Tiền

“Đành rằng quan trướng có danh
Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai
Ban khen rằng ấy mới tài
Ban cho cái áo với hai đồng tiền
Đánh giặc thì chạy trước tiên
Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra…”

Như một thói quen cửa miệng, chả nhớ bắt đầu từ bao giờ nhưng đúng là ngày nào cũng như ngày nào, đứa cháu họ mà nhà tôi gọi là bé Mít cứ vừa nhảy lò cò vừa leo lẻo đọc mấy câu ca dao trên. Chuyện cũng chả có gì để phải phí tổn thời gian của bạn đọc nếu như sáng nay Mít không bỗng nhiên nổi hứng “đánh thẳng vào trung lộ” của tôi bằng bộ câu hỏi, “Chú ơi sao đã có “hai đồng tiền” rồi lại còn xông vào “trận tiền” làm gì nữa?” Chưa kịp trấn tĩnh trước tình huống hỏi xoáy oái ăm thì con bé đá bồi, “Giữa “hai đồng tiền” và một “trận tiền” thì cái nào nhiều tiền hơn ạ?”. Cháu ơi là cháu, mỗi chữ tiền ở trên mang một ý nghĩa khác nhau, nhưng khác như thế nào thì từ từ cho chú thở cái đã.

Trong lúc tạm khất nhiệm vụ giảng giải khó nhằn cho cô cháu họ đáo để, tác giả đành xin phép được tranh thủ tản mạn với bạn đọc vài suy nghĩ thiển cận xung quanh chữ “tiền” vậy. Theo Hán Việt, tiền nghĩa là phía trước, còn theo nghĩa thuần Việt, tiền là danh từ chỉ một phương tiện phổ biến dùng để làm đơn vị ngang giá trong thanh toán. Quan niệm về giá trị về ý nghĩa của đồng tiền không hẳn ai cũng như ai. Tiền là phương tiện hay tiền là mục đích? Tiền là gì mà con người đổ xô bán thời gian để kiếm tiền rồi lại dùng tiền để giết thời gian? Tiền có tội vạ gì mà người ta lại nói “Tiền là tệ”, “tiền là bạc”? Tiền là gì mà làm cho ai đó phải hoảng loạn thốt lên “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” Tiền là gì mà khi sai bét nhè có kẻ vẫn trương gân đổ vấy cho hai chữ… tiền lệ?

Mấy ngày vừa qua, sau khi báo chí giật tít bằng một phát ngôn của người đẹp về mối quan hệ với vị hôn thê mới rằng “Anh ấy đến với tôi chỉ hai bàn tay trắng” đã làm cư dân mạng dậy sóng. Không dậy sóng sao được khi người phát ngôn là một ca sĩ xinh đẹp lại từng là “Hoa hậu doanh nhân quý bà” rồi “Nữ hoàng kim cương”, và ông xã không ai khác chính là một quan chức cấp cao trong Bộ Tài chính. Người ta ồn ào và thậm chí không ít kẻ ác khẩu mỉa mai như thể cụm từ “tay trắng” là bản quyền của người nghèo đang bị dùng ké vậy. Thiết nghĩ không việc gì phải chia buồn với cô nữ doanh nhân xinh đẹp ấy nếu chữ hai “tay trắng” mà cô vừa nói là sự lên tiếng của lòng thành. Không là thứ cảm xúc xa xỉ đến mức vung vãi, nếu không tự hào thì chả việc gì phải buồn. Một vị thứ trưởng, lại là thứ trưởng một bộ rất “số má” mà “tay trắng” thì quý hóa quá gì bằng. Rất dễ hiểu, anh là một người trong sạch. Khẳng định “tay trắng” không khác nhiều với một tuyên bố rằng anh không tham ô, không tham nhũng, không lợi dụng chức vụ để trục lợi. Xin lỗi những người đang bia gạch đá về phía số ít, các bạn đã tìm hiểu chưa, hay vẫn “thà ném trật còn hơn bỏ sót” như mọi lần? Tại sao chúng ta không chậm lại để kịp nghe một lời xem nó đến từ đâu, tay hay não? Trái tim hay lý trí? Nếu quả thực anh ấy “tay trắng” thì sao, quý gấp vạn, thậm chí triệu lần anh ấy nhiều tiền chứ nhỉ! Anh có tài, tất nhiên rồi. Anh lại trong sáng nữa thì tương lai của anh còn rộng mở lắm. Điều đó là hồng phúc, đừng buồn, đừng mỉa mai hay nói theo ngôn ngữ cộng đồng nhà mạng là đừng GATO mà hãy mở lòng chúc mừng chị ấy. Chúng ta hãy giả định tình huống ngược lại, anh không “tay trắng” tức là anh cũng có biệt phủ này biệt phủ khác, dự án này dự án kia, sân sau “sân siếc”, rồi anh cũng phân bua kiểu như anh cũng “buôn chổi đót” “chạy xe ôm” thì than ôi, chia buồn với chị. Phía trước tất nhiên là bầu trời nhưng sẽ là bầu trời u ám, và không loại trừ một chiếc miệng lò cùng lời tuyên bố đanh thép “không có vùng cấm” đang đón chờ.

