TRI THỨC LỚN TỪ THƯ VIỆN NHỎ
Khi mọi người nhắc đến nước Mỹ, hầu như đều sẽ nghĩ đến trung tâm tài chính như thành phố New York hay kinh đô điện ảnh Hollywood. Khi tôi nói với bạn bè của mình rằng, tôi sẽ đi Mỹ làm việc, ai cũng nghĩ tôi sẽ đến một thành phố lớn nào đó. Thực tế, nơi tôi đến đầu tiên là một thành phố rất nhỏ ở một vùng xa xôi hẻo lánh ở khu tây bắc nước Mỹ. Thành phố này có khoảng 30 nghìn dân, gần một nửa số dân là sinh viên của trường đại học nơi tôi đến làm việc. Khu vực xung quanh thành phố này hầu như là đồng ruộng. Nếu nhìn từ trên cao xuống vào mùa hè, thành phố tôi ở chỉ là một chấm đỏ trong một vùng rộng lớn phủ đầy màu xanh.
Tôi đến trường đại học đó để làm nghiên cứu, nên điều quan trọng nhất đối với tôi lúc đó là điều kiện nghiên cứu. Tôi không quan tâm lắm đến việc liệu tôi có ở thành phố lớn hay không. Bây giờ tôi đã chuyển đi nơi khác, nhưng khoảng thời gian ở một thành phố nhỏ, ở một vùng hẻo lánh của nước Mỹ đã cho tôi những trải nghiệm cực kỳ hữu ích. Tôi được nhìn nước Mỹ từ một góc nhìn rất khác so với hầu hết những người xung quanh.
Những gì tôi được nghe về nước Mỹ trước đó là thế giới của tiêu dùng, giải trí. Vì thế, khi tôi đặt chân đến thành phố này, tôi cực kỳ ngạc nhiên. Trung tâm của thành phố này rất nhỏ, nó nhỏ như thị trấn ở huyện quê tôi. Tôi cũng không thấy cảnh mọi người mua sắm tấp nập gì cả, các hoạt động mua bán ở trung tâm thành phố cũng chậm rãi diễn ra như những gì tôi thấy ở quê, ở Việt Nam. Nhiều khi tôi không tin là tôi đang ở nước Mỹ. Ngay cạnh trung tâm của thành phố, một trung tâm rất nhỏ, tôi thấy một tòa nhà rất to, rất rộng. Bản tính là một người tò mò, tôi đến xem nó là gì. Và tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy đó là tòa nhà của Thư viện công cộng của thành phố. Tôi được tự do vào cửa, mở thẻ thư viện miễn phí và mượn sách được cả một tháng không phải trả tiền, mặc dù tôi không phải người Mỹ, khi đó tôi chỉ mới đến Mỹ được một tuần.
Khuôn viên thư viện rất rộng, nó rộng hơn tất cả thư viện đại học của tôi ở Việt Nam. Trong thư viện có chia các khu riêng biệt cho các lứa tuổi đến chơi và đọc sách. Khi ở Việt Nam, nói đến thư viện là nói đến sách và chỉ có người biết đọc sách thì mới đến thư viện. Thư viện ở đây được thiết kế rất khác. Trẻ con từ 1 tuổi là có thể bắt đầu đến thư viện cùng bố mẹ được. Trong thư viện có khu dành riêng cho trẻ em dưới 5 tuổi. Khu vực này sẽ có thảm, thú bông, sách tranh, đồ chơi xếp hình, tàu hỏa… dành cho trẻ em chơi. Có rất nhiều sách tranh để bố mẹ có thể đọc sách cho con ngay tại thư viện hay mượn về nhà. Trong khu vực này thậm chí còn có sách về nuôi dạy con, được xếp ở những chỗ dễ nhìn cho bố mẹ lựa chọn trong khi chơi cùng con. Thư viện còn được chia các khu khác dành cho các lứa tuổi lớn hơn, với những đầu sách được lựa chọn đúng cho từng lứa tuổi đấy. Tôi cực kỳ bất ngờ về trải nghiệm này và tôi có tìm hiểu xem làm sao mà nước Mỹ có thể có một hệ thống thư viện công cộng tốt, đến một thành phố nhỏ ở một vùng hẻo lánh xa xôi của nước Mỹ mà cũng có một thư viện như vậy.
Cách đây hơn 100 năm, ông Andrew Carnegie – một tỷ phú thời đó của nước Mỹ đã dành hầu hết tiền bạc của mình để xây 1.689 thư viện ở khắp nước Mỹ. Ông tin rằng, thư viện công cộng miễn phí sẽ giúp những người nghèo có thể tiếp cận được tri thức. Những người nghèo có thể cải thiện cuộc sống của họ khi họ có kiến thức. Kể từ đó, hệ thống thư viện công cộng của nước Mỹ ngày một phát triển và mở rộng đến khắp đất nước.
Từ nước Mỹ tôi lại nghĩ đến Việt Nam, nghĩ đến các thư viện ở Việt Nam mà tôi từng đến. Làm sao để trẻ em Việt Nam có cơ hội được tiếp cận tri thức sớm và đầy đủ như trẻ em ở Mỹ? Nếu chúng ta thành công trong việc giúp thế hệ trẻ có nhiều kiến thức, tôi tin chắc rằng tương lai của đất nước Việt Nam sẽ hoàn toàn tươi sáng. Và tôi lại nghĩ chúng ta có thể làm gì để tạo ra một hệ thống thư viện tốt cho trẻ em?
Có một cơ duyên cho tôi là người Nghệ An, là người yêu bóng đá Nghệ An và bài báo này tôi cũng chỉ viết cho Báo Nghệ An. Tôi nghĩ ngay đến hệ thống đào tạo trẻ của Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An. Người Nghệ An đã nghĩ ra mô hình đào tạo trẻ bóng đá mà mạng lưới phủ đến tuyến huyện, xã để phát hiện nhân tài. Tôi nghĩ rằng, nếu Nghệ An áp dụng mô hình phát triển mạng lưới thư viện công cộng như họ đã từng làm với bóng đá trẻ, tương lai của trẻ em Nghệ An sẽ tốt hơn rất nhiều. Mỗi huyện của Nghệ An sẽ có vài thư viện công cộng và tất cả hệ thống thư viện công cộng tuyến huyện được điều hành bởi thư viện tỉnh, như vậy, tất cả trẻ em Nghệ An từ một tuổi sẽ được tiếp cận được tri thức từ nhỏ. Việc đến thư viện từ nhỏ sẽ định hướng cho mỗi cá nhân kỹ năng tiếp cận tri thức cả cuộc đời.
Mơ ước lớn nhất của tôi là trở thành triệu phú hay tỷ phú để làm được việc như ông Andrew Carnegie đã làm. Tuy nhiên, khả năng tôi trở thành triệu phú hay tỷ phú rất thấp, ước mơ còn lại là mong cho tỉnh Nghệ An nói riêng hay Việt Nam nói chung có một hệ thống thư viện công cộng tốt để cho tất cả trẻ em Việt Nam được tiếp cận tri thức dễ dàng hơn.