Ai đó từng nói “Cuộc đời là những chuyến đi” và trong tuần qua thì những chuyến đi đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng.
Đầu tiên phải kể đến là hành trình 200 km bằng xe đạp của một “người đàn ông 13 tuổi” để gặp bạn gái. Đấy là câu chuyện của bé T.M.T. (sinh năm 2009, trú tại phường 15, quận Tân Bình) đạp xe từ TP. HCM xuống Cần Thơ. Câu chuyện không chỉ tốn giấy mực của báo chí mà còn tạo nên một cơn “sốt” nho nhỏ trên cộng đồng mạng. Người ta ngạc nhiên và cả thán phục bởi “ý chí quật cường” của một cậu bé tuổi 13. Người ta cũng ái ngại bởi sự liều lĩnh và hồn nhiên đến mức nguy hiểm. Người ta giật mình bởi trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cả xã hội trong việc giáo dục và quản lý con trẻ. Mới đây trên kênh YouTube Lê Thân Thiện, bé T. lần đầu kể về chuyến phiêu lưu bất ngờ. Theo lời bé T., khoảng 17h30 chiều ngày 3/5, em xin mẹ đạp xe đi chơi như mọi ngày. Cậu bé đạp một mạch từ TP.HCM xuống Long An. Khi tới đầu Quốc lộ 1, một vài người dân phát hiện thấy cậu bé đạp xe một mình nên lo lắng, trình báo công an. Bé T. sau đó được đưa về trụ sở công an phường tá túc. Nhưng không dừng lại ở đó mặc dù “bị bắt” mặc dù gia đình đến đón nhưng cậu bé vẫn tiếp tục trốn để tiếp tục hành trình về Cần Thơ. Chủ nhân của chuyến đi đầy phiêu lưu này chia sẻ: “Con coi bản đồ trước rồi chạy, đem theo một bộ đồ phòng trong người. Con nhớ quãng đường Long An trời mưa bị ngập, con dắt xe hết chỗ ngập rồi chạy tiếp. Xe bị bể bánh, đêm đó con ngủ ở ghế đá, tới 2 giờ sáng đi kiếm chỗ vá “. Điều làm cho mọi người tỏ ra thích thú là cậu bé đã rất “cáo” khi vào các tiệm “Thế giới di động” lấy điện thoại mô hình đăng nhập Zalo để kết nối với “bạn gái”. Nói thật, riêng “quả ranh” này thì người lớn cũng chưa chắc đã nghĩ ra!
Ơn giời là cậu bé đã về nhà an toàn. Quả là một chuyến đi đáng nhớ. Một kỷ niệm chắc sẽ còn gắn trong tâm trí cậu bé nhiều năm. Một lời cảnh tỉnh với các bậc phụ huỵnh trong việc quản lý và giáo dục con cái trong độ tuổi “nổi loạn”.
Trong tuần còn một chuyến đi khác đó là chuyến đi của anh Chu Đức Thắng (SN 1985), trú thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình với hành trình từ TP.HCM về Quảng Bình. Sau 15 ngày bộ hành, vượt qua quãng đường khoảng 800 km, anh được lực lượng CSGT địa phương giúp đỡ, hỗ trợ vé xe để về quê nhà Quảng Bình.
Được biết đây là người đàn ông làm thuê đủ thứ nghề suốt 20 năm qua nhưng không đủ tiền nên đã phải dùng chính đôi chân của mình để làm… “phương tiện giao thông”. Anh Thắng tâm sự: “Mình cứ đi bộ, khi thì ngủ cây xăng, khi thì hiên nhà dân, gặp đâu nghỉ đó, sáng dậy lại đi. Nhiều người họ thương nên họ cũng cho tiền, đồ ăn nhưng mình quyết định đi bộ nên không nhận tiền. Ra đến Quảng Ngãi có mấy anh công an hỏi thăm, xin số điện thoại mẹ mình rồi bắt xe cho về”.
Quả là xã hội còn quá nhiều điều đáng trăn trở. Trong lúc ai đó dành cho cuộc nhậu 42 triệu thì cũng có những người buộc lòng phải đi bộ hàng ngàn cây số để về quê. Chuyến đi của họ có thể thiếu nhiều thứ nhưng chắc chắn không thiếu nghị lực. Họ để lại sự thán phục và thương cảm nhiều hơn là trách cứ. Tất nhiên đây không phải là “Đi trong mùa hè” của rapper Đen Vâu, ca khúc cũng đang đốt nóng cộng đồng mạng.
Như chúng ta đã biết, sau khi phát hành thì “Đi trong mùa hè” đã gây tranh cãi ở phần ca từ khi có những câu: “Đối thủ cũng như là người tình, bám theo mình theo cách đầy vấn vương/ Nhưng người tình thì mong cho mình khỏe, còn đối thủ thì muốn mình chấn thương”. Hoặc sự có mặt của những cụm từ như “giáo mác cung tên”, “đóng quân”. Nói như nhà thơ Nguyễn Phong Việt thì: “Có thể do Đen đã chủ quan, không lường trước được những góc nhìn tiêu cực mà ca từ mang lại. Đây là sự cố rất đáng tiếc với một người được xem là luôn cẩn trọng với ca từ như Đen”,
Đen là người của công chúng, tác phẩm âm nhạc của anh có ảnh hưởng rất nhiều đến khán giả, nhất là khán giả trẻ. Chuyến “Đi trong mùa hè” lần này của anh quả thực là đã không còn suôn sẻ như “Trốn tìm” hay “Mang tiền về cho mẹ”.
Một tuần trôi qua thật nhanh, nỗi niềm để lại thật nhiều. Dù đi bộ như anh Thắng, đi bằng xe đạp như cậu bé tuổi 13 hay “đi” bằng âm nhạc như Đen Vâu thì đều đã chạm đến những trái tim đầy nhạy cảm của cộng đồng mạng. Nhắc lại không phải để nhớ hay quên mà là để nhận diện cho mình những bài học, bài học về những chuyến đi.
Bài: An Khánh
Ảnh minh họa: Tư liệu