“Anh ấy tay trắng” một lời khẳng định chứ không phải một lời thở than. Quá tuyệt vời, nếu anh ấy “tay trắng” tại sao chúng ta không thắp chút niềm vui cùng hạnh phúc của chị, của gia đình anh chị, cùng tương lai viên mãn mà họ có quyền hướng đến. Ở góc độ nào đó, việc anh ấy “tay trắng” cũng là may mắn là niềm vui, niềm hy vọng cho cộng đồng xã hội, anh ấy là công bộc của dân cơ mà. Vậy hãy thửa đặt câu hỏi, tại sao người ta lại giãy nảy lên sau phát biểu của chị? Thưa, đó là vì lòng tin. Trong tiềm thức được hình thành trên nền tảng thống trị của ngờ vực, một bộ phận mặc định ý nghĩ đã là “quan” thì không được quyền… tay trắng! Cái buồn là lòng tin – giá trị căn bản nhất của con người với con người có lúc, có nơi bị đẩy lùi về điểm số 0 của đồ thị. Không chỉ buồn cho cô ca sĩ xinh đẹp vừa nêu mà buồn cho một bộ phận trong xã hội. Khi người ta nghi ngờ tất cả thì có lý do gì để người ta tin lời chị nói. Đó không chỉ là điều đáng buồn, đó thực sự là điều đáng sợ. Tiền quá quan trọng, nhưng thiếu tiền chưa phải là vận hạn cuối cùng, còn thiếu lòng tin ư, chúng ta sẽ “trắng tay”. Từ đáy lòng mình tôi trân trọng phát biểu không né tránh của chị. Chị đã dùng cách trực diện nhất để “chiến” với những quan điểm dùng dằng bất mãn. Cảm ơn chị, tiền không là tất cả, “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn” là một phát biểu dị trí, tầm phào, siêu thực dụng, trơ trẽn.

Hám tiền có khi chúng ta sẽ gặp phải sự điên dại của nó. Vụ đánh bạc của Phan Sào Nam cùng nhóm bảo kê: khi khám xét tại Quảng Ninh, chiếc ô tô 7 chỗ của cơ quan tố tụng đã không thể chở hết mà phải thuê xe tải để di chuyển tiền. Tại TP.HCM, Cơ quan điều tra cũng đã phải dùng máy đếm từ 10 giờ đêm đến 4h30 phút sáng mới hết, lực lượng điều tra đã phải dùng đến 4 ô tô tải chuyển tang vật. Tiền đấy, chỉ nghe thôi cũng rùng mình.

“Tiền không mua cho bạn được hạnh phúc, nhưng nó làm cho sự nghèo khổ dễ chịu hơn”.Biết vậy, nhưng có không ít những kẻ coi tiền bạc là trên hết. Bao kẻ sẵn sàng từ bỏ tất cả, thậm chí tàn ác để có tiền. “Nhà ngoại cảm” lấy xương động vật giả hài cốt để lừa đảo thân nhân liệt sĩ, vì tiền! Giết mẹ đẻ cho vào lu nước, cũng tiền. Cò mồi dắt bà bầu mang bào thai ra nước ngoài bán cũng vì tiền. Tiền làm kẻ khó bần hàn, tiền làm kẻ ác dã man, tiền làm cho người ta siêng năng nhưng tiền cũng làm cho người ta lười biếng. Có kẻ chỉ khi tiêu tiền âm phủ mới hết nghĩ đến chiếm đoạt tiền!

Mấy ngày nay cư dân mạng được phen nhăn da trán khi phu nhân của một Bộ trưởng “quẹt” thẻ VIP của ông xã để điều xe biển 80 vào chân cầu thang máy bay đón cho… oai! Theo như những phân bua rất văn học của người trong cuộc thì đây là “tai nạn”. Đại ý là bộ phận văn phòng thương chị nhà suốt năm chăm chồng vất vả nên lén sếp làm công văn để đưa xe vào sân bay đón “hậu phương lớn”. Sai đúng đã hai năm rõ mười. Sếp đã có văn bản xin lỗi công khai. Tuy nhiên  chưa thấy “trị” bộ phận văn phòng vì tội nhầm lẫn xe công với đĩa xôi làng. Vụ này liên quan gì đến vật chất, chỉ đơn thuần là cách thể hiện tình cảm thông qua một hệ quy chiếu văn hóa… nịnh! Cư dân nhà mạng đoán già đoán non rằng ai dám “qua mặt” sếp, nhất là việc chạm đến “chị nhà”. Tỉnh cảm, nó chả liên quan đến tiền, nhưng nó cũng chả cần tiền trảm hậu tấu! Làm quan khổ thế đấy, mình trong sạch, mình liêm khiết, chưa đủ. Xung quanh mỗi vị quan là anh em, là gia đình, thậm chí là cả thư ký riêng, nhất cử nhất động của họ đều không nằm ngoài sự giám sát khắt khe của “trận tiền” dư luận. “Đành rằng quan trướng có danh/ Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai”./.