Kí ức tôi mờ nhạt. Đó là lỗi tại trí nhớ của tôi có lẽ hơi kém, khó có thể nhớ những chuyện xảy ra với mình trước 5 tuổi. 6 tuổi mẹ đã dạy tôi nấu cơm và trở thành “đầu bếp” chính trong nhà vì mẹ bận công việc. Những câu hát lũ trẻ trong nhà tôi vẫn hát: “Cơm con ăn, tay mẹ nấu, nước con uống, tay mẹ đun…” không quá nhiều ấn tượng với tôi như với rất nhiều cô cậu bé khác.
Mọi người sẽ thấy rất buồn cười khi tôi nhắc rằng tôi thương bàn tay mẹ bắt đầu từ mỗi tối tuốt… trứng chí trên đầu tôi. Thuở nhỏ, những năm 80, con nít thường lê la bãi cát, lùm cây, đầu chụm hết vào nhau. Các ông bố bà mẹ lại bận rộn mưu sinh vất vả không chăm sóc vệ sinh kĩ lưỡng nên đa số đều có cả tổ chí trên đầu. Những con chí nhỏ xíu nhưng cắn ngứa điên đầu. Trước khi đi ngủ mẹ thường dùng lược bí chải thật sạch. Lược bí có thể cào hết lũ chí to nhưng sót lại chí mén và trứng chí. Vì thế mẹ chưa yên tâm, khi đi ngủ còn lọ mọ rờ rẫm trên đầu tôi để lần tìm tuốt từng cái trứng chí. Thông thường, khi tôi chìm vào giấc ngủ vẫn còn lơ mơ thấy mẹ đang đưa tay luồn trong tóc rối rất dễ chịu. Tôi luôn cảm thấy an tâm tuyệt đối vì có mẹ kề bên.
Thật nhiều đêm sau này khi đi học xa nhà, lấy chồng xa nhà, và thậm chí cả khi mẹ đã mãi mãi đi xa, những đêm khó ngủ tôi vẫn thèm cảm giác bàn tay mẹ tôi luồn trong mái tóc râu ngô cũn cỡn của mình. Cảm giác dễ chịu từ bàn tay mẹ lấn lướt tất cả mọi cảm giác khác dẫn con vào một vùng bình yên với những giấc mơ an lành thật đẹp.
Khi tôi có con trai, không hiểu vì lí do gì đó mà hầu như tôi không vuốt tóc xoa đầu dẫn con vào giấc ngủ như cách mẹ tôi đã từng. Tóc con trai thì ngắn – tóc con gái thì dài – tôi nghĩ đó không phải là lí do chính. Khi có con gái, tôi vẫn có thói quen vuốt ngược những lọn tóc mai trên vầng trán “bướng” hơi dồ lên của cô nhỏ. Để cái cảm giác những lọn tóc bịn rịn trong kẽ tay mình, thi thoảng níu vướng tay mình lại, như níu về những yêu thương với mẹ ngày xưa. Hình như mẹ và con gái luôn có một tình yêu khó cắt nghĩa, từ những điều rất đỗi nhỏ bé như thế.
Mẹ tôi rất giỏi về bấm huyệt, xoa bóp dù bà chỉ là một người phụ nữ nhiều năm lao động chân tay. Mẹ dặn tôi mua và sưu tầm những cuốn sách dạy bấm huyệt phổ thông để tìm hiểu và giúp bất cứ ai khi họ nhức mỏi. Những tháng mẹ tôi nằm trong bệnh viện, có khi quá tải, hai – ba người nằm chung một giường nên hầu hết các bệnh nhân đều thêm phần mỏi mệt. Mẹ con tôi thuê một phòng khách kề bên bệnh viện để nghỉ ngơi cho thoải mái về đêm, qua ngày lại vào phòng bệnh tiêm truyền thuốc.
