Tại hội nghị điển hình “nuôi con khỏe dạy… chồng ngoan” của chi hội phụ nữ thôn nọ, một người vợ thuộc tầng lớp xuất sắc liên thông được cử tọa trịnh trọng mời lên báo cáo kinh nghiệm thuần hóa… chồng. Sau vài hồi dạo đầu văn thơ lai láng chị tiết lộ bí quyết cải tạo ông xã như sau: “Thưa chị em thân mến, chồng là một khái niệm vật chất tồn tại độc lập khách quan, bản chất của chồng là đứng núi này trông núi nọ, bởi vậy việc cải tạo những gã đàn ông đa tình ấy không chỉ là bổn phận mà còn là một nghệ thuật. Ngoài 11 bí quyết đã phổ biến những hội nghị trước, hôm may tôi chính thức khẳng định, để thuần hóa đám đàn ông hoang dã trở thành những chú thú cưng không cách gì hiệu quả hơn là tăng cường hình phạt”. Khi dưới hội trường bắt đầu vài tiếng xì xầm, chị ta chốt hạ: “Chị em khoan vội cười, cứ mạnh dạn làm theo tôi, hãy nên nhớ hình phạt nặng nhất là cấm vận đường tình ái. Vâng đúng rồi, lúc người chồng của bạn phạm một lỗi lầm thì hãy buộc anh ta ngủ riêng 1 tuần! Đó là hình phạt dã man nhất nhưng cũng nhân văn nhất”. Cả hội trường vỗ tay chan chát, chỉ duy nhất bà cô hàng xóm quá lứa ngặt nghẽo cười. “Sao cô lại cười?” – chị dạy chồng xuất sắc ướm hỏi. “Dạ, em cũng chả giấu gì bác, mỗi lần bác cấm vận anh nhà thì anh ấy lại qua bên em ngủ. Bác phạt nguội bao nhiêu thì bên em thưởng nóng bấy nhiêu. Bác chả phát hiện ra là dạo này anh nhà rất đều đặn phạm lỗi à?”.
Thưa bạn đọc, tất nhiên đấy là chuyện phiếm. Nó nằm trong cái mớ ngụ ngôn đường phố dành cho đám thợ nhậu gây cười nơi những cuộc trà dư tửu hậu.
Phạt là hình thức xử lý đối với những người có hành vi vi phạm. Tùy từng trường hợp, động cơ mục đích và mức độ vi phạm để có hình thức phương pháp và mức độ xử phạt khác nhau. Phạt không chỉ đơn thuần là trừng trị mà quan trọng là giáo dục, ngăn ngừa người vi phạm và cả cộng đồng.
Ấy vậy mà ngẫm lại câu chuyện phiếm vừa kể trên thấy cũng hay hay. Té ra đôi khi nói phạt mà lại không phải là phạt. Nói phạt nhưng thực chất lại là thưởng. Nói phạt nhưng lại là một trò đùa. Có trường hợp chữ phạt còn nguyên đúc hình hài của một sự mỉa mai. Phạt là công cụ răn đe để bảo vệ lẽ phải ấy vậy mà có lúc cũng chính chữ phạt đầy đanh thép ấy lại sổ toẹt vào lẽ phải. Ví dụ thì nhan nhản ra đó. Năm ngoái cơ quan thị giác của hàng chục triệu người đã phải chứng kiến một công trình đồ sộ của một vị công bộc cũng rất đồ sộ, xây ngang nhiên trên đất nông nghiệp. Không chỉ có tòa ngang dãy dọc, không chỉ có vườn treo hay bể bơi, không chỉ có cây cổ thụ hay hòn non bộ mà còn có cả cầu dây văng! Quy mô thì khỏi phải hỏi! Thanh tra vào cuộc, báo chí tới tấp lên bài, mạng xã hội xối xả cập nhật và chia sẻ… và cuối cùng cái thuật ngữ thân quen và dí dỏm nhất của hành chính vẫn được đóng triện “Phạt cho tồn tại”. Thế là xong, thế là hết, à không thế là ngon! Được phạt, may mà được phạt! Người ta mà không phạt thì có phải thành quả bao nhiêu năm chắt chiu từng chuyến xe ôm đổ sông đổ biển à! Thiên hạ đồn rằng phải “chạy” tướt bơ mấy chục vòng mới kiếm được cái quyết định xử phạt nghiêm minh nhất quả đất ấy nhé. Không nghi ngờ gì nữa, đây chắc chắn là một trong những quyết định xử phạt đau đớn nhất lịch sử hành chính. Đau hơn hoạn, đau gấp trăm ngàn lần hoạn, chỉ có điều nỗi đau ấy không thuộc về kẻ vi phạm mà thôi.
