Quanh chuyện lì xì

Mừng tuổi (hay còn gọi là lì xì) đã trở thành truyền thống với nét đẹp văn hoá của người Việt. Những tờ tiền mới cứng bỏ trong phong bao màu đỏ với ý nghĩa mang lại may mắn, bình an cho người già và trẻ nhỏ. Tôi vẫn không bao giờ quên ký ức những Tết xưa, ngay sau tiếng pháo giao thừa, bên bếp than hồng nổ tí tách, ông nội tôi gọi các cháu lại, mỉm cười phát cho mỗi đứa một phong bao đỏ, xoa đầu từng đứa và dành cho mỗi đứa một lời chúc thật ý nghĩa. Sau đó, bố mẹ tôi và các chú cũng cung kính mừng tuổi lại ông bà, chúc ông bà sống vui, sống khoẻ… Những ngày Tết, khách đến chơi nhà, những phong bao đỏ được người lớn rút ra, mừng tuổi cho những đứa trẻ. Tôi háo hức với những phong bao đỏ đầu năm mà người lớn lì xì, số tiền trong phong bao đỏ đó được mẹ bỏ vào con lợn đất tiết kiệm. Có khi dùng để mua sách vở, có khi được dùng để mua quần áo mới và cũng có khi dùng để tặng lại những hoàn cảnh khó khăn…

Trưởng thành, những cái Tết lần lượt qua đi, “đến lượt” tôi lì xì cho những đứa trẻ. Vẫn quan niệm cũ, số tiền không quan trọng, cái chính là tình cảm và sự yêu thương mà mình dành cho con trẻ. Thế nên, giá trị những phong bao lì xì cũng chỉ ở mức vừa phải. Nhưng, một “sự cố” khiến tôi lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Năm ngoái, về quê ăn Tết, ngày đầu năm, trẻ con trong xóm đến chơi khá đông, gồm 15 đứa. Tôi vào phòng, bỏ vào phong bao đỏ, mỗi phong bao 1 tờ 20.000 đồng mới cứng, “dì mừng tuổi cho các cháu nhé”. Lũ trẻ reo lên khi nhận những phong bao: “Thích quá, cảm ơn dì”. Thế nhưng, ngay sau khi xé vội phong bao, lôi ra tờ tiền 20.000 đồng, có đứa ném toẹt phong bao xuống đất, dúi tiền vào tay người lớn đi cùng, mặt lộ vẻ thất vọng. Người lớn vội dắt con trẻ ra về, ra khỏi cổng tôi vẫn nghe thấy họ kháo nhau “Dân thành phố mà mừng tuổi có 20 nghìn đồng. Chả bõ”. Tôi điếng người. Nguyên Tết năm đó, tôi chẳng dám đi đâu vì sợ cái “nạn” mừng tuổi. Mừng nhiều thì không có tiền, mừng ít thì nghe những lời bỉ bôi…

Và cũng trong Tết ấy, theo thường lệ, sau lễ cúng giao thừa, tôi đưa phong bao mừng tuổi cho các cháu trong gia đình. Mỗi cháu 200.000 đồng, còn bố mẹ, ông bà mỗi người 500.000 đồng. Và rồi đến lượt cô em dâu, không cần phong bao, nó rút ngay xấp tiền mệnh giá 500.000 đồng còn nguyên sê-ri phát cho mỗi cháu 2 tờ, còn người lớn có mặt 4 tờ. Những đứa trẻ “ồ” lên thích thú kèm câu hò dô “mự út năm-bờ-oăn, gấp 5 lần bác cả nhá”. Tôi cười trừ nhưng chồng tôi thì thể hiện thái độ không hài lòng ra mặt.

Giờ đây, lì xì không còn là tục mừng tuổi đầu năm mới nữa mà đã bị biến tướng với nhiều mục đích khác nhau. Đó là cơ hội để người ta trả ân nghĩa cho những nơi mình đã nhờ vả; là dịp để biếu xén cấp trên, là nơi để người ta thể hiện đẳng cấp, khoe mẽ sự giàu có, chứng tỏ mình “có tiền”. Và vô hình chung, lì xì là quà trẻ con mà trở thành “món nợ” của người lớn…

Một phong tục đẹp, một nét văn hoá đầu Xuân đã bị biến tướng do những quan điểm lệch lạc của người lớn, khiến con trẻ cũng không biết đến ý nghĩa của tiền mừng tuổi mà chỉ quan tâm đến tờ tiền với mệnh giá mà chúng nhận được, tỏ rõ thái độ hân hoan hay thất vọng mỗi khi mở phong bao. Thế nên, tôi vẫn luôn cố gắng dạy con mình về ý nghĩa của tục lì xì, biết trân trọng những phong bao đỏ mà người lớn mừng tuổi, không được bóc, mở phong bao ở chỗ đông người, không so bì ít nhiều, không để ý chuyện ai mừng tuổi mình nhiều hay ít… Thế nên, dẫu đã 6 tuổi, học lớp 1 nhưng cô nàng rất hí hửng mỗi khi được nhận phong bao đỏ, và nhất định chỉ nhận tiền mừng tuổi của người lớn khi được bỏ trong phong bao. Những phong bao đó, được cất giữ cẩn thận trong chiếc hộp giấy xinh xắn, đến ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết mới đem ra đếm xem đã nhận được bao nhiêu phong bao màu đỏ chứ không phải là nhận được bao nhiêu tiền lì xì trong dịp Tết. Nhiều người bảo con bé “tồ”, nhưng tôi nghĩ khác, tôi chỉ muốn con mình giữ được sự trong sáng, hồn nhiên ấy và chỉ mong: lì xì- một phong tục đẹp không trở thành hủ tục…


Bài: Tuệ Anh
Ảnh minh họa: Tư liệu