Không có gì đáng kể ngoài những giờ tiêm truyền không thể vận động tay chân bình thường thì mẹ lại ngồi xoa bóp cho những bệnh nhân xung quanh. Những bà, những cô bệnh nhân phần nhiều không bệnh nặng bằng mẹ nhưng ra sức kêu nhức nơi này mỏi nơi kia để được xoa bóp miễn phí. Mẹ vui vẻ tự nguyện làm việc ấy đều đặn hơn cả những bữa cơm của mẹ khiến có lúc tôi nóng ruột cằn nhằn: “Mẹ ơi, chi mà cực vậy. Mẹ nghỉ ngơi đi chứ. Mẹ xem bệnh người ta còn không nặng bằng mẹ đâu”…
Mẹ tôi cười: “Tay mẹ làm lụng quen rồi, giờ để thừa thãi ra cả ngày buồn lắm. Làm cho vui mà lại giúp được người ta, càng vui hơn”. Dù không một chút thoải mái nhưng tôi không thể có lí lẽ nào khác để ngăn mẹ. Bà phân bua: “Con xem, mẹ con mình còn có điều kiện ra nhà nghỉ nghỉ ngơi mỗi đêm, những bà ấy ở chen chúc nhau cả ngày lẫn đêm trên những chiếc giường hẹp, mỏi mệt, tội nghiệp lắm”… Mẹ luôn vậy, bà thường nghĩ cho người khác và luôn dạy con mình hãy biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác để thương và chia sẻ.
Bàn tay ấy những ngày tháng cuối đời ngày một vàng hơn vì căn bệnh u đường mật quái ác. Bàn tay vẫn khô ráp chai sần dù mỗi ngày chuyền hơn chục chai đạm, thuốc, nước biển. Đó là thời gian tôi nắm bàn tay mẹ nhiều nhất. Nắm chút hơi ấm ngày một tàn, một yếu theo từng tuần, từng ngày… và xót xa thương mình sẽ không bao giờ còn được nắm tay mẹ nữa…
Mẹ chồng tôi vốn là giáo viên tiểu học, bàn tay chỉ cầm phấn và làm việc nhà, về hưu mở thêm quán tạp hóa nho nhỏ trước nhà nên bàn tay rất ấm và mềm.
Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất về bàn tay bà là những vết hằn đỏ mỗi khi bà đi tàu vào xách theo lỉnh kỉnh quà quê từ bó rau, quả trứng từ quê đến phố cho con cháu. Dù con cháu ra đón tận ga nhưng tính cẩn thận, dọc đường đi bà vẫn nâng lên hạ xuống kiểm tra có vỡ trứng hay hỏng hóc thứ gì không. Và vì thế bàn tay mẹ vẫn thường có một vết hằn mờ mờ mỗi khi tôi gặp.
Lại có lần tôi sinh em bé, mẹ gặp tôi với bàn tay vẫn còn thơm mùi… rượu bách nhật. Khi tôi hít hà mùi thơm từ bàn tay, bà lý giải, tại đợt này rét, rượu lâu ngấu, mẹ phải bóp cho nhuyễn đấy. Con gái hay con dâu sinh con bà đều tự tay làm một hũ rượu bách nhật để uống cho lưu thông máu huyết, nhanh khỏe mạnh hơn. Tôi không biết uống bia rượu, hầu hết chưa bao giờ thấy bia rượu ngon ngoại trừ “món” rượu bách nhật thơm ngọt mùi nếp cẩm mà mẹ chồng làm. Mỗi khi nhớ tới bà tôi vẫn thường nghĩ tới mùi thơm ngọt ngào nồng nàn ấy.
“Bàn tay ta làm nên tất cả” là câu thơ của thi sĩ Hoàng Trung Thông mà rất nhiều người biết. Có những điều tưởng thật nhỏ trong “tất cả” mà người mẹ làm nhưng lại có hơi ấm bền bỉ để mang theo suốt đời con gái. Và với tôi, nếu nghĩ đến điều gì đẹp nhất với một người phụ nữ, sẽ không phải là “hàm răng mái tóc là gốc con người”, cũng không phải là mắt là môi, mà sẽ là bàn tay, với tất cả ân tình nồng đượm được những nâng niu vun xới từ đó…