Xuân

Thú thực, đến tận dịp Tết Kỷ Hợi năm nay nếu không may mắn được “ông đồ trẻ” ngoài quảng trường tặng chữ thì tôi đã không biết “Xuân” là từ gốc Hán. Sinh viên năm 4 khoa tiếng Trung của một trường đại học danh tiếng, Nam (tên của “ông đồ trẻ”) tranh thủ kỳ nghỉ Tết ra quảng trường tặng chữ cho mọi người. Thấy tôi có vẻ tò mò, trong vài phút rảnh rang hiếm hoi, Nam giảng giải: “Chữ “Xuân” được cấu tạo với ba nét ngang ở trên, nét phẩy ở bên trái kéo dài nối ba nét ngang; bên dưới ba nét ngang là chữ nhật và ở bên phải là nét mác đầu chấm nét ngang cuối cùng. Trong cách thức tạo chữ Hán, “Xuân” thuộc kiểu “hội ý: tức là phối hợp các yếu tố để tạo nên nghĩa. Xuân thể hiện quan điểm “tam tài hợp nhất”, tam tài là Thiên, Địa, Nhân, tượng trưng bởi ba nét ngang, hợp nhất tượng trưng bởi nét phẩy xuyên qua ba nét ngang. Mùa Xuân khí dương bắt đầu lên, mọi vật còn tươi non nên chữ “Nhật” (Mặt trời thuộc khí dương) được đặt ở dưới hai bên che bởi nét mác, nét phẩy. Như vậy, theo giảng giải của Nam tôi hiểu rằng chữ “Xuân” không chỉ đơn thuần chỉ một mùa trong năm mà người xưa đã gửi gắm vào đó không ít thông điệp khác.

Hiếm khi được nghe những lời giải thích cặn kẽ, tôi tất nhiên tranh thủ khai thác tối đa những kiến thức sâu rộng của “ông đồ trẻ”. “Với một đất nước nằm  giữa nền văn minh lúa nước, chữ Xuân cũng gắn với nghề nông nữa anh ạ. “Xuân địa” nghĩa là ruộng chiêm, “Xuân hóa” nghĩa là ủ giống chiêm, và “Xuân tịch”  là cày vụ chiêm…  Còn trong chữ Nôm của chúng ta thì chữ Xuân và Xoan là một (sử dụng nguyên mẫu chữ Hán) và không ít trường hợp Xuân và Xoan đồng nghĩa, ví dụ như hát xoan (hát xuân) hoặc như câu ca dao:

Trai ba mươi tuổi đang xoan (xuân)

Gái ba mươi tuổi đã toan về già

Chữ Xuân ghép thêm với bộ mộc ở bên trái chỉ cây xoan”, Nam cho biết.

Tôi ngớ người trước sự am hiểu của “ông đồ trẻ”. Ừ nhỉ, mình suốt ngày nói đến chữ Xuân, đọc hàng trăm bài thơ, nghe hàng trăm bài hát, đi dọc cả mấy chục mùa Xuân, là một “tín đồ” trung thành bộ phim “Tuổi thanh xuân” ấy vậy mà vẫn phải há hốc khi nghe giảng giải chữ Xuân nghĩa là gì! Cảm ơn Nam, một người trẻ giàu kiến thức và cả sự đam mê, chính hình ảnh của bạn tại Quảng trường Hồ Chí Minh cũng tạo nên một nét Xuân đấy thôi.

Nhân dịp năm mới, được tìm hiểu về chữ Xuân bỗng nhiên thấy lâng lâng cảm xúc. Vũ trụ đã, đang và sẽ là một bí ẩn vừa thách thức vừa hấp dẫn con người, nó diệu kỳ khi tặng cho muôn loài bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi mùa một sắc thái, một đặc trưng và một nỗi niềm. Rất trật tự, không cưỡng lại được quyền năng của tạo hóa. Ai đó có thể nặng lòng với cơn giông mùa Hạ, cũng có thể không bao giờ quên một thoáng nắng vàng của mùa Thu hay da diết với chiếc lá cuối cùng trên cành Đông giá rét, nhưng tất thảy không thể không bắt đầu từ “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay” (thơ Nguyễn Bính). Mùa Hạ chứa đựng sự nồng nàn, cuồng nhiệt. Mùa Thu đượm sắc thái lãng mạn hoài niệm, vương vấn. Còn mùa Đông với chút kiêu sa, lạnh lùng. Xuân hiển nhiên là sự khởi đầu nhưng không chỉ là sự khởi đầu. Mùa Xuân là mùa của đâm chồi nảy lộc, mùa của khát khao hy vọng, mùa của biết bao dự định lặng lẽ khai sinh. Như một hành khúc dập dìu của thời gian, mỗi dịp Tết đến Xuân về là làm dậy sức sống cho muôn loài để rồi vạn vật trình diễn vẻ đẹp huy hoàng cùng sức sống sung mãn. Hưởng Xuân là thưởng lãm những vẻ đẹp tươi mát trong lành của thiên nhiên mà tạo hóa đã hào phóng trao tặng.

