Ngụy

NGỤY

Sáng cuối tuần, người viết bài này đang hàn huyên cùng nhóm bạn đồng niên thì bỗng một trong số những gã dán mắt vào điện thoại ré cười rồi buông thõng một câu: “Đúng là bọn ngụy quân ngụy… quà”. Chúng tôi tất nhiên chuyển chủ đề quan tâm về câu chuyện có vẻ nóng sốt ấy. Chủ nhân của tiếng cười ré giải thích: “Người ta tặng quà cho học sinh giỏi bằng một cái thùng cát tông đựng mỗi tờ giấy “mù chữ”, không ngụy quà thì ngụy chi?”. Cả nhóm tôi bó tay với kiểu bẻ chữ của anh, nhưng cũng không ai buông bỏ câu chuyện.

Mày mò tìm hiểu mới biết ngụy là một từ gốc Hán. Trong tiếng Việt thì “ngụy” có nhiều nghĩa và tùy thuộc vào văn cảnh và từ ghép với nó. Nghĩa thường dùng là để chỉ sự vật, sự việc mang tính giả tạo, như trong từ ngụy trang, ngụy tạo. Trong lịch sử, từ “ngụy” được dùng để chỉ sự bất hợp pháp, không chính thống, không được công nhận, như là trong từ ngụy triều, ngụy binh, ngụy quân, ngụy quyền.

Còn nhớ trong một lần được may mắn hầu chuyện thầy giáo cũ bên bàn trà, cụ thân mật hỏi tôi: “Con sợ nhất là loại người nào?”. Không hề do dự, tôi lập tức trả lời: “Kẻ tiểu nhân”. Nghe xong, vị giáo già thân yêu của tôi nở một nụ cười hiền lành, ân cần tiếp cho tôi một chút trà nóng rồi nói: “Thực ra kẻ tiểu nhân không đáng sợ bằng bọn ngụy quân tử”. Rồi ông giảng giải, đại ý: Ngụy quân tử là những kẻ quân tử giả mạo, bề ngoài ra vẻ rất chính nhân, quân tử, sẵn sàng “đại nghĩa diệt thân” nhưng sự thật bên trong lại tự tư – tự lợi, bạc nghĩa, sẵn sàng làm chuyện đê hèn, ác độc nhất cốt sao có ích cho bản thân mình, đây là những kẻ dối trá, quỷ quyệt, khó lường, vì nhìn bề ngoài không phát hiện ra, còn nguy hiểm hơn nhiều nếu so với kẻ tiểu nhân.

Trở lại với câu chuyện quà tặng và tiếng cười ré của anh bạn cà phê. Phải nói trên đời này tồn tại những thứ không có giới hạn và sự hài hước hình như là một trong số đó. Vừa buồn cười lại vừa hoang mang, vừa bất ngờ lại vừa tức giận, nói ngu ngốc thì không nỡ mà nói dại dột thì lại hơi nương miệng, nó có xứng đáng gọi là “ngụy quà” thì xin để bạn đọc luận xét, chỉ có điều cái thùng to kềnh càng đựng tờ giấy A4 của Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy (Hà Nội) dùng làm công cụ tôn vinh học sinh giỏi năm 2019 “đã đi vào lịch sử khen thưởng nước nhà như một bản hài ca chua chát nhất”. Nhìn cái thùng quà quái dị lại cứ muốn đặt câu hỏi rằng họ đã dùng thứ cảm xúc gì để tạo ra nó?

Còn nhớ, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nọ, một cặp bánh chưng, bánh dày khổng lồ nặng 1 tấn từ TP. Hồ Chí Minh đã được trịnh trọng chuyển cả ngàn cây số ra tận đền Hùng (Phú Thọ). Chiếc bánh được những người giàu đạo nghĩa cung kính dùng làm vật phẩm dâng lên Quốc Tổ Hùng Vương. Cả nước nghiêng mình hướng về nguồn cội, nơi lần đầu tiên có lễ vật cao quý mà độc đáo. Sau lễ, ban tổ chức tiến hành nghi thức cắt bánh, với mong muốn chia đều cho khách hành hương hưởng lộc Tổ. Chả phải nói mọi người chờ đợi và hào hứng với giây phút quan trọng đó như thế nào. Ai cũng muốn một chút lộc Tổ, để là thưởng thức cái bánh lập kỷ lục vô địch thế giới lại vừa hưởng cái ân huệ bề trên ngay tại nơi hồn thiêng sông núi. Ấy thế mà, khi người của ban tổ chức đụng dao “hạ giải” chiếc bánh có kích thước khổng lồ ấy thì than ôi, nó chỉ được phủ lớp “bánh” bên ngoài còn ruột trong được làm bằng… xốp!

