Ông già Noel, hiển nhiên, là một nhân vật không có thật. Dù vậy, trong tất cả các nhân vật cổ tích và huyễn tưởng mà nhiều thế hệ trẻ em từng biết đến, có lẽ đây lại là nhân vật “thật” nhất.
Thực vậy, ở nhiều nước, ông già Noel thậm chí còn có địa chỉ để trẻ em viết thư (Bắc Cực!) và bưu điện có nhận gửi thư đi hẳn hoi. Mặc dù không biết những bức thư ấy có thực sự được chuyển đến Bắc Cực hay không nhưng lời hồi đáp của ông già Noel thì luôn đúng hẹn thông qua những món quà. Hình như có nơi ông già Noel còn có cả số điện thoại.
Nhưng rồi như bao nhân vật cổ tích khác, phép màu của ông già Noel rồi cũng sẽ phải đến lúc mất đi sự nhiệm kỳ của mình. Đó là khi lũ trẻ nhận ra ông già Noel mà chúng vẫn tin là một ông già mập mạp với bộ râu dài trắng xoá, mặc bộ đồ đỏ cưỡi chiếc xe tuần lộc chui vào nhà qua đường ống khói chẳng phải ai xa lạ ngoài bố mẹ mình. Hiển nhiên những bức thư đáng lẽ phải được gửi đến Bắc Cực cho lũ gấu bằng một cách nào đó lại được đọc bởi các ông bố bà mẹ. Và rồi tuỳ thuộc vào tính khả thi của điều ước được viết trong thư, đôi khi cũng còn phải xem xét khả năng tài chính của gia đình, món quà mà đứa trẻ mong ước sẽ xuất hiện dưới chân cây thông Noel vào đúng đêm Giáng sinh. Đôi khi phép màu của ông già Noel biến mất vì những sự cố tai nạn trong lúc “đi giao” quà: Một đứa trẻ hiếu kỳ thay vì đi ngủ thì thức canh đến lúc ông già Noel xuất hiện. Đoán xem nó nhìn thấy gì? Rõ ràng là chẳng có ông già nào chui ra từ ống khói gì sất (nếu có thì chắc chắn đó là một tên trộm và hắn ta chẳng những không tặng quà mà còn cuỗm đi một cơ số thứ trong nhà). Đứa trẻ sẽ thấy bố mẹ mình rón rén đặt món quà dưới chân cây thông rồi sáng hôm sau giả vờ ngạc nhiên như một người bị bệnh mất trí nhớ.
Chắc chắn đứa trẻ nào cũng từng trải qua cái cảm giác khi giấc mộng tuổi thơ vỡ bóc như bong bóng xà phòng, bằng chứng là tôi chưa từng nghe qua có người trưởng thành nào vẫn còn tin rằng ông già Noel có thật. Có lẽ đó là một trong số những “nỗi buồn” chúng ta phải nếm trải để lớn lên. Để trong nháy là vì tâm tình buồn vui của mỗi người mỗi khác, tuỳ thuộc vào sự chênh lệch giữa mộng tưởng và hiện thực. Sự hụt hẫng ấy có thể chỉ thoáng qua nhẹ bẫng nhưng cũng rất có thể sẽ nặng trĩu lên tim ta những vết hằn qua nhiều tháng năm. Bởi mỗi chúng ta đều có một “ông già Noel” mà ta từng tin và tha thiết muốn tin. Không nhất thiết phải là ông già Noel râu trắng áo đỏ cưỡi tuần lộc đi giao quà mà có thể là một người bố hay một người mẹ mẫu mực tuyệt vời. Có những mộng tưởng không tan vỡ khi ta còn thơ bé mà theo ta đi mãi đến nhiều năm về sau khi đã già dặn đi, khi đến lượt chính ta đi gieo mộng tưởng cho những đứa con của mình.
Thật lâu về sau khi phát hiện ra ông già Noel không có thật, nếu được lựa chọn lại có lẽ ta vẫn sẽ muốn tin tưởng vào phép màu nhiệm kỳ đó. Làm sao có thể sống vui mà không ôm trong mình những niềm tin đẹp đẽ? Bởi khi ta tin vào những ước mơ, chính là đang cho những ước mơ động lực để trở thành sự thật.