22 doanh nghiệp thuộc đối tượng 2 Đoàn liên ngành kiểm tra đều đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý sau cấp phép khai thác khoáng sản như: Thủ tục thuê đất, cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, phê duyệt hồ sơ thiết kế mỏ, bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, đánh giá tác động môi trường, xây dựng nội quy lao động, an toàn vệ sinh lao động… Nhưng qua kiểm tra, 2 Đoàn liên ngành đã phát hiện, làm rõ những tồn tại, vi phạm ở hầu khắp các quy định liên quan hoạt động khai thác khoáng sản.
Cụ thể, trong việc thuê đất, phát hiện có 7 giấy phép đã được UBND tỉnh cho thuê đất nhưng chưa đăng ký đất đai lần đầu; có 15 giấy phép sử dụng đất làm khu vực văn phòng mỏ, bãi thải, phụ trợ phục vụ khai thác mỏ nhưng chưa được UBND tỉnh cho thuê đất; có 2 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong mỏ được cấp nhưng ngoài diện tích thuê đất.
Trong lĩnh vực khoáng sản, phát hiện có 2 giấy phép chưa lắp đặt camera giám sát; 19 giấy phép chưa lắp đặt trạm cân nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan. Có 15 giấy phép lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm. Có 1 doanh nghiệp bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ không đúng quy định; 1 giấy phép đã bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ nhưng doanh nghiệp không có văn bản thông báo cho cơ quan có thẩm quyền. Có 1 giấy phép không cập nhật bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản tối thiểu 6 tháng một lần theo quy định; 1 giấy phép lập bản đồ hiện trạng năm 2021 không thể hiện đầy đủ hiện trạng theo quy định. Có 1 giấy phép khai thác vượt công suất 22,7% so với công suất được cấp phép. Có 3 giấy phép khai thác vượt ra ngoài ranh giới cấp phép. Có 8 giấy phép khai thác vi phạm về thiết kế mỏ, khai thác không đúng hệ thống khai thác theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt; 1 giấy phép lập thiết kế mỏ không phù hợp thiết kế cơ sở, không nộp thiết kế mỏ cho cơ quan có thẩm quyền. Có 1 doanh nghiệp thay đổi tên tổ chức khai thác khoáng sản nhưng không nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép. Có 1 giấy phép dừng hoạt động trên 1 năm nhưng không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền.
Trong lĩnh vực tài nguyên nước, phát hiện Công ty cổ phần Đồng Tiên xả thải vào nguồn nước tại Dự án Nhà xưởng chế biến khoáng sản (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp) không có giấy phép xả thải theo quy định. Có 2 giấy phép không thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động xả thải vào nguồn nước; không lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng xả nước thải và sổ vận hành theo dõi lưu lượng nước thải. Có 5 giấy phép không thực hiện biện pháp chống thấm, biện pháp chống tràn đối với hồ xử lý nước thải.
Ở lĩnh vực bảo vệ môi trường, có 2 giấy phép thực hiện không đúng nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Có 3 giấy phép thực hiện không đúng một trong các nội dung của giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Có 1 giấy phép không báo cáo công tác môi trường hàng năm và 1 giấy phép doanh nghiệp không báo cáo quản lý chất thải nguy hại hàng năm. Có 7 giấy phép chưa kê khai, nộp phí đối với nước thải công nghiệp.
Về vật liệu nổ công nghiệp, có 16 doanh nghiệp chưa xây dựng tường rào hoặc xây dựng chưa đủ tiêu chuẩn đối với kho vật liệu nổ công nghiệp. Có 3 doanh nghiệp không lập đầy đủ hộ chiếu nổ mìn, hộ chiếu nổ mìn lập không phù hợp với thiết kế nổ mìn đã được phê duyệt. Có 1 doanh nghiệp vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Có 1 doanh nghiệp không thông báo bằng văn bản với UBND tỉnh khi sử dụng vật liệu nổ…
Trong lĩnh vực an toàn lao động, có đến 19 doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động; an toàn, vệ sinh lao động. Các vi phạm gồm, hợp đồng lao động ghi chưa đầy đủ nội dung theo quy định; chưa tham gia đóng BHXH đầy đủ cho người lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động chưa đầy đủ; chưa xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp; chưa thực hiện các loại báo cáo định kỳ về công tác an toàn, vệ sinh lao động; về tình hình tai nạn lao động; chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; sử dụng nội quy lao động đã hết hiệu lực…
Đặc biệt, trong việc chấp hành pháp luật về thuế, Đoàn liên ngành phát hiện có 13 doanh nghiệp kê khai sai sản lượng, giá tính thuế tài nguyên, hệ số quy đổi từ giữa tấn và m3; thuế suất; kê khai thiếu sản lượng tính phí bảo vệ môi trường; hệ số tính phí khai thác; kê khai chưa chính xác chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp, kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp… Có 3 doanh nghiệp gồm các Công ty TNHH Khoáng sản Phục Sơn, Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc, Công ty TNHH thiếc Hà An đang nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất.
