, trước dựng ở vị trí thấp nên hễ trời mưa to là nhà ngập nước, ông bà phải sơ tán đồ đạc sang nhà hàng xóm.

Trước hoàn cảnh khó khăn của thương binh Phan Quốc Tính, UBND xã Tam Sơn đã đề nghị huyện Anh Sơn hỗ trợ di chuyển nhà lên vị trí cao hơn. Huyện đã kết nối với một cơ quan báo chí ở Hà Nội hỗ trợ gia đình ông Tính 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông Tính còn được các ban, ngành, đoàn thể của địa phương và bà con xóm giềng, họ hàng hỗ trợ ngày công để ngôi nhà hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ. Dịp này, nhiều gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh được đón nhận ngôi nhà tình nghĩa ấm áp và thắm đượm ân tình. Có thể kể đến niềm vui của thương binh Nguyễn Ngọc Kế ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), thương binh Nguyễn Xuân Hoạt ở xã Nghi Thiết (Nghi Lộc), bà Trần Thị Tứ (vợ liệt sỹ) ở xã Nam Thanh (Nam Đàn)…

Nhiều người dân ở các địa phương trong tỉnh đều có chung nhận định công tác chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách và người có công luôn được chính quyền các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng, xã hội quan tâm. Gia đình thân nhân liệt sỹ, thương binh và bệnh binh gặp khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa; các bà mẹ Việt Nam anh hùng được chăm sóc và phụng dưỡng.

Hiện nay toàn tỉnh có 61 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, tất cả các mẹ đều được phụng dưỡng. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã nhận phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng; hằng tháng trao tiền phụng dưỡng, tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà các mẹ vào dịp lễ, Tết; chăm sóc chu đáo, tận tình khi các mẹ đau ốm, xem các mẹ như người thân trong gia đình…

Trong gần 10 năm qua, toàn tỉnh trích Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và các nguồn hỗ trợ khác để xây dựng gần 4.550 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 119 tỷ đồng. Nổi bật là Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Nghệ An trong vòng 7 năm đã huy động được 39,5 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 426 nhà tình nghĩa và trao tặng 348 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách. Ông Hồ Đức Thành – Chủ tịch Hội cho biết: “Chúng tôi luôn tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh và các tổ chức, đoàn thể cũng như các địa phương. Đồng thời, vận động, kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của các doanh nghiệp và nhà hảo tâm hỗ trợ nhu cầu về nhà ở cho các gia đình chính sách trên tinh thần tận tâm, tận lực và rõ ràng, minh bạch”.

Với sự sẻ chia, đóng góp và giúp đỡ của đồng đội, nhiều thương binh đã được hỗ trợ nhà “nghĩa tình đồng đội”. Tiêu biểu là cách làm của Ban liên lạc cựu chiến binh Hải quân khu vực Nghệ – Tĩnh. Sau khi xác minh hội viên có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu về nhà ở, Ban liên lạc lập hồ sơ đề nghị Quân chủng Hải quân hỗ trợ. Qua quá trình xem xét, Quân chủng sẽ giao trách nhiệm cho đơn vị cũ của hội viên huy động kinh phí hỗ trợ làm nhà tình nghĩa. Với cách làm này, đã có 32 gia đình hội viên được hỗ trợ làm nhà mới, 6 gia đình được hỗ trợ tu sửa nhà ở, mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những cựu binh thiếu may mắn.

Vận động hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa và chăm sóc, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và thăm hỏi các bậc lão thành cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách và người có công là những việc làm thiết thực, mang ý nghĩa chính trị – xã hội sâu sắc. Vì vậy, Bộ CHQS tỉnh luôn quan tâm đặc biệt đến phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhất là việc xây dựng nhà tình nghĩa. Thượng tá Nguyễn Trọng Lộc – Phó Chủ nhiệm Chính trị cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã vận động hỗ trợ xây dựng 44 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, 5 nhà được huy động từ nguồn kinh phí của Bộ CHQS tỉnh, còn lại là nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và nguồn xã hội hóa”.

Những căn nhà tạm được thay mới bằng những ngôi nhà kiên cố không chỉ góp phần giúp các gia đình chính sách có nơi ăn, chốn ở ổn định mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của cả cộng đồng xã hội đối với gia đình thương binh, liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng chính là cầu nối đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, là nguồn động viên to lớn để các gia đình vững tin, vượt qua khó khăn vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách hậu phương quân đội.