“Mỗi năm bắt đầu từ mùa Xuân, mỗi cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội” (Hồ Chí Minh). Mùa Xuân thiên nhiên chỉ đến một lần trong  năm nhưng ai cũng có những mùa Xuân trong cuộc đời. Tất cả những gì đang là trẻ trung, đang căng đẩy sức sống đều được là Xuân. Hàn Mạc Tử đã rất tài tình khi dùng chữ Xuân để chỉ con người rằng, “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Xuân là bản tình ca được hòa tấu bởi sự đồng điệu giữa trời, đất và con người (thiên, địa, nhân). Xuân gắn với Tết cổ truyền. “Xuân sum vầy”, “Tết đoàn viên”. Mùa Xuân là thời điểm thích hợp nhất để người Việt trở về với cội nguồn qua những lễ hội cũng như phong tục thờ cúng tổ tiên. Xuân về, ba ngày Tết thăm hỏi nhau, chúc Tết nhau, cùng nhau nhìn lại thành quả của một năm lao động, từ đó định hình và tạo niềm hứng khởi cho một năm mới bắt đầu.

Riêng đối với dân tộc Việt Nam, Xuân còn gợi lại những chiến công oanh liệt của cha ông, khơi dậy trong lòng niềm tự hào sâu sắc. Mùa Xuân năm 1077, Lý Thường Kiệt đánh tan bốn vạn quân Tống. Mùa Xuân năm 1428, Lê Lợi đưa đất nước thoát khỏi sự đô hộ của giặc Minh. Mùa Xuân năm 1789 Quang Trung đại phá hơn hai mươi vạn quân Thanh. Mùa Xuân năm 1975 đất nước khải hoàn ca với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Xuân cũng là dịp cho chúng ta giáo dục con trẻ hướng về cội nguồn, tìm đến những giá trị đạo đức những truyền thống tốt đẹp ngàn đời, là lúc chúng ta chia sẻ với cộng đồng. Khi chúng ta trong ấm ngoài êm, khi chúng ta vuông vắn bánh chưng, tròn trịa bánh dày thì đây đó vẫn còn bao hoàn cảnh thương tâm và cả những người không có Tết. Pháo hoa giao thừa vút lên trong tiếng vỗ tay và cũng là lúc những người bệnh chống chọi với cơn đau. Chị lao công vẫn miệt mài với chổi tre trên phố. Anh lính trẻ vẫn bồng súng canh gác nơi hải đảo xa xôi. Một chuyến bay trên trời chưa hạ cánh. Một con tàu xuyên qua năm cũ trên cung đường ray quen thuộc và rất có thể ngay trong thời khắc thiêng liêng ấy lại có một sinh linh bé bỏng chào đời.

Xuân là cơ hội, Xuân là hy vọng nhưng Xuân cũng là thách thức con người bởi suy cho cùng thì Xuân cũng là một thước đo thời gian. Ai mà chẳng thắt ruột khi nghe lời bài hát “Mừng tuổi mẹ” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn: “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần. Rồi mùa xuân ấy, tóc trắng mẹ bay như gió, như mây bay qua đời con, như gió, như mây bay qua thời gian…”.

Thời gian thật nghiệt ngã. Theo một công bố mới đây thì tuổi thọ trung bình của Việt Nam hiện nay là 73. Như vậy, nói một cách thẳng thắn nhất thì chúng ta có cơ hội đón 73 mùa Xuân tất cả. Không thể nói nhiều hay ít, nhưng nếu bạn 40 tuổi thì có thể bạn chỉ còn 33 mùa Xuân nữa thôi. Tựa như một chiếc cạc điện thoại trả trước duy nhất nhưng lại có thời hạn, Xuân đối với đời người được “trừ” sau mỗi năm “sử dụng”. Bởi vậy xin đừng phung phí Xuân bởi những “cuộc gọi” vu vơ. Cũng dịp này năm ngoái, một bị cáo đã giãi bày trước tòa rằng “Xin được về quê ăn cái Tết cuối cùng với gia đình”. Vâng, chỉ khi bị mất đi con người mới thấy hết giá trị của nó.

Tin đi, Xuân không phụ ai, cũng đừng ai phụ Xuân. Tết đã về cùng mọi nhà, cầu mong mọi người đạt nhiều an vui và có thêm một mùa Xuân thực sự ý nghĩa.

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Vi văn Tiên

    Khâm phục và sẽ học tập.