Trước sự ngỡ ngàng, thất vọng và phẫn nộ của dư luận, đơn vị cung tiến là Công viên ĐS (TP. Hồ Chí Minh) sau đó lý giải chiếc bánh được công bố nặng 1 tấn là tính cả khung sắt làm đế. Còn lõi xốp là phần tạo hình (nói cho dễ hình dung là sắt và xốp đóng vai trò làm… cốt pha). Ai mà không cảm thấy bị xúc phạm? Một cú đánh màu hình ảnh cho mục đích thương mại. Cũng may, sau lần tổn thương đó, những chiếc bánh chưng khổng lồ, những chiếc bánh dày vô địch thế giới hay những chai rượu ngàn lít không nằm trong danh mục hào hứng của dư luận nữa. Ban tổ chức cũng đã mạnh dạn lắc đầu với kiểu trình diễn phô trương này. Ngạn ngữ có câu “Người làm sao của chiêm bao làm vậy”, những kẻ trống rỗng lại thích tạo nên những thứ trống rỗng để đánh lòe thiên hạ. Cũng may hồi ấy không gặp phải anh bạn đồng niên của tôi chứ biết đâu vị chủ nhân của cái bánh chưng nhân xốp ấy lại bị gọi là ngụy thành tâm!

Mấy ngày nay trên mạng đang lan truyền một cái sơ đồ minh họa cơ cấu tổ chức của bộ máy lãnh đạo tỉnh nọ. Một bộ máy công quyền nhưng lại có cấu trúc, nội dung, hình thức y như một cây… gia phả dòng họ. Trên cùng vị anh cả, rồi các lớp tiếp theo là em trai, em gái, vợ, rồi lớp tiếp nữa là em rể, em dâu, cháu ruột… Chuyện gia đình hóa bộ máy chắc cũng không quá hiếm ở địa phương. Tuy nhiên, điều làm dư luận dậy sóng là vị “tộc trưởng” ấy trải lòng rằng ông rất buồn vì người nhà bị cất nhắc lên làm lãnh đạo! Buồn thật hay buồn giả? Cắn rứt thật hay ngụy cắn rứt? Chưa hết, lại vẫn chính vị “tộc trưởng” này trong vụ gian lận điểm đang chấn động dư luận. Thật đen đủi và tàn nhẫn khi cô con gái rượu của ông lại bị người ta cố tình nâng điểm! Ông khẳng định rằng không biết, không quan tâm và tất nhiên lần này “cơ quan phát ngôn” tái sử dụng cụm từ quen thuộc ấy: “Tôi rất buồn”! “Với cá nhân tôi thì dư luận phán xử xong rồi”! Ơ, xong rồi à? Xong rồi thì với quyền năng, trách nhiệm và uy tín “tộc trưởng”, ông tiếp tục chỉ đạo rốt ráo để lấy lại công bằng cho học sinh đi chứ! Tử tế hay ngụy tử tế bà con biết tỏng. Nói chuyện này lại nhớ lời một cán bộ vừa phát biểu: Nhẽ ra giá điện phải tăng nữa nhưng vì thương dân nên tăng ngần ấy thôi. Khiếp, tử tế chết đi được!

Trên các trang báo đã bắt đầu công khai hé lộ những thông tin đầu tiên về “giá sàn” của một suất điểm, với con số tiền tỷ! Lạ thật, sự việc đã đến nước này rồi, danh tính “ngụy công bộc” dường như đã được lôi tuột… lên mạng. Toàn con cái của những bậc anh hào, vậy mà trong số ấy chưa thấy một ai lên tiếng nhận trách nhiệm. Tất cả đều đang im thin thít, thỉnh thoảng đơn ca điệp khúc thần sầu “không biết, không can thiệp, không quan tâm”. Một không khí ảm đạm hiếm gặp, một cảm giác ngụy tử tế bình thản lạ lùng. Cơ quan điều tra đã bước vào giai đoạn 2, hy vọng mọi chuyện sẽ được bóc tách và vạch trần. Một vị đứng đầu ngành giáo dục tỉnh nọ đã được gọi tên với “sản lượng” thu hoạch mùa này là “8 suất”. Lời khai của hạ cấp đã làm ông không kìm giữ được phong thái điềm đạm vốn có của một nhà giáo. Ông mạt sát: “Đồ bố lếu, bố láo”. Nghe nói còn 1 tháng nữa là ông về hưu. Câu chuyện “bố lếu, bố láo” mà ông chưa kịp kể đang được người ta dở sang chương khác. Mong ông kiệm lời và cố gắng quản thúc cảm xúc của mình, chuyện đâu còn có đó, cây ngay bóng tròn, sợ gì. Là thầy giáo trong tình huống này thì càng ngụy biện lại càng… ngụy sư phạm!  Học sinh giỏi nhận chiếc hộp phần thưởng trống rỗng trong lúc mỗi suất chạy điểm bình quân 1 tỷ đồng, cầu mong nó chỉ là tin đồn. Trộm vía, nếu có thật thì mới đúng là… ngụy quà!

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Triều Nguyễn

    🤣😍😃😂😭😁😢😓
    Nhiều cung bậc cảm xúc.