Thu hút lao động trong bình thường mới – Bài 1: Thiếu hụt – khó tuyển

Cuối tháng 2, một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử đóng tại Khu công nghiệp VSIP có công văn trình UBND tỉnh về việc xin bổ sung nguồn nhân lực. Theo đó, công ty này cần hơn 3.000 công nhân vì lượng công nhân thời vụ xin nghỉ việc do phải cách ly y tế vì dịch Covid-19, số khác nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội việc làm ở môi trường khác. Theo đó, từ 7.500 công nhân trước tết Nguyên đán, có những thời điểm doanh nghiệp chỉ còn hơn 3.000 công nhân làm việc. Thiếu công nhân dẫn đến các đơn hàng của công ty này bị đình trệ; việc mở rộng dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng các đơn hàng mới cũng đành phải gác lại vì không thể có nhân công trong thời điểm này. Đại diện công ty cho hay: “Vì tính chất sản xuất dây chuyền nên chỉ một tốp nghỉ là tốp khác cũng không thể sản xuất được, dẫn đến thiệt hại hằng ngày là khá lớn”.

Các trường đào tạo nghề tham quan doanh nghiệp trước khi kết nối lao động kỹ thuật cao.
Các trường đào tạo nghề tham quan doanh nghiệp trước khi kết nối lao động kỹ thuật cao.

Với mong muốn được hỗ trợ nguồn nhân lực gấp, công ty này đã xin đề xuất được tuyển dụng sinh viên, học sinh trong các trường nghề. Phía đại diện này cũng cho biết, họ mong muốn được hỗ trợ 2.000 học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường nghề với mã ngành điện tử tầm từ 3 – 4 tháng.

Theo báo cáo của đại diện Công ty TNHH VSIP Nghệ An, tính đến cuối năm 2021, Khu công nghiệp VSIP có hơn 13.100 lao động làm việc ổn định tại các nhà máy, doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ sau tết Nguyên đán 2022 đến nay, chỉ có 7.000 lao động quay lại làm việc. Trong số này có đến 3.255 lao động được ghi nhận dương tính với Covid-19 và hơn 1.100 lao động là F1 phải cách ly. Do số lao động là F0 và F1 phải thực hiện cách ly quá lớn nên hiện các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

Không chỉ có các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp VSIP, Công ty TNHH VietGlory đóng tại huyện Diễn Châu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu lao động. Đại diện Công đoàn của công ty cho biết: “Sau cuộc đình công của công nhân vào tháng 2 vừa qua, mặc dù những bức xúc của công nhân đã được giải quyết, đa số công nhân đã yên tâm làm việc và bằng lòng với chế độ mới của Ban Giám đốc công ty nhưng vì dịch bệnh chúng tôi vẫn thiếu trầm trọng công nhân làm việc tại các chuyền may. Trong 1 năm tới, nhà máy sẽ mở rộng gấp đôi quy mô, tương đương sẽ tuyển mới 5.000 lao động nữa; nếu vấn đề lao động không đảm bảo thì kế hoạch này sẽ bị ảnh hưởng”.

Lãnh đạo Công ty TNHHH VietGlory chia sẻ về việc mở rộng quy mô trong thời gian tới và những khó khăn vướng  mắc chưa vượt qua được.
Lãnh đạo Công ty TNHHH VietGlory chia sẻ về việc mở rộng quy mô trong thời gian tới và những khó khăn vướng mắc chưa vượt qua được.

Trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp ngành may hiện cũng ở trong tình trạng thiếu số lượng lớn công nhân, điển hình như: Nhà máy An Hưng – Yên Thành với quy mô đầu tư lớn cần ít nhất 9.000 công nhân nhưng chỉ mới tuyển dụng được hơn 1.000 công nhân; Công ty may Minh Anh – Kim Liên cũng thiếu khoảng 4.000 công nhân từ sau Tết đến nay nhưng vẫn chưa tuyển dụng được. Thậm chí nhiều công ty đăng thông báo tuyển dụng nhưng mỗi tuần chỉ tuyển được 5 -6 công nhân. Là cán bộ công đoàn người từng tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Tùng – Chuyên viên Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh cho biết: “Không chỉ ở những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp nhỏ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng. Có nhiều doanh nghiệp treo biển tuyển dụng quanh năm, đăng ký ở Trung tâm Dịch vụ việc làm quanh năm, mà vẫn không tuyển đủ lao động phổ thông. Trong đợt lao động hồi hương từ các tỉnh, thành phía Nam về quê tránh dịch nửa cuối năm 2021, các cấp công đoàn cũng nỗ lực kết nối cung – cầu lao động bằng nhiều hình thức nhưng phần đông người lao động không muốn ở lại Nghệ An”.

