Dĩ nhiên, tiêu đề trên không liên quan đến tập cuối bộ phim Việt Nam trứ danh hồi cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước “Biệt động Sài Gòn”. Mà ở đây, là băn khoăn việc “thay tên, đổi họ” bản cổ Mường Đán của xã biên giới Hạnh Dịch, huyện miền núi Quế Phong.
Số là trong chuyến công tác cuối tháng 4 tại Quế Phong, chúng tôi có ghé thăm thác nước trứ danh Bảy Tầng và vùng rừng kỳ vĩ của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Đã vài lần đến đây, biết đường vào sẽ đi qua bản Mường Đán của đồng bào Thái, với hàng trăm ngôi nhà sàn mái lợp gỗ sa mu thâm u thời gian. Nhưng khi đến vị trí này, ai cũng đã phải bất ngờ, thể như đã có nhầm lẫn. Bởi danh xưng Mường Đán không thấy, thay vào đó, là cái tên từa tựa miền xuôi: Long Thắng. Hỏi thăm dân bản thì được trả lời, chúng tôi đã đến đúng địa chỉ. Có điều, sau khi sáp nhập thôn bản, địa giới hành chính, Mường Đán đã được đổi thành Long Thắng.
Mường Đán – Long Thắng từ vài năm nay đã và đang có những bước dịch chuyển để trở thành bản du lịch cộng đồng. Lần trở lại này, thấy thêm nhiều đổi thay đáng mừng. Bản vẫn giữ được vẻ thâm u cổ kính, nhưng mọi thứ trở nên ngăn nắp, thể hiện ý thức của người dân đã chuyển đổi. Rõ nhất, có lẽ là trên các tuyến đường nội bản, rất sạch. Trên những con đường ấy, đã có vài homestay phục vụ nhu cầu khách du lịch. Vào thác Bảy Tầng, ở hai bên triền núi thoải, có đến vài chục ngôi nhà sàn tre, lợp cọ xinh xắn, thân thiện môi trường. Chủ nhân của những nhà sàn tre ấy, là các hộ dân trong vùng gồm đủ lứa tuổi, thân thiện và niềm nở. Vui nhất, là có khá đông khách thăm thú. Thời điểm chúng tôi đến, tính cả trên các âu nước của thác và trong các ngôi nhà sàn, có khoảng trên 200 người. Theo biển hiệu của 13 chiếc xe ô tô đậu tại bãi dẫn vào thác, thì khách đến từ nhiều nơi, trong đó có cả khách xứ Bắc…
Nhưng dù có vui với sự đổi thay của cảnh vật nơi này, vẫn không hết băn khoăn khi tên gọi Mường Đán đã bị thay thế. Nhất là khi dừng tại các homestay, thấy rõ các hộ dân luyến nhớ tên gọi cũ. Như tại homestay Lâm Khang, địa chỉ vẫn đề: “Bản Mường Đán (Long Thắng) – xã Hạnh Dịch – Quế Phong – Nghệ An”.
Quế Phong – vùng đất biên giới được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Sao Va, thác Bảy Tầng, Khu BTTN Pù Hoạt với quần thể cây di sản sa mu dầu kỳ vỹ… Bởi vậy, để phát triển kinh tế, những năm qua huyện Quế Phong hướng đến khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Nhưng Quế Phong, là vùng đất có số đông đồng bào các dân tộc Thái, Khơ mú, Mông sinh sống. Danh xưng của mỗi vùng đất, từng khu vực dân cư nơi biên giới, là lịch sử, là văn hóa có sự gắn kết bền chặt với đồng bào. Việc thay đổi danh xưng của bất kỳ một vùng đất nào, nếu không có sự cân nhắc, lựa chọn phù hợp, đều có thể gây ảnh hưởng, làm mai một văn hóa, lịch sử.
Riêng với Mường Đán, là một trong số ít những bản làng của huyện Quế Phong còn lưu giữ vẹn nguyên những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái. Để giúp huyện Quế Phong phát triển du lịch, những năm qua, nhiều địa danh của vùng biên viễn này, trong đó có bản Thái cổ Mường Đán, được báo chí nhắc đến rất nhiều. Hơn nữa, khách du lịch khi đến một vùng đất mới, đều luôn mong tìm hiểu về lịch sử – văn hóa cùng đời sống của người dân. Tên gọi Mường Đán, thực sự có sức hấp dẫn riêng và khơi gợi được trí tò mò trong mỗi khách du lịch. Bởi vậy, để vùng đất này thực sự trở thành điểm đến của khách du lịch, nên có cách giữ lại, và làm tỏa rạng danh xưng Mường Đán!