Hồi xưa, cứ đến đầu tháng Tám âm lịch thì đã bắt đầu rộn ràng cái không khí của Trung thu rồi. Quê tôi gọi là Tết Trung thu. Giống như người Tày coi Rằm tháng Bảy cũng là Tết vậy. Họ gọi là Tết rằm tháng Bảy. Cái thời nhà nào cũng nghèo, cả làng cả xã cả huyện nghèo, nên cũng chả thấy mình nghèo nữa.
Anh em chúng tôi luôn tự làm đèn. Vót lấy 10 cái que tre để đan thành lồng đèn ông sao 5 cánh. Giấy thì để dành suốt từ… Trung thu năm ngoái. Thích nhất là giấy bóng kính gói oản. Nó vừa mỏng, không có hoạ tiết, lại còn màu sắc sặc sỡ. Nhưng chẳng mấy khi có oản mà ăn nên cũng chẳng mấy khi có đủ giấy bóng kính mà dán đèn. Loại giấy thứ hai được ưu tiên là giấy pơ-luya, mỏng tang mỏng dính. Thường thì giấy pơ-luya mẹ xin rồi mang về cho, cũng hiếm. Tuy đều có in chữ cả rồi nhưng vẫn quý. Cuối cùng thì là giấy báo, giấy vở học sinh… Có gì dùng nấy. Dán đèn xong thì lấy cái lọ penicilin làm đèn, nhồi bông vào, đổ dầu hoả vào, làm cái bấc với sợi dây treo toòng teng trong đèn. Buộc thêm cái gậy nữa. Vậy là có cái đèn rồi. Cứ trước Tết vài ba ngày thì xong, đốt thử một hai buổi tối còn thì để dành đế đúng đêm Rằm mới đốt.
Nhà tôi tít trong chân núi, nghe lũ trẻ hàng xóm bắt đầu gõ mấy cái trống con con thì thắp đèn đi ra. Sau lưng tôi là con chó. Lúc nào nó cũng được phép lẽo đẽo theo tôi đi rước đèn. Rước vòng quanh làng, đến khi đèn hết dầu thì quay về phá cỗ. Cũng có đêm gió to, thổi ào ào, đèn trên tay trẻ con bốc cháy đùng đùng. Cứ gọi là khóc như ri.
Cỗ thì thế nào cũng có bánh nướng bánh dẻo, hoa quả hái trong vườn. Mỗi nhà góp một thức, người lớn trẻ con trải chiếu giữa sân, túm tụm phá cỗ. Dù là thời nghèo đói thật nhưng không hiểu sao tôi không hề nhớ cái vị bánh nướng bánh dẻo lúc ấy thế nào. Cũng có thể vì nó bé quá, chia năm sẻ bảy nên bỏ tọt một cái vào miệng là hết, chưa kịp ngẫm nghĩ xem hương vị thế nào. Trong khi tôi lại nhớ vị bưởi. Nhà tôi không có bưởi, mà bưởi hàng xóm. Quả bưởi bằng cái bát tô đựng canh, gọt ra thì háo hức lắm, ăn chua chua, he he. Trời ạ, cái cảm giác he he trong miệng khó chịu vô cùng. Uống nước hay đánh răng, ngậm một cục đường phên hay làm bất kì cách nào nó vẫn he. Bà lão hàng xóm nhà tôi bảo đấy là tại con dâu bà lúc mới đẻ đã ngồi cho con bú dưới gốc bưởi.
Giờ thì quanh năm, lúc nào thích ăn bánh nướng bánh dẻo đều có chỗ bán. Còn muốn ăn bưởi he thì nói như mẹ tôi là bói cũng không ra quả nào ở khắp các chợ. Bao nhiêu của ngon vật lạ, nhưng Trung thu lại cứ đi vắng ở đâu ấy. Cái quan trọng nhất là càng ở những thành phố sầm uất thì người ta càng chẳng nhìn thấy mặt trăng đâu cả, trong khi thực tế thì mặt trăng vẫn ở trên bầu trời và vẫn miệt mài quay quanh trái đất của chúng ta…
Ảnh minh họa: Hải Vương – Tư liệu