Vong

Có lẽ chưa bao giờ các từ khóa “chùa Ba Vàng”, “thỉnh vong” “cúng dường” lại được cư dân mạng lùng sục ráo riết và tạo nên một làn sóng phẫn nộ khủng khiếp như những ngày vừa rồi. Lần đầu tiên một vụ bê bối được phát giác ngay trong nhà chùa đã tạo nên “cú sốc tinh thần thể giận dữ” trong dư luận xã hội. Người ta có dày đặc lý do để bàng hoàng, ngờ vực và cay đắng trước những bằng chứng điếng người.

Tại sao những người vẫn giảng giải đạo pháp mà lại có thể “miễn dịch” trước nỗi đau của chúng sinh như vậy? Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? Tại sao một chiếc lều vịt cỏn con dựng tạm bợ trên đất nông nghiệp bị rầm rộ cưỡng chế, thậm chí khởi tố, trong khi một tập đoàn hoạt động mê tín dị đoan có dấu hiệu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số lượng nạn nhân lên đến con số ngàn lại có thể diễn ra thoải mái đến lạ lùng vượt thời gian như vậy? Nếu báo chí không dũng cảm và mưu trí nhảy vào vạch trần thì còn đi đến đâu? Và… nếu có quả báo thì kiếp sau họ phải làm con gì mới xứng?

Nhân sự việc, hàng loạt “thuật ngữ chuyên ngành” được cập nhật góp phần làm cho dân trí thêm phần tỏ tường: “cúng dường”, “oan gia trái chủ”, “pháp”, “thỉnh”, rồi thì “vong”, “tín chủ”, “giải nghiệp”, “đệ tử”, “ban trí khách”, “âm bệnh”… Đành rằng theo phân tích thực tiễn thì chữ được nhắc đến nhiều nhất cũng là chữ nhắc đến cuối cùng, chữ mà vừa là mục đích, vừa là phương tiện, vừa là cầu nối giữa “cô” với tín chủ, giữa cô với vong và giữa vong với tín chủ – đó là chữ… tiền!

Tiền được gọi tên một cách thản nhiên, mạch lạc, quyết đoán và có vẻ như cũng rất chi là dân chủ! Mọi tội lỗi của hàng chục kiếp trước đều được định giá và mua đứt nọc bằng đồng tiền quốc gia đương thời. Ma nhưng lại không chịu tiêu tiền âm phủ, cách nhận tiền của ma cũng khác biệt đến kì dị, không hóa, chỉ cần bỏ vào phong bì là mọi tội lỗi của “nhiệm kỳ trước” đều được hóa giải. Không ai có thể hiểu nổi và càng không hiểu người ta càng cắm đầu lao vào. Lý giải được huyền bí hóa theo cách rất chi là cùn rằng: Cúng tiền là “theo yêu cầu của vong” (lời giải thích của sư trụ trì). Vậy vong là ai? Quân hàm cấp bậc gì mà to quyền đến vậy?

Để bổ cứu cho vốn kiến thức hạn hẹp của mình, người viết bài này đã buộc phải “thẩm vấn cụ Gu Gồ”, nhưng rất tiếc đến thời điểm này, tức là khi vong đã mang đến trăm tỷ tiền tươi thóc thật thì vẫn chưa thấy một khái niệm nào được cập nhật trong từ điển. Vậy vong là gì? Dạ, hình như vong là linh hồn của những người chết chưa được siêu thoát. Vong cũng có thể là một cách gọi khác của ma. Vong tồn tại xung quanh chúng ta, vong cũng buồn, cũng vui, cũng giận dỗi yêu thương và khi cần vong cũng “ám” không thương tiếc. Là nghe mô tả vậy chứ đã có ai nhìn thấy vong bao giờ đâu. Một số người có quyền năng siêu phàm là “thỉnh” được vong lên nói chuyện thôi. Chuyện thỉnh vong, áp vong thì rẫy đầy ra đó. Cách đây mấy năm, một “nhà ngoại cảm” lừng danh nọ còn mời cả hội đồng nhà vong lên nói chuyện râm ran như hội thảo khoa học cơ mà. Chỉ có điều vong nói chuyện qua cái miệng nhả chữ thành thục của nhà ngoại cảm nên cũng chỉ một mình nhà ngoại cảm biết vong to béo và thủy chung như nào. Tôi từng may mắn tận mắt chứng kiến vong nhập vào người đàn ông nọ. Khỏi phải nói hết những ly kỳ huyền bí. Vong lắc lư, vong đổ gục, vong vò đầu bứt tai rồi vong đột ngột đứng phắt dậy đưa gia chủ đi tìm mộ cụ tổ. Cả mấy chục con người hào hứng ào ào chạy theo vong, nhưng mới ra khỏi ngõ được mấy bước thì vong ngớ người ra rồi quay trở lại. Tưởng vong giận vì thiếu tiền lì xì ai ngờ vong quay lại vì trong lúc vội vội vàng vàng quên mất đôi dép tổ ong! Cười không giữ được rốn với độ cẩn thận của vong này. Có đến hàng ngàn vụ áp vong khác, thậm chí người ta áp vong cả trong hội trường lớn của cái viện nghiên cứu tiềm năng gì đó. Vong bao giờ cũng khôn hơn người, hỏi dễ thì vong trả lời, hỏi khó thì vong… thăng. Tuy nhiên lâu nay thấy người ta thỉnh vong ở đền ở miếu, ở các nghĩa địa, nhà thờ họ hoặc cũng có thể tại gia chứ hình như chả mấy khi thấy ai thỉnh vong ở chùa. Vụ thỉnh vong ở chùa Ba Vàng là một đặc cách? Vong mà cũng thiên vị, cũng cục bộ địa phương à? À mà cũng lạ, chả hiểu thế nào mà vong ở chùa Ba Vàng có tính vùng miền lẫn tính thời đại rất rõ rệt, bằng chứng cho nhận định trên là thấy vong nào lên ở đây cũng… đòi tiền! Phải chăng nhu cầu tiêu pha của vong khi về vùng đất này tiến bộ hơn rất nhiều so với vong vùng khác?

