Ông Hòa day day đôi mắt trong suốt cuộc trò chuyện. Mấy năm nay, mắt ông cứ mờ dần, và giờ thì dù ngày hay đêm, trước mắt ông cũng chỉ là màn sương mù mịt. Người con trai thứ 3 trong 4 người con kéo lê đôi chân về phía bàn, ú ớ ra hiệu muốn uống nước. Đứa cháu đích tôn đã 12 tuổi, nằm co quắp trên giường như trẻ lên 5, đầu ngoẹo nhìn về những vị khách xa lạ đến thăm nhà. Đằng sau cánh cửa được khóa bằng mấy vòng xích, ông Hòa bảo, nhốt 2 đứa con gái trong đó. “Chúng bị tâm thần” – ông Hòa nói.
Đôi khi những gì để lại sau chiến tranh còn đáng sợ hơn tất thảy điều nó đã cướp đi trong trận chiến. Cũng như hàng vạn “gia đình da cam” khác, nhà ông Hòa là hộ nghèo của xã. Bữa cơm thường trực là rau chấm xúp, nước luộc vắt chanh, bát lạc dầm nước mắm. Biết làm sao được, 9 miệng ăn chỉ trông chờ vào chế độ nạn nhân chất độc da cam, người vợ tần tảo chạy chợ cũng chẳng được là bao. “Nhưng chỉ cha con được hưởng thôi, còn mấy đứa cháu thì không” – ông Hòa “nói cụ thể để nhà báo biết”. Ông tin rằng, chất độc da cam đã để lại di chứng đến đời thứ 3 và thậm chí có thể là đời thứ 4, thứ 5. Dẫu vậy, đó chỉ là niềm tin cá nhân, còn về mặt chính sách, cháu của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học không thuộc các trường hợp được hưởng chế độ ưu đãi.
Trên cả nước, có hàng triệu nạn nhân da cam như gia đình ông Hòa. Ở Nghệ An, hơn 3 vạn người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường bị phơi nhiễm chất độc hóa học; 14.486 nạn nhân, trong đó có hơn 9.500 người là nạn nhân trực tiếp, hơn 4.900 người là nạn nhân gián tiếp. Đi tìm “tư cách da cam” cho thế hệ cháu, chắt vẫn còn là câu chuyện dài. Ông Hòa – sau vài lần lên xã hỏi chính sách cho mấy đứa cháu và đều nhận được câu trả lời là “không” – thì đã lâu chẳng nghĩ tới điều đó nữa. Ông nghĩ về điều khác. Ông tự trách mình.
Trong vô vàn phút giây ngồi lặng lẽ bên chiếc bàn khập khiễng, trong tiếng gào thét vô nghĩa của 2 đứa con gái, giữa căn nhà lúc nào cũng bốc mùi xú uế vì những đứa con, đứa cháu không tự chủ được hành vi, ông Hòa đã nghĩ về rất nhiều điều “giá như”: Giá như tôi không lấy vợ thì bà ấy đỡ khổ! Giá như tôi không sinh ra chúng nó thì đời nó làm gì khổ thế này! Giá như không đi hỏi vợ cho thằng đầu, ai ngờ đâu di truyền đến đời cháu!
Song, chưa một lần người đàn ông ấy đặt giả thiết khác đi rằng, giá như không tham gia chiến trận, giá như không đi qua những cánh rừng trơ trụi ấy, giá như đã không hơn một lần cúi người vục nước uống ừng ực ở những dòng sông đục ngầu và nồng nặc mùi hóa chất ấy… Ông biết rằng, nếu thời gian quay ngược lại, ông vẫn sẽ lựa chọn như vậy. Giữa lúc Tổ quốc lâm nguy, giữa lằn ranh mỏng manh của sự sống và cái chết, ông và đồng đội sẽ chỉ tiến lên.
Chiếc radio nhỏ đang phát chương trình thời sự. Tháng 8, giữa nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, báo chí còn dành thời lượng tuyên truyền về Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam 10/8. Ông Hòa vặn to nút âm lượng. Ông tập trung nghe kỹ câu chuyện của bà Trần Tố Nga – một người phụ nữ Pháp gốc Việt, sinh năm 1942, từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Bà đã sống và làm việc trong những năm chiến tranh ở nhiều vùng bị ảnh hưởng nặng bởi chất độc da cam như Củ Chi, Bình Long… Con của bà, 1 người tử vong từ bé vì bệnh tim tứ chứng Fallot bẩm sinh và một người mắc bệnh thiếu máu tán huyết di truyền alpha thalassemia. Bản thân bà mắc nhiều bệnh hiểm nghèo song chưa từng nao núng trong hơn 10 năm bền bỉ trên hành trình đệ đơn kiện 14 công ty hóa chất đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Bà nói: Tôi kiện vì tôi là người Việt Nam. Tôi kiện không cho tôi mà tôi kiện cho tất cả những nạn nhân da cam của Việt Nam. Tôi tin vào công lý và chân lý.
Ông Hòa xúc động khi nghe điều đó. Một niềm tin tưởng chừng đã mơ hồ dường như sống lại trong ông…
Hình ảnh minh họa: Tư liệu