Thanh kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản – Bài cuối: Dấu ấn!

Tìm hiểu được biết ngày 24/9/2021, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh có Báo cáo số 184/BC-BCS về công tác quản lý nhà nước và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Báo cáo số 184/BC-BCS là một bức tranh khắc họa toàn cảnh cụ thể về công tác quản lý nhà nước và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đã mổ xẻ, phân tích sâu, kỹ những tồn tại và nguyên nhân, đề ra kịp thời những giải pháp xử lý, và có kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy một nội dung hết sức quan trọng, đó là tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản.

Trong nhiều những tồn tại được chỉ ra, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng khai thác khoáng sản trái phép còn có xu hướng diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, với nhiều loại khoáng sản khác nhau như đất san lấp, cát sỏi, đá trắng,… Và vì vậy, đã gây bức xúc trong nhân dân, thất thu cho ngân sách nhà nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông bị xuống cấp.

Phương tiện vận tải và máy xúc hoạt động khai thác đất trong lòng đập Hổng Cốc (Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường
Phương tiện vận tải và máy xúc hoạt động khai thác đất trong lòng đập Hổng Cốc (Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường

Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, tại một số mỏ thiếc, đá trắng đã được đóng cửa mỏ và bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý nhưng vẫn còn tình trạng người dân lén lút vào mót vét, khai thác. Dẫn đến tình trạng này, có nguyên nhân khách quan là bởi nhu cầu nguyên liệu đất san lấp, cát sỏi gia tăng đột biến, sản lượng khai thác từ các mỏ có phép không đáp ứng đủ nhu cầu. Có thể khẳng định, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đem lại lợi nhuận lớn, nên có sự bất chấp pháp luật của các đối tượng khai thác. Trong khi việc kiểm soát nguồn gốc khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức, các đơn vị không có giấy phép vẫn kê khai nộp thuế tài nguyên tạo ra việc hợp thức hóa khoáng sản khai thác trái phép; một số chủ đầu tư hợp đồng với các nhà thầu mua khoáng sản không rõ nguồn gốc xuất xứ để thực hiện dự án, đặc biệt là đất san lấp, cát sỏi… Bên cạnh đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn chưa quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, thậm chí có hiện tượng né tránh trong việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Về phía các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cũng có những nhận xét rất rõ. Theo quy định, các doanh nghiệp phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu. Nhưng còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện. Một số doanh nghiệp đã lắp đặt nhưng thiết bị không hoạt động, không lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Có nghi vấn việc một số đơn vị khai thác có sản lượng khai thác lớn hơn sản lượng kê khai nộp thuế nhưng các cơ quan có thẩm quyền chưa có các giải pháp hữu hiệu để xử lý. Một số đơn vị làm mất mốc, khai thác ngoài phạm vi cấp phép, vượt công suất được phép khai thác, ảnh hưởng hạ tầng giao thông,…

Hoạt động khai thác mỏ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.
Hoạt động khai thác mỏ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Trong khi đó, công tác thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản nói chung, thanh kiểm tra chuyên đề về sản lượng thực tế khai thác khoáng sản nói riêng chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thiết kế khai thác, sản lượng khai thác hàng năm, ô nhiễm môi trường, an toàn lao động,… chưa được thực hiện nghiêm. Vì vậy, công tác kiểm soát sản lượng thực tế khai thác, chống thất thu thuế cũng bộc lộ nhiều những tồn tại.

Để xử lý các tồn tại trong hoạt động khoáng sản, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã đề ra 06 giải pháp, nhiệm vụ. Trong đó, có giải pháp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý toàn diện việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản, đặc biệt là sản lượng khai thác và kiểm tra công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của chính quyền địa phương.

Vào ngày 11/10/2021, Tỉnh ủy Nghệ An có Công văn số 646-CV/TU triển khai một số nội dung liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó nêu rõ, sau khi xem xét Báo cáo số 184/BC-BCS ngày 24/9/2021 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận và kết luận giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh: “Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, thanh tra toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản đối với các mỏ được cấp phép trên địa bàn, ưu tiên kiểm tra, thanh tra các mỏ có diện tích, trữ lượng lớn; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có)…”.

Một mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.
Một mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Quỳ Hợp là địa phương chiếm số lượng lớn doanh nghiệp được 2 Đoàn liên ngành kiểm tra. Bản thân UBND huyện cũng được kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước, và đã có những tồn tại được chỉ rõ. Nhưng lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đánh giá rất cao kết quả kiểm tra của hai Đoàn liên ngành. Ông Trần Đức Lợi – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp trao đổi: Việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác kiểm tra đã thu được kết quả rất tốt, tạo được sự công bằng trong sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước có chuyển biến mạnh về nhận thức và hành động.

