Tôi đến với Báo Nghệ An cũng đã 25 năm, gần một phần nửa tuổi đời của báo. Mãi đến tận bây giờ tôi vẫn chưa quên cái kỷ niệm của ngày đầu tiên lơ ngơ ấy. Ngoài hai mươi, cầm trong tay mấy bài thơ tình sến sẩm được chép nắn nót bằng bút bi 4 màu, rụt rè đạp xe đến tòa soạn. Nhìn trước, ngó sau như kẻ trộm, liều lĩnh gửi và hồi hộp chờ đợi. Thú thật thuở ấy chỉ mong sao tên của mình được in trong “hộp thư bạn đọc” đã là vui lắm rồi. Một tuần sau, bài thơ đầu đời “Hoa ban” của tôi được đăng. Ngỡ ngàng và sung sướng, tôi mua cả mấy chục bản để tặng (thực chất là khoe) với bạn bè. Giờ thì mỗi năm viết đến cả trăm bài báo, mỗi “sân” “đá” một tý, mỗi thể loại “khèo” một tý, bút danh Cua Đồng cũng đã ít nhiều đến được với một bộ phận nho nhỏ bạn đọc. Nhưng có lẽ cái cảm giác “Hoa ban” ngày ấy vẫn không thể thay thế trong cái duyên nghiệp cầm bút chỉ là tay trái của mình.
Viết không chuyên, chưa từng may mắn được tham gia bất kỳ khóa hướng dẫn nào về nghiệp vụ, với báo chí tôi là một kẻ ngoại đạo chính hạng. Bởi vậy hôm nay bàn về chữ “viết”, với tất cả sự chân thành và cầu thị của kẻ nghiệp dư, tôi xin phép chỉ tản mạn đôi điều về nó thông qua góc nhìn cũng như trải nghiệm của một người ngoại đạo, một người viết đơn thuần theo sự hối thúc của đam mê.
Ra đời và tồn tại qua hàng ngàn năm, chữ viết không chỉ là sản phẩm tuyệt vời của trí tuệ, thành tựu vô giá của lao động, chiến công vĩ đại của đấu tranh mà chữ viết xứng đáng là một sáng tạo xuất thần của loài người. Bàn đến chữ viết là bàn đến một lĩnh vực bất tận về tính hàn lâm và đỉnh cao về giá trị thực tiễn. Chữ và viết tuy khác nhau về khái niệm nhưng lại không thể tách rời. Trước khi được nhìn nhận như là một nghề trong xã hội hiện đại, viết vốn dĩ là một động từ mô tả việc dùng ký tự (chữ) để ghi lại ngôn ngữ dưới dạng văn bản. Cuộc sống chưa một ngày dừng lại, nó quá giàu cung bậc, quá hấp dẫn và cũng vô vàn biến cố. Sự phân công lao động xã hội ngày càng gần hơn với xu hướng chuyên môn hóa. Người trồng lúa, kẻ xe tơ, riêng nhiệm vụ “chép” lại cuộc sống nhân loại gửi gắm niềm tin cho những người theo nghiệp viết. Ngày nay trong xã hội hiện đại, viết được xem như một nghề thực thụ. Viết có thể là công việc của nhà văn, của nhà thơ, của nhà báo… tất nhiên không gian viết vẫn dành đủ chỗ cho những cây bút đa mang như chúng tôi thỏa sức trải nghiệm.
Viết là một dạng lao động sáng tạo rất đặc thù, nó không chỉ là công việc dành cho kẻ có sức khỏe, trí tuệ mà phải có đạo đức, không chí có đạo đức mà là cả bản lĩnh, không chỉ có bản lĩnh mà còn phải có cả đam mê. Viết có thể không khó nhưng chưa bao giờ là dễ. Nhiều áp lực và vô vàn thử thách không tên. Chấp nhận nghiệp viết là chấp nhận sự quần quật dù bất cứ giờ nào, dù bất cứ ở đâu. Mở đầu của một bài báo có thể bất chợt đến trên sân ga, một tứ thơ có thể ùa về cùng tác giả trên đường công tác, cái kết của một truyện ngắn có thể đến trong giấc ngủ, bữa ăn. Người viết không có thời gian nghỉ ngơi, không may mắn được hưởng thụ cái cảm giác nhẹ nhõm của bác nông dân cày xong thửa ruộng.
Lại nhớ hai câu thơ trong truyện Kiều của cụ Nguyễn: “Lỡ từ lạc bước, bước ra/ Cái thân liệu những từ nhà liệu đi”. Viết mà lớ ngớ là nhận “gạch đá” như chơi. Thường trực trong người viết là những câu hỏi không hiện hình nhưng ròng rã, hôm nay viết cái gì? Viết cho ai? Viết như thế nào? Đưa được bài viết lên trang đã “mệt” nhưng khi đứa con tinh thần ấy đã “ra cửa nhà” có khi lại còn mệt hơn.
