Nghệ An có gần 1,2 triệu ha đất quy hoạch lâm nghiệp. Trong đó, có khoảng gần 880 nghìn ha đất có rừng, hơn 286 nghìn ha đất chưa có rừng, đất có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng hơn 70 nghìn ha.
Với 286 nghìn ha đất chưa có rừng, thực sự là vốn quý để phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Nhưng cái vốn quý về đất đai này, đến thời điểm hiện tại đã cạn. Bởi từ khoảng năm 2008 đến năm 2017, tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư trồng rừng nguyên liệu, đầu tư chế biến lâm sản chất lượng cao.
Điểm danh các doanh nghiệp được tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu, có cả doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh, thậm chí là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Nếu các doanh nghiệp này tuân thủ đúng cam kết đầu tư, thực hiện trồng rừng nguyên liệu, có chính sách liên danh liên kết với các hộ được nhà nước giao đất lâm nghiệp… thì sẽ không có gì để nói. Nhưng ngược lại, chỉ vài ba nhà đầu tư là có thực hiện, nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng. Còn lại, “dẫm chân tại chỗ”, “đóng băng” ngay từ khi có được quyết định phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu của tỉnh cho đến nay.
Kết cục, mong muốn phát triển kinh tế lâm nghiệp từng có của tỉnh từ nhiều năm qua chưa đạt được. Trong cái kết quả lớn lao của ngành lâm nghiệp cả nước năm 2018, thì Nghệ An – là tỉnh có quỹ đất lâm nghiệp thuộc diện lớn nhất cả nước – lại hết sức nhỏ bé, khiêm tốn. Chỉ khoảng 175 triệu USD/9,3 tỷ USD của cả nước, chưa được xếp vào hạng tỉnh có thứ bậc trung bình.
Ngày 5/1/2019 vừa qua, để thay đổi, phát triển vùng miền Tây Nghệ An, qua đó thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số và góp phần phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định rõ ràng, cụ thể hơn hướng đi. Đó là thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp. Nôm na, lấy kinh tế lâm nghiệp làm nền tảng, làm thế mạnh!
Khẳng định rằng đây là hướng phát triển hết sức đúng đắn! Nhưng từ thực tế đang hiện hữu, làm thế nào để phát triển kinh tế lâm nghiệp thì đang là một bài toán khó.
Trông chờ vào những nhà đầu tư đã nhiều năm qua đầu tư èo uột hoặc “đóng băng” kia ư? Hẳn chẳng thể hy vọng, trông chờ!
Thế cho nên, mời gọi cho được những nhà đầu tư mới có đủ năng lực, tâm huyết sẽ là một trong những việc nên làm, cần làm trong thời gian tới. Tuy nhiên, để mời gọi được các nhà đầu tư có đủ năng lực, tâm huyết trong lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh sẽ phải có các chính sách đủ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cần của họ. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tạo được vùng nguyên liệu.
Vậy nhưng cái vốn quý của tỉnh là gần 286 ngàn ha đất lâm nghiệp chưa có rừng thì đã quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà đầu tư trước đây. Bây giờ lấy đâu ra quỹ đất lâm nghiệp tạo vùng nguyên liệu cho các nhà đầu tư mới?
Bởi vậy, rất cần thiết phải đánh giá một cách nghiêm túc công tác thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu của các nhà đầu tư đã được tỉnh phê duyệt những năm trước đây.
Để rồi với những nhà đầu tư ấy, ai chứng minh được năng lực, thì cần phải cam kết thực hiện trong một khoảng thời gian cụ thể; ai không có khả năng đầu tư, đề nghị rút lui. Qua đó, thực hiện điều chỉnh, hoặc hủy bỏ quy hoạch, tạo cơ hội cho nhà đầu tư mới thực sự có năng lực, giúp tỉnh thúc đẩy đạt được mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp!
Sẽ cần phải làm như vậy, dù có thể, sẽ có những trở ngại. Nhưng giống như người chơi cờ, khi ở vào thế cùng không còn lối thoát, sẽ chấp nhận bày lại ván cờ mới, để tìm kiếm cơ hội. Đấy gọi là xóa cờ, làm lại…