Nhìn những tia lửa lách tách bắn ra từ bếp than thơm lừng đồ nướng trên vỉa hè đường Đào Tấn, nhớ đến những phụ nữ ngày lại ngày lầm lũi lựa than gần sân vận động Vinh. Tự hỏi, nếu không có họ, liệu có những tia lửa reo vui này không nhỉ?
Họ là những người đàn bà đã quá nửa bên kia sườn dốc của cuộc đời. Lầm lũi làm việc bên những bì than, trên những bãi than từ sáng đến tận tối, họ có vẻ ngoài cũng đen đúa như than. Áo quần, tay chân, mặt mũi…, không chỗ nào không lem bết than bụi. Chỉ duy nhất khi ngẩng lên cười, mới có chút sáng lấp lóa hắt ra từ răng, từ mắt…
“Mấy chị em tui đều cùng quê ở xã Quỳnh Vinh, gần Nhà máy Xi măng Hoàng Mai. Vào thành phố Vinh làm nghề ni từ lâu lắm rồi, hồi mới 20 tuổi, dừ đã 60…” – tay thoăn thoắt lựa tách than, một phụ nữ nói rồi rôm rả kể, đây là loại than tràm, một loại cây trồng nhiều tại một số huyện núi. Khi thu hoạch, người ta bán đi phần thân gỗ, còn gốc, cành, ngọn thì úm làm than củi. Than sau khi được chuyển về, để đáp ứng nhiều những nhu cầu của khách hàng, trước nhất phải phơi khô khén, rồi tách làm nhiều loại, khi đó mới đem đi nhập. Và họ, là những người làm công đoạn này, đó là phân, tách than rồi đóng thành từng bì riêng biệt.
Theo những người phụ nữ Quỳnh Vinh, loại than dùng cho phụ nữ sau sinh cần được tuyển kỹ nhất. Phải chọn những viên than trơn mượt, không có góc cạnh và làm sạch hết bụi bám để tránh không bị gây nổ, té bắn hạt lửa trong quá trình đốt. Với những gộc than lớn, thì tuyển riêng để đưa cho các nhà hàng quay dê, bò, lợn… Còn với nhà hàng hải sản, hoặc các quán nướng vỉa hè về đêm như ở dọc đường Đào Tấn…, thì tuyển chọn loại than kích thước vừa phải, không quá lớn, nhưng cũng không quá nhỏ. “Nhu cầu dùng than nướng đồ hải sản tại các nhà hàng và quán xá vỉa hè ở thành phố Vinh và phố biển Của Lò khá lớn. Nhưng phải lựa sao để than đủ đượm mà không bốc lửa ngọn gây cháy đồ nướng…” – họ nói về công việc của bản thân.
Đề nghị cho được chụp vài bức ảnh, họ từ chối. Vì “lầm lũi, đen đúa có chi đẹp mô mà chụp”. Nói với họ: “Vẻ đẹp của người phụ nữ trong lao động, phải từ những vất vả, lầm lũi, đen đúa… ấy. Những thứ đẹp đẽ hào nhoáng dễ gì đã so được…”. Nghe vậy, họ mới cất tiếng cười vang… Và họ lại “mặn mà” câu chuyện: Rời quê hương, xa gia đình và chồng con vào thành phố làm nghề than nhưng cũng lắm gian truân. Mấy chục năm, đã đôn đáo chuyển vị trí làm đến mấy lần. Dăm năm trước thì đến đây, mượn đất của một người quen cùng quê chưa có nhu cầu sử dụng để làm bãi. Thời kỳ ban đầu, có cán bộ phường đến nhắc nhở nghề làm than sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan đô thị. Họ đã phải trình bày, cam kết đảm bảo gọn gàng trong quá trình phơi, tuyển than; hàng ngày thì quét dọn vệ sinh sạch sẽ để không ảnh hưởng đến môi trường… Khi ấy, cán bộ phường mới đồng ý để cho làm… “Chúng tôi cũng biết nghề mình đang làm cực lắm. Nhưng đây là nghề mưu sinh đã mấy chục năm. Nếu bây giờ nghỉ, cũng không biết làm gì khác để sống…” – họ tâm sự.
Nghe những người phụ nữ luống tuổi này bày tỏ nỗi niềm, chẳng thể không chạnh lòng. Với độ tuổi của họ, ở mạn Quỳnh Vinh của thị xã Hoàng Mai thì hẳn con cái cũng đã thành gia thất. Đã cao tuổi, phải xa quê lầm lũi đeo đuổi bám trụ với nghề làm than, chắc cũng là lựa chọn cuối cùng. Nhưng rồi nghĩ, nghề nào để có cuộc sống mà không phải có những đánh đổi… Mà những viên than nháng đen được tuyển chọn từ những bàn tay đen đúa ấy, hữu ích cho cuộc sống này mà. Nếu không có họ, làm sao có được những tia lửa lấp lánh, reo vui bên hàng trăm, hàng ngàn bếp than hồng sực nức mùi thơm quyến rũ…