Nói đến phạt thì có lẽ không ai làm giỏi hơn các vị trọng tài bóng đá. Nếu tôi quan sát không nhầm thì hình như họ điều khiển trận đấu chỉ bằng tiếng còi. Cứ sau mỗi âm thanh “toét” được cất lên là một hình phạt được ghi vào nhật ký trận đấu. Nhẹ thì cho đối phương hưởng quả đá, nặng hơn tý nữa thì rút cái thẻ vàng phạt cảnh cáo và nếu cầu thủ nào không may tái phạm thì chỉ việc rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu! Thế thôi. Thẻ đỏ dùng được nhiều lần mà! Lan man sang bóng đá lại nhớ cách đây mấy ngày có một câu chuyện về chữ phạt thật 100% mà cứ như đùa. Vòng 22 V-League 2018 trọng tài Trần Văn Lập điều khiển trận đấu giữa Becamex Bình Dương và Than Quảng Ninh. Ông vua áo đen đã rút hai thẻ vàng cảnh cáo một cầu thủ nhưng ông lại quên mất cái phép cộng hiển nhiên là hai thẻ vàng bằng một thẻ đỏ! Sự việc vỡ lỡ khi chính cầu thủ này kiến tạo ghi bàn. Ngớ người nhớ ra, ông trọng tài chỉ còn cách chữa cháy bằng một cú “phạt nguội” và bác bỏ bàn thắng. Theo thông tin mới nhất thì trong nhà ông trọng tài Trần Văn Lập vừa phải đóng thêm một cái đinh dùng để… treo còi! Ơ hay, treo còi là đúng rồi. Chỉ mỗi cái nghề đi phạt mà còn phạt sai, mà đã phạt sai thì phải chịu phạt lại! Thế mới công bằng chứ. Chỉ tiếc cái nguyên tắc tưởng chừng như sơ đẳng ấy, hay nói đúng hơn là cái phạm vi áp dụng nguyên tắc ấy chỉ mới thấy trong bóng đá. Nhìn sang bên “sân” hành chính thì chao ôi, chuyện phạt một thẻ vàng chứ 10 thẻ vàng vẫn cứ cho cầu thủ tiếp tục “đá” là quá bình thường, thậm chí còn được cho lên tuyến trên đá tiền đạo mới kinh!
Trên thế giới có lẽ không tồn tại một nhà nước nào nói không với xử phạt. Thậm chí một đất nước văn minh như Singapore còn lấy phạt làm “vũ khí” thì với chúng ta khi cán bộ văn hóa tự giác còn quá xa xỉ thì phạt tất nhiên đáng được ưu tiên lên hàng đầu. Tuy nhiên vấn đề là người ta phạt ra phạt, phạt cho nhớ, phạt cho sợ, phạt cho không còn tái phạm. Người bị xử phạt sẽ trở thành tuyên truyền viên cho cơ quan quản lý. Hình thức xử phạt cũng đa dạng và thấm thía lắm, có cả phạt lao động công ích, thậm chí phạt tù!
Đằng này mình phạt không hẳn làm người ta sợ, chưa nói đến có khi phạt còn làm cho một số bộ phận nhạy cảm của người ta… hưng phấn! Một công ty thao túng thị trường cứng khoán kiếm trăm tỷ… phạt 20 triệu! Cách đây chưa lâu, lực lượng Công an phát hiện bắt 1 vụ vận chuyển 1.212 kg sản phẩm động vật (gồm lòng, dạ dày lợn và gà) không rõ nguồn gốc. Trị giá lô hàng này khoảng 300 triệu đồng. Đối tượng vận chuyển bị phạt hành chính 5 triệu đồng!!! Tôi cũng hiểu được đôi chút về cái gọi là xử phạt, nhưng thú thật tôi không tài nào giải thích được phạt như thế thì phạt để làm gì? Chả nhẽ câu nói “phạt để gãi ngứa” là có thật?
Người ta từng tráo nhau về những quy định về xử phạt không dành cho người yếu bóng vía: Ngực lép đi xe máy bị phạt, đọc trộm tin nhắn của chồng trên điện thoại bị phạt, thậm chí cô giáo dạy thêm cũng bị phạt! Một lần tác giả bài viết này thong dong trên đường tình cờ thấy trên bờ rào nhà nọ ghi “Cấm đái bậy, bắt được phạt 200 ngàn và tịch thu tang vật”. Biết là dí dỏm nhưng rõ là nó có tác dụng tuyên truyền vì dễ… nhớ! Hình như người ta quan tâm hình phạt bổ sung kia hơn, suy cho cùng thì cái hình phạt “tịch thu tang vật” với “phạt dạy thêm” cũng có khác gì nhau đâu, chỉ là nói cho vui thôi mà!
Trong tuần qua có hai cái quyết định xử phạt gây bão mạng, một anh công nhân ở Cần Thơ ra quầy đổi 100 đô la ra tiền Việt bị phạt 90 triệu đồng và một người phụ nữ ném chiếc dép dưới chân của mình về phía đại biểu trong cuộc tiếp xúc cử bị phạt 750 ngàn! 2 con người, 2 không gian, 2 hành vi, 2 mục đích, 2 thái độ rất khác nhau. Họ đều bị xử phạt, tất nhiên rồi.
Vấn đề cư dân mạng “xốn xang” là mức phạt. May đây là quyết định xử phạt hành chính chứ nếu như đang trong một trò chơi truyền hình nào đó thì số tiền phạt của anh công nhân sẽ đủ để ném 120 chiếc dép! Ồ, pháp luật là pháp luật, pháp luật không là trò chơi, đừng nghịch dại! Phạt đấy!