Suy cho cùng thì việc đón nhận và xử lý phản hồi từ bạn đọc cũng là một trạng thái lao động của người viết, nếu không nói là một dạng lao động nặng nhọc và đôi khi có độc hại. Sự liền mạch trong trách nhiệm kéo theo sự liền mạch trong lao động, người viết không có diễm phúc tận hưởng cái cảm giác “Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng/ Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành” (thơ Tố Hữu). Đây là công việc mà người ta buộc phải khắt khe với chính mình. Bất kỳ một dung túng nào cho cẩu thả đều có thể phải trả giá. Có thể viết không hay nhưng hãy cố gắng đừng viết dở. Có thể viết dở nhưng tuyệt đối không được phép viết sai. Câu “bút sa gà chết” là chú niệm của người viết, không hề là hăm dọa của con ngáo ộp. Một tác phẩm khi đã vượt ra ngoài máy tính để đến với bạn đọc thì nó không còn là của riêng mình nữa. Nó là tiếng nói, thậm chí quan điểm của một tờ báo, một cơ quan ngôn luận, một nhà xuất bản. Đành rằng như thế không có nghĩa là tác giả phải nặn, vắt, tô vẽ tác phẩm của mình cho đúng một hình hài định sẵn. Thật tệ nếu một bài viết không có cái tôi, nhưng sẽ là thất bại nếu chỉ có mỗi mình cái tôi trong đó. Một tác phẩm không có cá tính là một tác phẩm tồi, nhưng một tác phẩm chỉ là đất diễn cho cá tính là một tác phẩm tệ. Hài hòa giữa cái chung và cái riêng giữa cái tôi và cái ta có lẽ là một trong những yêu cầu bắt buộc mang tính thử thách đối với người viết. Mỗi tờ báo có một phong cách để nhận diện chân dung, đừng buồn khi bài viết của bạn bị ban biên tập “gọt cằm” hay “tẩy nám”. Tôn chỉ của một tờ báo là thứ người viết có bổn phận trân trọng và tuân thủ. Tôi đã từng tiếc đứt ruột vì câu văn tâm đắc của bài bị cắt không thương tiếc. Nhưng rồi tôi buộc phải nhận ra, viết bằng cảm xúc không có nghĩa là thả rông cảm xúc là tung bút tùy hứng. Câu ấy, vấn đề ấy có thể là tâm đắc của tôi nhưng nó không nhất thiết phải là tâm đắc của tờ báo. Người viết không chấp nhận “nhập gia tùy tục” thì có lẽ chỉ nên làm độc giả. Nghề viết không dành cho kẻ nhút nhát nhưng cũng không dành cho người cẩu thả. Viết là sự chăm chút, chính xác là chăm chút từng tý một. Đôi khi cân nhắc từng cái dấu phẩy. Đã từng có những tờ báo bị đình bản, đã từng có những cây bút thuộc hàng “cây đa cây đề” bị xử lý. Đó là bài học nhãn tiền cho tất cả những ai đang muốn “tung bút chạm trời”. Lưu ý, đường rất rộng nhưng lối đi của chúng ta là bên phải!
Có thể nói, không một tác phẩm nào đến từ cái đầu trống rỗng. Để một bài viết đến được với bạn đọc là tổng hợp của nhiều yếu tố, độ nóng của vấn đề, dung lượng và mức độ tin cậy của thông tin, quan điểm của tác giả, thông điệp gửi tới bạn đọc rồi mới đến cách thức trình bày cũng như chất liệu ngôn ngữ. Ngày nay khi cuộc cách mạng 4.0 len vào mọi ngõ ngách của cuộc sống thì cơ hội mở ra đồng thời với thách thức cũng ập đến. Trong hành trang của người viết bây giờ không chỉ có bút giấy nữa mà còn là máy tính kết nối mạng, máy ảnh, máy ghi âm, máy quay… Người viết không chỉ giỏi ghi chép mà còn phải có khả năng “truyền hình trực tiếp”. “Các cô, các chú là những chiến sỹ trên mặt trận ấy” phải sẵn sàng đối diện với nguy hiểm, đối diện với cám dỗ, và có khi còn đối diện với sự thất bại, cảm giác bất lực, ý định bỏ cuộc, tinh thần chán nản trong chính bản thân mình. Vượt qua, đó là mệnh lệnh của một người viết chân chính. Viết thật khó nhưng viết cũng thật thú vị. Tin tôi đi, nếu viết bạn sẽ nghiện đấy!
Nhân dịp Báo Nghệ An kỷ niệm 57 năm ngày thành lập, tác giả xin mạo muội tản mạn đôi điều như là tâm sự thay lời tri ân của một công tác viên nhiều gắn bó vậy. Một nhà báo nổi tiếng từng tổng kết về phẩm chất của nghề viết là “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, Tuy nhiên, giờ thì người ta nhận ra ngần ấy thôi chưa đủ, ngoài “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” thì phải… to gan nữa cơ! Bản lĩnh của người viết tạo nên bản lĩnh của mỗi bài viết, bản lĩnh của mỗi bài viết tạo nên bản lĩnh của cả tờ báo, chỉ có điều, viết có thể lách, nhưng đã là báo thì nhất thiết phải có chí!