Theo kế hoạch UBND tỉnh phê duyệt, 4 UBND cấp huyện gồm Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và Nam Đàn được kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản. Qua kiểm tra cho thấy UBND các huyện đã tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản theo quy định của pháp luật; thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 04/CT- UBND ngày 27/3/2017 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp ban hành kèm theo Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 và phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ban hành theo Quyết định số 4182/QĐ-UBND ngày 12/9/2017. UBND các huyện này cũng đã chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật lĩnh vực khoáng sản; chủ động tổ chức kiểm tra, và phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản…
Nhưng dù vậy, Đoàn liên ngành đánh giá hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo phục pháp luật chưa cao; công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vì vậy, tình trạng khai thác trái phép còn có ở nhiều địa phương cơ sở. Như khai thác trái phép đất sét làm gạch ngói tại xã Tân Long (Tân Kỳ); mót vét quặng thiếc tại các khu vực đã đóng cửa mỏ trên địa bàn xã Châu Hồng (Quỳ Hợp); khai thác đá cảnh tại xã Nghĩa Hiếu và Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn); khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam đoạn qua các xã thuộc huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương,… Thậm chí, có địa phương đã để xảy ra những vụ việc khai thác trái phép khoáng sản có quy mô lớn, kéo dài, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Minh chứng là vụ việc nhức nhối được Công an tỉnh phát hiện ngày 13/7/2021, tại khu vực núi đá thuộc địa bàn bản Kèn, xã Châu Lộc (Quỳ Hợp). Tại đây, Công an tỉnh đã bắt quả tang vụ việc khai thác đá trắng trái phép do ông Trần Văn Bảy, thường trú tại xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) tổ chức. Trong vụ việc này, lực lượng Công an đã tạm giữ 5 máy xúc, 1 ô tô, 6 mắt cắt đá, 2 máy nén hơi, 2 máy khoan và hơn 854m3 đá trắng đã khai thác.
Bên cạnh đó, Đoàn liên ngành xác định, do công tác quản lý của UBND các huyện được kiểm tra còn hạn chế, vì vậy có tình trạng để một số doanh nghiệp sử dụng đất làm khu văn phòng mỏ, bãi tập kết sản phẩm, bãi thải khu vực mỏ ngoài khu vực mỏ, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất mà chưa kịp thời kiểm tra, xử lý; vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản vượt ngoài ranh giới cấp phép, khai thác ngoài khung giờ quy định như tại một số mỏ cát, sỏi trên sông Lam đoạn qua huyện Nam Đàn, một số mỏ đá tại huyện Quỳ Hợp (Công ty CP An Sơn tại Thung Khẳng, xã Thọ Hợp; Công ty TNHH Hà Quang tại xã Châu Lộc…).
Từ việc phát hiện, làm rõ các vi phạm của 22 doanh nghiệp, Đoàn liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, Cục Thuế và Chủ tịch UBND các huyện liên quan xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm.
Tổng số tiền xử phạt, truy thu thuế hơn 24.942 triệu đồng. Trong đó, xử phạt, truy thu vi phạm về lĩnh vực thuế hơn 18.384 triệu đồng; xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai hơn 2.141 triệu đồng; xử phạt vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản hơn 3.491 triệu đồng; xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường 330 triệu đồng; xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên nước 110 triệu đồng; Xử phạt trong lĩnh vực xây dựng 50 triệu đồng; xử phạt trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp 115 triệu đồng; xử phạt trong lĩnh vực an toàn lao động 321 triệu đồng.
Bên cạnh đó, trong thời gian Đoàn liên ngành kiểm tra, Công ty TNHH Toàn Thắng đã phải kê khai bổ sung nghĩa vụ thuế liên quan từ năm 2018 đến năm 2022, nộp vào ngân sách nhà nước với tổng số tiền thuế, phí 17.998.238.446 đồng; nộp tiền phạt chậm nộp của số tiền mới kê khai bổ sung với số tiền 2.994.146.196 đồng…