Người Việt đang thiếu…flow

NGƯỜI VIỆT ĐANG THIẾU... FLOW

Tôi tập yoga 3 ngày trong tuần với một nhóm phụ nữ. Tôi thường nhắc nhở khi họ nói chuyện ồn ào hay sử dụng điện thoại trong lớp. Tôi bảo như vậy là không tôn trọng giáo viên và mọi người xung quanh. Có lẽ vì vậy mà họ không thích tôi cho lắm.

“Ông Tây này không biết thông cảm, mình có công việc phải làm mà!”.

Tôi thực sự có thể thấy những vấn đề lớn hơn như: tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tham nhũng… đều bắt nguồn từ những hành động vô ý thức nhỏ nhặt hằng ngày này.

Đến những buổi “comedy club” – câu lạc bộ hài độc thoại – một môi trường cực kỳ hoang dã. Nó ồn ào, sặc mùi thuốc lá và rượu bia, mọi người ở đây đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau, nói nhiều thứ tiếng, mặc nhiều kiểu quần áo phong phú, đầy màu sắc, các nền văn hóa được hòa quyện rất hài hòa.

Họ thường cười lớn, nói chuyện tự do và đôi khi có phần hơi tục, họ không ngồi một chỗ mà đi lung tung kết bạn.

Nếu bạn chưa bao giờ đến những nơi như vậy, có thể bạn sẽ nghĩ: “Làm sao người ta có thể đứng trên sân khấu mà diễn được trong đám ồn ào này? Trông họ như một đàn sư tử, không chắc là ai có thể thuần hóa được họ.”

Nhưng khi comedian – diễn viên hài độc thoại – bước ra, tất cả mọi người im lặng, hướng mắt lên sân khấu, tập trung xem rất lịch sự và đàng hoàng. Không ai kiểm tra tin nhắn điện thoại hay nói chuyện riêng. Cho dù tay comedian này diễn tệ cỡ nào, họ vẫn sẽ ngồi đó đến hết chương trình. Họ tôn trọng người ngồi trên sân khấu và ủng hộ nghệ thuật của comedian đó.

Tôi có một lý thuyết cá nhân thế này, khi bạn làm ra một thứ gì đó, một bài viết hay diễn hài; bạn bỏ ra bao nhiêu sự tập trung của bạn vào sản phẩm, thì bạn sẽ lấy lại được bấy nhiêu sự tập trung chú ý của khán giả.

Hãy xem âm nhạc, nó cũng thế. Tôi nghĩ nhạc sĩ không thực sự viết nên bản nhạc đó. Mà là vì họ có một sự tập trung rất cao, rất sâu, để rồi họ “nghe” thấy bài hát đó và ghi chép lại. Những tần số tồn tại sẵn trong tự nhiên, người nghệ sĩ là người có thể “cảm” được chúng, cho đến khi nào họ thấy thỏa mãn với những gì mình tìm được và rồi có thể trình bày chúng cho những người khác thưởng thức.

Khả năng tập trung rất quan trọng. Vì càng tập trung cao thì càng tăng tính hiệu quả công việc. Tôi không nghĩ là con người có giới hạn nào về mức độ tập trung.

Tác giả Steven Kotler viết rằng, khi chúng ta tập trung cao độ, bộ não sẽ tiết ra nhiều loại hóc môn giúp tăng năng suất làm việc lên đến 500%. Kotler được coi là một chuyên gia hàng đầu thế giới về hiệu suất con người tối thượng.

Ông cho rằng khi mình tập trung cao độ, thời khắc này tiếng Anh gọi là flow – dòng chảy – nó đặc biệt ở chỗ có thể thay đổi cách hoạt động của não bộ.

Tôi thấy flow trong mọi thứ. Như ở Nhật Bản, những khu vườn zen – khu vườn phong cách thiền – được thiết kế rất đẹp, người ta sẽ muốn nán lại lâu hơn, tập trung chiêm ngưỡng chúng. Nghệ nhân khu vườn càng bỏ bao nhiêu công sức bài trí, tỉa tót, thì người xem dừng chân lại càng lâu.

Nước Nhật biết làm thế nào để thiết kế một môi trường sống mượt mà hơn, người dân ở đây dễ dàng flow hằng ngày. Đây chính là thứ mà Việt Nam đang thiếu.

Tôi cho rằng, tất cả những vấn đề lớn trong xã hội Việt Nam có thể được giải quyết, nếu mỗi người đều cố gắng flow nhiều hơn mỗi ngày. Và quan trọng hơn hết, là không cản trở flow của người khác.