Theo thống kê của Ban quản lý KKT Đông Nam: Sau tết Nguyên đán, số lao động trong KCN làm việc có sự biến động rất lớn, chỉ đạt 50-65%; thậm chí một số doanh nghiệp có ngày chỉ đạt 37% công nhân đi làm. Nguyên nhân được xác định là do tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, số F0 tăng nhiều, công nhân lo sợ bất an về dịch bệnh nên không muốn đi làm. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân nữa là công nhân cho rằng thu nhập thấp dẫn đến họ “nhảy việc”, nhiều người tìm kiếm cơ hội làm việc tại tỉnh khác, chuyển ngành nghề khác như làm thợ xây, phụ hồ, bán hàng hoặc đi lao động nước ngoài…

Theo một báo cáo Sở LĐ-TB&XH sau tết Nguyên đán 2022, có 44 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lao động cần tuyển là 42.747 lao động (trong đó doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển là 35 doanh nghiệp với số lượng lao động là 18.791, doanh nghiệp ngoài tỉnh là 9 doanh nghiệp với 23.956 lao động). Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều như: Công ty CP Vinhhomes với 9.000 lao động; Công ty TNHH Regina Miracle Internatonal (3.500 lao động), Công ty CP Tập đoàn An Hưng (1.700 lao động); Công ty TNHH Việt Glory (3.020 lao động), Công ty TNHH Mareep (1.700 lao động)… Do yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp về trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng đáp ứng về nguồn cung lao động của tỉnh khoảng 90%.

Người lao động tại một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc trên địa bàn.
Người lao động tại một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc trên địa bàn.

Thế nhưng, theo khảo sát mới nhất, con số cần tuyển của các doanh nghiệp trên lên tới 60.000 lao động. Ông Nguyễn Phi Hùng – Trưởng phòng Việc làm – ATLĐ, Sở LĐ,TB&XH cho biết: “Qua khảo sát, chúng ta chỉ đủ cung ứng tầm 40.000 người. Tuy nhiên, tại cuộc làm việc giữa các doanh nghiệp và trường nghề về vấn đề nhân lực vừa qua, các doanh nghiệp lại đề xuất tuyển dụng lực lượng học sinh, sinh viên trường nghề vào làm việc theo diện thực tập sinh”. Về điều này, ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: “Đề nghị của các doanh nghiệp thực tế không khả quan, vì rất ít trường nghề có mã ngành này đáp ứng đủ nhân lực. Hơn nữa, các học sinh, sinh viên đang xem việc học là chính thì thời gian thực tập ở các công ty không thể dài tới 3 – 4 tháng. Và, trên thực tế lao động ở công ty linh kiện điện tử chỉ cần lao động phổ thông, nên việc vào làm ở công ty này để nâng cao tay nghề là chưa trúng. Vì thế, sau cuộc làm việc giữa các doanh nghiệp và trường nghề về vấn đề nhân lực, chỉ có Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam – Hàn Quốc đồng ý cung cấp 47 học sinh, sinh viên, trong khi có những doanh nghiệp cần tới 3.000 lao động”.

Được biết, đến với lợi thế nguồn lao động dồi dào, những năm gần đây, Nghệ An là điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn, nhiều dự án tầm cỡ. Theo kế hoạch, thời gian tới, Dự án Goertek Vina sẽ cần 30.000 lao động, Dự án Everwin cần 14.000 lao động, Dự án Luxshare cần 20.000 lao động… Chưa kể nhu cầu tuyển dụng của những dự án tại các khu công nghiệp VSIP, WHA.N01, Hoàng Mai 1… Tuy nhiên, với tình trạng thiếu hụt lao động như hiện nay, không dễ để có thể đáp ứng được những con số trên. “Thiếu lao động không chỉ ảnh hưởng trầm trọng đến chuỗi sản xuất mà nguy cơ lớn hơn là tương lai các nhà đầu tư sẽ e ngại, bởi họ chọn địa bàn của chúng ta vì những thuận lợi về nhân công”, ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết.

Nhiều doanh nghiệp lao đao vì thiếu công nhân.
Nhiều doanh nghiệp lao đao vì thiếu công nhân.