Với điệu luận cho rằng tất cả mọi người ai cũng có thể bị vong theo mà “vong” đã theo thì “vật chủ” luôn bị quấy phá, người nhẹ thì gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống, nặng thì ốm đau, bệnh tật, “yểu mạng”. Để hóa giải được điều này, nhà chùa khuyên chúng sinh phải “thỉnh oan gia trái chủ” hay còn hiểu cách khác là “trả nợ cho vong”. Tùy vào nghiệp của tiền kiếp, người bị vong theo sẽ phải bỏ 1 số tiền không ít để trả nợ dưới hình thức công đức cho nhà chùa. Nhưng điều đáng nói, giá cho mỗi lần trả nợ tùy thuộc vào vong phán. Quan hệ giữa người với vong khá bình đẳng trên nguyên tắc thuận mua vừa bán. Không mặc cả, không kỳ kèo nhưng được… trả góp. Việc của người nhà chùa là gọi vong lên, lập trích ngang tội lỗi, sau đó vong cho “lập dự toán” và “báo giá” bằng giấy của nhà chùa! Việc của tín chủ cũng không quá phức tạp, chỉ cần vái lia lịa và xuống tiền. Hết! Mọi bệnh tật coi như xong. Những đồng tiền đi về đâu là một câu hỏi mà có lẽ chỉ có cách là phải xuống âm phủ thì mới biết được!

Trên một tờ báo viết rằng: “Khi được phóng viên hỏi, tại sao nhà chùa không kiểm đếm số tiền mà mọi người đã đóng vào phong bì có đúng với số tiền vong đã phán, nhỡ mọi người đóng thiếu số tiền đấy thì nhà chùa lấy tiền đâu để đền cho vong? Không ai có thể trả lời nhưng thiếu là thiếu thế nào. Vong mà, qua mặt thế nào được vong. Đó là chưa nói chuyện sau vong là bồ đoàn “đệ tử” âm thầm ghi lại tên tuổi quê quán và “âm bệnh” của từng người. Sau này sẽ đối chiếu với dữ liệu đã ghi trên phong bì trong hòm công đức, đúng người, đúng bệnh, đúng số tiền người ta mới giải nghiệp cho”. Ồ, thế là rõ ma nhưng rất chi là… người! Mà người thì lại rất chi là… ma !

Dự là khi bài báo này đến tay bạn đọc thì dư luận cũng đã bắt đầu lắng xuống. Mong sao vụ việc này là bài học cho những ai cuồng tín mê muội, cho những ai đang lăm le lợi dụng sự cuồng tín ấy để trục lợi, nó còn là bài học quý cho cơ quan quản lý, cho cả giáo hội. Tuy nhiên, nếu chỉ vì một vài cá nhân sai phạm mà chỉ trích cả một ngôi chùa, quay lưng với đạo Phật lại là cả giận mất khôn. Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc Việt mấy ngàn năm nay, những đóng góp của Phật giáo trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước qua từng giai đoạn lịch sử là không thể quên, không được phép quên. Việc thỉnh vong không có trong đạo pháp, những người “thợ thỉnh vong” ấy càng không đại diện cho Phật giáo. Họ lợi dụng Phật giáo nếu không nói là chính họ đang… vong ân bội nghĩa với Phật giáo!