Từ thời xa xưa cư dân Bách Việt đã có nghi lễ thờ cúng Tam Quang.
Lễ thờ cúng Tam Quang tức là nghi lễ thờ cúng các vị thần ánh sáng: Mặt trời, Mặt trăng và các vì sao.
Lễ cúng mặt trời, tức là lế tế trời, cũng gọi là lễ tế giao. Lễ tế giao được cử hành ở đàn Nam Giao, do nhà vua đứng ra làm chủ tế. Mặt trời mọc ở hướng Đông. Theo sách Kinh Dịch, trong phần nói về ngũ hành, phương hướng thì hướng đông thuộc mùa Xuân, hành mộc. Do vậy mà lễ tế trời phải cử hành vào mùa Xuân.
Mặt trời thuộc dương, mặt trăng thuộc âm. Âm dương đối nghịch, mặt trời ở Đông thì mặt trăng ở Tây. Hướng Tây thuộc mùa thu, hành kim. Cho nên, lễ cúng trăng phải cúng vào mùa thu. Lễ tế trời do nhà vua đích thân đảm nhận, vì vua là “ thiên tử”, là con trời. Lễ cúng trăng thì tất thảy mọi nhà dân đều cúng.
Lễ cúng trăng tức là lễ thờ cúng các vị thần trị vì trên mặt trăng. Vậy, trên mặt trăng có những vị thần nào?
Đây là vấn đề thuộc quan niệm thần linh. Nhưng nó cũng có tiến trình lịch sử của nó. Xin ghi lại sau đây, những quan niệm chính:
Sách “Sơn Hải Kinh” và sách “Đại Hoàng Tây Kinh” thì coi Thường Hy (vợ của Đế Tuấn) là thần cai quản mặt trăng.
Sách “Vạn vật” và sách “Hán Thư” thì viết: “Thần Nữ Oa là vị thần đã tạo ra con người và mang trách nhiệm cai quản mặt trăng”.
Sách “Quy Tàng” lại nói : “Thời xưa Hằng Nga lấy trộm viên thuốc bất tử của Tây Vương Mẫu uống, sau đó chạy thẳng về mặt trăng làm Nguyệt Tinh”.
Các quan niệm cổ truyền, có ghi chép trong các sử sách ấy, rất khác nhau, nhưng vẫn chung nhau ở một điểm: Thần mặt trăng là các Nữ thần.
Tuy rằng, nói theo sách vở thì các vị thần trị vì trên mặt trăng cũng đa dạng, phong phú và phức tạp như vậy, song, quan niệm chung của người Việt Nam là trên mặt trăng chỉ có chị Hằng, một người “chị” thân thương, hiền dịu, xinh đẹp, gần gũi với mọi người, rất ít có tính cách thần thánh. Điều đặc biệt hơn là trên mặt trăng còn có chú Cuội – Một nhân vật rất người, rất dân dã do trí tưởng tượng của người Việt sáng tạo ra.
Chuyện kể rằng: Chú Cuội đi chăn trâu, nằm ngủ dưới gốc cây đa giữ đồng. Trong giấc ngủ chú mơ thấy các lá đa vỗ cánh, cây đa xoay mình rồi bay lên trời. Chú Cuội hoảng hốt, vội nắm lấy rễ của cây đa. Cây đa cứ thế bay thẳng lên trời, mang theo chú Cuội. Sau đó cả cây đa và chú Cuội được đặt xuống mặt trăng. Hết mơ, tỉnh lại, chú Cuội đã thấy mình đang ngồi ở dưới gốc đa trên mặt trăng. Ngó xuống cánh đồng làng thì thấy cánh đồng lúa lên xanh biếc, tưởng đó là bầu trời và chú thấy cha mình đang cuốc cỏ ở trên trời. Lại thấy con trâu của mình đang ăn lúa ở trên cánh đồng ấy, thấy mẹ mình cưỡi ngựa đi báo cho quan viên biết về việc mất con, mất trâu.
“Chú Cuội nằm mát cây đa
Để trâu ăn lúa van cha ời ời
Cha mi cuốc cỏ trên trời
Mẹ mi cưỡi ngựa đi mời quan viên…”
Chuyện chú Cuội thật thơ mộng. Sau câu chuyện này, mặt trăng là nơi thật gần gũi, thật thân thương, thật ấm áp, mặt trăng không xa lạ gì trong tình cảm trìu mến của nhân dân. Chú Cuội là người thường, là cậu bé chăn trâu chứ không phải thần thánh. Nhưng đồng thời chú Cuội cũng là thần thánh mới bay được lên trời và mới có thể sống trường sinh bất tử mãi mãi trên mặt trăng. Hình tượng chú Cuội là một sáng tạo tuyệt vời trong trí tưởng tượng của người dân nước Việt.
Vậy là, trên mặt trăng, có các nữ thần: Thường Hy, Nữ Oa, Hằng Nga và có cả chú Cuội. Từ đó, mặt trăng không còn là nơi hoang vắng nữa!
Theo các nhà khảo cổ học thì lễ cúng Tam Quang ở Việt Nam đã có từ thời xa xưa. Hình ảnh mặt trời đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Trên mái ngói các đình, đền, trên các phù điêu, các bức chạm khắc trong không gian thờ cúng hiện nay vẫn còn lưu giữ biểu tượng “Lưỡng long chầu nguyệt”, tức là biểu tượng 2 con rồng chầu mặt trăng. Biểu tượng đó cũng nói lên ý thức tôn thờ mặt trăng của người Việt cổ.