Tôi có thể chỉ ra một số ví dụ mà người Việt đang làm ảnh hưởng đến flow của người khác, có thể là cố tình hoặc họ không nhận thức được sự nguy hại của việc đó cho toàn xã hội Việt Nam.

Lúc tôi học yoga, người ta gọi điện thoại cho đối tác để bàn công chuyện, có lợi cho bản thân họ nhưng lại rất phiền cho những người khác trong lớp, không tập trung sâu được.

Hoặc người ta vượt đèn đỏ chỉ vì họ muốn lái xe nhanh hơn một chút, tốt cho việc gấp của họ. Mà phiền và nguy hiểm cho người khác đang lái xe, phá vỡ flow của người khác.

Lấn chiếm lòng lề đường để giữ xe, buôn bán… Một vỉa hè sạch và thoáng, không có xe máy leo lề, người đi bộ không cần phải lo sợ, vừa đi có thể vừa thoải mái suy nghĩ sâu hơn về những vấn đề cần flow.

Tôi đùa với bạn Yuki của tôi, một người Nhật:

“Nếu muốn đi bộ trên vỉa hè, suy nghĩ về điều gì, chắc phải bay qua Nhật.”

Em ấy sống ở Sài Gòn rất lâu rồi về nước. Sau 4 năm qua Việt Nam thăm tôi, tôi hỏi:

“Giờ Yuki sống ổn định ở Nhật rồi, thì theo em, sự khác biệt giữa Nhật và Việt Nam là gì?.”

“Em cũng không chắc nữa. Nhưng em nghĩ là quảng cáo. Gần như mỗi nhà đều có một cái biển quảng cáo, chỗ nào cũng có.”

Mục đích của chúng chỉ đơn giản là lấy cắp sự tập trung của người khác. Tôi sống ở Nhật một năm, thấy người Nhật trang trí con đường với nhiều bức tượng chạm khắc tinh xảo, vườn cây đẹp. Để làm được một bức tượng như vậy, nghệ nhân đã bỏ rất nhiều thời gian tập trung, người đi đường đôi khi dừng lại ngắm và cảm thấy vui vẻ. Các bức tượng ở đó là nghệ thuật. Người xem có thể cảm nhận tác phẩm theo cách mà họ nghĩ, giúp họ phát triển được chính khả năng tập trung của họ khi họ đứng ngắm chúng.

Trong lúc tôi viết bài này, hàng xóm kế bên đang hát karaoke nhậu nhẹt ầm ĩ, 12h khuya rồi… Họ thấy vui mà người khác thì không thể ngủ ngon.

Flow là cách tốt nhất để bạn sáng tạo. Có người từng hỏi tôi, tại sao thiên đường Việt Nam vẫn chưa thể chế tạo được một tên lửa lên Mặt Trăng, sao Hỏa? Đó là vì mỗi người chúng ta đang tự kìm hãm bản thân trong việc trở thành tấm gương tốt nhất cho chính mình, xã hội không đạt đến một mức độ flow đủ sâu. Từng bước một, flow cá nhân, flow nhóm và toàn xã hội cùng phát triển.

Ý kiến bạn đọc(5)

  1. Linon

    Đi họp cũng vậy, người họp bị phân tâm vì cái điện thoại rất nhiều

  2. Trương Công Sơn

    Bạn sẽ hiểu điều đó nếu bạn sống ở Việt nam thêm 30 năm nữa

  3. Hữu Vị

    WOW! Tác giả viết quá hay và quá trôi chảy.
    Flow là dòng chảy, và bài viết của tác giả cũng thật trôi chảy.
    Đến nổi có thể làm tôi Flow (Cuốn theo) bài viết của tác giả.
    Cảm ơn.

  4. Khờ An Khang

    Nó làm tôi tập trung vào từng câu chữ.
    Những vấn đề nói đến trong bài viết rất hay.
    Nhưng nghĩ lại thấy thật buồn. Hàng triệu hàng triệu người Việt Nam đang sống với thái độ không tốt lắm. Họ không nghĩ đến những cái xa với hơn là bản thân…

  5. Me Yêu

    Bài viết hay quá!
    Nhất là ngày nay người Việt càng biến chất và ích kỷ hơn nữa.
    Ngày nay nạn vượt đèn đỏ, nạn sử dụng loa kẹo kéo quá lớn càng phổ biến!
    Những người đó như những kẻ ngu ngốc chỉ biết đến mình và không nghĩ gì đến người khác.

Trả lời bình luận của Khờ An Khang (x)