“Qua công tác kiểm tra đã phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm; xử phạt và truy thu hàng chục tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước. Kết quả kiểm tra đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe, tạo chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật và tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp trong hoạt động khoáng sản. Đồng thời, các đoàn kiểm tra cũng đã chỉ rõ ra được các khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn doanh nghiệp về các quy định của pháp luật liên quan để tránh sai phạm. Đối với huyện Quỳ Hợp, 2 đoàn liên ngành đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước. Từ đó, giúp UBND huyện kịp thời có các giải pháp khắc phục để làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước trong thời gian sắp tới; và giúp UBND huyện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo được sự chuyển biến tích cực và đồng thuận của các doanh nghiệp trên địa bàn…” – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Trần Đức Lợi cùng cán bộ huyện kiểm tra một cơ sở chế biến khoáng sản trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Trần Đức Lợi cùng cán bộ huyện kiểm tra một cơ sở chế biến khoáng sản trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Công Lực – Phó trưởng Đoàn liên ngành theo Quyết định số 3892/QĐ-UBND, Phó phòng Khoáng sản – Sở TN&MT, để công tác kiểm tra thu được kết quả, các thành viên Đoàn phải trải qua một thời gian dài rất vất vả, và phải chịu nhiều áp lực. Vì áp lực, ngay từ thời gian đầu, Đoàn từng phải đề xuất cấp có thẩm quyền cho thành lập Đoàn phúc tra kịp thời rà soát, kiểm tra lại các nội dung kiểm tra của Đoàn liên ngành đã thực hiện. “Trước khi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi được lãnh đạo cơ quan quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, là không được phép bỏ sót vi phạm của các đơn vị được kiểm tra. Nếu bỏ sót, để xảy ra trường hợp Đoàn kiểm tra sau phát hiện vi phạm thì sẽ xem xét trách nhiệm. Trong hoạt động khai thác khoáng sản liên quan đến nhiều lĩnh vực, gắn với nhiều những quy định pháp luật nên khối lượng công việc của các thành viên Đoàn rất lớn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa hiểu biết đầy đủ về pháp luật, có phản ứng thiếu tích cực. Những vấn đề này tạo nên áp lực, dẫn đến Đoàn có kiến nghị thực hiện phúc tra sau kiểm tra…” – ông Nguyễn Công Lực tâm tư.

Nhưng vị Phó trưởng Đoàn liên ngành cũng trao đổi rằng, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thấu hiểu áp lực của Đoàn liên ngành. Chính vì vậy, dù không thành lập Đoàn phúc tra nhưng tại các cuộc họp nghe Đoàn liên ngành báo cáo kết quả kiểm tra theo định kỳ, những người có trách nhiệm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều có những chỉ đạo, gợi mở phương pháp thực hiện nhiệm vụ, hoặc giải quyết rất kịp thời các nội dung Đoàn liên ngành kiến nghị.

Tại báo cáo tổng hợp của 2 Đoàn liên ngành, cùng với kết quả kiểm tra, có đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp và UBND các huyện được kiểm tra, cùng các sở, ngành liên quan tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại. Bên cạnh đó, đề ra 9 giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Một trong 9 giải pháp là kiến nghị tiếp tục thành lập mới Đoàn liên ngành thực hiện công tác kiểm tra một số doanh nghiệp ngoài đối tượng đã được kiểm tra.

Phó trưởng Đoàn liên ngành Nguyễn Công Lực cho biết, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp nghe UBND tỉnh báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 2 Đoàn liên ngành. Ghi nhận kết quả kiểm tra của 2 Đoàn liên ngành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thống nhất những đề xuất giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới; đã giao UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai.

“Kết thúc một đợt công tác dài đầy áp lực, chúng tôi rất vui vì hoàn thành được nhiệm vụ cấp trên giao phó. Vui còn vì từ thực tế của công tác kiểm tra đã góp một phần nhỏ giúp Tỉnh ủy và UBND tỉnh có những chỉ đạo mới, sát sao, cần thiết để công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được tốt hơn. Đặc biệt trong đó là Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 28/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An…” – Phó trưởng Đoàn liên ngành Nguyễn Công Lực thổ lộ.

Hoạt động khai thác tại một vùng mỏ ở huyện Quỳ Hợp.
Hoạt động khai thác tại một vùng mỏ ở huyện Quỳ Hợp.