Bạo lực học đường, trách nhiệm thuộc về ai?

Là người yếu tim thì có lẽ lời khuyên thiết thực nhất lúc này là đừng dại dột mà lên mạng gõ từ khóa “nữ sinh bị lột đồ”! 22.600.000 là kết quả hoàn toàn có thể gây choáng cho những ai chưa kịp quen với những cú sốc liên quan đến bạo lực. Không phải thời trung cổ, cũng không hề là một xã hội sơ khai hoang dã nào đó vừa được phát hiện mà chính ngay tại môi trường giáo dục của thế kỷ hai mươi mốt, nơi vẫn nhộn nhịp những câu khẩu hiệu như: “Kỷ cương – tình thương – trách nhiệm”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Tiên học lễ hậu học văn”… Vâng, chính nơi ấy lòng tin về sự an toàn đang bị phụ bạc, tâm trạng bàng hoàng vẫn hiện diện và bủa vây bản năng sợ hãi của con người.

Bàng hoàng, không thể tưởng tượng nổi và khó để hiểu hết điều gì đang xảy ra đối với bạo lực học đường. Nếu có một tổng kết nhanh về đặc điểm nổi bật thì: Một, xảy ra liên tục; Hai, nạn nhân và thủ phạm đều là nữ sinh; Ba, phạm tội hội đồng; Bốn, man rợ; Và năm là công khai chiến tích bằng cách “tung” lên mạng. Người ta lo sợ bởi mọi lý giải vẫn không đủ tin cậy để gửi gắm vào đó một hy vọng an lành. Tại sao học trò được dạy dỗ rất kỹ lưỡng về đạo đức, có hẳn cả bộ môn giáo dục công dân, ngày ngày được đọc 5 điều Bác Hồ dạy mà lại có thể ra tay tàn ác với đồng loại như vậy?

Một sự lệch chuẩn đạo đức, bệnh hoạn thậm chí quái đản là quá rõ ràng, quá nghiêm trọng, nghiêm trọng đến mức báo động đỏ. Người viết bài này đã không đủ sức khỏe tâm thần để xem hết clip “Nữ sinh Hưng Yên đánh lột đồ bạn giữa lớp”. Nó vượt xa khả năng hình dung, cảm giác như sự hung hãn là bất tận. Tiếng kêu la rùng rợn, tiếng van xin thảm thiết và cả tiếng hò hét hưởng ứng cuồng nhiệt của đám đồng phạm. Với em nữ sinh Hưng Yên thì đây không phải là lần chịu trận thứ nhất và đối với bạo lực học đường thì đây không phải là vụ việc kinh hoàng đầu tiên. Rất rất nhiều các vụ việc trước đó đã lần lượt xuất hiện. Cách đây mấy năm nữ sinh Lê Thị Hà Trang học sinh lớp 9B Trường THCS Đồng Tâm, Mỹ Đức (Hà Nội) đã dùng dao đâm chết nữ sinh Phạm Thị Ngọc ngay tại sân trường. Năm 2017, hai nữ sinh lớp 8 Trường THCS Tân Việt, huyện Bình Giang (Hải Dương) đánh ghen nhau và lột đồ ngay giữa lớp học cũng được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ. Hàng trăm vụ việc khác và không loại trừ nhiều vụ bị ém nhẹm. Nguyên nhân từ đâu, mâu thuẫn giữa học sinh với học sinh hay mâu thuẫn trong chính mỗi học sinh? Liệu có hay không mâu thuẫn giữa mục đích giáo dục và phương pháp giáo dục? Bệnh thành tích có phải là một phần của tội đồ? Soi lại nguyên nhân trực tiếp của các vụ việc thì quả là quá lãng nhách! Đánh nhau vì “nhìn đểu”, đánh nhau vì ăn mặc chảnh, đánh nhau vì cướp “chồng”. Cá biệt vụ Hưng Yên thì tra tấn dã man vì tội “tày đình” là… không đội mũ Ca Nô! Chưa hết, ngay trong lúc vụ việc Hưng Yên còn dư chấn thì tại huyện Diễn Châu một nữ sinh lớp 7 lại bị đày đọa vì liên quan đến vấn đề mà người lớn nghe cũng toát cả mồ hôi hột – tin đồn có thai!

Những vụ việc đổ về dồn dập, trong lúc động thái nhằm giải quyết vấn đề thì vẫn quen thuộc theo một tiết tấu không thể đều đặn hơn: “Yêu cầu báo cáo vụ việc trước ngày…”, “Sẽ xử lý nghiêm”, “cách chức Ban giám hiệu”, “Đồng chí X đã về tận bệnh viện thăm hỏi nạn nhân”… đại ý thế!  Cảm giác như một căn bệnh mãn tính mà được chữa trị bằng cách bôi thuốc giảm đau. Trách nhiệm đang được “chia” cho ngành giáo dục, mọi chỉ trích cũng mặc định chĩa mũi về hướng ấy. Giáo dục “chịu tội” khi hàng loạt bê bối giáo viên tác động trực tiếp và thô bạo vào tâm sinh lý học trò, điều ấy là không thể chối cãi. Một mô hình giáo dục với áp lực thi cử, áp lực thành tích đi cùng với đó và phương pháp tiếp cận lạc hậu so với sự phát triển bứt tốc của môi trường bên ngoài thì đương nhiên sự tổn thương là khó tránh khỏi. Nhưng đạo đức của trẻ vị thành niên mà khoán trắng cho giáo dục có phải là một đòi hỏi vừa quá sức vừa quá bất công? Một xã hội mà ai cũng tìm cách nhét thật nhiều chữ vào đầu học sinh, coi đó như một chỉ số thành công bỏ mặc những kỹ năng khác của người học thì liệu phải chăng chỉ là lỗi của ngành giáo dục?

Những ngày qua, báo chí và các trang mạng đưa tin về hiện tượng mấy trùm giang hồ được tung hô đón tiếp như sao hạng A ở chỗ này chỗ kia. Quá lệch lạc, đừng nói những điều ấy vô can trong việc hình thành nhân cách của lứa tuổi học đường. Học sinh cần được lớn lên trong một môi trường giáo dục lành mạnh, nhưng giáo dục cũng cần được lớn lên trong một môi trường xã hội văn minh. Đừng đứng ngoài giáo dục để quản lý giáo dục, cũng đừng đứng trên giáo dục để chỉ trích giáo dục. Bạo lực học đường đến từ đâu thì cũng phải gỡ từ đó, con trẻ hư thì người lớn không ai vô can cả./.