Theo văn bia chùa Đọi khắc năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước. Đến đời Lê, Trịnh, Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa. Đến thời Quang Trung thì nhà vua còn có sáng kiến bổ sung thêm vào các trò chơi giải trí đêm trung thu bằng việc tổ chức hát trống quân. Nhà vua cho binh sĩ đóng giả gái, hát đối đáp với nhau theo nhịp trống để binh sĩ đỡ nhớ nhà, yên tâm đánh giặc. Do vậy nên trò hát này được gọi tên là hát trống quân.
Từ lâu, song song với với cỗ cúng gia tiên vào đêm rằm tháng Tám, nhà nhà đều có cỗ cúng Tết Trung thu. Mục đích của cỗ cúng trung thu, ngoài việc cúng trăng, cúng gia tiên, còn là để tập hợp con cháu quây quần lại cho đông vui, để sau khi cúng xong thì mọi người cùng liên hoan “phá cỗ”.
Cỗ cúng gia tiên trong Tết Trung thu thường có xôi nếp mới, màu trắng, bày trên đĩa, hoặc trên quả sơn, hình tròn. Những đĩa cốm ngào mật, màu vàng cũng được sắp xếp theo hình tròn ở trên mâm. Một con gà luộc cũng màu vàng nghệ. Còn mâm cúng trung thu thì gồm bánh nướng, bánh dẻo, các loại quả mùa thu. Bánh nướng có vỏ bánh làm bằng bột, nhân đỗ xanh, hành mỡ, thịt nạc hoặc lạp xường. Để có vỏ bánh màu vàng khắm, người thợ nướng bánh phải nướng hai lần. Lần thứ nhất nướng cho bánh chín, da bánh trở màu vàng. Lần thứ hai, người thợ phết lòng đỏ trứng gà vào vỏ bánh, nướng lại một lần nữa cho bánh có da vàng tươi đẹp như mặt trăng rằm. Còn bánh dẻo thì làm bằng bột nếp rang, xay mịn, ngào với nước đường trắng đun sôi, thắng đặc, sau đó đem đóng khuôn. Nói tóm lại cỗ cúng trung thu, người ta thường chọn lễ vật gồm các màu sắc vàng, trắng, đỏ, sau đó đóng khuôn và bày lên mâm theo dạng hình tròn để tượng trưng cho mặt trăng.
Hoa quả cũng vậy. Hoa quả cúng Tết Trung thu, tất nhiên là hoa quả mùa thu, bưởi màu vàng, hình tròn, thị màu vàng, hình tròn, hồng màu đỏ, hình tròn và ngày nay người ta còn thêm các chùm nho, các loại hạt và quả nhỏ hơn (ý chừng như là để tượng trưng cho các vì sao chăng?).
Tết trung thu từ xưa đã được người Việt coi là lễ hội. Bên cạnh lễ cúng, còn có hội: Hội rước đèn, hội múa kỳ lân, múa sư tử, hội múa rồng…
Đêm trung thu cũng là đêm các cháu thiếu nhi mở hội rước đèn.
Đèn trung thu có rất nhiều loại: Đèn hình cầu, đèn hình ông sao, đèn kéo quân, đèn giây, đèn chum, đèn ô, đèn dù để thả bay lên trời… Trong lễ rước đèn trung thu, thiếu niên, nhi đồng, tay cầm đèn ông sao, chân bước theo nhịp trống, trống ếch, trống cà-rùng, trống con, trống đại… miệng hát bài “Tùng dinh dinh”. Trong lễ rước đèn các cháu nhỏ cũng đeo đủ các loại mặt nạ để mua vui: Mặt nạ người, mặt nạ quỷ, mặt nạ các loài vật như hươu, nai, thỏ, mặt nạ Tôn Ngộ Không, mặt nạ Trư Bát giới… Dưới ánh trăng vàng, đám rước trung thu bao giờ cũng rộn ràng, sôi động, sảng khoái, vui tươi. Lễ rước đèn trung thu mãi mãi là một kỷ niệm sâu đậm về tình yêu quê hương, đất nước, bầu bạn… khắc sâu trong tâm tưởng mọi người ngay từ tuổi hoa niên.
Tôi nhớ, những năm còn nhỏ tuổi, năm nào bọn thiếu nhi chúng tôi cũng tụ tập nhau ở đình làng để đi rước đèn trung thu và tất cả đều mong chờ thư trung thu của Bác Hồ.
Cứ mỗi Tết Trung thu đến, chúng tôi lại tự tay mình làm nên những đèn ông sao, tự tay mình trèo lên cây, hái bưởi, hái thị để bày lên mâm cỗ. Trong tâm hồn thơ bé của chúng tôi ngày ấy, luôn có nỗi mong chờ những bài thơ, những bức thư chúc tết trung thu của Bác Hồ do các vị huynh trưởng mang đến.
Những bức thư của Bác Hồ gửi chúc Tết Trung thu thiếu niên nhi đồng cả nước từ dạo ấy ngỡ như còn vang vọng đến hôm nay:
“Các cháu vui thay!
Bác cũng vui thay !
Thu sau so với thu này, vui hơn!”